Tạp chí Sông Hương - Số 128 (tháng 10)
Hương vị của chân lý
09:11 | 07/11/2009
YURI BONDAREVTên tuổi của nhà văn Nga Yuri Bônđarép rất gần gũi với bạn đọc Việt Nam qua những tác phẩm nỗi tiếng của ông đã được dịch ở ta vào thập kỷ 80 như: "Các tiểu đoàn xin chi viện", "Tuyết bỏng", "Bến bờ", "Lựa chọn", "Trò chơi"... Là một trong những nhà văn Xô Viết hàng đầu miêu tả hùng hồn và chân thực chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh chống phát xít Đức 1941- 1945, Bônđarép đã được phong Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa, được tặng giải thưởng Lênin, các giải thưởng Quốc gia, giải thưởng Lép Tônxtôi và M.Sôlôkhốp, giải thưởng toàn Nga "Xtalingrát"...
Hương vị của chân lý
Nhà văn Bondarev - Ảnh: sovlit.com

Trong những năm cải tổ và hậu cải tổ, Bônđarép đã bộc lộ mình như một người yêu nước chân chính, dám dũng cảm phê phán những sai lầm tệ hại dẫn tới sự sụp đổ của cường quốc Liên bang Xô Viết, những khuynh hướng tiêu cực mang đậm màu sắc xã hội như vấy bùn vào quá khứ oanh liệt của dân tộc, miệt thị chiến công vĩ đại và những hy sinh lớn lao của nhân dân Liên Xô để cứu loài người thoát khỏi sự thống trị của chủ nghĩa phát xít Đức, những mưu toan bôi đen nền văn học Xô Viết quang vinh vốn được cả thế giới thừa nhận cũng như sự sùng bái phương Tây một cách mù quáng.

Năm nay nhà văn Bônđarép tròn 75 tuổi, nhưng ông vẫn sung sức và say sưa sáng tạo với một ngọn lửa nhiệt tình không suy giảm của người chiến sĩ pháo binh năm xưa và với đòi hỏi rất cao về chất lượng nghệ thuật đối với bản thân mình. Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu một số trang nhật ký mới nhất của ông thể hiện rõ bản lĩnh và nhân cách của một cây bút cự phách rất đáng trân trọng này.



Ôi, tôi muốn trung thành biết bao với chiếc bàn viết, với tờ giấy trắng vốn quyến rũ tôi bằng sự hứa hẹn các chuyến viễn du đến những miền đất lạ của thế giới tinh thần, vào cõi bí ẩn của ngôn từ vốn có khả năng trở thành mầu nhiệm, tức là có khả năng chữa bệnh, an ủi đồng thời gây tổn thương sâu sắc. Vào thời kỳ sáng tác cần phải sống hoà thuận với chính bản thân mình. Đó cũng là niềm hạnh phúc nhưng nó không thể có được trên mảnh đất này.

Tôi rất biết ơn nền văn học Nga vĩ đại vì nó đã bồi dưỡng tôi trở thành một người học trò trung thành. Tôi không bao giờ thay đổi lòng yêu mến của tôi đối với các tác phẩm cổ điển.

Trong vòng hai mươi năm nay tôi đã viết được: "Bến bờ", "Trò chơi", "Cám dỗ", đó dường như là những cuộc viễn du tinh thần của tôi,là sự tìm tòi không cùng về ý nghĩa của tồn tại mà tôi từng suy ngẫm một cách đau khổ sau khi đã xài hết phần lớn cuộc đời mình. Có lẽ tôi đã hoàn thành bốn bộ tác phẩm về giới trí thức bởi vì qua các nhân vật của nó ( Nikitin, Vaxiliép, Crưmốp, Đrôdơđốp) và hầu như qua tất cả các quân nhân và các nhân vật hiện đại, tôi đã đi tìm chỗ dốc bầu tâm sự của mình.

