Tạp chí Sông Hương - Số 249 (tháng 11)
Một bước sau quận công
16:05 | 08/12/2009
HỒ ANH THÁI Tác giả thấy cần phải tóm tắt chuyện cô bé quàng khăn đỏ trước, rồi mới kể tiếp phần hậu cô bé quàng khăn đỏ. Con sói đến lừa bà cô bé, nuốt sống bà, rồi mặc váy áo của bà, trùm khăn giả vờ làm bà. Cô bé về nhà, thấy bà rởm mà không biết, cứ hỏi vớ hỏi vẩn sao tai bà to thế, sao mắt bà to thế, sao mồm bà to thế. Sốt ruột. Con sói bèn nuốt chửng luôn cô bé. Nhưng rồi quần chúng tiến bộ tập hợp lại đấu tranh, con sói phải nôn cả bà lẫn cháu ra, hứa cải tà quy chính. Từ đây bắt đầu phần hậu cô bé quàng khăn đỏ…
Một bước sau quận công
Nhà văn Hồ Anh Thái ở Sa Pa

Được sống lại, cô bé luôn mặc cảm rằng mình không đủ tinh tường, không đủ sáng suốt, bèn luyện mắt và nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng. Một hôm đi trên đường vắng, thấy con sói lấp ló trong bụi cây bên đường, cô bèn hét lên: Con sói nham hiểm kia, tao thấy mày rồi đấy. Con sói xấu hổ vô cùng, biến mất. Lát sau, lại thấy nó lấp ló trong bụi cây khác. Cô bé lại hét: Con sói nham hiểm kia, tao thấy mày rất rõ. Con sói lại ngượng ngùng cụp đuôi chạy biến. Rồi đi được một quãng, lại thấy nó thập thò trong bụi cây. Lại hét: Con sói nham hiểm kia, tao thấy mày rất rõ. Lần này con sói vặc lại: Bà cũng vừa vừa thôi, bà có để yên cho tôi đi toilet không thì bảo!

Động đến chuyện toilet là phải động đến toàn bộ cõi trần ai. Một trong tứ khoái. Nhưng lý sự rằng nó là chuyện của toàn cõi hồng trần để mà nhẩn nha cà kê thì phải viết trường thiên tiểu thuyết hoặc phim truyền hình nhiều tập. Đây chỉ là trước tác đoản thiên. Đoản thiên nên người viết xin phép ngẫu nhiên chỉ chọn ra mấy cái địa danh Ấn Độ, Pháp, Đức, Mỹ. Và tất nhiên không thể thiếu bản quán của tác giả.

Xứ Ấn

Trước khu nhà tắm công cộng kèm nhà vệ sinh, những toán thanh niên đang xếp hàng chờ đến lượt. Thời gian: 2500 năm trước Công Nguyên. Địa điểm: thành phố Harrapa và Moenjodaro, thuộc thung lũng sông Indus. Trong khi đâu đó ở châu Á, châu Âu, người ta còn ăn lông ở lỗ, trong hang ngoài hốc, thì ở đây đã có nhà tắm công cộng, nhà vệ sinh cũng công cộng, có hệ thống cống tiêu nước, có tổ chức thu nhặt rác cho cả thành phố. Một nền văn minh thực sự, và văn minh rất sớm. Không nói quá, cái nhà vệ sinh là một trong những bằng chứng của nền văn minh, nó phải được hô muôn năm, nhiệt liệt, đời đời.

Nhưng cũng chính cái kiêu hãnh sớm sủa của một nền văn minh sớm sủa đã khiến nó bị tuyệt chủng. Đám thanh niên xếp hàng vào nhà tắm,  nhà vệ sinh rỗi hơi bèn trêu chọc một ông già. Đúng ra, đó là một du sĩ sadhu vừa đi ngang. Một con người sau khi dựng vợ gả chồng cho con cái, tự thấy đã hoàn thành bổn phận của đời người, bèn rời bỏ gia đình, lên đường theo đuổi đời sống tinh thần. Vừa là khất sĩ, vừa là giáo sĩ, vừa là du sĩ. Nói cho dễ hiểu thì đó là một giáo sĩ lang thang, sống nhờ vào thực phẩm cúng dường của người đời. Không ai dám trêu chọc một giáo sĩ. Lời nguyền rủa của họ trở thành lời nguyền muôn đời. Thế mà đám thanh niên sáng ra chưa tắm, chưa ị, chưa thanh tẩy gì gì dám trêu. Thầy ơi, con mời thầy vào tắm vào ị, thầy không phải xếp hàng đâu, chúng con kính thầy đứng lên hàng đầu. Thầy ơi, ẩn viện trong rừng chỉ là lều tre mái cỏ, chắc chắn ở đó thầy không biết nhà xí là cái gì, con mời thầy vào đây con chiêu đãi cái nhà vệ sinh sạch sẽ thơm tho. Chúng con dám chắc lâu nay thầy chỉ biết tiểu sông ị suối, thầy chưa biết công trình văn minh này. Quá đáng hơn, mấy thanh niên hè nhau xông đến, bế bổng du sĩ lên, kiệu bằng tay như kiệu rước vua đi, cưỡng ép du sĩ vào tận nơi mà mục kích.

