Tạp chí Sông Hương - Số 249 (tháng 11)
Oan gia ngõ hẹp
10:27 | 02/11/2009
TRẦN THÙY MAI          Truyện ngắnThắm ôm con, day trở trên cái chõng tre cũ. Trời vẫn mưa. Mấy năm rồi, vào Nam làm ăn, đã quên đi cái mưa dầm sũng trời, sũng đất này. Dưới chõng là nền của cái nhà đã sập. Năm ngoái, xã mới xây cho cái nhà tình thương, năm nay cơn bão đi qua, nhà sập tan chỉ còn lại cái nền xi măng nứt nẻ.
Oan gia ngõ hẹp
Minh hoạ: Đặng Mậu Tựu

May có nhà anh ruột ở ngay bên cạnh, ông Mèn, cha Thắm dẫn vợ con tạm trú dưới chái bếp. Chủ nhà, ông Rui phân trần với cả làng: “Lá lành đùm lá rách. Anh em với nhau, mình có chỗ ở mà để em mình dầm mưa được răng? Có điều riêng con Thắm thì không được vô nhà, mụ vợ tui nhứt định không chịu. Mà mụ nói phải, mần răng tui cãi đây?”

Thành thử, Thắm không còn chỗ trú thân. Bụng thì đã gần ngày đẻ. Cái chuyện đẻ đái, ai ở nhà nấy, chứ qua nhà khác đẻ là làm cho người ta xui tận mạng. Cũng may, cơn lụt đã tấp về ngay trong sân nhà bác Rui một cái mui đò của ai không biết. Cái mui đò cong vòng, nằm chỏng chơ trên khu vườn rộng. Ông Mèn kêu thêm mấy đứa con phụ giúp, ra lật lên, đem úp trên nền nhà cũ. Đặt vô cái chõng tre, vậy là Thắm có chỗ nằm rồi. Cái nhà - đò, tụi con nít trong thôn gọi vậy.

 Ngày chuyển bụng, Thắm lên trạm xá sinh rồi về nằm trong nhà đò. Hai đầu mui, bác Mèn gái chất củi để chắn bớt gió. Những hôm mưa nhiều, nước lênh láng dưới chân chõng. Thắm nằm trùm lên thằng bé, đút vú vào miệng con cho nó đỡ khóc. Từ trong chái bếp dột nát, bác Mèn gái xót con, nhấp nhổm không yên. Bác đội cái nón lá, tuôn qua màn mưa, lách qua đống củi, chui vào cái mui đò. Trong mui, không gian ướt nhẹt, nằng nặng mùi nước tiểu trẻ sơ sinh, mùi ẩm mốc tỏa ra từ đống củi. Thấy mẹ, Thắm gắt:

- Mạ lui cui ra đây làm chi… Lỡ mà trợt chưn gãy cẳng có chết không.

Bác Mèn gái không nói gì, chỉ sà vào chõng, bồng lấy thằng bé, ôm vào lòng. Đang nhay núm vú mẹ lạnh ngắt, đứa nhỏ được ôm vào tay bà ngoại, chừng như ấm và dễ chịu hơn, nó bắt đầu im, mắt nhắm lại. Bác Mèn gái nói:

- Con nằm trùm mền lại, người lạnh tanh rứa, làm răng mà ấp con.

Thắm co quắp thu mình trong cái mền cũ. Nước mắt chảy ra lặng lẽ. Bác Mèn gái nói như an ủi:

- Chịu khó qua mùa mưa, mạ nghe trên Ủy ban họ nói, mai mốt có mấy nhà hảo tâm trong Nam ra, họ cho tiền xây lại mấy nhà tình thương bị sụp. Cha mạ có chỗ ở rồi thì thằng cứt ni không phải chui rúc trong cái mui đò như ri nữa, cu hỉ?

Thắm vẫn để mặc nước mắt chảy, lắc đầu:

- Con không ở đây mô mạ nờ, mai mốt cứng cáp, con lại bồng con vô Sài Gòn thôi.