Sau những bài báo của tôi và nhất là sau bài nói chuyện của tôi trước công chúng vào năm 1987 chống lại những biện pháp hết sức thiếu suy nghĩ và hời hợt đến mức không thể tha thứ của công cuộc cải tổ ( hình tượng chiếc máy bay và đường băng hạ cánh không tồn tại), giới báo chí quá khích của chúng ta đã hăng hái xé toạc chiếc áo sơ mi của tôi và điên cuồng chửi mắng tôi, cho tôi là phần tử bảo thủ và khó hiểu. Tôi không muốn làm cái việc bác bỏ điều đó bởi vì tôi ngờ rằng quả thật tôi khó hiểu đối với những kẻ bằng trò ma giáo của từ ngữ và bằng sự dối trá đã và đang làm băng hoại nước Nga nhằm đưa nó tới chỗ bần cùng hóa thảm hại và tới sự ô nhục ê chề.

Nền văn học Nga lớn lao vẫn còn có ảnh hưởng trong xã hội hiện nay vốn bị tràn ngập bởi nạn dịch suy đồi  đạo đức. Tuy vậy, bất chấp tất cả những điều đó, vẫn còn lai sự minh triết của đất trời tức là sức mạnh của cái đẹp. Có đúng thế hay không? Vấn đề là ở chỗ cái đẹp dường như là một  phạm trù mang tính chất thời gian. Nó nở rộ, đắc thắng, biến cải và tàn phai trong thiên nhiên và trong bản thân con người. Duy chỉ có chân lý, sự công minh và điều thiện là mãi mãi đẹp tuyệt vời. Nếu như tôi tin vào những cái đó thì như thế có nghĩa là  tôi tin vào sức mạnh của cái đẹp. Tôi sẽ tin vào sự hữu ích hoàn toàn của khoa học khi nào nó mang tính chất đạo lý, khi nào nó tuyên thệ sẽ phục vụ vô giới hạn cho con người chứ không để tiêu diệt con người. Hiện nay hãy còn tám mươi phần trăm khoa học là phi đạo lý.

Có biết bao nhiêu lần tôi đã phải đọc về " lễ cầu siêu", về " lễ mai táng" và " lễ truy điệu" nền văn học Xô Viết, về " sự chôn cất may mắn", về " tích chất phế thải của nền văn học và nghệ thuật", về  sự khao khát từng phạt sự phế thải đó, về sự khao khát trả thù đối với những người hoàn toàn không tin vào Chúa. Ở đây có biết bao nhiêu lòng căm ghét, bực tức, sự bất lực, sự bẩn thỉu ô uế phát ra từ lỗ miệng được rửa ráy cẩn thận cũng như không được rửa ráy chủ yếu là của các nhà văn và các nhà phê bình, có biết bao nhiêu sự hằn học phẫn nộ vì không có được tiếng tăm, không được nhận nhuận bút, không được tặng những tấm huân chương, những giải thưởng - đó là sự trả đũa vì sự bất tài của chính mình, sự thất vọng dường như do khả năng không được sử dụng, và nổi bật trong tất cả những cái đó là thói ghen đố kỵ đối với sự thành đạt cao nhất của tài năng.

Giữa thanh thiên bạch nhật người ta có thể bác bỏ tất cả, thậm chí có thể phủ nhận rằng nước là ẩm ướt, còn mầu tím thì không phải bao giờ cũng là màu đỏ. Khi có một nhà lý luận dởm lếu láo nào đó với thái độ khinh miệt phán rằng" nền văn học Xô Viết là cái lỗ đen ngòm" thì điều đó khiến ta bật cười ( chứ không phải chỉ riêng nhà thiên văn học) bởi lẽ trong cái định nghĩa mang tính chất thiên văn học như vậy của nhà lý luận dởm thấy rõ sự khiếm khuyết hoàn toàn của lô gic và của trí tưởng tượng về hình tượng. Như mọi người đều biết, "cái lỗ đen ngòm" có một sức mạnh phi thường, nó thu hút vào bản thân nó những thể vũ trụ có quy mô cực lớn. Đúng vậy, "cái lỗ đen ngòm" trên bầu trời đó đã hút vào nó những đại lượng lớn đến mức ta muốn ca tụng để đền ơn đáp nghĩa tất cả các vị thánh thần. "Cái lỗ đen ngòm" đã tạo nên "thời hoàng kim của nền văn học Xô Viết" vốn đã trở thành nền văn học hàng đầu của thế giới. Vào ngày phán xử cuối cùng, có thể đặt bộ tiểu thuyết "Sông Đông êm đềm" của Sôlôkhốp trước đức Chúa để biện giải cho nghệ thuật ngôn từ của thế kỷ XX. Năm tên tuổi thiên tài cũng đủ để làm nên một nền văn học vĩ đại của bất cứ một nước nào. Tôi có thể kể ra nhiều hơn nữa, nhưng tôi chỉ nêu lên một số cái tên: Gorơki, Xécgheép Xenxki, Êxênin, Maiacốpxki, Sôlôkhốp, Lêônốp, V. Siscốp, Bungacốp, A. Tônxtôi, Tvácđốpxki, Paxtécnắc. Và tôi còn có thể với lương tâm trong sạch bổ sung thêm hàng chục cái tên khác của các nhà văn hiện đại mà những tác phẩm làm vinh dự cho bất cứ một nền văn học nào của thế giới.

