Tạp chí Sông Hương - Số 129 (tháng 11)
Thương nhớ bạn tôi
10:29 | 09/11/2009
Đàm quỲnh NgỌcChiều nay, tôi nhận được điện khẩn của Tâm, bức điện vỏn vẹn chỉ có dòng chữ: “Thứ bảy tới, tao đi Hoa Kỳ, mày tới gấp”. Tôi không ngạc nhiên khi biết Tâm đi Hoa Kỳ, với nó, đi nước ngoài đã trở thành bình thường như các bà đi chợ. Tôi chỉ ngạc nhiên khi Tâm đã điện khẩn cho tôi, điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ có.
Thương nhớ bạn tôi
Minh họa: Ngô Lan Hương

Tôi, đứa bạn thân với Tâm từ thuở còn ấu thơ, cùng tuổi, cùng xóm làng, cùng lớp học cho đến hết cấp ba trường huyện, rồi thi đại học, mỗi đứa một ước nguyện khác nhau. Tâm vào trường kinh tế. Tôi vào trường Tổng hợp khoa văn, và chúng tôi xa nhau từ đấy, không có thời gian cặp kè cùng đi học như hồi còn ở nhà. Những ngày ở thủ đô, tôi rất biết hoàn cảnh và thân phận của mình, nên không đua đòi ăn diện, chỉ lo chăm chỉ học hành, mong tới ngày ra trường, có công ăn việc làm, không muốn mình là gánh nặng cho người khác. Ước mơ của tôi chỉ đơn giản và cỏn con như thế, nên cũng thực hiện được với chức danh là phóng viên của một tờ báo ở tỉnh lẻ. Rồi tôi lấy vợ, sinh con, cần mẫn với nghề nghiệp, chăm chút cho tổ ấm của mình, tằn tiện từng đồng bạc lẻ, mong góp phần báo hiếu cho cha mẹ già ở quê. Với tôi, cuộc đời thế cũng là tạm được. Gia đình tôi yên ổn với ước mơ nho nhỏ của mình.

Rồi không khí gia đình tôi bắt đầu lay động khi có sự xuất hiện đột ngột của Tâm. Đã mười năm xa cách rồi còn gì, kể từ ngày hai đứa tốt nghiệp đại học và ra trường. Tâm hồ hởi phấn khởi đến với chúng tôi bằng chiếc ô tô riêng đời mới và cậu lái xe bóng bẩy bước vào nhà tôi: “Mày ở khu tập thể à?” “Vâng” “Đi xe đạp?” “Vâng”, “Mày vẫn chưa có nồi cơm điện, tủ lạnh?”. Tôi hơi khó chịu vì cách hỏi của Tâm hơi hanh hách, cái cách hỏi của kẻ lắm tiền, nhưng tôi vẫn trả lời: “Thì cả khu tập thể này đã mấy người có tủ lạnh”. Tâm cười tung tóe: “Thôi, đừng giấu nghèo nữa lão Khốt à, tối nay đừng nấu cơm, tao mời cả gia đình mày cùng đi ăn nhà hàng, mấy thứ lặt vặt mày còn thiếu, tao tặng”

Tôi còn chần chừ trước lời mời của Tâm thì Thảo, vợ tôi, đỡ lời:

- Bạn thân nhau đã lâu như thế, anh nhận lời anh Tâm đi.

Tôi quay sang vợ, Thảo nhìn Tâm với sự ngưỡng mộ long lanh trong đôi mắt. Tâm béo hẳn ra, bụng đã bắt đầu phì, mặt đầy đặn bóng bẩy, đôi tay tròn trịa. Khác hẳn với Tâm nhỏ bé của mười năm trước.

- Bây giờ cậu làm việc gì? Tôi hỏi.

