Tạp chí Sông Hương - Số 128 (tháng 10)
Lung linh Tả Trạch
09:42 | 17/11/2009
MAI HUY THUẬTCon tàu Thống nhất nhả Văn xuống ga Huế vào một trưa mưa tầm tã khiến Văn chợt thấm thía một câu thơ Tố Hữu:...“ Nỗi niềm chi rứa Huế ơiMà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên?”...
Lung linh Tả Trạch
Sông Hương - Ảnh: covathue.com

Mưa. Lũ từ Nam Đông- A Lưới đổ về làm cho hành trình lên Tả Trạch của Văn tạm hoãn.

Từ lầu 2 nhà khách nhìn ra sông Hương, nước lũ dềnh lên ngầu đỏ, củi rác trôi phăng phăng về phía biển và những con đò mỏng manh biết thân biết phận đành nép sát vào bờ. Lạ cho cái thứ mưa Huế, một thứ mưa dày tâm trạng! Nó không ào ạt như mưa Sài Gòn, cũng không dầm dề như mưa Hà Nội. Nó cứ tầm tầm, tong tả, triền miên như không biết tạnh, buồn nẫu ruột. Con đường Lê Lợi vắng teo, thỉnh thoảng lắm mới có một chiếc Honda vội vã vút qua hay một cái xích lô ì ạch ngược lên phía ga mà cả người điều khiển xe, cả khách đi xe đều tơi nón kín bưng...

Với Huế, Văn là khách lạ. Trước đây đôi ba lần Văn có dịp qua Huế nhưng xe chỉ lướt qua để còn vội vã vào Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang nên cái thành phố cổ kính thơ mộng này đối với Văn vẫn còn là một ẩn số. Hồi còn học đại học, Văn từng có chút tơ vương với một cô giáo rất trẻ người Huế, quanh năm chỉ mặc áo tím và trong khi đối thoại với sinh viên, cô vẫn “ dạ!” rất dễ thương. Ngay từ thưở ấy hồn vía Văn  cứ ngơ ngác mỗi lần nghe một khúc ca dịu dàng về Huế với chất giọng Huế “ thứ thiệt” của ca sỹ H.T:

“Đã bao lần đến với Huế mộng mơ
  Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt...”

Chương trình của Văn trong chuyến đi này, ngoài việc tiến hành nghiên cứu các đặc trưng địa hình, địa chất, thủy văn trên sông Tả Trạch ngõ hầu phác thảo nên một dự án xây dựng trên con sông này một hồ chứa nước lớn nhằm mục đích tưới cho hàng vạn hecta ở bờ Bắc, bờ Nam sông Hương. Ngăn lũ, bảo vệ thành phố Huế cùng các cơ sở kinh tế, quốc phòng và các lăng tẩm phía hạ lưu, đẩy mặn về phía biển để duy trì cho thành phố Huế nguồn nước ngọt được đảm bảo về trữ lượng và chất lượng.

Văn còn muốn nhân dịp này tiến hành một cuộc du lịch lữ hành trên địa bàn thành phố để biết thế nào là  “ăn Âm Phủ, ngủ nhà đò”. Chỉ tiếc, Văn đi chỉ một mình. Những thành viên khác trong nhóm nghiên cứu sẽ vào sau... Báo hại cho Văn, anh lại đi nhằm đúng cữ mưa. Anh cảm thấy thực sự tù túng, sự trì trệ làm cho đầu óc Văn lúc nào cũng căng như dây đàn. Như con thú bị nhốt trong cũi, Văn cứ đứng vịn tay vào song cửa sổ nhà khách nhìn ra màn mưa đang giăng mờ sông Hương mà ngao ngán buồn...

Sau lũ sông Hương lại trở lại vẻ đẹp thuần khiết và dịu dàng vốn có của nó. Nước trong vắt cho nhìn thấu lớp trầm tích cuội sỏi đáy sông. Loáng thoáng có những chiếc thuyền khai thác cát sỏi khẳm tới mép, tưởng như chỉ một sự chòng chành nhỏ cũng đủ bị nước nhấn chìm. Những chiếc đò thon nhỏ lắp máy đuôi tôm xuôi ngược trên sông tấp nập và vui như đi chợ.