Lũ thanh niên quên mất rằng cái trừng mắt của một giáo sĩ có thể thiêu cháy sáu vạn tinh binh. Du sĩ này không thế. Dường như ông không thịnh nộ. Ông chỉ vuốt râu mà rằng, lũ sâu bọ mới lên làm người kia, cứ việc tắm gội một lần ở đây cho thỏa thuê đi, cứ việc tiểu ị một lần vào đây cho mãi mãi đi. Một lần cho mãi mãi. Câu nói của ông là mật mã cả nghìn đời sau mới giải mã được.

Đến nỗi bây giờ tiếng Hindi không có từ nhà vệ sinh. Ngôn từ không phong phú đến mức phân loại được nhà xí, nhà tiêu, nhà cầu, chuồng chồ, WC, latrine, lavatory, loo, toilet. Tác giả hỏi một cô giáo dạy ngôn ngữ, cô che miệng mà rằng tiếng Hindi chỉ có một từ thôi, nhưng mà nó bậy lắm, trong từ ấy có ghép cả chữ chất thải lẫn chữ cái lều. Cô đã dùng uyển ngữ. Lều với chả chất thải. Người ta phải suy luận thêm mà ghi toẹt cái từ ấy ra ở đây, nó tương đương chữ chuồng phân trong tiếng Việt vậy. Có chữ mà không ai dám dùng thì cũng như không. Thảo nào đầu thế kỷ hai mươi, khi mấy nhà khảo cổ thực dân Anh khai quật hai thành phố Ấn Độ cổ đại, thấy một hệ thống cống rãnh tường bao, dân Ấn bản xứ không ai biết đó là cái gì. Quên mất rồi. Ký ức lịch sử đã bị lời nguyền của một du sĩ xóa mờ.

Thế. Người Ấn bây giờ sáng sáng chiều chiều chỉ còn biết kéo nhau ra khỏi nhà. Nông thôn thì ra đồng. Thành thị thì kéo nhau ra bãi hoang hoặc vào những vườn cây um tùm. Chỉ có 35% dân số Âu hóa Tây học có nhà vệ sinh tại tư dinh. 65% dân số đi đồng mát mẻ. Người xách chai nước, người xách túi ni lông đựng nước, cứ thế mà viễn du. Ra đến hiện trường thì ngồi thụp xuống. Giải quyết xong thì nước đấy, tay trái đấy, cứ thế mà xử lý. Nói chuyện bàn tay trái là với người thuận tay phải, cái tay thuận chỉ để dùng vào việc nạp, tức là việc ăn. Người Ấn ăn bốc. Phân công tay trái tay phải rõ ràng, việc nào tay ấy. Rồi khi người ta chắp tay trước ngực để chào nhau là có ý tứ hẳn hoi. Hai bàn tay chắp lại, biểu tượng của phần bản ngã thiêng liêng hòa hợp với phần bản ngã thấp kém hơn.

Nhưng đừng có nghĩ nó là thấp kém. Nó đã từng là lý do của sự cao ngạo, sự cao ngạo ấy lại khiến đám thanh niên gần năm nghìn năm trước bị lời nguyền dai dẳng đến tận bây giờ. Cái toilet bây giờ có lúc được đưa vào khẩu hiệu. No toilet, no seat! Không toilet, không ghế! Ghế gì ở đây? Đặt ghế vào toilet chăng? Thưa, chiến dịch tranh cử cuối năm 2005 đang vào hồi kịch tính. Bộ trưởng Phát triển Nông thôn gửi một bức thư cho vị thủ hiến ở các bang, yêu cầu ráo riết kiểm tra: vị nào ở trong nhà không có toilet, vị ấy bị truất quyền ứng cử và đề cử vào quốc hội bang và hội đồng quận huyện. Khối vị muốn rắp ranh làm ông nghị, bà nghị đã bị trượt vỏ chuối.

