Tạp chí Sông Hương - Số 128 (tháng 10)
Cây liễu Thạch Lam
14:54 | 04/11/2009
ĐOÀN TUẤNThạch Lam qua đời cách đây đã hơn nửa thế kỉ. Ông để lại cho chúng ta một khối lượng tác phẩm không lớn nhưng chúng đã trở thành một mẫu số vĩnh hằng trong văn học Việt Nam. Tiếc rằng chúng ta đã không thể lưu giữ một bức chân dung nào của Thạch Lam. Thậm chí mộ ông được chôn cất nơi nào, cũng không ai biết.
Cây liễu Thạch Lam
Nhà văn Thạch Lam - Ảnh: hocmai.vn

Nhưng không hiểu sao, những người cùng thời với Thạch Lam thường nhắc tới căn nhà của ông ở làng Yên Phụ và đặc biệt, trong căn nhà ấy, những người có diễm phúc được ghé thăm, đều dịu dàng và trân trọng nhắc tới một cái cây. Dường như ai cũng ngầm cho rằng, cái cây ấy là biểu tượng của con người Thạch Lam, là tượng trưng cho văn phong của Thạch Lam. Cái cây thiêng liêng và cao quý ấy là cây liễu.

Nhà văn Thế Uyên, một người cháu ruột của Thạch Lam, trong những năm tháng ấu thơ thường được mẹ là bà Nguyễn Thị Thế dẫn sang thăm chú Thạch Lam, mở đầu hồi ức của mình về người chú, đã nhớ ngay tới cây liễu: “ Khi tôi rời thời kì đứa trẻ chưa ý thức được vị trí của mình trong không gian và thời gian để vào tuổi biết rằng mình là mình, tôi thấy tôi ở một căn nhà ven sườn dẫn lên Nghi Tàm Quảng Bá. Phía sau nhà là hồ Ao Vả. Bên kia hồ là làng Yên Phụ, nơi có nhà cây liễu của chú Sáu ở (trong gia đình, Nhất Linh là bác Tam sinh thứ ba, mẹ tôi là cô Năm, Thạch Lam kế tiếp là chú Sáu). Gọi là nhà cây liễu vì trong sân sát hồ có một cây liễu lớn, cành đổ nghiêng rủ xuống gần mặt nước do chính Thạch Lam trồng.

Vâng, cây liễu ấy do chính Thạch Lam trồng! Gần đây tôi mới được đọc lời của một nhà hiền triết phương Đông khuyên tuổi trẻ hãy trồng một cái cây để biết quý mạng sống của mình. Thạch Lam mất khi còn trẻ lắm, mới vừa 32 tuổi. Chắc Thạch Lam trồng cây liễu ấy từ những ngày còn rất trẻ. Thi sĩ Huyền Kiêu đã làm thơ về ngôi nhà liễu ấy:

            Tây Hồ có danh sĩ
            Nhà thì ở nhà tranh
            Cửa trúc cài phên gió
            Trước thềm bóng liễu xanh...

Thạch Lam trồng liễu không phải là một sự vô tình. Làng Yên Phụ nằm bên Hồ Tây, giáp hai làng hoa lớn, có thể lựa chọn nhiều loài cây. Thạch Lam chọn liễu để trồng, theo lời thi sĩ Huyền Kiêu, là để thể hiện phong cách sống của mình: “Tôi có thể nói Thạch Lam là một người Việt Nam sâu xa, một người Việt Nam thành thực. Không phải chỉ riêng trong văn chương, trong cuộc sống hằng ngày, Thạch Lam cũng băn khoăn, muốn sống cho ra một người dân đất Việt.

Cho văn chương là một bài học về nghệ thuật sống, Thạch Lam thường dùng cuộc sống là một trường thí nghiệm để tìm tòi lấy cái hay, cái đẹp và nhất là lấy ý nghĩa của một cách sống, nếu không hoàn toàn thì cũng giữ được nguyên văn bản Việt Nam.

Có một tâm hồn ý nhị và tinh tế Thạch Lam không bao giờ nỡ không thưởng thức một thú vị thanh tao và thâu thái được rất dễ dàng những hương sắc đậm đà hay mơ hồ của đời sống Việt Nam. Ngồi uống trà ở bờ hè hay xem trăng nơi gốc liễu, nếm một đĩa rau hay thưởng thức một đóa hoa, Thạch Lam lúc nào cũng tiếp cảm được cho những người xung quanh vẻ đẹp vị diệu, ý nghĩa sâu sắc của những thú ấy khiến cho ta thấy cuộc đời đáng quý hơn lên...”