Xuồng ngược sông Hương. Từ Long Thọ đổ lên, thôn xóm làng mạc hai bên bờ hiện ra trước mắt Văn một màu xanh ngút ngát, một cảnh quan thôn dã đẹp đến ngỡ ngàng làm cho một kẻ từng có nhiều cuộc phiêu du như Văn vẫn thấy bồi hồi.

Đến cửa sông Hữu Trạch, chiếc bo bo có phần đi chậm lại vì từ đây đổ lên, độ dốc dòng chảy đã lớn hơn đoạn hạ lưu, lưu thượng thuyền đò trên sông cũng thưa dần. Đồi núi đã ra sát sông làm lòng sông hẹp lại và vắng vẻ, hoang dã.

Văn bỗng thèm nghe một giọng hò, cái điệu hò Huế mênh mang, thăm thẳm và day dứt một nỗi buồn thiên cổ như đâu đó từ một miền ký ức xa xôi vọng về:

“ ... Thuyền về Đại Lược
Duyên ngược Kim Long
Đến đây là chỗ rẽ của lòng
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào?!...”

Ngược lên Tả Trạch trời đã quá trưa. Phần ngày còn lại Văn và đoàn công tác phải làm việc với chính quyền và Đảng ủy xã D.H, nơi có vị trí dành cho một tuyến đập lớn sẽ ngăn sông Tả Trạch tạo nên một hồ chứa có dung tích gần một tỷ mét khối nước. Những ngày nằm lại ở D.H, Văn có nhiệm vụ nghiên cứu điều kiện địa hình, địa mạo, địa chất, thủy văn trên vị trí tuyến đập dự kiến trong tương lai. Nhóm nhà báo của tỉnh, sau khi đi điền dã, được Văn giới thiệu khái quát về nội dung dự án: các triển vọng xây dựng như điều kiện nền móng, lưu lượng dòng chảy, khả năng vật liệu xây dựng, chiều cao đập, trữ lượng nước chứa trong hồ, khả năng ngập lụt lòng hồ, điều kiện di dân khỏi vùng ngập và bán ngập, những khả năng thay đổi khí hậu, môi trường môi sinh, cảnh quan địa lý và triển vọng đầu tư khai thác hồ chứa vào các mục đích nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, phát điện. Văn nhấn mạnh: việc phát điện là một ý tưởng mới phát sinh bởi vì điều kiện lưu lượng và trữ lượng nước trong bước đầu  tính toán có thể cho phép kết hợp sản xuất được 7. 000- 10. 000 kw điện, nếu chưa hòa được vào lưới điện quốc gia thì chí ít với sản lượng điện này cũng cho phép phát triển các ngành công nghiệp địa phương và nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa của các dân tộc ít người thuộc các huyện Nam Đông, A Lưới vốn có nhiều đóng góp và hy sinh lớn lao trong kháng chiến. Thiết nghĩ cũng là cách đền đáp, bù đắp những thiệt thòi cho bà con Cà Tu, Pa kô đang còn rách rưới, thất học và bữa cơm thường nhật còn độn sắn, độn ngô mà vẫn thiếu đói triền miên.

Văn phòng ủy ban xã bố trí cho Văn ở trọ trong nhà một thương binh cụt chân nghèo túng đến nỗi vợ phải ôm con phiêu dạt về Huế. Hàng ngày anh lộc cộc chống nạng xuống con đò nát với một tay lưới vá víu kiếm con cá, sống lần hồi qua ngày. Thấy chủ nhà rách quá Văn biếu anh ta một bộ đồ bảo hộ lao động còn mới khiến người thương binh ứa nước mắt. Có hôm, chiều về anh ta cứ ép Văn ngồi uống rượu:

- Thầy Văn! bữa ni tui để lại con cá gáy mời thấy uống rượu cho vui. Thiệt tình tôi có quý thầy tui mới mời, thầy đừng từ chối, tui buồn.

Về chuyện ăn uống, ngay từ đầu, ông chủ tịch xã đã gãi đầu:

- Răng hè? ở xã ni y có quán xá chi mô. Nhà tui lại ở bên tê sông, đi lại không tiện. Thôi được, thong thả để tui qua nhờ o Đoan xem ra răng.

