Tạp chí Sông Hương - Số 128 (tháng 10)
Văn học Trung Quốc đương đại trong cơ chế thị trường
09:31 | 06/11/2009
TRẦN ĐÌNH SỬVăn học Trung Quốc trong cơ chế thị trường đã có những biến đổi khá lớn. Theo các tác giả của sách Văn học Trung Quốc thế kỷ XX xuất bản tại Quảng Châu năm 1988 có thể nắm được một đôi nét diện mạo, chứng tỏ văn học Trung Quốc không còn có thể tồn tại theo phương thức cũ. Cơ chế thị trường đã làm cho nhà văn và nhà phê bình phải suy tính lại về sách lược sinh tồn và phương hướng phát triển nghề nghiệp.
Văn học Trung Quốc đương đại trong cơ chế thị trường
GS Trần Đình Sử - Ảnh: Lê Vĩnh Thái

Từ năm 1985 tại Trung Quốc đại lục bùng nổ về văn học thông tục, tức văn học thiên về giải trí, cốt truyện hấp dẫn với nhiều loại đam mê. Hơn 10 bộ tiểu thuyết Kim Dung, Lương Vũ Sinh lần in đầu đã đạt hơn 2 triệu bản, 15 bộ tiểu thuyết Quỳnh Dao cũng không thua kém. Các tạp chí lớn như Thu hoạch, Nhân dân Văn học, Thượng Hải Văn học từ số in hai chục vạn rút xuống còn ba vạn, tạp chí Manh Nha từ 35 vạn đến năm 1995 còn hai vạn, các tạp chí khác đều hướng về tác phẩm văn học thông tục, tác phẩm văn học thuần túy ít được chú ý. Nhà văn Phùng Kí Tài nhận xét: Khái niệm văn học thời kì mới đang mờ nhạt dần. Cảnh tượng một nền văn học đầy sóng to gió lớn, mạnh mẽ, khí phách, tinh túy đều đã biến đi mất tăm, hồn vía không còn, cả đến cảm giác cũng không thấy nữa. "Ông cảm thấy "một thời đại văn học đã kết thúc". Văn học đã thành hàng hóa, Ban biên tập các tạp chí, các nhà xuất bản các lái sách lợi dụng quyền hạn của mình trở thành kẻ thao túng thị trường văn hóa. Họ dùng biện pháp quảng cáo, thay mẫu bìa đóng gói để gây chú ý với người đọc. có người than phiền tác phẩm không thể dựa vào phẩm chất của mình mà nổi tiếng được. Nhà đạo diễn Sử Thục Quân thậm chí nói: "chúng tôi không cần nhà bình luận, mà chỉ cần nhân viên đóng gói, quảng cáo".

Vương Sóc nhà văn được chú ý từ trên 10 năm nay, luôn luôn gây bất đồng trong văn giới. Xin nêu tên một số tập bình luận về nhà văn này: "Vương Sóc, bậc thầy hay tên hạ lưu?". "Tôi là lưu manh, tôi cóc sợ ai", "Đã chơi là phải ngộp thở!". Một nhà bình luận nói: Đặc sắc của Vương Sóc là giọng điệu côn đồ. Ông dùng cách nói hủy diệt mọi quyền uy, phủ nhận mọi chân lí để tạo thế cho mình nhằm diễn đạt tiếng lòng của lớp người ở dưới đáy của xã hội thị dân, ông lí tưởng hóa lớp người dưới đáy để tạo quyền uy cho họ. Báo chí nước ngoài cũng thừa nhận Vương Sóc đánh dấu sự hiện diện của thời đại văn học đô thị.

Năm 1993 Giả Bình Ao cho ra tiểu thuyết Phế đô, được coi là "Kim Bình Mai hiện đại" với số in ban đầu gần nửa triệu bản, một số in lớn nhất trong những năm gần đây. Sách có nhiều chỗ miêu tả tính dục kiểu Kim Bình Mai, lại còn dùng cách bỏ trống như thể bị kiểm duyệt, để câu khách. Một số người than phiền là Giả Bình Ao đã sa đọa thành một nhà văn dung tục. Một số khác khen đây là tác phẩm đỉnh cao miêu tả đời sống của giới trí thức Trung Hoa.

