Tạp chí Sông Hương - Số 127 (tháng 9)
Thì... Là...
16:04 | 16/11/2009
LÊ ĐẠT                Đường bụi trang lịch cũ                 ếp ếp đàn thời gian                                           L.Đ
Thì... Là...
Nhà thơ Lê Đạt - Ảnh: vietnamnet.vn

Ai cũng biết thời gian không thể đảo ngược trong thế giới của con người. Có nghĩa rằng mọi sự tất yếu đều già nua, cũ kỹ.

Hay nói một cách khác có vẻ khoa học hơn, thời gian gắn liền với ăngtropi, với cái chết.

Sống là chống lại quá trình lão hóa, quá trình lỗi thời, sống là chống lại ăngtropi, sống là đổi mới.

Theo lý thuyết: lượng thông tin hao mòn với tần số xuất hiện. Một thông tin lần đầu phát ra hiển nhiên hàm lượng giầu hơn cùng thông tin trước phát lần thứ hai, thứ ba v.v... Và nếu không được bồi trúc, tu sửa, phát triển, thông tin trên lặp đi lặp lại có nguy cơ trở thành một "tiếng động". "Tiếng động" là xác của một thông tin chết.

Ngôn ngữ cũng không thoát khỏi quy luật khắc nghiệt này. Có điều ngôn ngữ lão hóa chậm hơn. Và cũng khó thấy hơn.

Một nền thơ lành mạnh sống động không thể không luôn luôn đổi mới. Đổi mới là lội ngược dòng suy thoái. Đổi mới là tạo ra ăngtropi âm nó chính là sinh tố cải lão hoàn đồng của trí tuệ.

Đã có một thời người ta nghĩ rằng muốn đổi mới phải "quét sạch quá khứ".

Đó là thời của chủ nghĩa giáo điều.

Cơ sở chủ nghĩa giáo điều là phương pháp loại trừ.

Phương pháp này đã chế ngự và làm hại tư duy loài người trong suốt chiều dài của lịch sử.

Trong những năm cuối thế kỷ XX chuẩn bị hành trang bước vào thế kỷ mới hình như thế giới tư duy đã trưởng thành khá nhiều.

Nhân loại đã bước đầu nhìn rõ tính chất độc đoán và bạo lực của nguyên lý loại trừ và định đề khuếch đại nguy hiểm của nó:

"Kẻ nào không đi với ta là chống lại ta"

Càng ngày càng có nhiều bậc trí giả hết lòng ủng hộ nguyên lý bổ sung.

Vào vế đôi "cái đúng", "cái sai" của lôgíc truyền thống đã xuất hiện một vế thứ ba "cái khác".

Ánh sáng vừa là hạt vừa là sóng. Vậy thì ánh sáng dứt khoát là hạt hay là sóng. Vật lý lượng tử đã trả lời dứt khoát rằng không thể trả lời dứt khoát được.

Sóng và hạt không loại trừ nhau và cùng song song tồn tại.

Đó là nền tảng của nguyên lý bổ sung cũng như hệ quả của nó, phương châm chung sống hòa bình và thế giới đa cực.

Thơ hiện đại (hiểu theo nghĩa rộng) cũng vậy. Thơ không sống bằng phủ định loại trừ mà bằng khẳng định bổ sung.

Không phải chỉ có một cách hiện đại mà có nhiều cách hiện đại. Không có một tổng công ty độc quyền phát hành tín phiếu hiện đại.

Thơ hiện đại không phải một trường phái khép kín. Mà một trường phái mở.

Nó được xây dựng trên một nhu cầu đối thoại triệt để. Một tinh thần bao dung "vô ngạn". Và một tình bạn hào hiệp của những người đồng hành nghĩa.

Thế kỷ XXI phải cố gắng sửa đổi câu tục ngữ Pháp lâu đời "Ganh ghét nhau như các nghệ sĩ".

Đã có một thời người ta nói quá nhiều đến vấn đề văn nghệ phản ánh hiện thực cũng như hình tượng của Stendhal: tác phẩm như mảnh gương di chuyển dọc lộ trình cuộc sống... Vì vội vàng người ta đã vô tình quên mất một điều quan trọng: đó là một mảnh gương biến dạng.

Bàn cho hết nhẽ không gì không xuất phát từ hiện thực. Và cái tháp ngà nổi tiếng một thời xét đến cùng cũng chỉ là hình tượng của một hiện thực thoát ly.

Nhưng hiện thực là gì?

Các nhà khoa học cũng như triết học đều nhất trí Không ai biết được hiện thực rốt ráo diện mạo ra sao. Hiện thực là một tập hợp những khả thể. Người ta chỉ có khả năng tiếp cận chứ không vĩnh viễn nắm bắt được chúng. Trường phái trừu tượng và hiện thực không khác nhau ở gốc xuất phát mà khác nhau ở cách nhìn. Chẳng có gì xuất phát từ hư vô cả.

Trong các sách về thơ Đường hình như người ta thường nhấn mạnh quá mức đến tiếng chuông của chùa Hàn Sơn.

Giai thoại đại để như sau:

Nhà thơ Đường Trương Kế đêm đỗ thuyền trên bến Phong Kiều đã xuống bút được hai câu thơ thật hay :

            Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
            Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
            (Trăng lặn, quạ kêu, sương đầy trời
            Cây sông, lửa chài, đối giấc ngủ buồn bã).