Thế là ông ta gửi gắm Văn cho một người đàn bà trẻ gần kề nhà anh thương binh cụt chân. Đầu tiên Văn cũng thấy khó chịu: chẳng lẽ mình lại là một thứ gánh nặng cho xã đến thế ư? Nhưng dần dần anh hiểu ra rằng quả thật ở cái xóm đầu sông ngọn nguồn này từ que diêm, gói mì đều phải về Huế lấy lên, dân tình lại đang kỳ giáp hạt, Văn mới thấy được cái khó của địa phương.

Người đàn bà trẻ phục vụ cơm nước cho Văn hơi có vẻ lam lũ nhưng xem ra chị ta là người khéo léo và ý tứ đến khép nép. Bộ đồ lụa tím chị ta đang mặc tuy cũ bạc có mấy miếng vá ở vai và cùi tay nhưng phẳng phiu, sạch sẽ; dáng người thon thả gọn ghẽ; gương mặt thanh tú dễ coi nhưng đượm một chút buồn gì đó nơi cặp mắt đen dài cứ luôn nhìn xuống. Và cái tiếng “dạ!” nhỏ nhẹ trong giao tiếp cứ gợi cho Văn về một cô gái Huế từng làm Văn ngơ ngác một thời.

Bữa đầu chị ta khép nép bê mâm cơm sang nhà anh thương binh mời Văn:

- Dạ! em mời ông kỹ sư dùng cơm.

Rồi chị ta lễ phép đứng chờ Văn ăn xong để dọn kèm thêm một câu:

- Dạ!cơm em nấu có gì không vừa ý xin ông kỹ sư cứ dạy.

- Không! chị nấu khéo và ngon lắm. Nhưng chị Đoan này, chị cứ coi tôi như người nhà, gọi tôi là Văn thôi, đừng kèm kỹ sư sãi gì cho thêm khách sáo và để cho tiện, từ mai tôi sẽ sang nhà ăn cơm, chị khỏi phải bê qua bê lại chị thấy có được không?

- Dạ em chỉ sợ nhà em nhớp nhúa làm ông kỹ sư ăn mất ngon. Vả lại thằng nhỏ nhà em hắn lộn xộn lắm...

- Không sao tôi rất thích trẻ con.

- Dạ!

Căn nhà nhỏ lợp tôn Mỹ của hai mẹ con Đoan kín đáo nép sau hàng rào trà tàu thấp, xén gọn. Trong sân có mấy nọc hồ tiêu, vài ba cây mít mà cây nào cũng lúc lỉu quả. Thảo  nào, trên mâm cơm thay vì các loại rau, bữa nào cũng có các món được chế biến từ mít: mít non nấu canh, mít kho cá, mít luộc trộn vừng...khiến Văn thấy lạ miệng và quả thật cũng ngon nữa. Có điều, món nào cũng cay phỏng lưỡi.

Thằng con của Đoan gọi là cu Tý, một thằng bé năm sáu tuổi gì đó, mặt mũi sáng sủa, lễ phép, khi chào ai cũng khoanh tay trước ngực, cúi gập người: “Con chào ông! con chào mệ! con chào bác!...” và ở nó cũng có một vẻ nhút nhát, khép nép, tội tội thế nào ấy khiến Văn luôn động lòng trắc ẩn. Có lần Văn ôm thằng cu Tý vào lòng vuốt ve nhưng chợt Đoan từ bếp lên thấy vậy liền mắng con:

- Cu Tý đi chơi, không được phá bác như rứa!

Lần khác, sau bữa cơm, Văn kéo thằng cu Tý lại hỏi:

- Bố cu Tý đi đâu mà lâu nay bác không thấy về nhà?

Thằng bé ngơ ngác khiến Đoan phải phiên dịch:

- Bác hỏi ba cu Tý đi mô?

- Dạ! ba vượt biên rồi!

Văn vội quay sang Đoan:

- Xin lỗi Đoan, tôi không biết, xin lỗi!

- Dạ! không có chi mô!

Đôi mắt đen lại cụp xuống và người đàn bà trẻ lại quay quả bê mâm xuống bếp.