Chuyện nhà vệ sinh đã lên đến cấp các ông nghị. Rồi nó có lúc nâng cấp lên hàng chính khách bậc trên. Đi vào các loại tiếu lâm mà giới chính khách và ngoại giao ở New Delhi truyền tụng. Chuyện kể rằng có lần tổng thống Mỹ sang thăm Ấn Độ, xe hơi đưa ngài đi qua các bãi hoang các cánh rừng trong thành phố, đâu đâu cũng thấy những cái đầu nhấp nhô. Tổng thống Mỹ lo sợ có bọn khủng bố rình rập phục kích. Tổng thống Ấn ngồi bên cạnh khẳng định đây là xứ sở an toàn nhất thế giới, không bói đâu ra khủng bố, hễ thấy khủng bố cho bắn vãi đạn. Thế là tổng thống Mỹ giật ngay khẩu tiểu liên của vệ sĩ ngồi cạnh, lia một tràng. Mấy chục người Ấn đi đồng sáng hôm ấy chết oan. 

Rồi cũng có lúc tổng thống Ấn sang Mỹ thăm đáp lễ. Tổng thống Mỹ cũng bảo đây là đất nước an toàn nhất thế giới, không bói đâu ra khủng bố, thấy khủng bố cho bắn vãi đạn. Vãi ngay. Lần này là ông khách bắn. Bắn vào một cái đầu nhấp nhô trong bãi hoang bên đường. Cuộc báo thù trên đất Mỹ cho những mạng người Ấn vô tội.

Sáng hôm sau, báo chí đồng loạt đưa tin: ngày hôm qua đại sứ Ấn bị trúng đạn trong lúc đi vệ sinh.

Xứ Âu

Vào thăm những tòa lâu đài, những hoàng cung cổ, du khách đi qua tòa ngang dãy dọc, những bức tường thành, những tranh tường hoành tráng, những đèn chùm lộng lẫy, những thiết bị nội thất xa xỉ bằng vàng bằng bạc. Cổ kính. Vĩ đại. Tuyệt vời. Xong. Chiêm ngưỡng xong ra về, bước chân đi mà thấy thiêu thiếu một cái gì.

Du khách cứ đi đi, cứ thăm viếng nhiều hoàng cung và lâu đài đi, rồi cứ lửng lơ một câu hỏi trong đầu mà không thể biết thiêu thiếu cái gì đâu! Chẳng qua tác giả đã dẫn dắt người đọc tuần tự đi trong văn cảnh này, cho đến lúc này, nên người đọc khá dễ dàng đoán ra. Những nơi tột cùng phô trương xa xỉ ấy thiếu một thứ.

Cái toilet.

Ừ nhỉ, ngày xưa vua chúa không ị hay sao? Các hoàng thân quốc thích không ị hay sao? Vô lý không có lẽ. Phòng ốc phân chia rành mạch cho từng người, từ Vua, Hoàng hậu, Hoàng tư, Công chúa, cho đến người thân thích, cho đến cung nữ nô tì, nô tài. Không thấy bóng dáng một cái phòng nhỏ, một hốc nhỏ làm chỗ vệ sinh. Nhưng mà vẫn có, đấy là toilet di động. Những cái bô rải tro trầm, Vua lẫn Hoàng hậu ị vào đấy, nô tì thị nữ rải lên trên chất thải một lớp tro trầm rồi mới bê đi. Bê đi tức là di động. Cung điện lúc nào cũng thơm tho. Và chẳng ai có thể tìm ra một cái toilet trong ấy.