“Kề bên gốc liễu - theo lời thi sĩ Đinh Hùng, một người bạn thân của Thạch Lam - là một bàn rượu”. Nhà Đinh Hùng gần nhà Thạch Lam. Thi sĩ có nhiều dịp tri kỉ cùng nhà văn. Đinh Hùng nhớ lại: “ Hằng ngày, công việc mà anh để ý tới nhất là, ngay từ sáng sớm, trịnh trọng sửa soạn khay trà để cùng với mấy người bạn tri kỉ ngồi nhìn ra Hồ Tây mù sương trong khi đối ẩm. Để rồi sau đó lại cùng nhau họp mặt quanh mâm rượu, và cùng nhau say ngất ngưởng từ sáng tới chiều”. Chủ nhân của bàn rượu bên gốc liễu soi bóng xuống Hồ Tây là một con người thật đẹp, đẹp như văn chương của ông. Đây là lời xác nhận hàm chứa sự ngợi ca của Đinh Hùng. Ở địa vị chủ nhân, tác giả “ Hà Nội băm sáu phố phường” thực đã xứng đáng với cái danh “hào sĩ” mà chúng tôi tặng anh. Hết sức hào phóng, lịch thiệp mà vẫn thân mật, ân cần với tất cả mọi người, bao giờ anh cũng giữ một nụ cười rất đạt trên môi, và lúc nào cũng nhã nhặn, thủ thỉ, ngay cả trong những cuộc rượu bốc nhất. Mặc dầu có những chầu rượu say đảo lộn cả trời đất lẫn cửa nhà, dốc ngược cả khóm tre, cây liễu với Hồ Tây... Thạch Lam vẫn không hề nói lớn, và nhất là không... gây chuyện với ai. Trong khi Khái Hưng đấu khẩu cùng Thế Lữ, Trần Tiêu cãi lộn với Khái Hưng, Thế Lữ gây sự cùng tôi, Huyền Kiêu lại gây nhau với Thế Lữ, và chúng tôi cà khịa với cả Đoàn Phú Tứ cùng Nguyễn Tuân... thì Thạch Lam chỉ điềm nhiên nâng chén tiếp tục uống, và mỉm cười khuyến khích mọi người uống nhiều thêm. Dường như anh còn khích lệ cho mọi người cãi nhau hăng hơn, tuy rằng anh không dự cuộc... Anh vẫn ngồi rất chỉnh, đưa cặp mắt hóm hỉnh xét đoán phong cách ăn nói của từng người. Anh “đánh giá” bạn bè ở tửu lượng của họ và chúng tôi thường bảo nhau:

- Nếu không biết uống rượu cho sảng khoái và không biết ăn cho... đẹp, có lẽ không thể nào là bạn thân của Thạch Lam.

Tửu lượng của Thạch Lam khá cao. Ông uống nhiều nhưng không xao nhãng công việc. Mà công việc đối với Thạch Lam, chắc cũng mang phong cách của cây liễu. Vẫn lời Đinh Hùng: “ Dạo đó tới phiên Thạch Lam giữ trách nhiệm điều khiển nhà xuất bản. Một phần có lẽ công việc cũng nhàn, nhưng một phần hẳn là do cái phong độ ung dung thư thái của Thạch Lam, nên chẳng bao giờ tôi thấy anh tỏ vẻ bận rộn, và cũng chẳng bao giờ tôi thấy anh cho là quan trọng bất cứ việc gì”.

Viết đến đây tôi chợt nhớ tới lời của Philip Roth, nhà văn Mỹ đương đại, sống cách Thạch Lam nửa thế kỉ, cũng nói một ý tương tự: những ai cho rằng việc gì cũng quan trọng thì chẳng có việc gì trôi chảy, còn những ai cho rằng chẳng có gì quan trọng nhưng cái gì cũng trôi chảy.

Hình ảnh cây liễu đối với Thạch Lam như một vật thể để hồi tưởng, để liên tưởng, để tưởng tượng. Một nhà toán học Nga đã nêu ý kiến: trong những phòng dành cho các thí sinh dự thi những bộ môn khoa học tự nhiên không nên để bất cứ một đồ vật có bất kì hình dạng nào khiến thí sinh có thể nhìn vào đó mà tưởng tượng. Trên tờ Thanh Nghị số 39 ra ngày 16 tháng 6 năm 1943, nhân một năm sau ngày mất của Thạch Lam, nhà thơ Thế Lữ trong bài: “ Tính cách tạo tác của Thạch Lam” đã ngầm nhắc tới bóng liễu: “ Vẻ dịu mát của màu xanh cây một buổi nhìn ra ngoài đường nắng, đưa trí nghĩ tới vườn lá của một đoạn tuổi thơ quê nhà. Tôi được nghe Thạch Lam gợi lên những kỉ niệm ngày còn nhỏ của anh trước mấy ngày anh viết bài “Trở về” trong đó ta thấy ánh sáng gay gắt làm âm thầm thêm bóng cây lá".