Thơ Cố Thành được đề cao và cũng biến thành hàng hóa. Người tình của Cố Thành viết tự truyện về mối tình với cố thành, trở thành sách bán chạy năm 1995, người tình của người tình của Cố Thành lại viết truyện tình tay ba!

Có một dòng văn học của lưu học sinh Trung Quốc ở nước ngoài ví như "Người đàn bà Trung Quốc ở Manhatơn", "Người Bắc Kinh ở Nữu Ước", "Gia tài của tôi ở Úc", lúc đầu gây được chú ý, về sau tính chân thật bị hoài nghi, người ta chỉ trích nhân cách của tác giả. Một nhà văn học sử nói: Đó là sách kích thích mộng làm giàu nước ngoài cho nên trở thành sách bán chạy. Một tác giả khác lại nói loại sách này có tác dụng khơi dòng. Việc các nhà văn thành lập công ty trở nên hết sức phổ biến. Năm 1992 nhà văn Vương Sóc lập phòng sáng tác phim truyền hình Hải Mã, thu hút nhiều nhà văn nổi tiếng. Cũng năm đó nhà văn Trương Hiền Lượng thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển nghệ thuật trực thuộc hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Hạ. Nhà viết kịch Ngụy Minh Luân thành lập công ty kinh tế văn hóa Ngụy Minh Luân, tự làm giám đốc. Năm 1993 một số nhà văn Thượng Hải cùng kí bản qui ước về giá nhuận bút thấp nhất cho kịch bản phim và truyền hình, chống lại qui định nhuận bút của nhà nước. Năm 93 tại Thâm Quyền tổ chức bán đấu giá bản thảo, gần 800 trăm tác giả tham gia. Kịch bản văn học của nhà văn nữ Hoắc Đạt Cha con Tần Thủy Hoàng được bán với giá một triệu nhân dân tệ (khoảng một tỉ rưỡi tiền Việt Nam), lập một kỉ lục về giá bản thảo. Ngôi sao màn bạc Lưu Hiểu Khanh chỉ mới nghĩ ra cái tên một bộ phim sắp làm đã bán được một triệu tám trăm nghìn nhân dân tệ, biểu lộ một phương thức giao dịch mới. Năm nhà văn tự do lấy tên chung là Chu Hồng, kí hợp đồng với nhà xuất bản Thanh niên Trung Quốc, qui định, tác phẩm kí tên Chu Hồng chỉ được in tại nhà xuất bản này, và mỗi năm "Chu Hồng" phải đảm bảo một tác phẩm bán chạy. Một nhóm ba nhà văn Bắc Kinh bỏ một vạn hai nghìn tệ đăng quảng cáo bán bản thảo kịch truyền hình Nhà số 35 phố Hồng Thuận, có hơn 70 đơn vị đặt mua. Cuối cùng một công ty du hí ở Bắc Kinh mua với giá một trăm sáu chục nghìn nhân dân tệ.

Thị trường văn học Trung Quốc khá là sôi động. Văn học thông tục đang chiếm ưu thế. Một số nhà xuất bản mong tạo ra Kim Dung và Quỳnh Dao, Tam Mao, Cổ Long - loại nhà văn bán chạy mà nghiêm túc của mình.