Tâm trả lời nhiều, nhưng đại ý như sau: Khi ra trường, Tâm có đi làm ở một công ty kinh tế của nhà nước. Công ty có vẻ lớn, với hình thức bên ngoài hào nhoáng và sang trọng, nhưng bộ ruột bên trong thì rỗng tuếch, thu nhập của cán bộ công nhân viên bèo bọt. Tâm chán nản, bởi Tâm đã xuất hiện tham vọng về kinh tế, kể từ những ngày ra thủ đô ăn học: phải là ông chủ, nhà triệu phú... Tâm liền xin ra ngoài làm chân chạy hàng cho một công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh hàng điện tử, nội thất, nguyên vật liệu xây dựng... Tâm là người có đầu óc kinh tế, nắm bắt thời cuộc nhanh, nên được lòng ông chủ trong thời kỳ đang ăn nên làm ra. Thế là Tâm trở thành con rể, chồng của đứa con gái duy nhất của ông chủ, được phân chia tài sản làm ăn riêng.

Nghiễm nhiên, Tâm cũng trở thành ông chủ có quyền thế.

- Mày làm ông chủ được mấy năm rồi?

Tâm bấm đốt ngón tay:

- Sáu... à, bảy, bảy năm rồi.

- Thế bà ấy đâu, không thấy mày đưa về quê lần nào?

Tâm cười váng:

- Bà ấy ở Hà Nội, đưa đi làm gì, như bị quản thúc ấy, mình đi đâu một mình còn tung tăng được chứ.

Tôi cũng cười, nhưng không hiểu sao cười mà trong lòng lại bực dọc không rõ nguyên nhân.

- Thế lần này mày về quê làm gì mà còn nhớ đến tao?

- Cũng lâu lắm rồi tao mới về quê thắp hương cho ông bà, hỏi thăm biết mày giờ là nhà báo phải không? Thế cũng được, chỉ có điều mày sống tuềnh toàng quá. Tao thì lu bù vì công việc, cũng đủ thu chi cho nhu cầu của mình.

Tâm nói lại cười, tiếng cười to nhưng nhạt để lấy uy, thế mà vợ tôi cũng cười theo được. Tôi nhăn mặt:

- Tối nay, tao mời mày và chú lái xe ăn cơm, có gì ăn nấy, tao không đi nhà hàng đâu, không quen.

Tâm gạt phắt:

- Mày vẫn chập cheng như hồi còn đi học, sống phải thiết thực với chứ, lúc nào cũng cơm cà rau muống mới là người thanh cao tốt bụng được à? Thôi, đi.

Tâm nói ào ào rồi lôi cả vợ chồng tôi ra xe, cả đứa con cũng bị chú lái xe bế bổng đi theo, khiến nó hốt hoảng khóc ầm ĩ.

Buổi chiều hôm đó, Tâm đưa cả gia đình tôi vào nhà hàng sang trọng nhất nhì của thành phố ở tỉnh lẻ. Vợ con tôi không quen cách dùng thìa, dĩa xé thịt quay và ăn bánh mì quẹt bơ. Con tôi chỉ đòi cơm với nước rau muống luộc dầm sấu và cà muối. Vợ tôi ngượng ngịu cầm dĩa xé thịt làm đổ cả đĩa ra bàn. Tâm cười sặc, còn tôi đỏ bừng mặt, miếng ăn đắng nghét. Không hiểu sao lúc ấy tôi ghét cay ghét đắng tiếng cười của Tâm. Tôi chỉ muốn đứng phắt lên đưa vợ con về nhà. Con tôi đã buồn ngủ, Tâm bảo lái xe đưa vợ con tôi về, còn tôi, Tâm giữ lại và hỏi:

- Ở thành phố này có “của độc” không?

Tôi sững người:

- Mày vừa bảo cái gì?

Tâm nháy mắt đến đểu:

- Cậu làm báo mà không hiểu gì à?

À, tôi hiểu ra rồi, cáu kỉnh tôi chỉ tay vào dãy Karaoke đang nhấp nháy đèn màu:

- Kia kìa.