- Thôi con. Ở nhà với cha mạ, ăn rau ăn cháo mà yên lòng. Mình nghèo, đi tới mô cũng chẳng nên vương nên tướng chi mô…

Thắm yên lặng, mắt mở nhìn lên nóc cái mui đò thấp tè trên đầu. Biết là vậy đó nhưng mà không thể không mong đợi…

Một đợt gió lạnh tạt vào, thằng bé đang thiêm thiếp trong tay người đàn bà lại giật mình mở mắt, ngọ nguậy khóc ré lên… Bác Mèn gái ôm cháu chặt hơn, miệng dỗ dành: “Cha tổ cái thằng, vì mi mà mạ mi phải về đây, vì mi mà mạ mi phải ra dãi gió chỗ ni, mi biết không?”

*

Cơn lụt lớn đi qua, dấu vết của thiên tai là đây, hay là dấu vết tội lỗi của con người? Một xã có hai nhà tình thương mà cả hai đều đổ sập. Ông Hạo nghĩ thầm khi nhìn ngôi nhà bé nhỏ nay chỉ còn là đống gạch, lộ ra một sợi sắt 6 mỏng manh được dùng làm sana, giờ đây đã trở nên quằn quại dúm dó và đứt rời ra giữa những viên gạch rời rã tan hoang.

Phóng viên truyền hình vác máy lại gần. “Làm ngay bây giờ luôn, anh nhỉ?” Ông Hạo gật đầu. Ông đã quen với những cuộc trao quà từ thiện như thế này, năm nào ông cũng đại diện công ty đi mấy chuyến. Chàng phóng viên đưa cho ông tấm bìa cứng ghi chữ to: 10 triệu đồng, rồi hướng dẫn:

- Em quay anh trao tấm bảng này cho chủ nhà. Sau đó, anh trò chuyện, hỏi han chủ nhà vài câu, để em ghi thêm vài hình ảnh. Phần này em sẽ thu cả tiếng cho thêm sinh động.

Ông Hạo nhìn vào đám đông dân xã đang xúm xít cách xa xa, chỉ trỏ bàn tán. “Sao tôi hổng thấy chủ nhà đâu cả?” Ông phó chủ tịch xã nghe vậy bước tới: “Đó, đó, cái thằng tóc bù xù đó”. Người ta đẩy lên một gã đàn ông còn trẻ, mình trần, chỉ vận có một cái quần lụng thụng bằng thứ vải bao bột mì. Khuôn mặt đen xạm, ngớ ngẩn, trì độn, hai miếng gạc trắng to được dán băng trên trán và trên vai, che không kín những vết trầy lớn phủ thuốc đỏ.

“Hắn điên” - Ông phó chủ tịch giải thích. “Nhỏ lớn toàn chạy rông, người không phải thôn ni, mà trên thôn Thượng. Trời xui đất khiến, gặp con gái thím Phường, con ni cũng chập chập khùng khùng, rứa là hai đứa ở với nhau có đứa con gái. Xã xây cho cái nhà tình thương, trận bão vừa rồi rủi sập mất.”

“Bão sập rồi người trong nhà có sao hông bác?”

“Đáng ra là an toàn trăm phần trăm, vì mới có tin bão gần là tụi tôi cưỡng bách di dời dân lên trên huyện hết. Thằng Rù nhà ni bị sứt trán mẻ tai ra rứa cũng là vì chạy rông. Chính quyền đưa hết vợ con hắn đi rồi, hắn còn chạy rông mô đó, thấy bão nổi hắn lao về nhà cứ lục lạo tìm đứa con, dân phòng chạy tới lôi đi hắn cũng cứ ỳ ra, cứ kêu con ơi không ngớt miệng. Rồi nhà sập, cũng may mà không can chi…”

Từ đám đông có tiếng khúc khích: “Cũng may nhà xây dổm dổm, đòn tay gỗ xốp, gạch thì mỏng như bánh tráng…”

Ông phó quắc mắt nhìn lui, tiếng cười im tịt. Ông Hạo gật đầu, khen: “Anh ta khùng mà biết thương con, nghe cảm động quá ha. Đứa con sinh ra có bị tâm thần như ba má nó không?” Như trả lời, người ta đẩy lên người đàn bà đang ôm đứa trẻ trong lòng. Hình như cô vợ không đến nỗi khùng nặng như ông chồng.

