Mỗi khi nghe đám bạn cùng lớp khoe với nhau việc chúng được theo cha mẹ về quê nội, quê ngoại chơi, ăn giỗ, là nó lại cảm thấy buồn, thấy ganh tỵ và đôi chút tủi thân. Mỗi lần như thế, tan học nó thường chờ cho lũ bạn về hết rồi mới ra về. Nó đơn độc đi trên con đường làng chạy ngoằn ngoèo ven chân núi, vừa đi vừa ghếch mặt lên trời nhìn những đám mây với đủ hình thù và tưởng tượng đó là quê nội của mình. Nó tự nhủ mình cũng có quê nội, mà có khi quê nội của mình còn đẹp hơn quê nội của chúng nó ấy chứ! Và thế là nó thôi không còn cảm thấy buồn nữa…
Một hôm, nó mang bóng dáng quê nội mà nó tưởng tượng qua hình thù của những đám mây khoe với lũ bạn, nào ngờ thằng Tý bĩu môi: - “Mi là thằng con hoang. Mi làm chi có cha mà đòi có quê nội! Bày đặt!”. Lũ bạn ồ lên cười. Nó cứng họng. Hai tay nắm chặt lại, nó bặm môi định đưa tay đấm vào cái mặt vênh váo của thằng Tý, nhưng thằng Tý đã nhanh chân co cẳng bỏ chạy. Nó tủi thân, nước mắt ậc đầy mi, xộc xuống mũi cay xè. Nó chạy một mạch về nhà, lao vào giường úp mặt vào gối, bỏ cả cơm tối, ai hỏi gì cũng không nói. Ông ngoại nó dỗ dành: - “Cháu ngoan của ông, con trai ai lại khóc bao giờ. Mấy đứa bạn cháu làm sao mà biết quê nội của cháu được? Chúng nó đã bước chân ra khỏi cái làng đồi này đâu. Dậy ăn cơm đi cháu! Ngoan, học giỏi, chóng lớn để rồi còn dắt ông về thăm quê nội cháu chứ!”. Nó vùng dậy: - “Thật không ngoại?Ơ, mà sao ngoại biết?”.
Ông ngoại nó cười xòa:
- “Ơ hay! Ông già chừng này tuổi rồi, cái gì mà ông chẳng biết. Thôi, cháu đừng làm mẹ cháu buồn nữa!”. Nó dạ một tiếng và đi rửa mặt ăn cơm. Nó đâu có biết ông ngoại nó nén tiếng thở dài, còn bà ngoại nó đưa tay quyệt nước mắt: - “Tội nghiệp cháu tôi!”…
Đêm đó nó ngủ rất say, nhưng gần sáng nó tỉnh giấc vì quờ tay mà không thấy mẹ. Nó định cất tiếng gọi như mọi khi, nhưng chợt nghe tiếng mẹ nó thút thít và tiếng ông ngoại thở dài nên nó nằm im.
- “Nhưng nó có quyền được biết cha nó là ai chứ! Chị có thể giấu cha mẹ, nhưng chị không thể giấu nó mãi được. Nó có tội tình gì đâu! Rồi còn tương lai của nó nữa chứ! Chị không thương con chị à?” - Giọng ông ngoại có phần gay gắt.
- “Con xin cha! Cha thương con thì cha đừng gặng con nữa. Còn với cháu, để nó lớn chút nữa rồi con tính”. - Giọng mẹ nó ngàn ngạt.
- “Tùy chị. Chúng tôi cũng không thể sống với mẹ con chị cả đời được đâu”. - Giọng ngoại nó có phần dịu hơn…
Nó nằm im. Thì ra, lâu nay mỗi khi nó hỏi về cha, về quê nội của nó, mẹ nó đều nói rằng cha bận đi làm ăn xa, quê nội cũng rất xa nên mẹ nó chưa có điều kiện đưa nó về thăm ông bà nội được, là không đúng sự thật. Trí óc non nớt của nó bắt đầu lờ mờ hiểu rằng có lý do gì đó ghê gớm lắm nên cha mẹ nó không sống chung với nhau. Và cũng vì cha mẹ không sống chung với nhau nên nó không có quê nội… Bỗng dưng nó thấy hận cha nó dù nó chưa hề biết mặt mũi ông ta ra sao. Mẹ nó đẹp thế, hiền lành, giỏi giang là thế thì không thể là do mẹ được. Chắc chắn là do ông ta rồi! Sau đêm đó, nó thôi không hỏi mẹ về cha nó nữa, và nó cũng không đem hình bóng quê nội mà nó tưởng tượng để kể, để khoe nữa. Tuy nhiên, trong sâu thẳm nó vẫn mong, trong tưởng tượng nó vẫn vẽ hình bóng quê nội nó từ hình thù của những đám mây màu cánh vạc phía trời xa kia.
