Tạp chí Sông Hương - Số 248 (tháng 10)
Phê bình huyền thoại
08:54 | 10/11/2009
ĐẶNG TIẾNPhê bình huyền thoại(1) của Đào Ngọc Chương là một cuốn sách mỏng, in giới hạn, có lẽ chỉ nhắm vào một nhóm sinh viên, nhưng là sách cần yếu, mới mẻ.
Phê bình huyền thoại
Nhà phê bình Đặng Tiến - Ảnh: thotanhinhthuc.org

Tựa đề sách, ngắn gọn, không rõ nghĩa. Nhẽ ra nó phải là: phê bình văn học đi từ huyền thoại học, vừa báo hiệu được nội dung, vừa giúp cho người đọc vào hiệu sách nhìn qua cái bìa, là lãnh hội ngay vấn đề, mình có quan tâm hay không. Ngày nay, sách trong nước có những tiêu đề dài thòong, bất tiện khi trích dẫn, nhưng tiện cho độc giả.

Phê bình văn học dựa theo những “cổ mẫu”, archétype, thường thấy trong huyền thoại, truyện cổ, truyền thuyết, là một hướng đi mới của văn học, gọi tắt là “phê bình huyền thoại” theo thuật ngữ phương Tây: chữ mythocritique được nhà nghiên cứu Gilbert Durand sử dụng từ cuối thập niên 1970. Có lẽ ông dựa theo một tư trào trước đó, và song song, là phê bình tâm lý, psychocritique, dựa theo tâm lý và phân tâm học. Những trào lưu này có đóng góp nhất định, tạo nên giọng điệu mới lạ cho ngành phê bình văn học, thường được gọi chung là phê bình mới: nouvelle critique.

Tuy nhiên, người Pháp trung bình nhìn vào tiêu đề Mythocritique có thể đoán nghĩa, còn độc giả Việt Nam không chuyên, đọc vào bốn chữ Phê bình huyền thoại thì không đoán được chuyện gì, và trong Lời nói đầu tác giả cũng không giải thích. Dù rằng sách hướng vào những sinh viên có quan tâm đến lĩnh vực (tr. cuối, 205), tác giả cũng nên nghĩ đến những người đọc không có may mắn làm sinh viên (của mình).

Vậy nhược điểm cơ bản của cuốn sách là thiếu tính chất sư phạm, trong một quần chúng cần học hỏi. Việc đầu tiên là phảỉ giới thiệu đơn giản và minh bạch khái niệm huyền thoại theo quan điểm ngày nay trên thế giới. Ngay trang đầu Đào Ngọc Chương đã nhắc tới các định nghĩa trong Từ Điển Văn Học (Nxb Thế Giới, 2004), mục huyền thoại do Đỗ Đức Hiểu viết rất hay, nhưng ngắn ngủi, một trang, so với mục thần thoại đại cà sa, 7 trang. Trang viết của Đỗ Đức Hiểu cô đúc và chính xác, ông có đề cập đến ngành phê bình thần thoại học và ghi chú tiếng Pháp mythocritique, đối chiếu với phân tích huyền thoại học, mytho-analyse, điều mà Đào Ngọc Chương lẽ ra phải nhắc lại.

Tuy nhiên, nhìn chung thì Phê bình huyền thoại là sách nghiêm túc và cần thiết, gồm ba phần: định nghĩa huyền thoại, giới thiệu ngành phê bình huyền thoại, ứng dụng vào việc phân tích hai bài Chơi giữa mùa Trăng của Hàn Mạc Tử và một bài thơ Xuân Quỳnh... Sau đó là một phụ lục, 50 trang, phong phú, dịch tư liệu tiếng Anh, có ghi nguồn, không ghi tác giả. Phụ lục đưa ra nhiều kiến thức cơ bản với những ví dụ văn học cụ thể, giúp người đọc hiểu rõ phê bình huyền thoại là cái gì.

Đào Ngọc Chương dịch văn song suốt. Trước đây, anh có dịch từ tiếng Anh một sách nghiên cứu của Todovov (Pháp) về Bakhtin (Nga) cũng là một tư liệu cần thiết(2).

Cuối cùng, phần thư mục chứng tỏ hạn chế của tác giả về mặt tư liệu, trong việc xử lý một đề tài lớn lao và phức tạp.

Phê bình huyền thoại chuyên khảo của Đào Ngọc Chương là một đóng góp vào nền học thuật nước nhà. Đề tài quá rộng cho một bài điểm sách.

Tôi sẽ tìm dịp trở lại đề tài này(3).

Đ.T
(248/10-09)

------------
(1) Đào Ngọc Chương, Phê bình huyền thoại, 210 trang, in 500 cuốn, NXB Đại Học Quốc Gia, TP.HCM, 2008.
(2) Todorov, Nguyên lý đối thoại, 220 trang, in 500 cuốn, NXB ĐHQG, TP. HCM, 2004
(3) Để có dịp giới thiệu cuốn Người và huyền thoại, L’Homme et son mythe của Jacques Dournes, về huyền thoại dân tộc Jorai, Tây nguyênViệt Nam, nxb Aubier - Montaigne, 1968, Paris.
Sách nghiên cứu thực địa tận nguồn, chính xác, thông thái và hiện đại.







 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bến vạc (30/10/2009)