Máy quay phim rè rè, đèn chiếu lóa lên, ông Hạo nhanh chóng thực hiện động tác. Vốn đã nhiều kinh nghiệm, ông biết ý định kíp làm phim là muốn làm thật nhanh, càng nhanh càng tốt. Ai biết được anh chàng tâm thần kia sẽ giở quẻ lúc nào, làm bể hết kịch bản thì còn gì, đã đi đến đây thì phải có phim, mà phim thì tối nay phải phát trên chương trình thời sự. Quả vậy, ánh đèn chưa tắt, anh chàng khùng đã sán đến bên vợ, giằng lấy tấm bìa cứng lật đi lật lại với vẻ thất vọng. Nghe bảo là người ta tới làm từ thiện, sẽ cho tiền. Nhưng cái tấm giấy này không phải tiền, không mua gì được đâu, tuy tâm thần anh ta cũng biết vậy mà… Vẻ ngỡ ngàng buồn bã của cặp vợ chồng làm ông Hạo cảm động, ông thò tay vào túi, có sẵn ít tiền cồm cộm trong ấy, ông rút ra, bước đến bên cô vợ:

- Tiền của công ty trao tặng phải giao cho xã để xây lại nhà, còn đây tôi có chút tiền riêng, chị cất mà mua đồ ăn cho cháu.

 Mặt người đàn bà sáng lên vui mừng, anh chồng thì vò đầu, cười khẹc… khẹc…, ôm lấy con hôn hít. Đèn lại lóa sáng, máy quay rè rè, chớp ngay lấy thời cơ. Nhoắng một cái là xong.

Trời đã trưa. Nắng sau lụt, chói gắt. Ông phó Chủ tịch muốn mời ông Hạo và đoàn làm phim vào quán bánh ướt ở chợ Huyện, nhưng anh chàng phóng viên gạt đi, anh ta muốn làm gắng cho xong để còn về thành phố. “Chiều em còn đi làm thêm phim khác”. Ông Hạo cũng ngại ngần, ông hơi lo lo cho bộ tiêu hóa của mình: nơi xứ quê lạ nước, lạ cái này, ở cái quán bên đường này, lỡ đau bụng thì thật bất tiện.

Ông phó đành kéo cả nhóm về ủy ban xã, lúc ấy đã hết giờ làm việc. “Uống tạm cốc chè rồi đi, các anh”. Chè nóng rót ra, ông thong thả bàn bạc. “Nhóm truyền hình nhân đạo đề cử nhà ông Mèn. Nhưng theo tui thì trong xã có nhà khác còn khổ hơn. Nhà ông Mèn còn có con cái. Nhà ni hai vợ chồng già không con, ngày ngày bán vé số. Nhà cửa cũng dột nát nhiều…”.

Ông Hạo hiểu ngay ý ông phó. Ông đi làm từ thiện cho cơ quan, cho hiệp hội đã nhiều lần. Lần nào cũng nghe người ta đề xuất đổi người. Bao giờ chẳng thế, có tiền bạc dính vào là có người muốn chen ngang. Kể ra thì cũng chẳng hề hấn gì đến ông, vì thật tình thì ở cái xã miền Trung này ai cũng nghèo, không nghèo nhiều thì nghèo ít. Cho ai thì cũng chừng ấy động tác, cũng ghi hình, cũng quay phim, cũng… Ông liếc nhìn anh phóng viên phụ trách chương trình. Anh này cười tủm tỉm, như hiểu tỏng tim đen ông phó:

- Nhà mà ông nói đó họ Lê phải không?

Ông phó phân trần:

- Ừ đúng là họ Lê, nhưng nghèo thật, không phải vì cùng họ mà tôi tiến cử đâu.

Cả anh phóng viên, cả ông phó nhìn chằm chằm ông Hạo như chờ ông quyết định. Ông Hạo ngẫm nghĩ một lát rồi từ tốn:

- Tôi thì thấy hoàn cảnh ai cũng nghèo, cũng đáng giúp đỡ.

“Rứa mình sẽ ưu tiên cho nhà ông bán vé số hỉ?” Ông phó không giấu được vẻ mừng.

Anh phóng viên miễn cưỡng gật đầu:

- Mình ghé qua thăm coi hoàn cảnh ra sao, rồi sẽ quyết định sau, phải không anh?