Lỗi này là lỗi của chủng tộc Aryan, vốn được coi là chủng tộc thượng đẳng. Người thì bảo họ xuất phát từ vùng Caucasia. Người thì bảo họ từ xứ Ba Tư cổ đại. Họ di cư du cư vòng qua Trung Á đến Nam Á, hợp chủng với dân bản địa mà ra người Ấn bây giờ. Những nhánh khác thì sang đến tận châu Âu, thế cho nên có thời người Đức mới tự hào nhận mình là dòng giống Aryan. Tác giả thì lại nhìn thấy trong đám thanh niên bị nguyền rủa trước nhà vệ sinh công cộng Ấn Độ gần năm nghìn năm trước có mấy chàng về sau di cư sang châu Âu. Lại hợp chủng với dân bản địa. Con cháu họ lớn lên vẫn chịu lời nguyền, vẫn quên, không biết toilet là cái gì. Bằng chứng đấy, trong các hoàng cung cổ và các lâu đài.

Thế kỷ mười bảy mười tám các thành phố Tây Âu là nơi hôi hám nhất. Nhà riêng hiếm có toilet. Có gì cứ tống hết vào bô. Bê bô ra đường, đổ tóe xuống cống rãnh. Các bãi rác là nơi lổn nhổn những phân cùng tiểu. Cống thì không có nắp. Vô phúc cho đứa nào ban đêm đi ra đường, lần mò loạng quạng trên những đường phố tối, rồi sa chân xuống những cái cống lộ thiên.

Có nhiều kẻ bị sa chân như thế. Rơi một lần, tởm một đời. Chúng chạy mất mật, chạy tuốt sang châu Mỹ, khai hoang vùng đất mới, xây đắp nhà cao cửa rộng. Không ở đâu chúng quên xây toilet ngay trong nhà, thậm chí xây ngay cạnh phòng ăn buồng ngủ.

Xứ Mỹ

Minh họa: Đặng Mậu Tựu


Cả một văn minh toilet. Cả một công nghệ toilet. Có kiến trúc sư chuyên thiết kế toilet. Vẫn còn vấn đề này nọ với toilet, nhưng trình độ toilet đã lên đến mức độ cao trong giới thượng lưu. Phòng vệ sinh rộng mênh mông, có thể xem tivi, nghe xiđi, hoa khô trong giỏ tỏa mùi, hoa tươi trong lọ khoe sắc, giá sách trong tầm tay mời mọc. Bồn vệ sinh thì có nút ấn nút bấm, đo nhiệt độ cơ thể, phun nước theo kiểu mưa bụi mùa xuân hoặc xả nước như mưa rào mùa hạ, bàn chải mềm kỳ cọ và máy sấy sấy khô...

Trong toilet công cộng trường Đại học Tổng hợp, đang ngồi là hậu duệ của mấy người ngày xưa bị rơi xuống cống thối châu Âu. Toilet ở đây không còn mùi. Có thể ngồi yên trong ấy cả buổi, trốn học, trốn thầy. Có thể chỉ đơn giản là thích vào đấy ngồi mà tư duy. Vào đấy mà vẽ lên tường. Ai khó tính bảo đấy là bọn vandal phá hoại công trình công cộng. Ai dễ tính bảo đấy là nghệ thuật bôi tường graffiti. Đại học rồi, xứ văn minh rồi mà vào đến toilet, cứ thấy tường không tường trống là bôi. Có khi không bôi thì khắc ghi thông điệp hẳn hoi. Thông điệp dưới hình thức thi ca. Lại minh triết nữa:

Someone comes here to sit and think/ Other comes to shit and stink/ And I come here to scratch my balls/ And read the teachings on the wall.

Kẻ vào đây ngồi mà nghĩ suy/ Kẻ vào đây mà ị mà xì/ Ta vào đây gãi củ gãi cà/ Đọc trên tường những giáo huấn cao xa.

Xứ Luy Lâu

Một thương nhân và một nhà sư Ấn Độ theo thuyền buôn vượt biển đến xứ này. Địa điểm: một ngôi chùa đâu đó vùng Kinh Bắc ngày nay. Thời gian: thế kỷ thứ nhất của Công nguyên. Chiều tối thương nhân và nhà sư đều có nhu cầu xả bỏ. Vị sư trụ trì chùa bản địa bèn dắt hai vị khách ngoại quốc ra góc vườn chùa. Một cái lều che lá chuối, trời khô ráo thì tránh được nắng nhưng trời mưa chắc chắn mưa giột coong coong xuống đầu. Không cần có biển đề thì cách xa mười bước đã có thể theo mùi mà biết chức năng của cái lều.