Năm nó lên 8 tuổi, mẹ nó dắt nó vào thành phố kiếm việc làm. Nhờ một người quen tốt bụng, thương hoàn cảnh mẹ con nó nên mẹ nó kiếm được một chân làm công nhân của Xí nghiệp giày da xuất khẩu, còn nó cũng được tiếp tục đi học. Ban đầu nó thấy thích thú với những khu phố nhà cao tầng, ban ngày xe cộ nhộn nhịp còn ban đêm ánh đèn điện lung linh, đủ sắc màu. Nhưng dần dần nó thấy nhớ ông bà ngoại, nhớ cái làng đồi nghèo nơi nó được sinh ra, nhớ thằng Tý, thằng Tân, nhớ cái Lan, cái Huyền, nhớ tiếng lộc cộc gõ trên đường đất sỏi của những đàn bò, đàn trâu mỗi khi chúng kéo nhau về chuồng, nhớ những đàn cò trắng chao liệng trên cánh đồng làng, nhớ những đám mây màu cánh vạc với đủ hình thù mỗi chiều… Nó gom tất cả nỗi nhớ đó giấu kỹ trong lòng làm tài sản riêng và chỉ riêng nó mới có được. Mà đúng thế thật! Lũ bạn mới ở thành phố của nó làm sao mà biết được các hình thù của những đám mây màu cánh vạc đẹp và ngộ nghĩnh đến thế nào! Làm sao mà chúng ngửi được mùi thơm nồng của rơm rạ sau mỗi mùa gặt! Làm sao mà chúng có những tàu lá chuối để che đầu đi học khi trời nắng! Làm sao chúng có được những buổi chiều tà rủ nhau chui vào ruộng, bẻ trộm mía của hợp tác xã rồi cùng nhau vắt vẻo trên những cây lộc vừng vừa ăn, vừa nhả bã xuống con hói chảy róc rách phía dưới chân…
Nó là một đứa trẻ nhạy cảm. Hoàn cảnh riêng của nó làm cho nó trở thành một đứa trẻ ít nói, nhưng ngoan và học giỏi. Nó rất giỏi môn văn, đặc biệt là những bài văn tả cảnh quê hương, tả về những người thân yêu… nó luôn được cô giáo chấm điểm chín và đọc mẫu cho các bạn cùng lớp nghe. Tuy thế, không bao giờ nó khoe với mẹ về những bài văn ấy. Bởi vì, cảnh quê mà nó tả trong bài văn là quê ngoại nó nhưng nó lại viết là: “Quê nội em là một làng đồi miền trung du, dưới chân đồi là con đường đất sỏi chạy ngoằn ngoèo, cách con đường là một con hói nhỏ với rất nhiều cây lộc vừng và bên kia con hói là cánh đồng làng với những ruộng mía ngút ngàn, chiều chiều…”, hoặc: “Ông nội em rất hiền, hiền như ông tiên với mái tóc bạc phơ và chòm râu dài. Ông nội em thường hay kể chuyện cổ tích, đọc Kiều, ngâm Kiều cho em nghe. Mỗi khi em khóc vì bị lũ bạn trêu chọc, ông thường dỗ dành em…”. Nó sợ mẹ nó buồn. Nó thương mẹ nó vì nó mà vất vả. Nó thường khấp khởi mừng thầm khi thỉnh thoảng thấy có một vài người đàn ông đến nhà thăm mẹ con nó. Nó mong mẹ nó có một người đàn ông để nó được cất tiếng gọi “Cha”, cho dù là cha dượng. Nhưng mẹ nó từ chối tất cả những lời cầu hôn của những người đàn ông đàng hoàng, tốt bụng kia. Có lần nó đánh bạo hỏi, nhưng mẹ nó chỉ trả lời: “Lớn lên con sẽ hiểu!”
