Tạp chí Sông Hương - Số 128 (tháng 10)
Tục thờ cá voi ở các làng biển từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân
14:24 | 11/11/2009
TRẦN HOÀNGCho đến nay cũng chưa ai biết rõ tín ngưỡng thờ cá voi ở các làng chài ven bờ biển Bình Trị Thiên xuất hiện từ bao giờ. Song việc cá voi dạt vào vùng bờ biển này thì đã được sử sách ghi lại từ cách đây gần 450 năm.
Tục thờ cá voi ở các làng biển từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân
Miếu thờ cá voi ở xã Cảnh Dương - Quảng Bình - Ảnh: thuycung.vn

Tiến sĩ Dương Văn An (thế kỷ XVI) chép rõ trong "Ô Châu cận lục": mục "Cửa Việt Khách". (Tức Cửa Việt thuộc tỉnh Quảng Trị hiện nay):
"... Khoảng năm Quang Thiện tiến triều (đời Lê) có loài cá voi theo nước vào. Khi nước triều rút xuống, người bờ bể bắt được. Có người dùng xương sống cá làm xà nóc dựng nhà"...(1)

Bài hát chèo cạn hát trong lễ tế đức Ông của làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch - Quảng Bình) có câu:

                        Nay mừng mở hội Cầu Xuân.
                        Trời sinh Thánh thượng Duy Tân trị vì.
                        Trời yên, biển lặng bốn bề,
                        Đức Ông thượng thọ nước về cõi tiên.
                        Lênh đênh mặt nước bao miền.
                        Tìm nơi đất tốt, dân hiền ghé vô.
                        Xuân sang lai láng biển hồ.
                        Ngư dân trông thấy Nước vô lạch nhà.
                        Tưng bừng nổi trống, kết hoa.
                        Nghe tin làng nước gần xa đón mừng...(2)

Những cứ liệu trên đây cho chúng ta biết rằng việc cá voi xuất hiện và việc thờ cúng cá voi ở vùng duyên hải Bình Trị Thiên ít ra là đã có lịch sử hàng trăm năm. Thông thường, khi cá Ông Voi theo sóng dạt vào bờ, ngư dân không bắt ăn thịt. Họ đưa cá lên bờ và chôn cất tử tế. Đến gần đây, làng Cảnh Dương vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn hai bộ xương cá voi tại đình làng. Bộ xương chứa chật một gian nhà. Mảnh xương sườn dài đến 2m, còn đốt xương sống to bằng cái mâm nhôm...(3). Cùng với việc chôn cất, tế cúng, ngư dân còn lập miếu để thờ tự, nhang khói hàng năm (gọi là miếu Ông miếu Bà).

Chúng tôi được biết: Hiện nay dọc bờ biển từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân một số miếu thờ cá voi vẫn còn, như miếu thờ ở các làng: Cảnh Dương - (Quảng Bình), An Bằng, Vinh Giang, Vinh Hải (Thừa Thiên Huế)... Một vài nơi ở sâu trong đất liền, nhưng có các vạn  cư trú, dân cũng lập miếu thờ cá voi. Chẳng hạn làng Dạ Lê Thượng (Thừa Thiên Huế) vạn cá đồng thờ cá voi chẳng khác gì vạn chài làm nghề đánh cá biển. Đặc biệt làng Mỹ Lam (Phú Mỹ - Thừa Thiên Huế) kể rằng: Miếu thờ cá ở làng họ là thờ một thai ngư bị sẩy theo nước đầm dạt vào đồng làng.

Với ngư dân thuở trước, cá voi là vị thần trợ giúp cho họ trong công việc lưới chài, và khi gặp bão tố giữa biển khơi. Vì vậy, miếu thờ cá voi luôn được dân làng chăm nom chu đáo. Hàng năm nhiều làng mở hội cầu ngư và tế cúng đức Ông.

Hội cầu ngư là một lễ hội dân gian đặc sắc của ngư dân vùng biển. Bình Trị Thiên; có làng tổ chức lễ hội vào đầu xuân, có làng tổ chức vào đầu vụ mùa cá Nam (tháng 4, tháng 5 âm lịch). Trong lễ hội, sau nghi lễ tế cúng thần linh, tế cúng thành hoàng... là các hoạt động vui chơi, thể thao, văn nghệ... Hầu hết các hội cầu ngư đều có đua ghe trên sông (Cảnh Dương, Lý Hòa, Gio Hải, Gio Việt), trên phá (Thuận An) hoặc trên biển (An Bằng)... Một số lễ hội có những hoạt động rất độc đáo, như trò buông câu, thả lưới bắt cá trên cạn (cá do người đóng) ở Thuận An (Thừa Thiên Huế); múa bông, chèo cạn, buông phao (Bảo Ninh - Quảng Bình), hát chèo cạn - hò khoan - hò hụi (Cảnh Dương) v.v... Lễ hội cầu ngư vừa nhằm vào việc tưởng nhớ công đức của người xưa, vừa thể hiện lòng mong ước, sự cầu chúc cho một mùa làm ăn phát đạt. Tín ngưỡng dân gian và sinh hoạt Văn hóa - văn nghệ dân gian hòa quyện chặt chẽ với nhau tạo cho đời sống văn hóa - tinh thần của ngư dân vùng biển từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân một nét riêng, đậm đà bản sắc dân tộc và bản sắc địa phương.

T.H
(128/10-99)


-----------------------------------------------------
(1) Dương Văn An "Ô châu cận lục" Văn hóa Á châu xuất bản. S - 1961 trang 19. Sách Đại nam thất thống chí cũng có ghi lại sự kiện này.
(2) Vua Duy Tân ở ngôi từ 1907 - 1916
(3) Hiện nay, hai bộ xương cá voi đã được đưa vào nhà truyền thống của làng, nhưng do chiến tranh, di chuyển bị thất thoát, nên chỉ còn độ 1/3.




 

Các bài mới
Chị Khảo (11/11/2009)
Các bài đã đăng