Cả hai vị khách ngoại quốc vừa mới đến cách ba bước ẵm mùi đã xua tay. Thôi thôi, bạch thầy gần chùa có bãi hoang hay cánh đồng thì xin thầy dẫn chúng tôi ra đó. Đầy. Chỉ vài chục bước chân. Hai vị đi theo ta.

Ngày đầu tiên của thương nhân Ấn Độ đến xứ Luy Lâu buôn bán kết thúc ở đấy. Cánh đồng. Mênh mông bát ngát. Gió trời thông thoáng. Cỏ bên dưới dập dờn mơn man. Thương nhân Ấn Độ tức cảnh sinh tình mới hỏi ai là người to nhất vùng này? Dạ thưa, đó là ông tiên chỉ, ngày trước được vua ban tước quận công. À, quận công là thứ nhất, thầy trò ta ngồi đồng thế này là thứ hai đấy. Thứ nhất quận công, thứ nhì ị đồng, thứ bậc cứ thế mà sắp xếp.

Nhờ chuyến đi vệ sinh của hai vị khách xứ Ấn, cả xứ Luy Lâu rồi lên cả xứ Phong Châu, tập quán quận công lan tràn từ ruộng vườn lên đến rừng cọ đồi chè. Rồi lan xuống châu thổ sông Hồng, rồi sau này lan vào phương Nam đất mới. Còn có cả hình thức quận công di động, tức là đại tiện trên tàu hỏa, tha hồ lộng gió thời đại. Thói thường cái gì đẹp tốt thì vơ vào mình, cái gì xấu đổ riệt cho ngoại bang. Ghẻ thì nhất định là ghẻ tàu, bệnh ngoài da thì nhất định là hắc lào, gió nóng ngột ngạt là gió lào, quả hồng xam xám xâu xấu thì dứt khoát là hồng xiêm... Đến thời văn minh, ai cũng chê thói quận công, chắc chuyện đi đồng phải được gọi là ị Ấn.

Chính trên mảnh đất có bàn chân thương nhân và nhà sư Ấn, dễ đến hai nghìn năm sau, đồng bào không ai nhớ dáng hình cái nhà vệ sinh nó ra thế nào. Thời mồ ma giặc Pháp, bà con có để ý không bao giờ bọn thực dân ị đái gì. Không thấy chúng đi đồng đã đành, trang trại của chúng cũng không thấy nhà vệ sinh trong góc vườn hay trên cầu ao. Đúng là bản chất thực dân, chỉ có vơ vét bóc lột mà không chịu lại quả, chỉ có biết ăn mà không biết ị. Một bí ẩn không có lời giải đáp suốt gần một thế kỷ thuộc Pháp. Cho đến khi cách mạng mùa thu 1945, đồng bào tấn công vào dinh thự của bọn thực dân và tay sai của chúng. Trời ơi, lũ mọi rợ, chúng nó xây chuồng chồ ngay cạnh phòng ăn buồng ngủ, chúng nó ăn tại chỗ ị tại chỗ, đúng là bọn cứt dài hơn người. Khai hóa văn minh mà hóa ra bẩn thỉu man rợ hạng nhất.

Ngay giữa đất kinh kỳ tràng an thủ đô, tấm ảnh Ngõ Gia Ngư chụp năm 1949, thời Pháp tạm chiếm, lưu cảnh người phu kéo chiếc xe bò chạy qua cái ngõ hẻm. Một tấm ảnh đẹp về bố cục, đẹp về ánh sáng mộc. Trên bức tường có mấy dòng chữ, thoáng nhìn tưởng là chữ kêu gọi nhân dân đấu tranh biểu tình gì gì, nhìn kỹ thì đọc ra được:

Dòng trên: Những kẻ khốn nạn đái ở đây.
Dòng dưới nhỏ hơn: Muốn đái về nhà.

Uất ức đến mức phải viết khẩu hiệu lên tường ngõ như vậy.