Ông Hạo thấy rõ vẻ khó chịu của người phóng viên. Khó chịu là phải, ông nghĩ thầm. Cuộc thăm viếng nhà hai ông bà bán vé số diễn ra chỉ trong vòng nửa giờ. Không quay phim, không chụp hình, và ông Hạo sau đó đã nói với ông phó chủ tịch: “Gia đình này cũng nghèo, nhà cửa dột nát, nhưng dù sao cũng còn có nhà. Đợt này, lúc tôi ra đi, anh em trong hiệp hội đã thống nhất ý kiến, chỉ cứu tế những gia đình bị mất nhà do bão lũ”.

Ông phó hơi xìu xuống, nhưng cũng nói gắng:

- Gia đình ông Mèn ở xóm dưới thì cũng đã vào ở nhà ông Rui. Tiếng là nhà ông Rui, nhưng thiệt là nhà ông bà để lại. Rứa cũng coi như có nhà.

Người quay phim nãy giờ im lặng, giờ chen vào:

- Hôm trước cháu về khảo sát thực tế, thấy hai mẹ con ở trong cái mui đò, coi thảm quá.

Ông phó cãi:

- Tui ở đây, tui biết mà. Ở trong mui đò là đứa con gái chửa hoang, không ai cho vô nhà. Mình đem tiền tới, hóa ra khuyến khích người ta chửa hoang à?

Thấy không khí hơi căng, ông Hạo dàn hòa:

- Thôi như vầy nha bác phó, cái này tôi chỉ biết đại diện hiệp hội và công ty, còn cấp cho ai, cứu trợ cho ai là do tổ phóng viên chương trình nhân đạo của đài địa phương. Bây giờ danh sách người ta đã đưa vô trỏng, tôi cũng ngại chuyện tùy tiện thay đổi lắm. Bác thấy đó tôi đã đi thăm, tìm hiểu kỹ rồi, có gì đợt khác, dịp khác sẽ tính đến nhà kia sau…

Cuộc bàn bạc đơn sơ nhưng cũng dằng dai thêm hơn một giờ nữa. Lên xe, cả bốn người tới xóm dưới. Nắng đã bớt gắt, ông Hạo đặt chân xuống đất, lớp đất còn mềm và ướt nhẹp, dấu vết của trận mưa như xối mới hôm qua.

*

 

Đứa trẻ sơ sinh cứ khóc ré ngằn ngặt trong khi ông Hạo trao tấm bìa mười triệu đồng cho bác Mèn trai. Tay bác Mèn trai run run, vì mừng, vì cảm động. Cả nhà bác đã ngong ngóng phái đoàn từ sáng đến giờ. Một bầy con nít bu quanh khoảng sân, tò mò mở những cặp mắt to thao láo. Qua đầu người lô nhô, ông Hạo thấy người mẹ trẻ trong cái mui đò đang cố gắng dỗ con, hai tay bồng đứa bé rung rung trước ngực. “Sao đi đâu cũng thấy toàn con nít. Cái nơi đã nghèo lại ham đẻ nhiều.” - Ông Hạo thầm nghĩ.

“Xin anh sang bên kia một chút, mình ghi thêm mấy cảnh nữa là xong”. Người quay phim hất đầu về phía cái nhà đò. Ông phó chủ tịch bàn ra:

- Con gái nhà họ mới sanh chưa hết phong long, sợ e…

Ông Hạo thấy hơi chờn chờn. Là người kinh doanh, ông sợ xui… Bác Mèn gái mau miệng:

- Dạ, tui mới cúng cho cháu hết phong long hôm bữa tê…

Anh quay phim gật đầu: “Không sao đâu anh, chịu khó chút xíu, góc này quay vào tuyệt lắm…”

Cái nhà đò rách nát trông thật thê thảm, đúng là trên góc độ nhà nghề, anh ta ham ghi cái cảnh này là phải… Ông Hạo cố giấu vẻ miễn cưỡng, tiến lại gần. Đứa bé vừa được bú đôi chút, nằm thiêm thiếp. Từ đống củi hay từ cái giường ẩm mục không biết, một mùi nằng nặng khó chịu. Bỗng Thắm ngẩng lên, kêu:

- Anh Hạo… Như lỡ lời, cô ấp úng - Chú Hạo…

Ông Hạo đứng sượng trân. Nước mắt tươm ra, Thắm bệu bạo:

- Chú nói cháu cứ về quê rồi chú thu xếp ra liền, sao bây giờ chú mới ra.

Không kìm được, Thắm nức nở. “Em đẻ, cực quá, nhục quá, cũng may là đẻ được thằng Cu”.