Văn vừa ngồi nhấm nháp cốc nước chè xanh nóng vừa tò mò khảo sát gian nhà của Đoan. Trong mấy gian nhà tuềnh toàng trống trải của Đoan, ngoài bộ bàn ghế gỗ gụ và cái tủ thờ kiểu Huế chạm trổ cầu kỳ, có lẽ chỉ còn cái kệ sách kê sát tường và nhiều cuốn sách dầy được sắp xếp ngay ngắn là vật duy nhất hấp dẫn Văn. Tiện tay Văn rút một quyển bất kỳ trên kệ sách, nhằm trúng quyển MỘT ANH HÙNG THỜI ĐẠI của Lec- man- tốp. Sau bìa 1 là dòng chữ mềm mại: “ Thế là người đã đi rồi! Huế một chiều cô đơn. Tôn Nữ Thục Đoan”. Như một phản xạ vô thức, Văn tiếp tục lặng lẽ khảo sát kệ sách của Đoan: nào là thơ Nguyên Sa, thơ Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, tiểu thuyết DẤU CHÂN NGƯỜI LÍNH của Nguyễn Minh Châu, YÊU, GHEN, CHẾT của Chu Tử, THỜI THƠ ẤU của M. Gooc- ki, ÔNG GIÀ VÀ BIỂN CẢ của Hê- minh- uê, TIẾNG GỌI HOANG DÃ của J. Lơnđơn... và cả KINH NHẬT TỤNG nữa.

Thì ra, sau cái vỏ lam lũ nhẫn nhục của Đoan đang là một thế giới nội tâm phong phú chứa cả sự trở trăn, cả đau đớn và cả mộng mơ, khát vọng. Người đàn bà này ít ra cũng có một tuổi trẻ vàng son và được học hành tử tế. Tôn Nữ Thục Đoan có nghĩa là cô ấy thuộc dòng Tôn Thất. Tôn Nữ... thế mà bây giờ chịu sống lầm lũi âm thầm, đơn chiếc ở một góc núi xa sâu này. Buồn thật! Biết đâu, nếu không vướng thằng cu Tý nàng đã chẳng xuống tóc quy y ở một ngôi chùa nào đó. Mà xứ Huế này chỗ nào chẳng có chùa!

Đêm ấy, Văn cứ thao thức, xót xa cho một số phận và trong lúc thiếp đi hồi gần sáng Văn mơ thấy mình cắp tay mẹ con Đoan đi dạo bên hồ Hoàn Kiếm. Đoan nép vào vai Văn, ngước mắt cười rạng rỡ còn thằng cu Tý cứ chỉ vào tiệm Bốn Mùa líu lo: “Ba ơi ba! con ăn cà- lem”...

Thời gian khảo sát thực địa vùng tuyến đập mất hơn một tuần, cho phép Văn lạc quan về điều kiện nền móng công trình. Có điều bề rộng thung lũng hơi lớn, đòi hỏi một khối lượng đào đắp phải vài triệu mét khối. Bù lại, nguồn vật liệu đắp lại dồi dào, phong phú, chất lượng tốt. Để có một báo cáo tiền khả thi hoàn chỉnh, bắt buộc Văn phải ngược sông Tả Trạch lên Nam Đông nhằm đánh giá khả năng giữ nước, mất nước của hồ, giới hạn ngập lụt, điều kiện dân sinh kinh tế của vùng ngập... Ủy ban xã điều cho Văn một chiếc thuyền. Bố con ông Thuộc vừa là chủ thuyền vừa là người bảo vệ.

Thời gian 10 ngày ở D.H vừa kịp cho Văn quen hơi bén tiếng khiến cho lúc chia tay không thể tránh được sự lưu luyến đến mềm lòng. Anh thương binh nắm lấy tay Văn lắc lắc:

- Thầy tốt quá. Nếu tui còn đủ hai chân tui sẽ đưa thầy lên Nam Đông. Vùng ni tui thuộc lắm. Tui bị vướng miểng mất chân ở Khe Tre đó thầy! Trên nớ tui còn nhiều bạn cùng đơn vị. Bọn hắn đang làm ở nông trường. Lên Nam Đông, thầy nói tên tui ai cũng biết. Mà thầy đi rứa khi mô thầy quay lại? Liệu miềng có đủ tiền để xây hồ Tả Trạch không thầy? Thôi thầy đi mạnh giỏi. Này, bớ lão Thuộc! nhớ mang theo tay lưới kiếm con cá cho thầy kỹ sư đây uống rượu. Cá ở sông Hai Nhánh béo tuyệt vời!