Không phải là một người quá tự tin ( để lấy điều mong muốn làm chân lý), tôi thiết nghĩ rằng đạo lý xã hội về nhiều mặt vẫn cứ dựa trên một nền văn học lớn cũng như những bất hạnh và niềm vui của chúng ta phụ thuộc vào sự liên kết của những cá tính khác nhau, tức là vào từng con người riêng biệt và vào tất cả mọi người gộp chung lại. Một kẻ đơn thương độc mã ngoài chiến trường đâu phải là chiến binh. Và nếu như tôi biết rằng tôi viết những cuốn tiểu thuyết ở chốn hoang vu, giữa cõi hư vô thì tôi đã đình chỉ ngay cái nghề này và coi nó là thứ trò chơi của chữ nghĩa.

Việc viết tiểu thuyết - đó là lối thoát ra khỏi cảnh cô độc để hòa nhập với mọi người, là lối thoát và niềm hy vọng rằng anh sẽ nhận được làn sóng hồi âm. Đồng thời cuốn tiểu thuyết - đó là bức thư trong chiếc chai gắn kín được quẳng xuống đại dương. Đó là bức thư về mối tai họa và cũng về kho báu được tìm ra.

Tôi viết lâu bởi vì tôi thuộc loại người bảo thủ, hoặc như thiên hạ nói, thuộc loại " ngựa kéo", hiểu theo nghĩa tôi ngồi trau chuốt từng câu, từng âm tiết, từng dấu chấm, dấu phẩy mà từ đó hình thành nên phong cách và hình thức. Và lần nào tôi cũng trông đợi vào sự hiểu biết của người nhận được bức thư được vớt lên giữa đại dương mênh mông của cuộc sống chúng ta. Có thể tôi sẽ thuyết phục được một ai đó suy ngẫm về những xung đột vĩnh hằng "có và không" cộng" và "trừ", "ánh sáng và bóng tối", "cái thiện và cái ác", " tình yêu và lòng căm thù", "cuộc sống và cái chết" và tìm ra thái độ của mình đối với mọi cái đang tồn tại.

Những thiên tài vĩ đại như Hômêrơ, Sếchxphia, Bandắc, Betôven, Tônxtôi, Dôxtôevski, Gôgôn, Chaicốpxki, về thực chất, đều nói lên một điều về con người trong lịch sử, về sự vận động của lịch sử trong con người, hay đều sử dụng một cốt truyện đáng kể nhất của đức chúa Giêsu. Lý tưởng của họ là con người có sức mạnh tinh thần tạo nên cái thiện và cái đẹp. Nhân vật "chính diện tuyệt vời" như vậy mà Gớt đã suy nghĩ khi kết thúc "Phaoxtơ" , mà Đôxtôépxki đã mơ ước trong "Nhật ký" của mình, chưa được tạo ra. Họ biết rằng sự thật và trò bắt chước sự thật không phải là những từ đồng nghĩa. Đôxtôépxki đã dành trọn cuộc đời mình cho ý tưởng tìm Chúa trong bản thân mình và bên ngoài: tội lỗi và sự ăn năn hối hận, tội lỗi và sự cám dỗ, thông qua những đau khổ để đi tới tình yêu.

Cuốn sách - đó hoặc là sự hòa hợp giữa tác giả và độc giả, hoặc là trận kịch chiến, mà trong đó dù chiến thắng hay không chiến thắng, dù chấp nhận hay phủ nhận những tư tưởng của tác giả, độc giả học được cách cảm thụ và tư duy và có được sự nhận thức.