Ông Hạo tái mặt: “Em nói nhỏ thôi, từ từ để tôi tính. Bây giờ không tiện…”

Có tiếng rè rè, ánh đèn chớp lên, hai nhà báo đã đến sát bên, đang làm việc. Thắm câm miệng, nước mắt trào ra, tay ôm con, tay bưng miệng cố bụm tiếng khóc. Đèn quay chiếu thẳng vào mặt cô: cảnh này thật đắt, đúng là những giọt nước mắt từ đáy lòng của người được hàm ơn.

Ông Hạo đờ ra, may là máy quay chỉ ghi hình ông từ phía sau. Ông xé trong sổ mảnh giấy, ghi tên thôn, tên xã. “Tôi sẽ cố gắng trở lại, cố gắng giúp đỡ hoàn cảnh mẹ con cô”.

Ông thò tay vào ngực áo, định giúp nạn nhân bão lụt thêm ít tiền, nhưng lúc nãy ở nhà đôi vợ chồng điên đã rút ra hết, giờ chẳng còn tiền lẻ.

Cả đoàn đi lâu rồi mà Thắm vẫn còn khóc.

Bác Mèn gái chui vào nhà đò, sờ trán thằng bé. Nó nóng hực. Cơn sốt âm ỉ từ những cơn gió lạnh hôm qua, rồi hôm nay lại nắng gắt. Bác chạy quanh vườn, nhổ một nắm cỏ mực giã giập, đem đắp vào trán đứa bé.

“Chi mà khóc mãi rứa. Khóc mà no được à?” Bác mắng con gái.

Thắm thút thít, to nhỏ kể với mẹ. Bác Mèn gái nổi giận:

- Răng mi ngu rứa? Thằng cha Sở Khanh đã dẫn xác tới đây mà không chụp cổ hắn la làng cho thiên hạ biết?

Thắm sụt sịt: “Ông ấy hứa sẽ quay lại, sẽ giúp đỡ…”

Cô gục mặt vào hai đầu gối khóc mùi. Khi ngủ với mình ông cũng nói vậy, khi tống mình về quê ông cũng nói vậy… Bây giờ ông cũng nói vậy, mình vẫn tin, vẫn hy vọng…

*

Chiếc xe lướt trên con đường làng loang lổ sau cơn lụt. Sau một ngày mệt mỏi, hai phóng viên dựa vào ghế nệm, thiu thiu. Ông phó chủ tịch vẻ mặt đăm chiêu, như còn tính toán điều gì. Ông Hạo ngồi ở ghế trước cạnh tài xế, trán còn lấm tấm mồ hôi cục. May sao con gái miền Trung cũng hiền, không thì thể diện chẳng còn chi.

Xe ngang qua Huyện, ông phó chủ tịch lại nài ông Hạo ở lại dùng cơm. “Chợ Huyện có nhà hàng mới mở, tầm cỡ lắm anh”. Ông Hạo lắc đầu, mặt vẫn còn tái nhưng đã lấy lại vẻ đường bệ thường ngày:

- Cảm ơn, tôi phải về kịp chuyến bay chiều, mai còn cuộc họp ở công ty.

Xe dừng cho ông phó xuống rồi lại lăn bánh về thành phố. Bên kia đường, chợ Huyện lô nhô, ông Hạo thoáng nhìn thấy hình ảnh thằng Rù đang ôm con từ trong chợ ra, cả hai cha con đang nhồm nhoàm nhai cái gì đấy. Đứa bé vung vẩy hai nắm tay trong lúc Rù tâng tâng con bên hông, ngoác mồm làm trò khỉ chọc con cười.

Người quay phim bật dậy, lấy máy ra ghi vội hình ảnh thoáng qua. Ông Hạo quay đi, rút mù soa lau trán. Tay ông vẫn còn run. Mẩu giấy ghi tên thôn, tên xã theo chiếc khăn bay ra, rợi tọt xuống gầm ghế. Lúc xe dừng ở sân bay cho ông bước xuống, một ngọn gió xoáy thổi qua, cuốn mảnh giấy bay ra, xoay tít rồi vùi lấp trong lớp bụi ven đường.

T.T.M
(249/11-09)



 

 

 

 

Các bài mới
Đám tang (04/12/2009)
Các bài đã đăng