Văn bế bổng thằng cu Tý lên khẽ thơm lên dôi má bầu bĩnh của nó mà lòng thấy xao xuyến như chia tay với chính người ruột thịt.

Còn Đoan, vẫn dáng vẻ rụt rè, khép nép, bữa nay nàng mặc bộ đồ soie tím mới, tóc bới lửng sau gáy và hình như nàng có thoa nhẹ chút phấn nhưng gương mặt buồn không giấu diếm, trông tội lỗi và “Huế” vô cùng.

- Thôi anh Văn đi kẻo trễ. Khi mô quay lại Tả Trạch nhớ ghé lại với mạ con em.

- Nhất định tôi sẽ quay về Tả Trạch. Dự án này là một phần đời của tôi. Chỉ sợ em và cu Tý lại rời đi nơi khác, biết “mô” mà tìm?

- Anh khỏi lo, em sẽ cắm sào ở bến sông ni cho tới khi mở công trường Tả Trạch và các anh có đuổi mạ con em mới chịu đi. Bến sông ni cũng là một phần đời của mạ con em, anh nờ!...

Con thuyền nhỏ rời bến, khó nhọc vượt một ghềnh đá, nước xiết như muốn đẩy lui con thuyền về bến cũ, đẩy lui Văn về với hai tiếng “Anh nờ!” Một câu hò xa xưa lại hiện về ám ảnh Văn:

... “Đến đây là chỗ rẽ của lòng
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào!...”

Đêm ấy thuyền phải ngủ lại sông Hai Nhánh. Thung lũng hoang vu, không một bóng nhà dân, không một tiếng gà, tiếng chó. Bố con ông Thuộc ôm lên bờ hai tấm phên tre. Thằng con chặt cây đóng cọc giăng mùng, ông bố kiếm củi khô nhóm bếp. Bữa cơm chiều diễn ra dưới ánh trăng rừng và bập bùng ánh lửa. Vừa đói, mệt, vừa lạ miệng bởi món cá nướng chấm muối ớt Văn ăn rất ngon. Một chút rươụ đủ để Văn lâng lâng. Đêm rừng Huế mênh mông, huyền bí và hoang dã như một đêm trong truyện của J. Lơnđơn đánh thức trong Văn những đêm ngủ trên bãi bồi sông Đà khi anh cùng đoàn khảo sát đi nghiên cứu lòng hồ thủy điện từ Hòa Bình ngược lên Vạn Yên, Tà Bú, Quỳnh Nhai...

Tiếng thác đổ rì rào ở đầu sông Hai Nhánh lúc gần lúc xa như mơn man, như ru Văn vào giấc ngủ vậy mà giấc ngủ không đến. Văn nằm ngửa nặt nhìn trời. Bầu trời đầy sao như rắc vàng và thảng thốt những cánh chim đêm. Văn lại nghĩ đến lộ trình ban chiều khi anh phát hiện ra những dấu vết gãy địa chất để lý giải sự hình thành cấu tạo của sông Hai Nhánh. Từ những dấu vết đứt gãy này, anh tìm ra một mạch đá xâm nhập siêu bazic: một thứ đá đen lánh với những tinh thể miaca đen và amphibol lớn bằng đầu ngón tay. Nếu trữ lượng lớn và tiện đường giao thông, có thể đây sẽ là một mỏ đá quý hiếm dùng để trang trí nội thất hoặc xây dựng những công trình vĩnh cửu, ít nơi có. Đi kèm đứt gẫy địa chất, Văn còn tìm thấy ở bờ phải sông Hai Nhánh một mỏ nước khoáng nóng. Nước có nhiệt độ 50- 60 độ C, chứa nhiều sulfua, lưu lượng rất khá, ước chừng trên 5 lít/ giây, sẽ là một nguồn nước khoáng có tác dụng chữa bệnh, ít ra cũng có lợi cho các chứng bệnh ngoài da và tim mạch. Văn rủ bố con ông Thuộc cùng tắm. Sau cuộc tắm gội phả phê, ba người đều thấy bừng bừng ngây ngất như say. Ông Thuộc sôi nổi:

- Trời! Ông kỹ sư giỏi thiệt đó. Từ hồi mẹ sanh tới chừ, tui qua lại vùng ni mòn không biết mấy cặp bơi chèo mà đâu có biết xứ ni lại có mỏ nước quý ra ri. Ông tỉnh nỏ biết xài là uổng. Bữa mô tui kêu mấy đứa cháu lên cho chúng tắm cho đã. Đời người có mấy dịp phải không ông?...