Tốt nghiệp đại học sư phạm với tấm bằng ưu, nó được giữ lại trường. Ba năm sau nó lấy vợ, cũng là một cô giáo dạy văn ở một trường chuyên có tiếng của thành phố. Hai vợ chồng nó đẻ liền một mạch ba đứa, hai trai một gái. Khi mới có thai đứa con trai út, vợ nó khăng khăng nhất quyết đòi đi kế hoạch, thuyết phục vợ không được, nó bật khóc và thổ lộ: - “Em à! Nếu thương anh, yêu anh thì em đẻ thêm cho anh đứa con này nữa đi. Cuộc đời anh cô đơn vì anh chỉ có một mình rồi. Anh muốn thằng Bờm có thêm một đứa em nữa cho có anh có em, sau này con cái chúng nó có chú, có bác, có cô, có quê nội, quê ngoại đàng hoàng… Anh van em đó, Liên à!”. Hai vợ chồng nó ôm nhau khóc. Thế là thằng cu Tũn chào đời. Cuộc sống vất vả hơn khi gia đình có thêm một thành viên bé tẹo, nhưng nó hạnh phúc, nó mãn nguyện. Mỗi lần nhìn nó hít hà, cưng nựng mấy đứa con là vợ nó lại rưng rưng nước mắt. Vợ nó hiểu, phàm là con người thì ai cũng khát khao tiền tài, danh vọng, giàu sang và quyền lực, còn nó, nó chỉ khát khao huyết thống, cội nguồn. Hiểu thế và quá thương chồng, nên nhiều lần, nhân lúc nó đi làm vắng, vợ nó tỉ tê với mẹ chồng để thăm dò gốc tích, cội nguồn của nó, nhưng mẹ chồng nó không hé răng nửa lời. Bà chỉ nói: - “Nếu con thương thằng Hân thì đừng bao giờ hỏi mẹ về điều đó nữa. Mẹ ngàn lần cảm ơn con vì con đã sinh cho thằng Hân những đứa con khỏe mạnh, xinh xắn như thiên thần và cho mẹ được sống cảnh gia đình bà cháu đầm ấm trong những năm qua. Thằng Hân nó đã xem quê ngoại là quê nội của nó rồi. Vậy nên con đừng đào bới quá khứ lên nữa, được không con?”. Vợ nó chỉ còn biết nghẹn ngào dạ vâng, không dám hỏi thêm một lần nào nữa…
Nó bây giờ đã là người đàn ông ở tuổi “Thất thập cổ lai hy”, mái tóc đã ngã màu muối tiêu, con cháu đề huề. Cách đây mười năm, sau cơn bạo bệnh mẹ nó cũng đã về với ông bà ngoại, mang theo điều bí mật về cha nó, về quê nội nó xuống suối vàng. Phút hấp hối, bà chỉ nói với vợ chồng nó một câu “Các con hãy tha lỗi cho mẹ!” rồi nhẹ nhàng ra đi. Nó khóc gào lên thảm thiết làm cho những người đến tiễn đưa bà không ai cầm được nước mắt. Những giọt nước mắt đàn ông của nó như lưỡi dao sắc lạnh cứa vào lòng vợ nó. Không ai hiểu chồng bằng vợ. Hơn ai hết, bà Liên hiểu tiếng gào khóc kia thể hiện nỗi niềm tuyệt vọng của chồng, khi trong giây phút cuối cùng, bà cụ vẫn không hé răng về nguồn gốc của ông. Ma chay cho mẹ xong, nó như già đi gần chục tuổi. Vốn đã là người ít nói, nay lại càng trầm ngâm hơn. Nó nhớ mẹ. Sau ngày mẹ mất, cảm giác đơn độc ngày thơ dại khi một mình đi trên con đường làng gập gềnh sỏi đá trỗi dậy trong lòng nó. Một hôm, khi các con đi học, vợ đi làm vắng, nó ngồi lần giở những kỷ vật mà mẹ nó để lại. Bất ngờ, một phong thư dán kín đã ố vàng rơi ra từ cuốn sổ màu đen. Nó nhặt lên và ngỡ ngàng khi thấy dòng chữ “Viết cho Hân, con trai yêu dấu của mẹ”. Nó ngồi phịch xuống ghế, tay run run và ngực đập thình thịch. Một lát, nó vội vàng xé phong thư. Nét chữ nghiêng nghiêng, đều tăm tắp của mẹ nó:
“Hân con!