Hơn bốn mươi năm sau, mùa thu năm 1986, trước ngày thành người thiên cổ như Thạch Lam, nhà thơ Hồ Dzếnh, không hiểu do trời đất run rủi thế nào, đã lặng lẽ bồi hồi, ngược trở về thời gian, đi lại con đường dẫn đến nhà Thạch Lam trong tâm tưởng: “ Thoạt đặt chân lần đầu đến nhà Thạch Lam, tôi không ngờ anh lại sống giản dị và thanh bạch đến thế: bộ bàn ghế thô sơ bằng mây, mấy cái bát da lươn đựng nước chè xanh mời khách và đây đó trên tường vài bức tranh tĩnh vật. Sóng Hồ Tây vỗ đều đều vào ba phía móng nhà, làn gió nhẹ vuốt ve mái tóc rủ dài của cây dương liễu. Đây là một nơi nằm giữa vùng Yên Phụ, mà sao tôi cảm thấy như xa cách hẳn với Hà Nội".

Theo hai học giả Pháp Jean Chevalier và Alain Gheerbrant, ở phương Tây hình ảnh cây liễu rủ xuống đôi khi được ví với sự chết, vì hình dáng của nó gợi những tình cảm buồn. Nhưng ở vùng Viễn Đông, cây liễu tượng trưng cho sự bất tử. Ở Tây Tạng, cây liễu cũng hiển nhiên đóng vai trò cây trung tâm, cây cuộc sống. Lão Tử thường thích ngồi dưới bóng liễu để thiền định. Người Trung Quốc cũng coi cây liễu tượng trưng cho sự trong sạch và bất tử. Nó gợi lên vẻ êm đềm nơi vắng vẻ, những khoảng rộng hoang vắng, những nền văn minh đã vùi sâu. Đó là hình ảnh sự vô tình của thiên thu. Còn ở Nhật Bản, những phong cảnh có cây liễu khiến người ta nghĩ tới những bức tranh của trường phái Hoa Nam. Các nhà thông thái xưa của xứ Mặt trời mọc cho rằng cây liễu biết báo trước trời mưa và gọi cây này là cây thần. Còn ở miền Tây Nam nước Nga, người ta cho rằng, ai trồng liễu, người ấy chuẩn bị một cái mai đào huyệt cho mình. Không nói rõ là cái chết đó, được cây liễu báo trước, ở đây có thể hiểu như một sự chuyển sang trạng thái bất tử mà cây liễu là tượng trưng.

Trở lại với cây liễu của Thạch Lam. Trong ngày cuối cùng, giây phút cuối cùng của mùa hè cuối cùng trong cuộc đời của mình, như ngọn đèn trước khi tắt hẳn còn dồn hết tinh lực bùng lên ngọn lửa lần cuối, rực sáng, lung linh, Thạch Lam, trước giây phút từ giã những người thân cùng nhà cây liễu, cũng đã dành phần lớn mọi cung bậc tình cảm cuối cùng cho cây liễu đau đớn. Trong hồi kí của mình, bà Nguyễn Thị Thế kể về cái chết của Thạch Lam như sau: “ Sáng hôm ấy sang thăm, thấy hai mắt chú sáng trong. Tôi ngồi xuống cái ghế cạnh giường, nắm tay chú, bàn tay ấm và mềm. Chú bảo chị đẩy em lên cao một tí để em nhìn thấy cây liễu, chú phàn nàn anh người nhà đem chặt đi mất một cành liễu rủ xuống làm mất đẹp. Tôi biết chú vốn quý cây liễu ấy lắm, nhưng không ngờ lúc đau ốm gần kề cái chết mà vẫn còn để ý đến vẻ đẹp thiên nhiên, như vậy chú còn ham sống yêu đời lắm...”. Đó là ngày 28 tháng 6 năm 1942, Thạch Lam vào cõi bất tử bởi chứng bệnh lao hiểm nghèo. Còn cây liễu thì sao? Ít lâu sau, Cách mạng tháng Tám thành công và kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhiều văn nghệ sĩ ra chiến khu. Sau đó một số người, vì nhiều lí do khác nhau, trở lại Hà Nội. Với Thế Uyên, khi ấy còn nhỏ nhưng đã sớm có ý thức, mục đích duy nhất của anh là muốn được nhìn lại cây liễu của người chú, nhà văn Thạch Lam thân yêu.