Tâm phất tay:

- Thứ ấy là đồ bỏ đi, tao muốn nói là: “của độc” ấy.

Thì ra là như thế, Tâm muốn “hàng” cao hơn, “zin” hơn, “độc” hơn. Nom mặt Tâm lúc ấy sao mà đáng khinh và bỉ ổi đến thế không biết. Tôi bảo:

- Nom cậu có vẻ sành điệu trong các kiểu ăn chơi nhỉ?

Tâm bảo:

- Chỉ có cậu là hâm, là ngu, trong giới làm ăn bây giờ đứa nào cũng thế cả thôi. Có đi đường xa, có làm ăn xa, là phải có “của độc” mới “xả xui” để làm ăn. Cậu vào các động có “của độc” ấy mà xem, có hàng thùng các vi dít của giám đốc, giám điếc, công ty trách nhiệm hữu hạn đang “đặt hàng” trước đấy...

Tâm nói thao thao bất tuyệt, tôi nhìn mặt Tâm thấy hư hư ảo ảo. Còn đâu đứa bạn thân từ nhỏ, hai đứa luân phiên đổi quần áo cho nhau trong mùa đông để đến trường. Còn đâu thằng Tâm hồ hởi chạy qua nhà tôi để biếu mớ cà mới hái được chiều nay. Còn đâu thằng Tâm ngày nào cũng nằm trên mớ rạ khô giữa cánh đồng vừa gặt hái để ngắm nhìn từng đám mây trắng lãng đãng bay với ước mơ sau này là phi công, là anh hùng quân đội với huân chương đỏ rực đầy ngực áo, trẻ con trong làng sẽ nhìn Tâm với vẻ thèm thuồng và mơ ước.

- Thế nào, mày điếc hả?

Tôi giật bắn mình:

- Mày nói gì?

- Là tao nói, công ty tao tuyển con gái vào đông lắm, toàn tốt nghiệp đại học cả, chưa chồng, đứa nào cũng xinh, lúc nào ra thủ đô, mày vào chơi sẽ biết.

- Mày tuyển họ vào làm gì?

- À, thì là làm vi tính, thu tiền, bán hàng, thư ký...

- Thư ký riêng của mày à?

- Đương nhiên rồi, tao đi công cán xa, ở nhà có thư ký thay mặt điều hành.

- Thế vợ mày?

- Ở nhà nuôi con. Tâm thở phào.



Thì ra là như thế, Tâm càng nói, tôi càng thấy Tâm thành người xa lạ. Tôi cũng chả có chuyện gì để cùng Tâm trò chuyện như ngày xưa. Giờ đây, hai đứa là hai lối sống, hai quan niệm khác nhau. Tâm giờ đã là người giàu có về tiền bạc, hay nói chuyện về tiền, về... gái. Tôi nhìn mặt Tâm, béo tốt đấy, nhưng nước da bờn bợt, nhợt nhạt, đôi mắt lờ đờ, không có sự sáng sủa long lanh như ngày xưa. Tâm vỗ vai tôi:

- Nói chuyện với mày chán chết. Mày chả hiểu gì về “xã hội đen” cả. Thế mày viết báo thì viết về cái gì?

Tôi cũng không biết nói với Tâm như thế nào, chả lẽ tôi lại bảo rằng: Tao chỉ muốn mày sống như ngày xưa, đừng buông thả, phải điều độ, giữ gìn sức khỏe... Tôi nói thế thì Tâm sẽ cười vào mũi, hai đứa sẽ xung khắc, mất vui. Câu chuyện bỗng trở nên nói vu vơ, rời rạc, lạc lõng không chủ định. Tâm thở dài ngán ngẩm nhìn tôi:

- Tôi, mày về đi, lúc nào ra Hà Nội vào tao chơi, các vi dít đây. Tối nay tao ở khách sạn, sáng mai về sớm, không vào chào mày được, cầm ít tiền tiêu vặt.