Từ năm 1986 trở đi, song song với quá trình thị trường hóa, văn học ngày càng vận động ra ngoài rìa và lần đầu tiên cho thấy địa vị đính thực của văn học trong đời sống. Sau khi đập tan "bè lũ bốn tên", nhiều nhà văn thường nói tới sứ mệnh, ý thức trách nhiệm trước xã hội, nhưng từ sau năm 1986 nhiệt tình chính trị phai nhạt dần. Trong xã hội kinh tế người ta chủ yếu quan tâm tới lợi ích thực tế, những người ước mơ làm việc khai sáng, làm phát ngôn nhân cho nhân dân tự thấy mất dần người đọc. Nhà văn không thích bàn chính trị, có người tự thấy văn học chẳng qua là một ngón nghề giúp tiêu khiển khi trà dư tửu hậu. Có nhà văn nói: "Chào biệt chủ nghĩa lý tưởng". "Cái tôi đàn chết dần". Nhiều nhà văn mất đi hứng thú đối với thực tế. Các nhà văn Mạc Ngôn, Tô Đồng, Diệp Triệu Ngôn sáng tác "tiểu thuyết lịch sử mới", vứt bỏ mọi phán đoán giá trị có tính chất chính trị. Trong tác phẩm Vú to mông rộng của nhà văn Mạc Ngôn, được giải thưởng, lính quốc dân đảng hay lính đảng cộng sản đều như nhau. Ngôn từ chính trị từng bao phủ văn học một thời bỗng nhiên lặn mất. Cái đối diện với văn học bây giờ đã từ quyền uy chính trị chuyển sang qui luật thị trường. Trước đây nhà văn có đầy ý thức ưu việt của người tiên tri, tiên giác của kẻ nắm được chân lí trong tay, thậm chí khi bị bức hại về chính trị họ vẫn còn có được cảm giác bi tráng, nay trong dòng chảy thị trường họ tự thấy mình không đáng một xu. Kết cục đáng buồn của họ không phải do li kinh phản đạo mà bị xử lí về mặt chính trị, mà do họ "lí tưởng" quá, "đạo đức" quá mà bị thị trường bỏ rơi. Các Đông Ki-hốt-tê hiện đại từng đạo mạo hiển hách một thời này đang chạy trốn cái cao cả và tự biến thành kẻ ốc sạo bình dân.

Rời xa trung tâm của ý thức hệ các nhà văn quay về với dân gian. Có người sáng tác "hiện thực mới" - biểu hiện ý thức thị dân, coi sinh tồn là vấn đề hàng đầu của nhân sinh; có người sáng tác tiểu thuyết lịch sử mới, khai thác các dã sử truyền kì bị bỏ quên, đánh giá lịch sử theo quan niệm dân gian. Có người xây dựng hình ảnh những ông quan tốt bụng, gửi gắm kì vọng của dân chúng.

Một hướng khác là quay về với con người cá nhân, họ thể hiện cảm xúc của mình như một người bình thường, để viết theo lối "thể nghiệm mới", thẩm định lại cuộc sống hằng ngày. Có người đi sâu vào tình dục, vào trò chơi, vào "cái tôi". Có người truyền kỳ hóa mẫu người thị dân mới, thần thoại hóa cá nhân, phát huy chủ nghĩa nữ tính.

Trong kinh tế thị trường phê bình văn học dần dần bị tắt tiếng. Bởi phê bình tự nó không tạo được hệ thống giá trị và một trung tâm diễn ngôn. Tình trạng vận dụng lí luận tạp nham khiến cho phê bình ngày càng tản mạn, thiếu trung tâm. Việc vay mượn lí luận nước ngoài, lạm dụng thuật ngữ khái niệm, vận dụng vội vàng làm người đọc thiếu tin tưởng. Các nhà phê bình lặng lẽ rút khỏi lãnh địa văn học, dần dần thay thế bình văn học bằng phê bình văn hóa.

Đối với xu thế văn học đang chuyển ra vùng biên của đời sống xã hội có người cho rằng thế là phải, vì văn học xưa nay có trực tiếp quan hệ đến quốc kế dân sinh đâu. Nó được đưa vào vị trí trung tâm của ý thức hệ là chuyện không bình thường. Nay xã hội đang lấy kinh tế làm trung tâm rồi thì văn học không thể trở về trung tâm nữa. Cam phận bên lề là cách lựa chọn duy nhất thỏa đáng. Mà đây cũng là khởi đầu vận mệnh mới của văn học trong thế kỉ 21 sắp tới. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người đang nhiệt tình kêu gọi văn học phải xác lập lại tiếng nói trung tâm của mình, củng cố hệ giá trị và đánh giá của mình để từ vị trí của mình mà có tiếng nói bổ ích có trọng lượng đối với đời sống xã hội.

T.Đ.S
(128/10-99)





 

 

 

Các bài mới
Chị Khảo (11/11/2009)
Các bài đã đăng