Anh nhớ lại: “ Gia đình tôi hồi cư về Hà Nội năm 1947. Ngay ngày hôm sau mẹ tôi cho tôi và Liên về thăm nhà cũ xem mọi sự ra sao... Lên khỏi dốc Cổ Ngư, lính Pháp chặn xét và khám rất kĩ hai chiếc mũ sói màu xanh rộng vành xem có giấu giấy tờ gì không. Qua đồn, nhiều nhà cửa cháy đen, không một bóng người. Khung cảnh điêu tàn kéo dài cho tới dốc gạch dẫn xuống làng. Bắt đầu từ đây, nhà cửa vẫn còn nhưng vắng bóng sinh hoạt của mọi người. Ra khỏi khúc quanh tới cây đa cổ thụ cành lá nghiêng về phía hồ ao Vả, Liên reo lên: “ Nhà cây liễu vẫn còn!”. Đối với chúng tôi, nơi Thạch Lam ở xưa kia được gọi như thế để phân biệt với nhà trong, căn nhà gỗ thầy mẹ tôi làm sau này và ở cho tới khi tản cư. Tôi cũng mừng rỡ nhưng rồi sững sờ và cố gắng nhìn, không thấy cây liễu đâu. Cổng mở lớn, tôi chạy vào: cây liễu cổ thụ mất tích, phần đất mang gốc trước kia bây giờ là hồ. Chắc đã bị ai chặt đi, và bờ cứ lở kéo theo luôn phần đất.

Sau khi Thạch Lam chết, gia đình Nhất Linh mua lại khu đất, phá nhà tranh cũ đi, xây một ngôi nhà gạch nhỏ... Suốt thời ấu thơ, đối với chúng tôi, Thạch Lam chỉ có nghĩa là cây liễu “ do chú Sáu trồng”. Cây liễu biến mất và khu làng im lìm bỏ hoang này không còn là căn làng thần tiên tứ bề nước bao quanh của tuổi ấu thơ nữa. Nhiều năm sau, dù đi chơi rất nhiều vùng Nghi Tàm Quảng Bá, rất ít khi tôi rẽ vào làng Yên Phụ. Đường làng bây giờ hẹp quá, bẩn quá, cây đa cổ thụ hết bí mật. Nhà cây liễu chỉ còn là một căn nhà gạch nhỏ xám xì, nhà trong cũ kĩ hư nát. Những giọt nước mắt của đứa bé đứng ở cửa nhìn ra đường phố tối đen ngày ấy đã xóa nhòa thế giới ấu thơ và cũng đã chấm dứt một thời kì. Tôi tự hỏi nên gọi thời kì này là gì: thanh bình? tiền chiến? Pháp thuộc? nhưng tôi biết nó chấm dứt với tôi bằng sự tiêu tan không vết tích cây liễu của Thạch Lam".

Thạch Lam mất rồi. Cây liễu ông trồng không còn nữa. Nhưng mỗi khi nhìn thấy liễu ở bất kì nơi nào, tôi thường nghĩ đến Thạch Lam. Hình như cây liễu và Thạch Lam là một cặp sinh đôi và cùng chung số phận. Cây liễu cũng như nhà văn Thạch Lam, mãi bất tử và trường tồn. Nhà tâm lý học Thụy Sĩ Carl Gustav Jung (1875 -  1961) đã chứng minh rằng hình ảnh của cây vẫn tồn tại như một nguyên mẫu trong tiềm thức của các cá nhân và cộng đồng. Thực tế nó là một trong những biểu tượng phong phú nhất, sinh động nhất, phổ quát nhất. Ở một thời khủng hoảng như thời đại ngày nay, chính trong bản thân mình mà con người có thể phát hiện một cách hữu ích ý nghĩa của hình ảnh đó và đồng thời tìm lại được ý thức về sự hòa hợp với thiên nhiên, về sự hài hòa với vũ trụ mà con người nhiều khi đã để mất một cách tai hại đối với bản thân mình. Và cây liễu- văn- Thạch Lam vẫn tiếp tục tỏa bóng, như Nguyễn Tuân khẳng định: “đem đến cho người đọc một cái gì nhẹ nhõm, thơm lành và mát dịu... giúp cho người bộ hành nghỉ chân trên đường đời, trước khi tiến lên nhiều chặng, nhiều quãng mới”.

Đ.T
(128/10-99)




 

Các bài mới
Chị Khảo (11/11/2009)