Tâm nói rồi nhét ít tiền vào túi tôi, hai đứa giằng co nhau, cuối cùng Tâm bảo người lái xe đưa tôi về nhà và đưa tiền cho vợ tôi. Một khoản tiền khá lớn: Mười triệu đồng. Biết đến bao giờ vợ chồng tôi dành dụm được ngần ấy. Lòng tôi áy náy không yên khi nhìn đến những đồng tiền của Tâm, và cuối cùng tôi cũng phải đưa ra để tiêu dùng khi đứa con tôi bị ốm nặng phải vào bệnh viện cấp cứu.

Thời gian trôi, tôi trở về với công việc thường ngày của một phóng viên tờ báo tỉnh lẻ. Lại những ngày trèo đồi, lội suối đến với các dân tộc nơi heo hút để đưa tin về họ: Bản X huyện Y vừa làm xong trường học, trạm y tế. Ở huyện miền núi khác, đã có cơn lũ lụt cuốn đi hàng chục ngôi nhà khác bên bờ suối... Những ngày đi làm việc, tiếp xúc với người nơi vùng sâu, vùng xa còn vất vả khó khăn nhiều, tôi tự bằng lòng với cuộc sống của mình cũng không đến nỗi nào.

Rồi một năm, cũng đôi ba lần ra Hà Nội, tôi có gọi điện cho Tâm,lúc nào cũng nghe giọng con gái nói léo nhéo: “ Anh ấy bận lắm” hoặc: “ Anh ấy đi công tác ở nước ngoài” Và hai lần tôi đến công ty của Tâm, người vào ra tấp nập. Ông già bảo vệ vẽ đường cho tôi đến phòng giám đốc có dòng chữ nơi cửa: “Gõ cửa hai lần không mở, tức là không ở nhà”. Tôi gõ cửa hai lần, không thấy cửa động đậy, liền quay lui thì có một cô mắt xanh mỏ đỏ mở cửa và thò đầu ra: “ Ai gọi đấy” Tôi nói tôi là người bạn của giám đốc, chỉ đến thăm hỏi, cô gái bảo: “ Anh ấy bận lắm”, và khép cửa. Lần thứ hai tôi đến, vẫn như cũ, lại có một cô gái mắt xanh mỏ đỏ khác thò đầu ra từ phòng giám đốc.

Tôi đã nản, từ đó về sau tôi không đến thăm Tâm ở công ty nữa như lời hẹn trước. Lại những công việc, những ngày bám trụ ở vùng sâu, vùng xa. Tình cảm của người dân tộc, của vợ con, bạn bè nơi tỉnh lẻ đã dần dần xóa nhòa hình ảnh Tâm trong tâm trí tôi, thì chiều nay, tôi đột ngột nhận được bức điện khẩn của Tâm.

Tôi vội vàng lên chuyến tàu du lịch trong đêm đi Hà Nội. Công ty của Tâm vẫn tấp nập người vào ra, chỉ khác là phòng giám đốc không khép kín như hồi xưa mà mở cửa. Tâm ngồi trong phòng làm việc với hai, ba chiếc máy điện thoại trên bàn, không hề có cô mắt xanh mỏ đỏ nào cả. Tâm có vẻ mừng khi thấy tôi:

- Mày đã nhận được điện của tao?

- Ừ, nhưng có việc gì thế?

Tâm buồn rầu:

- Tối nay, tao kể mày nghe.

Tôi nhìn Tâm, sao béo nhanh thế, mí mắt sụp xuống, da xanh nhợt, mới có ba, bốn năm, kể từ buổi chiều Tâm về nhà tôi, đâu đã đến nỗi thế này. Tâm đi lại nặng nề mặt như bị phù, thở mệt nhọc. Tâm ơi, mày bị bệnh gì thế, kể tao nghe. Tôi lo lắng.

