Tạp chí Sông Hương - Số 128 (tháng 10)
Từ đường Qui Đức công chúa bị lãng quên
14:29 | 06/11/2009
HỒ VĨNHTừ đường Qui Đức công chúa tọa lạc bên cạnh đường đi lăng Tự Đức thuộc thôn Thượng 2, xã Thủy Xuân, thành phố Huế. Đây là một ngôi từ đường cổ có tuổi thọ trên 100 năm. Bình đồ từ đường có kiến trúc gần vuông, nội thất có 1 gian 2 mái gồm 20 cột gỗ lim, kiền. Ở gian chính giữa treo bức hoành khắc nổi sáu chữ Hán "Qui Đức công chúa từ đường".
Từ đường Qui Đức công chúa bị lãng quên
Mặt hậu từ đường Qui Đức Công chúa - Ảnh: Hồ Vĩnh

Cốt lõi của ngôi từ đường là một bộ khung gỗ chịu lực với sự lien kết chặt chẽ bởi các vì kèo, hai gian ở hai đầu với một vì kèo đặc biệt gọi là vì kèo chái. Chất liệu gỗ lim, kiền cho phép đẩy mái cao hơn, lòng nhà rộng. Vì kiến trúc theo thức nhà "rội" nên phần không gian của hai chái lót ván ngăn cách với gian chính diện.

Theo sách Đại Nam liệt truyện và Nguyễn Phúc tộc thế phả cho biết. Qui Đức công chúa Vĩnh Trinh, biệt hiệu là Nguyệt Đình, con gái thứ 18 của vua Minh Mạng, con gái cùng mẹ với Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, sinh năm 1824. Thuở nhỏ bà thông minh, biết lo lắng và rất chí tình. Ban đầu bà được vua cho theo nữ sử ở trong cung để học, lúc hơi lớn bà đã thích ngâm vịnh. Bà đã được Tùng Thiện Vương dạy cho luật thơ Đường và bà hiểu rất rành rẽ.

Năm 1850, bà được gả cho phò mã Đô úy Phạm Đăng Thuật là con trai của Phạm Đăng Hưng, tức là em ruột của bà Từ Dũ (vợ vua Thiệu Trị). Năm 1861 Nam Châu có động, Thuật vâng mật chiếu đi Gia Định phỏng sát, chết trong khi làm công việc. Được tin vua Tự Đức rất thương tiếc truy tặng Quang Lộc Tự Khanh. Bà Qui Đức dâng bài biểu lời lẽ thống thiết xin đưa linh cữu chồng về kinh đô an táng. Từ lúc chống mất, bà một lòng thề cư tang, mười mấy năm không ra khỏi cửa, ai cũng khen là giữ tiết. Bà có một người con gái tên Uyển La mất sớm, sau đó bà nuôi cháu của chồng là Đặng Tiến để nối dõi, nhưng Tiến phóng túng nên bà lập từ đường trước mộ chồng và mua ruộng để lo hậu sự. Qui Đức công chúa mất năm 1892. Trước tác của bà có tập Nguyệt Đình thi thảo.(1)


Hiện nay từ đường Qui Đức công chúa do anh Phạm Ngọc Công là người địa phương lo việc thờ tự. Nhưng theo anh  Công cho biết không "kham nổi", nên toàn bộ kiến trúc của từ đường công chúa Qui Đức đang xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ sụp đổ. Hiện gian chính giữa, đòn tay, xà, rui bị mối mọt ăn thủng. Riêng cái khám thờ - thờ bài vị công chúa Qui Đức và ông Phạm Đăng Thuật mối mọt làm mục rỗng sập xuống trong quá tội nghiệp. Phần mái sau lợp ngói âm dương đã bị sụt lở, nên anh Phạm Ngọc Công phải lót tồn chống dột tạm thời. Còn bức tường xây bằng đá gan gà, mạch trát đất, tường trát vôi vữa thì đã sụp đổ dần từng mảng.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng nhất là ngành bảo tồn, bảo tàng sớm tiến hành khảo sát hiện trạng để cứu vãn một di tích văn hóa đang trên đà sụp đổ.

H.V
(128/10-99)


------------------------------------------------------------------
(1)
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam chính biên liệt truyện, tập 3, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, trang 180 - 181. Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1995, trang 323 - 324.



 

 

Các bài mới
Chị Khảo (11/11/2009)
Các bài đã đăng