Đến Nam Đông, vì phải vào huyện lấy số liệu về vùng kinh tế mới và được ủy ban huyện hứa sẽ cho xe đưa Văn về Huế nên Văn đành để cha con ông Thuộc xuôi về D.H . Trước khi rời bến Văn gửi ông Thuộc mang giúp mấy gói kẹo bánh cho cu Tý, một lọ Shampoo gội đầu và một bánh xà phòng Camay biếu Đoan, đồng thời biếu nốt ông Thuộc bộ đồ bảo hộ lao động và một ít tiền gọi là chút bồi dưỡng cho bố con ông sau mấy ngày thác ghềnh vất vả.

Khi thuyền bố con ông Thuộc nhổ sào xuôi và khuất sau khúc sông cong, Văn lại thấy một sự bâng khuâng hụt hẫng, thao thức nhớ cái bến vắng ở cuối dòng Tả Trạch, nhớ một người đàn bà trẻ, áo tím có cái nhìn rụt rè, nhút nhát và cái tiếng “ dạ!” rất Huế, rất dễ thương, nhớ anh thương binh cụt chân hay dành lại con cá béo để chiều về ép Văn uống rượu và nghe anh ta kể về trận dính miểng bom ở Khe Tre, kể về người vợ anh ta tuy phải bỏ anh, ôm con ra Huế nhưng thỉnh thoảng “ mụ” vẫn ra chờ Đông Ba tìm người làng gửi lên cho anh khi thì cây thuốc Mai, khi thì bịch mì tôm hoặc một túi bột giặt. Và cuối câu chuyện, vào lúc là đà, bao giờ anh ta cũng chốt lại một câu:

- Thầy Văn ạ! vợ tui là con gái Huế thứ thiệt đó. Sở dĩ mụ ôm con về Huế là vì tui nghèo quá, nghèo mạt rệp. Nhưng thầy coi, mụ bỏ đi mà mụ vẫn không quên tui, còn gửi cho tui thứ ni thứ khác, rứa là cách răng mụ cũng trở về...

Trở lại Huế, Văn phải dành ra mấy buổi để hoàn thành “Báo cáo tạm thời về tính khả thi của dự án trên sông Tả Trạch” để trình bày trước ban lãnh đạo địa phương.

Báo cáo của Văn có sức thuyết phục lớn. Đảng bộ địa phương nhất trí ủng hộ và đưa vào kế hoạch năm tới để trình Chính phủ. Văn cũng thẳng thắn đề nghị một khả năng mà anh cho là khó khăn lớn nhất, đó là qui mô công trình đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, nên so sánh với các dự án khác ( như dự án Hồ Truồi, cho dù dự án này còn mang tính chiết trung, tác dụng còn nhiều hạn chế). Như một nghệ sỹ rút hết lòng mình để tạo nên một câu thơ, một tiếng đàn, với một nguồn cảm hứng xuất thần, một sự say mê không mệt mỏi, Văn dồn hết mọi tinh túy kiến thức khoa học của mình vào những trang dự án. Trước mắt Văn luôn luôn hiển hiện một hồ nước lung linh trên sông Tả Trạch. Nó ám ảnh anh như một món nợ mà anh phải trả cho Huế.

Sông Tả Trạch còn đó, còn chảy triền miên trong tâm thức của Văn. Sóng nước Tả Trạch còn mãi khơi dậy trong Văn bao điều khát vọng trở trăn.

Thục Đoan ơi! Huế ơi! Nếu vì một lý do gì đó, hôm nay ta chưa xây được cái đập lớn trên sông Tả Trạch, thế kỷ này, chúng ta chưa kịp làm gì thì thế kỷ sau tất sẽ phải làm, con cháu chúng ta, con cháu thằng cu Tý sẽ làm và chắc chắn chúng sẽ làm đàng hoàng hơn, lớn hơn, đẹp hơn. Đó là chân lý và cũng là đạo lý.

Nhưng chẳng lẽ việc gì cũng đợi thế kỷ sau?!

Huế- Hà Nội 85- 98
M.H.T
(128/10-99)



 

Các bài đã đăng
Chị Khảo (11/11/2009)