Đêm ấy, tôi và Tâm ngủ lại ở công ty. Có lẽ lâu lắm rồi, mười mấy năm đã trôi đi, tôi với Tâm mới lại có dịp nằm cạnh nhau để chuyện trò. Tâm kể: Làm việc kinh doanh bây giờ khó khăn lắm mày ạ. Ngày túi bụi công việc, rồi nhậu nhẹt tiệc tùng với các đối tác, các quan chức có liên quan, rồi khoản các em nữa chứ. Tao không giữ được mình, vợ chồng lục đục rồi ly thân. Tao ở hẳn công ty không về nhà nữa. Ngày thì công việc, đêm đi nhậu nhẹt bàn chuyện làm ăn, các em trẻ tự tìm đến với tao, đưa các cho tao và tự hẹn giờ để đến. Tao sống trong vòng quay tít mù ấy mà không thoát ra được. Rồi đến một ngày, tự nhiên tao thấy mệt mỏi rã rời, mắt kém hẳn đi. Tao uống nhiều thuốc bổ, uống vào vẫn thế, không có gì thay đổi cả. Cuối cùng tao đến bệnh viện để khám và rụng rời chân tay vì kết quả: Tao bị bệnh tiểu đường vào giai đoạn đã biến chứng. Vào hoàn cảnh này, tự nhiên tao điểm qua những gương mặt quen thuộc của mình. Hầu như không còn ai ruột thịt. Cha mẹ đã mất, anh em ruột không có. Những người tao gặp và tiếp xúc hằng ngày cũng chỉ là kẻ làm thuê vì đồng tiền. Tao nghĩ đến mày, bạn thân từ nhỏ, cũng đã từng xẻ chia hoạn nạn, bây giờ mày làm nghề báo, phần nào đó sẽ hiểu và chia sẻ cùng tao.

Tôi sửng sốt trước tin về bệnh tật của Tâm. Tôi thì giúp được gì cho Tâm bây giờ, chỉ ngậm ngùi chia buồn cùng Tâm vì căn bệnh nan y. Giá như ngày xưa Tâm cùng nghe tôi, cùng lối sống với tôi thì đâu đến nỗi. Nhưng bây giờ nói lại làm gì cho Tâm buồn hơn. Tâm rầu rĩ:

- Bây giờ tao ước ao được cuộc sống như mày. Vợ chồng con cái đầm ấm bên nhau. Nhu cầu ăn, mặc của con người đã đến lúc bão hòa. Tình cảm là quan trọng nhất, tao hiểu ra điều ấy cũng đã muộn. Tao thấy cô đơn.

Tâm khóc. Lâu lắm rồi tôi mới thấy Tâm khóc, đau đớn và buồn tủi. Tôi ngồi cùng Tâm và thấy mình bất lực. Giá như có cách nào đó cho Tâm khỏe mạnh, tình bạn lại như xưa, thì dù mất một bàn tay, hay con mắt, tôi vẫn không tiếc, đàng này...

Tâm ngậm ngùi:

- Cũng vì mình nghèo qúa, đến lúc giàu lên một tý thì chơi bời cho bõ những ngày cùng cực mới đến nông nỗi này. Nếu như tao nghe mày...

Tôi an ủi:

- Tao cũng chẳng sung sướng gì, chỉ có điều tao quen cảnh sống nghèo rồi, bây giờ tự nhiên có giàu lên cũng chẳng thay đổi được cách sống và con người tao. Thế mày định đi Hoa Kỳ làm gì?

- Tao sang Hoa Kỳ lần này để chữa bệnh và ở luôn bên ấy, nếu có chết, cũng chết ở nơi đất khách quê người, mà thời gian sống cũng chả còn dài nữa đâu. Tâm rơm rớm. Tao không muốn những người quen thuộc, đệ tử ruột nhìn thấy tao chết trong cảnh thất thế này.

- Mày còn vợ con, tài sản?