Những từ "nếu như" trong câu chuyện về lịch sử bao giờ cũng toát lên một cách không nghiêm túc và cũng không hiện thực, giống như câu chuyện tầm phào lúc trà dư tửu hậu. Nhưng nếu như xuất hiện tình huống năm 41 thì tôi quyết không muốn để số phận điều khiển tôi theo cách khác. Tôi không hề tiếc bất cứ một ngày nào của thời trai trẻ trong quân ngũ của tôi. Tôi là một người lính bình thường nhất trong đội quân nhiều triệu người của đồng bào tôi. Sau chiến tranh, nơi trú ngụ cuối cùng đã dành được là sự yên tĩnh. Nhưng tôi đã ở lại đó - nơi chiến tranh, trong một qúa khứ không quay trở lại. Đối với những người lính của toàn thế giới, chiến tranh chưa kết thúc sau chiến thắng hoặc thất bại. Nó kéo dài suốt cả cuộc đời cho tới khi nhắm mắt xuôi tay. Chiến tranh đã tước đoạt của thế hệ chúng tôi tuổi thanh xuân ư? Chuyện hoàn toàn nhảm nhí và đó là cái thứ văn chương nhăng nhít của những người đàn ông và đàn bà nhạy cảm đối với sự phê phán, họ đọc nhiều những công trình nghiên cứu phương Tây về "thế hệ hư hỏng", họ tranh luận ầm ĩ ở ngoài hành lang và gây nên những tiếng thở dài não nùng. Chúng tôi không phải là thế hệ "hư hỏng", không phải là thế hệ "mất mát", cũng không phải là  thế hệ "vỡ mộng". Chúng tôi đã đi đến vị trí của mình, đã đi tới hành động của mình và đã làm những gì mà số phận được định đoạt.

Phần lớn các nhà văn , các nhà bác học, các học sĩ, các đạo diễn điện ảnh, các nghệ sĩ nổi tiếng đều từ thế hệ chiến tranh mà ra. Cuộc chiến tranh vệ quốc, đó là tuổi trẻ của chúng tôi, kinh nghiệm vất vả của chúng tôi, lương tri của chúng tôi, phẩm giá của chúng tôi, và nếu mượn lời của ông Môngtenhơ, thì có thể nói rằng: "Cái đó là của chúng tôi chứ không phải của ai khác". Chẳng nhẽ "bộ máy tuyên truyền dân chủ" lại hy vọng vào sự xét lại ở quy mô toàn thế giới cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, lại không dè xẻn những mầu sắc ảm đạm tang tóc và vẽ lên chiến công bất tử của nhân dân bằng cái chổi bẩn thỉu. Liệu có thể trông đợi ở lương tri của một số nhà học giả có tên tuổi trước đây đã từng ca ngợi quân đội Xô Viết vinh quang nay bỗng nhiên quay ngoắt 180 độ như trong động tác vũ ba lê và lớn tiếng nguyền rủa tinh thần dũng cảm lẫn ý chí kiên cường của quân dội Xô Viết và miệt thị các bậc tướng lĩnh thiên tài của chúng ta?

Tôi muốn nói rằng trong số nhiều danh tướng có tầm cỡ thế giới, tên tuổi của Giucốp mà người ta đã viết quá nhiều những điều thù địch, chiếm một vị trí nổi bật nhất trong lịch sử của tất cả các cuộc chiến tranh thế giới, bởi lẽ tài năng lớn lao của ông được hiến dâng cho nhân dân, cho việc bảo vệ nhân dân nhân danh công lý và nhân danh chính bản thân cuộc sống. Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại mãi mãi sẽ là sự hùng vĩ về mặt tinh thần đối với chiến thắng vẻ vang của nhân dân Liên Xô, chiến thắng này không thể nào hình dung nổi nếu thiếu hai thiên tài của thế kỷ XX là Xtalin và Giucốp.

24 - 2 - 99
LÊ SƠN giới thiệu và dịch
(128/10-99)




 

Các bài mới
Chị Khảo (11/11/2009)
Các bài đã đăng