Hôm nay là ngày con trai đầu lòng của con chào đời. - Ôi, thế là mẹ viết cho mình cách đây hơn ba mươi năm rồi?! Nó đọc tiếp:
Thế là con đã làm cha và mẹ đã lên chức bà nội. Mẹ hạnh phúc lắm con ạ, nhưng đồng thời vết thương lòng ngày xưa của mẹ, như ảnh hưởng của đợt thời tiết chuyển mùa, bỗng đau nhói. Ngày con chào đời, bên cạnh mẹ chỉ có bà ngoại và dì Út. Còn con, như biết được phận mình, không hề khóc một tiếng mà đưa mắt nhìn quanh như dò hỏi, như tìm kiếm…
Con trai của mẹ! Con có biết không, ngày con chưa thành hình, cha con đã chối bỏ giọt máu của mình. Mẹ tìm về quê của ông ấy với hy vọng cha mẹ ông ấy sẽ cưu mang mẹ vì mẹ đang mang dòng máu của họ trong người. Nhưng họ đã phỉ báng mẹ là đồ đĩ thỏa và thẳng thừng đuổi mẹ ra khỏi nhà. Mẹ tuyệt vọng định tìm đến cái chết, nhưng mẹ không nỡ phụ công sinh thành, dưỡng dục của ông bà ngoại con. Bạn bè mẹ khuyên mẹ đến bệnh viện, nhưng mẹ cũng không thể làm thế, bởi vì con là kết tinh tình yêu của mẹ. Mẹ về quê ngoại con, quỳ xuống xin ông bà tha thứ và cho phép mẹ được sinh con. Ông bà ngoại con đau lắm nhưng cố nén lòng và động viên mẹ bằng câu nói dân gian: “Cá nhà ai vào ao ta là cá của ta con ạ”. Mẹ như vợi bớt nỗi đau và kể từ hôm đó mẹ đã tâm nguyện rằng người đàn ông bội bạc kia và dòng họ của ông ta không hề tồn tại trong cuộc đời mẹ con mình…
Con trai! Những bài văn thưở đi học của con mẹ đều đọc hết dù con cố tình giấu mẹ. Mẹ biết, trong con vẫn luôn cháy bỏng niềm khát khao về gốc gác, về quê nội con. Cũng chính vì thế mà mẹ từ chối tất cả những lời cầu hôn của những người đàn ông, dù đêm đêm nỗi niềm của một người đàn bà đang độ xuân thì luôn hành hạ mẹ. Bởi vì mẹ sợ. Mẹ sợ, nếu mẹ lấy chồng con sẽ có em và các em con sẽ có quê nội, sẽ có ông bà nội. Và như thế thì con sẽ bị tổn thương. Nếu con bị tổn thương thì mẹ càng có lỗi với con hơn. Mẹ muốn tất cả tình yêu, sức lực và cuộc đời của mẹ, mẹ chỉ dành cho con, duy nhất cho con mà thôi, con trai ạ. Con đã làm cha. Rồi con sẽ hiểu và tha thứ cho mẹ!”.
- “Trời ơi! Mẹ ơi!” - Nó gục đầu, nước mắt rưng rưng. Một lúc sau, chợt tỉnh. Nó chống gối đứng dậy, bước tới bàn thờ, đốt ba cây hương vái mẹ, miệng thì thầm: - “Xin mẹ tha thứ cho con. Bao năm qua con hưởng thụ tình yêu bao la của mẹ mà không hề hay biết. Con đã làm mẹ đau lòng rồi mẹ ơi!”…
Làn khói nhang mờ ảo, phiêu linh. Nó như nhìn thấy mẹ nó mỉm cười trong ảnh và như nghe tiếng mẹ nó nhẹ thoảng qua: - “Không đâu, con trai yêu của mẹ à!”.
Từ khi có chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly» trên ti vi, ông Hân không hề bỏ buổi nào. Và mỗi lần nhìn cảnh đoàn viên của những gia đình khi họ tìm lại được người thân, tìm được quê hương ruột thịt, ông đều xúc động rơi nước mắt. Càng mừng cho hạnh phúc của họ bao nhiêu thì ông Hân càng thương cho mẹ và thương mình bấy nhiêu. Nhiều lần ông tự hỏi, liệu người đàn ông lẽ ra ông được gọi là “Cha” đó còn sống hay đã chết? Nếu còn sống, không biết ở đâu đó, ông ta có xem chương trình này không nhỉ? Và có bao giờ trong chuỗi đời đằng đẵng của mình, ông ta nhớ rằng ngày xưa ông ta đã chối bỏ một giọt máu của mình, để rồi giọt máu ấy bây giờ đã là một người đàn ông tóc hoa râm vẫn hằng khát khao nỗi niềm cội nguồn, quê hương?! Ông Hân thở dài, cuộc đời con người sao lắm trái ngang! Người có cội nguồn, có quê hương bản quán thì đành đoạn bỏ ra đi không một ngày trở lại. Còn những người không biết quê hương ruột thịt mình ở đâu, như ông, thì vẫn đau đáu một nỗi niềm khát khao cho đến tận lúc trở về với cát bụi. Ông Hân nghẹn ngào, nước mắt lăn dài trên má.
- “Nội ơi, sao nội lại khóc?”. Đứa cháu nội đang ngồi trong lòng ông, chợt ngẩng đầu lên hỏi.
- “Khi nào lớn lên cháu sẽ hiểu!”. - Ông Hân giật mình: - “Ơ, mà sao mình trả lời cháu giống mẹ ngày xưa trả lời mình thế nhỉ?!”
Huế, tháng 2.2009 L.C (248/10-09)
|