- Cũng vì thế mà tao nhờ đến mày, số tài sản gửi ở ngân hàng, sẽ sang tên mày, cứ lấy khoản lãi mà dùng. Còn phần gốc, mày giữ lấy hộ tao, sau này giúp đỡ bày bảo hai đứa con tao trên con đường học hành cho nên người. Bên nhà vợ chỉ lo làm kinh tế thôi, tao không muốn con cái đi theo con đường ấy. Số phận của tao coi như là đã hết.

- Còn công ty của mày?

- Sang bên kia sẽ viết thư và làm thủ tục gửi về cho bên vợ nhà tao.

Tâm nói rồi ngồi ủ rũ, tôi thấy lòng mình buồn bã vô cùng trước sự nhờ cậy của bạn bè mà không làm được gì trong cơn hoạn nạn. Tâm bảo:

- Mày ở đây hết tuần với tao, chỉ có mày biết được căn bệnh của tao thôi. Chiều thứ bảy, tao ra sân bay, đã điện báo cho một đối tác trong quá trình làm ăn ở bên kia đi đón. Mày sẽ đi tiễn tao chứ.

Tôi gật đầu, những ngày ở thủ đô, tôi và Tâm toàn đi ăn cơm bụi ở vỉa hè. Tâm chỉ ăn một bát cơm, vài đĩa rau xào, mấy quả cà muối. Tâm ngậm ngùi nói:

- Số phận chúng ta có lẽ chỉ sống được trong cảnh nghèo thôi. Giá như tao chỉ rau dưa như hai đứa mình mấy hôm nay thì làm gì có bệnh.

Tâm nói rồi cười, nụ cười cay đắng. Tôi không làm ở ngành y, nhưng có biết chút ít về căn bệnh tiểu đường, căn bệnh thường xảy ra cho những người nhà giàu, do ăn uống nạp vào cơ thể quá nhiều chất bổ, không tiêu hóa kịp, thường dẫn đến căn bệnh tiểu đường. Khi mắc căn bệnh nan y này, phải kiêng khem nhiều trong ăn uống, sinh hoạt mới kéo dài được sự sống. Tâm lại không kiêng gì, sinh hoạt và ăn uống vô tổ chức, nên mới dẫn đến tình trạng sức khỏe suy sụp nhanh chóng. Biết thì biết vậy, nhưng nói ra với Tâm phỏng có ích gì, thôi thì cứ cho là... tại số phận vậy.

Rồi ngày Tâm lên đường đã đến. Công ty Tâm đến năm người tiễn đưa, tôi là số sáu. Các cô gái đều đẹp và xinh tươi. Họ nghĩ rằng “xếp” của họ cũng chỉ lên đường công cán như mọi khi, nên ai cũng tíu tít chúc tụng và dặn... mua quà. Chỉ có tôi biết rõ về chuyến đi của Tâm, buồn não ruột.

Tam đã vào phòng cách ly ở sân bay, người tiễn đưa lục đục trở về. Tôi chưa về đứng nhìn Tâm qua cửa kính. Tôi vẫn muốn Tâm là thằng bạn chăn bò cắt cỏ, nhường nhịn nhau từ miếng cơm manh áo, muốn tình bạn hai đứa vẫn như ngày xưa: Tâm ước mơ là phi công, còn tôi là nhà báo. Ước mơ của tôi đã thành hiện thực, còn Tâm, ước mơ của Tâm? Ai đã ngăn cản, điều gì đẩy xa ước mơ của Tâm không thành hiện thực? Để đến hôm nay chúng tôi phải chia lìa, mãi mãi không gặp nhau. Tâm ơi, tôi nghẹn ngào tức tưởi, bầu trời vẫn xanh ngăn ngắt vô tư. Tâm cúi đầu khóc và đi lên máy bay.

Chiếc máy bay đã chuyển bánh.

25/ 8/ 1999
Đ.Q.N
(129/11-1999)






 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng