Tạp chí Sông Hương - Số 128 (tháng 10)
Ô mai- em đến hay đi
15:08 | 11/11/2009
HOÀNG CẦMThư gửi người âm (nhớ thi sĩ Đặng Đình Hưng)
Ô mai- em đến hay đi
Nhà thơ Hoàng Cầm - Ảnh: vanchuong.vnweblogs.com

Ngày xửa ngày xưa có một giáo sư bác sỹ nhổ bật cho anh cái khối u trong lồng ngực. U gì? bénigne hay maligne (1) lúc đó nào ai đã biết. Hẵng cứ nhổ cho xong đi một đoạn đời, mà cùng lúc con trai anh, thủ khoa một cuộc dương cầm ở một xứ nào xa có hàng bạch dương trên tuyết, cũng nhổ bật cho người cha cái khối u tội tình của cuộc mưu sinh vất vả, cái khối u tưởng như ác nghiệt lại trở thành ngọn đèn tâm linh soi lại đời mình, thẩm phán mọi việc đã qua để anh tự mình gạn đục khơi trong - khối u thần thánh.

Quả nhiên có những giọt nắng buồn Chopin đọng trên mười đầu ngón tay diệu kỳ của đứa trai út đã lung linh lên tiếng rất trong trẻo gọi anh cố gượng dậy mà ra thoát cái vòng âm u nỗi đời đã trói buộc dày vò anh hàng chục năm ấy chứ. Hưng hẳn không quên, cũng vào dịp ấy, mình động lòng thương xót bạn, viết một đêm xong bài thơ giao hưởng U GÌ tặng bạn và mừng cháu Sơn thủ khoa. Hưng thì vừa qua một trận dao kéo cắt rạch, luồn lách rất tài tình vào bộ ngực còn phồng căng bão táp của nỗi đời đa đoan lắt léo, con trai út của Hưng cũng vừa qua vòng cuối cuộc thi tài đầy kịch tính nơi quê người. Hưng nghe thơ U GÌ đến câu chót đã nắm chặt tay mình rơm rớm khóc.

Hồi đó cả anh và tôi chưa biết đau. Ngã thì đứng dậy, bình tĩnh (tuy cũng đã có vẻ run run) nhìn bốn phía. Riêng anh tìm hướng bay, quẫy cựa trong cái áo thùng thình mà đã hóa chật chội, anh đâm ra cáu kỉnh, phẫn nộ với cả những người thân yêu nhất, đã có lúc phẫn nộ với cả chính mình.

Thế là anh biết, trong ngực anh và cả trên cái lưng ni- lông- các- tông của định mệnh (2), có một khối u...

Khối u kia đã nhổ đi rồi, cơ thể anh lành trở lại. Thì cùng vừa lúc có một khối u khác, điện ở tần số nào soi cũng không rõ, dần dần choán hết hồn anh. Cái khối u cô đơn khổng lồ, anh ngồi trong cái lồng trong suốt bằng không khí. Mà quái ác thật, cái khối u quạnh quẽ mênh mông ấy lại phải đối diện hội thảo với một cõi mầu tro còn mịt mù hơn, ta thường gọi là cõi chết. Anh đã đi sắp hết một vòng âm dương, chịu luật ngũ hành, một chu kì nhân sinh thì đấng Tối cao đã gieo vào anh những hạt nhân của KHÔNG BIẾT.Vậy thì anh thôi... sợ. Anh bình thản, hay cố ra vẻ bình thản xoay cái khối cô đơn sừng sững ấy cho đối mặt hẳn với hư vô. Nào thử xem cõi mịt mù kia, ngươi làm gì được ta? Bằng sức mạnh tư duy phản tỉnh, anh đi vào cơn thể nghiệm cuối cùng (3). Nó khác hẳn những cơn thể nghiệm trước. Vì nó bắt đầu bằng một cơn thèm polydimensionnel (4). Thèm sống. Một mình trong căn buồng, anh gọi là hầm, cố đóng kín cửa cho thành hòn đảo hoang giữa biển người sóng gió, giữa một cái chợ. Anh nghe từng tiếng động nhỏ, thẩm thấu từng đường cong, nét quẹo, ầm ì sóng ngầm và hình như ở bên kia cũng đang vi vu nhiều cơn gió gọi. Nào, kiếp người - kiếp anh là thế nào đây? Anh bèn thể nghiệm lại, gọi là cơn thể nghiệm số 7. Trước hết là cơn thèm dữ dội. Là cái trục của một cuộc sống rất thật để những khát khao, ước vọng - gái nghén thèm miếng sấu giầm - cứ xoay quanh tít mù. Thèm ngửi, nếm, sờ mó, nhai nuốt, có khi nuốt chửng một mùi hương tóc, một vết chân người, một cái hôn bất tận- con libiđô (5) nhảy múa, kín, hở, khóc, cười. Hưng ơi, khi khởi bút Ô MAI Hưng hẳn không ngờ chính dòng đầu Ô MAI róc rách trong khe đá đời anh khô khốc ấy, Hưng mới sống đích thực một Đặng Đình Hưng thi sĩ.

Đặng Đình Hưng sau giải phẫu cắt bỏ khối u ở phổi trở về với cuộc sống thật, mới biết suy ngẫm về một vòng đời, một hội đã khép, mới biết thèm. Anh thừa nhận anh là con gấu ăn trăng, là cái nồi đồng mắt mở, một dị vật, một chuyển động, một thèm khát tỉ mỉ từng chi tiết từ đáy vực sâu của hư vô lên tuyệt đỉnh của cuộc sống hối hả, xô bồ, ào ạt từng ngày. Anh thèm ăn bằng tất cả các giác quan, cả giác quan thứ sáu, thứ bảy. Ăn tái bình minh- ăn tái buổi chiều nhai (ràu rạu) cả mặt trời- ăn một quả chuông buông giờ... nói gọn lại vào tuổi sáu mươi anh mới biết thèm sống, sống thật sự, tỉ mỉ và bao quát, anh khát cái thời gian đã mất, anh thèm níu lại từng sợi tơ thoi thóp nhiều chiều trong một không gian sôi động.

Hưng ơi! từ sau phút rời bàn mổ đến khi anh chạy lên trước dòng người đang đứng xếp hàng nghiêm chỉnh, anh “ chen ngang” mua bằng được cốc bia tận thế, anh vội đi, đi trước nhiều anh em về cõi vĩnh hằng (đã thanh thản chưa?) đến hôm nay (6) hình như đã quá mười mùa heo may nắng vàng ươm, mà lá bàng rắc đỏ mặt đường phố, phân phát cho từng nhà những giấy mời tha thiết đi ngao du đến những vùng bâng khuâng tiếc hận, đến cả những vùng vu quy hôn phối ấm áp (thường phải mặc áo len mỏng mà phải là áo đan bằng hai bàn tay - bàn tay em trắng - của người tình). Mười mùa thu, khoảng ấy anh bình tĩnh lấy thân mình, số kiếp mình làm thần tượng cô đơn để, rất chậm rãi, chậm rãi như khi anh nhấp từng ngụm nhỏ rượu quê, ngồi (hay nằm) viết bài thơ truyện Ô MAI. Anh đã nói từ lâu: “ Cô đơn cứ phải toàn phần mới sinh năng lượng”. Vậy thì Ô MAI là hiệu quả cao nhất của cơn thể nghiệm cuối cùng, cơn thể nghiệm cô đơn toàn phần Đặng Đình Hưng.

Đúng vậy, Ô MAI một cõi có thực hơi ấm thịt da người, những nồng đậm nếm được trong một cái chợ, y như những cái mẹt bầy tim gan, lòng tràng, khấu đuôi- Ô MAI- y những thúng gạo nếp, một hạt nếp thấy sữa và hương trời- Ô MAI- y như bóng gà đi vào bụi thẳm- những vệt bước chân đi quên bên một sườn đồi. Phải Ô MAI, lại là cõi ảo mê có thật giữa ban ngày, ai mua rươi ra mua lanh lảnh cái giọng nữ cao lê thê dài dọc phố mùa tro thổi thốc trời đông. Ô MAI- một nét nhạc tự khúc tình ca cuộc đời nối vào bản giao hưởng mùa ảo vọng như man mác- như mây trôi, lại như trống trải cô ly- như tiếng gọi mùa.

Hưng nhỉ, thực đấy, mê đấy. Như thơ - nữ thi vương diễm lệ ảo huyền, cả như thơ Hưng đã viết đến gần 10 tập vậy, nàng thơ của Hưng, từ một cô bé lọ lem- Ô MAI em.

Xuân hạ thu đông đi giữa mùa em gió lộng thu cùng...

Tôi đã rờn rợn hai vai lạnh và se se da thịt đêm thu ở căn buồng của anh, đường Giảng Võ, khi nghe như anh đang nói mê trong tiếng đọc đều đều của người bạn trẻ, Trịnh Tú, mùa hương đi tóc xanh, lại càng thêm thương xót anh vì nỗi anh đã lãng phí cả một vòng âm dương sinh thành tình yêu và hạnh phúc, để mãi đến bấy giờ mới biết tìm đến hạnh phúc ngoài anh, qua nỗi đau thương bằng thánh- em người thánh- oan là thánh và bấy giờ mới tìm cách hiện đạt ước mơ: lấy lại ấu thơ, lấy lại mùa tổ ấm - bàn tay em trắng. Bấy giờ anh mới biết: uống mùa hương vị ấy, ngây ngây ngày chớm lửa, lửa bồi hồi biết lửa, lửa bùng quên, bùng bốc cháy- xoay vần- cô lánh- mưa sa...

Tưởng anh đã hồi tâm, đã lấy lại được ấu thơ, nhưng kìa anh vẫn lù lù một Hy Mã cô đơn đối diện tử thần. Muốn kéo anh trở về cuộc sống thực, để hưởng đến đáy một mùa xuân có thực, để anh có cơ may ôm ấp một người nữ tràn sinh lực libiđô để thơ anh đỡ quằn quại trong cái vũng thế tình xoáy lốc nhưng anh không nghe. Anh hoài nghi cuộc đời, hoài nghi cả chính mình, bèn mở ngoặc giữa chừng bài thơ - truyện để bày ra một trận đánh thật khốc liệt. Cái ngoặc cùm khóa lớn. Con người bị giam trong cái ngoặc: nhà cửa, ngựa xe, danh vọng đến cả tri thức lớn, dăm ba cuốn (sách) cứ lẽo đẽo đi theo nhau qua các cuộc dọn nhà. Sách và người thường nhìn lại nhau qua cái bìa. Khoảng cách nhìn lại cứ thưa dần. Đi trong cái ngoặc là một thời gian sống dài vô vị, han rỉ. Ảnh, thuốc bong ra, những khuôn mặt chặp lại. Cái va li cũ lưu giữ những cơn sợ hãi. Bao nhiêu sợ hãi, bao nhiêu rơm rác cuộc đời trong cái ngoặc ấy. Quãng đời anh trong cái ngoặc là một xe rác, xe tải cỡ lớn mà anh chở đến vài chục năm nặng nề, nhục nhã, nay đem ra tung hê tất tật những cặn bã ấy đi, đánh bật rễ chúng đi, bật khỏi ký ức. Anh làm cuộc tổng tảo mộ đời mình. Trận đánh khốc liệt này, dạo ấy, mình nhớ lắm. Hưng cứ lì lợm triển khai cái trận tự oanh tạc. Autobombardement! Mình cũng hỗ trợ Hưng bằng nhịp hai của bài thơ giao hưởng vì cảm kích cái tuyệt vời nhân cách của Hưng. Anh dũng cảm nã đại bác vào quá vãng đời anh thì mình cũng thành thực vẽ cái chân dung Đặng Đình Hưng, không chùn tay trước sự thật phũ phàng. Vì mình cũng chẳng sợ các đại bác tương lai nào bắn vào hôm nay cả, bởi ngày mai cũng sẽ không chế tạo được viên đạn đại bác nào đó.

Anh nghĩ sau trận tự oanh tạc, sau cuộc tổng tảo mộ, trên đống hoang tàn đổ nát của giấy và sách, bản thảo và kỷ niệm, anh có thể bới tung quá khứ, tìm lại mình để đi vào cơn thể nghiệm cuối cùng, sáng tạo trên nền móng mới bằng những visions (7) mới, để tìm ra đích thực thơ thuần khiết là đi từ đâu. Tình yêu trốn ở đâu, thương thân, thương người khởi nguyên từ đâu và đến đâu là tận cùng. Khó thật, nhưng thôi, anh đã thôi thèm, anh đi giao lưu, rồi anh về hầm, khép kín cô đơn, đặt bút - như từ khai thiên lập địa đến bấy giờ mới đặt bút viết - miễn là chân thực lòng lành thì cái đẹp sẽ long lanh hiện dáng thơ Nữ Chúa. Anh ra vẻ đĩnh đạc, trang nghiêm bình thản nhưng tôi vẫn thấy anh run rẩy thồ trên vai gầy cái khối cô thần quả tú cứ rộn rã, hạch xách đòi anh phải trả nợ. Cái nợ làm người quả thật là quá nặng. Anh tự bắn phá cốt để qua đi cơn ác mộng ma đè. Xong. Anh gắng một nụ cười, anh định thần đứng dậy.

Và gặp Ô MAI em. Một lọ lem con đẻ của nỗi đời oan nghiệt, một thơ ngây trinh tuyết của thi ca - nữ thánh thoát thai từ đau thương bầm tím trên dòng đời cuồn cuộn những giấc mơ tan: “ khi tỉnh rượu lúc tàn canh, giật mình... mình lại...” (Nguyễn Du) Biến ảo Ô MAI em, em có thật đấy. Chính mắt tôi đã hơn một lần nhìn thấy “ cô ta” trong cái qúan chợ “ngựa vàng”, nơi Hưng thường ngồi một góc, nhấp từng ngụm nhỏ của Lặng Im ngăm trong một thứ rượu quê ngát mùi lúa chín và trắng toát màu sinh ly của những bến sông ảo vọng.

Ô MAI em, mà không có thật đâu. Ao ảnh. Hư huyền. Nhưng huyền diệu một loại thuốc an thần giảm đau. Thuốc này chỉ có những thi sĩ đích thực mới bào chế ra được - nó vuốt ve những vết sẹo còn ứa máu của đời anh và nó tung ra nhiều hẹn ước, bao giờ cũng dễ dàng để lỡ.Ước một giờ gặp lại. Ô MAI thành hương ấm phả vào mái tóc rối bời rưng rưng ngày tháng trôi qua của người thơ đau khổ chưa từng biết, để bấy giờ mới biết... gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau (ca dao). Anh đừng quên Em. Nhưng hình như không - phải - Em.Một tia nắng cuối chiều chợt lóe và chợt tắt. Có thể, đúng nửa đêm,lại là ngôi sao xanh chập chờn thức ngủ. Hưng ơi, sao mà thương xót ái ngại anh! Cuối đời rồi mới biết vơ nhanh một tia nắng, một ngọn gió hương cau thoang thoảng để làm thần tượng cho Thơ nên anh cứ bị hẫng. Cả chuyện tình Ô MAI - bập bồng,thoang thoang mùi hương thiên lý những đêm trăng vùng quê đồng chiêm trũng của anh,hình như chỉ là ảo giác của ông già sáu mươi tuổi cố niu một mùi hương, một gam màu lý tưởng rồi cố đẩy vào kho tiềm thức của anh vốn rất nghèo những ái ân đằm thắm đời thường,vì qua một hội nhân sinh anh chưa từng biết đam mê thật sự một người đàn bà “thứ thiệt” của xứ sở mình.

Nếu, suốt cả hai chương dài giao lưu - chiều thứ bảy, tôi chỉ thấy anh viết mơ (hoặc là nói mê)bằng cái “ton”(8) không lấy gì làm chắc lắm, giọng anh dịu dàng đấy lại hình như có nhuốm màu tuyệt vọng, anh cố tìm mãi không thấy, không bắt gặp một hơi thở nồng ấm trên ngực anh đâu, Hưng ạ. Những dòng thơ xuôi bảng lảng như bóng con đò trên sông chiều sương khói chập chờn - như cánh chim trên đồng chiều vội vã, không có hoàng hôn... nghe yếu đuối, ngọt mềm, nghe van vỉ thở than, như lời hò hẹn bâng quơ lìm lịm trôi, để rồi như không, không có gì cả. Đến ước mơ nữa cũng không còn gì hết.

Vậy thì sau nhiều cơ thể nghiệm cũ, sau nhưng bi kịch giằng xé vò nát anh một đời, anh còn lại gì đây? anh mất,mất hết. Anh vứt, vứt hết. Anh gặp Nữ Thánh Thơ, anh chỉ còn đựơc một tiếng thở dài trong trẻo như ngọn gió cuối thu trên cánh đồng chiều đã gặt hái. Hưng ơi, dẫu chỉ còn một tiếng thở dài, anh vẫn còn sống mãi, miễn là có người nghe thấy, cảm được và hiểu được cho anh, qua tiếng thở dài thi sĩ ấy. Đến đây, mình thắp nén nhang thỉnh Hưng về qua những “phố - Phái” giữa Thăng Long này để nghe lại những nhịp cuối U GÌ - thơ giao hưởng vì Hưng, nén nhang thân hữu vì nỗi đau rất Đặng Đình Hưng: “ Dương cầm vỗ sóng vô thanh...”