Bây giờ nghe kể chuyện mọi rợ thời mồ ma giặc Pháp, ai cũng bảo là chuyện tiếu lâm. Tác giả xin đứng ra mà đảm bảo rằng đó là chuyện thật trăm phần trăm, một cụ bậc tiên chỉ kể cho nghe. Cụ mới kể đây thôi, trong một chương trình kể chuyện đấu tranh cách mạng giành chính quyền. Đám con cháu và bạn bè sinh viên của chúng nó từ thành phố về để ghi chép học tập. Rồi cụ kể về thời chiến tranh, thiếu phân bón hóa học, bao nhiêu sáng kiến nảy ra. Anh về phân bắc phân xanh đầy làng... là sáng kiến thời kỳ này. Lấy lá điền thanh, lá xoan đem ủ rồi bón vườn bón ruộng. Đấy gọi là phân xanh. Phân bắc thì được vận động làm hố xí hai ngăn, ủ tro, quý như vàng. Xuất hiện khái niệm hố xí hai ngăn từ đấy.

Gần một tuần, đám thanh niên sinh viên tình nguyện mùa hè xanh ở ngay trong nhà cụ. Ngôi nhà cao nhất làng, to nhất làng. Bốn tầng. Xây được là nhờ vợ chồng thằng con trai, cả hai đứa đều đi lao động ở xứ Âu về. Họ phá cái nhà tranh giột nát, xây lên một căn nhà bốn tầng. Như cung điện. Đồ đạc tiện nghi không thiếu thứ gì.

Chỉ thiếu mỗi một thứ.

Đám thanh niên tình nguyện mùa hè xanh nháo nhác cả lên. Đám sinh viên kết hợp tổ chức ghi chép kỷ niệm đấu tranh cách mạng ngơ ngác cả ra. Ngay sáng đầu tiên chúng sùng sục đi tìm.

Có mà tìm giời. Tìm cái kim may ra còn thấy. Đố ai tìm ra được cái toilet ở vùng này.

Đi đâu? Nặng hay nhẹ? Chủ nhà chỉ vẽ ngay. Nhẹ thì ra ốp cây ngoài vườn. Nặng thì vào chuồng lợn.

Phải vào chuồng lợn thật. Ngồi bập bênh trên một tấm ván rung rinh luôn thừa cơ hất ngược người ngồi vào bên trong chuồng lợn. Con lợn to đùng, cỡ một tạ, ục à ục ịch ngay sau mông, sẵn sàng đón đỡ người chẳng may rơi xuống, đúng kiểu chị ngã em nâng. Hơi phân chuồng đậm đặc như hơi ngạt. Thoát được ra rồi, chạy ra ngoài rồi, bảo nhau giá mà nhịn được cả năm ngày thì nhịn luôn về Hà Nội.

Hội thảo thế là chuyển đề tài. Đành rằng cứ bảo ngôn ngữ Ấn không có từ nhà vệ sinh. Tiếng ta gì cũng có, phong phú phì nhiêu hẳn hoi. Thậm chí có cả những từ mà ngôn ngữ khác không thể có từ tương đương. Chuồng chồ, chuồng tiêu, chuồng cầu, chẳng hạn. Người ta có toilet, lavatory thì mình có từ nhà vệ sinh, người ta có từ rest-room thì mình có nhà hỉ xả, the loo thì mình là nhà tiêu nhà phẹt. Họ gọi là latrine thì ta gọi là nhà xí công cộng. WC thì gọi là nhà xí máy, tự xả nước như máy mà tiêu. Bình dân thì WC cứ gọi là William Cường, một anh Việt kiều yêu nước tên gốc là Cường. Hay là bất cứ ai có cái tên gốc bắt đầu bằng chữ xê. Cam, Can, Cảnh, Cát, Cầm, Cận, Cẩn, Côn, Công, Chân, Chi, Chương, Chiến, Chung... Vân vân và vân vân. Trong đoàn có mấy cậu tên Cường tên Chiến, một cậu họ Cao, một cậu họ Chu. Năm ngày ở trong cái nhà bốn tầng không toilet, đám thanh niên hễ phải đi thăm con lợn, lại bảo nhau đi thăm anh William Chiến, William Cường hoặc thăm ông William Chu, William Cao.

Cái WC bên Hồ Gươm lần đầu tiên xây được là cả một sự kiện. Trước đó, đi dạo một vòng Hồ Gươm chu vi 1,7 cây số, toát mồ hôi mà không một chỗ giải thoát bàng quang. Về lý, đã toát mồ hôi thì thôi bài tiết đường tiểu. Nhưng mà vẫn đầy kẻ ngồi thụp bụi cây đứng áp thân cây. Thế mới phải xây một cái nhà vệ sinh thật hoành tráng. Một cô má phấn môi son ngồi thu tiền. Vào trước tính tiền sau. Đi nhẹ một hào đi nặng hai hào. Có chàng bóng bẩy đi ra chìa một hào, tôi đi nhẹ. Cô thu tiền vặn lại, nhẹ sao lâu thế? Dạ, tôi bị bệnh đái dắt.

Cái nhà vệ sinh ấy, nghe đâu thiết kế hiện đại nhất thập kỷ 80 thế kỷ XX. Có điều hòa nhiệt độ, có cảm ứng điện từ xác định được thành phần xuất thân, sở thích, sở trường của người sử dụng. Ví dụ, nếu khách xuất thân từ vùng quê cầu tõm, quen rung rinh trên mấy nhịp cầu tre, lúc vào ngồi trong ấy sẽ được vây giữa màn hình cực lớn bốn chiều, hiện lên cảnh sông nước mênh mang, cầu tre lắt lẻo, cá tòm tõm lượn lờ rình đớp mồi. Quê hương cứ thế mà hiện lên từ ký ức và màn hình. Thích gì màn hình và âm nhạc chiều nấy.

Khánh thành, bao nhiêu chức sắc bốc thăm để được làm công dân số một của cái WC này. Người đầu tiên trúng thăm là tổng Giám đốc một công ty đóng trên đô thị. Ông này máu me thơ phú âm nhạc. Ở cơ quan, ông sáng tác thơ, sau đó tự phổ nhạc, bài tổng công ty ca, cả công ty phải thuộc lòng. Khi hát buộc toàn bộ cơ quan phải đứng mà hát, không ai được phép ngồi trước âm nhạc thiêng liêng. Bây giờ ông xăm xăm đi vào WC hưởng suất đầu tiên trong tiếng pháo nổ và lời chúc tụng. Mười lăm phút không thấy ông ra. Ba mươi phút không ra. Một tiếng không ra. Quan khách bên ngoài từ băn khoăn, tò mò suy đoán, chuyển dần sang bực bội, rồi lo sợ. Chắc có sự cố hơi ngạt, sự cố về điện hoặc bụng dạ chủ thể. Phá cửa xông vào giải cứu. Màn hình đang hiện hình lá cờ tổng công ty tung bay phấp phới, bài tổng công ty ca dào dạt hào hùng. Cờ cứ bay và nhạc cứ liên hồi non-stop không chịu dừng. Về phần ông tổng, quần đã kịp tụt xuống đến đầu gối, nhưng chưa kịp ngồi, cứ phải đứng nghiêm trang trước thứ âm nhạc non-stop không ai được phép ngồi. Một tiếng đồng hồ.  

Khi mới vào truyện, tác giả đã giơ ra mấy cái địa danh mà hứa hẹn với độc giả. Bây giờ rà soát lại, thấy còn thiếu một địa danh. Chả thấy nước Đức ở đâu như đã hứa. Xin trả lời rằng, nước Đức dính líu ở chính cái cặp vợ chồng đã xây căn nhà bốn tầng mà từ tầng một đến tầng bốn không có toilet. Cặp vợ chồng ấy đi Đức lao động xấp xỉ chục năm, thu nhập rồi đền bù hồi hương đủ xây mấy cái nhà như vậy. Nhưng mà xây nhà thì xây, dứt khoát muôn đời chúng i-em không xây toilet. Độc giả mới chất vấn mấy cái ông Đức từng ấy năm trời không chịu dạy dỗ cho người thế giới thứ ba được tí văn minh nào ư?

Mấy ông Đức mới cả cười mà rằng hãy hỏi hai ông bà chủ nhà, ngần ấy năm đi Đức mà không chịu học được gì hay sao?

Người đổ tại không chịu dạy, người đổ tại không chịu học. Hòa.

Đất lề quê thói, quê chúng i-em đừng tưởng cứ cậy đi Tây về mà xây chuồng xí, rõ là học đòi kiểu cách, ở xứ này, khi nào không còn gì để làm nữa thì xây toilet mới là việc cuối cùng trong đời. Đừng có ném phao cho giặc chìm. Đời còn khối kẻ ị không được cứ ôm lấy cái chuồng xí. Ngụ ngôn. Triết lý đậm đà bản sắc.

H.A.T
(249/11-09)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đám tang (04/12/2009)
Cùng bạn đọc! (02/11/2009)
Đi qua vùng lũ (02/11/2009)