Hà Nội mùa thu 1992

------------------------
(1) U lành hay u ác
(2) Những dòng hoặc chữ in nghiêng là lời thơ và chữ của Đặng Đình Hưng
(3) Đặng Đình Hưng quen gọi mỗi lần sáng tác một thi phẩm là “ cơn thể nghiệm”
(4) Nhiều chiều
(5) Tạm gọi là hình tượng của dục tính
(6) Anh ra viện, sau giải phẫu, tháng 2- 1982 và qua đời cuối năm 1990 (chú thích của người viết)
(7) Nhỡn quan
(8) Giọng điệu.....



U gì

     Thơ giao hưởng phác họa chân dung thi sĩ Đặng Đình Hưng.
              tặng cháu Đặng Thái Sơn nghệ sĩ dương cầm

                                              H.C


PRÉLUDE
(Giáo đầu)

Hỡi nàng mắt biển mưa thâm
Sô-panh lánh chị...
đi nằm cỏ xanh
Bao giờ phấn bướm thăm anh
Giọt sưng đỉnh núi long lanh nắng tàn
Rơi vào kẽ phím...
                   âm hoang
 

NHỊP MỘT

Đêm trắng. Thiên Cơ ngời mắt xanh
Đơm đóa hồng đen giữa ngưc Anh
Đêm sau - Thiên Cơ hiếng mắt hồ tinh
Chụp hình bằng tia - chớp - đào - hoa
Một khối u lành trong suốt đáy.
Phim bầu trời thủy tinh
                                  đọc:
lấm tấm những nốt hồng đổ về cung Si-bémol
lệ chảy dường như giọt nắng buồn Sô-panh


NHỊP HAI

Đêm câm. Đôi ba ngôi Văn Xương trứng tằm rủ nhau đi li ti xa hút bầu trời thâm, gặp lóe vàng tia chớp hồng chị Hồng Loan (nghe như tiếng thoa vàng bẻ nửa,nghe như bông sen muộn hè chói lửa) chụp hình một khói u không màu. Phim mây ngầu
đọc:

Lỗ chỗ chín chậu nắng tóe mắt võng rách tụt cân đai yên ngựa què kéo đen ngòm cỗ xe bánh vuông không thấy mui sa lầy bãi sông thu bùn lũ ngược vẫy sen tàn (đi hoang ư) ngậm miệng nghỉm gió thốc lốc cung ré - majeur quắt nhức ba cạnh nhung gai ái ân gì dai thon mười búp trắng sữa bầu vú núi cao ngất

Bao giờ về quê trong
khoanh
Một cái ao ngồi giặt áo cả ngày
Ngoảnh mặt xem chú chuồn hoa đâm đầu khe chớp tía
Bao giờ về quê trong
Khoanh
Một cái bếp nấu cháo nếp xoan sánh lá mơ non nhòe mắt cụm mai ly khói dàn ngang chập hình bác mẹ toàn thân trần ru U Đào bé ngoan đừng nghịch nhé à ơi...
lại đọc:
Lố nhố nhiêu u gì sau xe hình mắt lé mã tấu trùng trùng răng chuột mặt nạ người đẹp tiếng ngọt thanh sà nép là bồ đề u rồi cùng đâm đầu khe ẩm rậm âm hoang
Hội chẩn: vô phương.
 

NHỊP BA

Hào quang chạy quàng đi quanh
Kết vòng chỏm núi
Dấm dúi cho ai: Bưởi, Chanh, Một, U Đào, hai u Bưởi
vô khối u Chanh
U Sen có vành
U Na rách mắt
Cười
(miệng cười đen)
Anh sơn mài
dành cho U Ac kiện trời đó ru?
Thiên Cơ chợp ngủ
Sương mù tháo chốt rêu từ độ ấy hẹn anh
Dương cầm vỗ sóng
vô thanh
Ngủ đi, u! (Ngủ đi ư?)
Ru em
Sóng lại rập rềnh...
                      hư không

Hà Nội, cuối thu 1980- đông 1981
Viết sau khi được tin ĐẶNG THÁI SƠN trúng giải khôi nguyên cuộc thi dương cầm (giải quốc tế Chopin) ở Vac- sa- va (Ba Lan) và sau khi Hưng khỏi bệnh, ra viện (2- 81)

(128/10-99)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chị Khảo (11/11/2009)