Hai câu thơ tuôn liền mạch như thánh cho ăn lộc. Rồi tắc. tắc tị. Trương Kế đứng lên, ngồi xuống mãi vẫn không nhích được bút. Mà không viết tiếp được thì hai câu thơ trời cho kia coi như vứt đi. Cái bí của nhà thơ thật khó chịu. Nó còn khổ sở hơn cảnh một anh chàng mắc bệnh táo bón kinh niên trong một nhà vệ sinh công cộng buổi sớm đông thượng đế.

Bỗng tiếng chuông chùa Hàn Sơn nổi lên. Nhà thơ ơrêka hạ liền hai câu tuyệt bút.

            Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
            Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

            (Chùa Hàn Sơn ngoài thành Cô Tô. Nửa đêm tiếng chuông vẳng đến thuyền khách)

Hú vía! Và sau đó Trương Kế chỉ còn việc thủng thỉnh đi vào bất tử.

Người ta đua nhau kể công tiếng chuông kia. Hỡi ôi! đêm nào chùa Hàn Sơn chẳng thỉnh chuông. Tiếng chuông ấy có ai "thấy" đâu.

Người ta chỉ thấy nó từ khi có bài thơ của Trương. Vậy phải coi Trương Kế là đồng tác giả của tiếng chuông. Các nhà tri thức học nói đến liên khách thể - chủ thể. Cái lớn lao của nhà nghệ sĩ nhà triết học, khoa học là đưa ra được một cái nhìn mới một nghĩa mới soi rọi những vùng mù của cõi biết, mở mang biên cương của hiện thực làm cho hiện thực ngày thêm phong phú hơn sinh sôi nẩy nở to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.

Ông T. U. Q thợ trời
            dăm ba chi tiết sửa đổi
                        ngày Chúa nhật
.

Những năm 50 của thế kỷ, tại Pháp người ta làm quá rùm beng chung quanh phong trào tiểu thuyết mới. Dàn nhạc đệm "mê ly" này đã khiến không ít những nhà văn có tài năng mất đi sự tỉnh táo cần thiết cho một công cuộc cách tân văn học chiều sâu. Thật đáng tiếc.

Nhưng tôi không tán thành thái độ phủ nhận gay gắt của nhà văn hậu hiện đại người Áo Peter Handke đánh giá trường phái này như một "vụ sẩy thai". Đóng góp của cái nhà tiểu thuyết mới là không thể phủ nhận được. Giá họ tỉnh táo hơn. Giá họ đừng quá đinh ninh với sứ mệnh truyền bá một nền văn học lý thuyết kết hợp những cách tân sáng tạo với khoa học viết. Thái độ quá đinh ninh ấy vô tình đã biến họ thành những cha cố của một tôn giáo chữ nó có mùi cuồng tín Trung cổ.

Với sự phát triển của khoa học thông tin những năm cuối thế kỷ bước đi với một vận tốc chóng mặt.

Chủ nghĩa hiện đại (tôi rất không thích từ chủ nghĩa) hôm nào còn khiến mọi người ô a ngỡ ngàng đã mau chóng trở thành quá đát. Người ta bắt đầu nói nhiều đến chủ nghĩa (?) hậu hiện đại. Các nhà lý thuyết đặc biệt là các nhà lý luận Mỹ đã tốn khá nhiều giấy mực để nói về cái chủ nghĩa này, và không ít vị đã vô tình hay cố ý làm nó rắc rối thêm khó hiểu thêm.

Tôi ưa định nghĩa của Umberto Eco vì độ giản dị sâu sắc của nó. Umberto là một nhà tín hiệu học (sémiologue) cự phách người Ý. Ông còn là một nhà tiểu thuyết hậu hiện đại có tầm cỡ. Những tác phẩm của ông như "Tên hoa hồng" "Chiếc đồng hồ của Foucault" vừa mang nhiều tính thể nghiệm vừa "best seller"; đó là một thành tích hiếm nhà văn đạt được.

Ông có một định nghĩa "hơi bị hay" về phong cách hậu hiện đại: "Tiếp theo nền văn học hiện đại tiền phong bị cầm tù trong ngõ cụt của trang giấy trắng là một nền văn học hậu hiện đại, đặc tính chủ yếu của nó là sự châm biếm (ironie). Có nghĩa là anh có thể viết thoải mái kể cả trở lại phép sử dụng tình tiết của tiểu thuyết cổ điển nhất với điều kiện giữ một khoảng cách châm biếm.(L.Đ gạch dưới)

Tôi chưa được đọc thơ Gilbert Keith Chesterton. Và không ít cuốn tự điển nổi tiếng chỉ nhắc đến ông như một nhà văn, nhà luận chiến sắc sảo người Anh.

Nhưng tôi vẫn tin ông là một nhà thơ độc đáo, không phải chỉ vì những nhận xét hết sức khen ngợi của một người thính mũi và khó tính như Borges mà chủ yếu vì một số đoản ngôn tức cười của ông.

            "Tuân thủ một kẻ yếu là kỷ luật
            Tuân thủ một kẻ mạnh là qụy  lụy"

"Bị bắt buộc và cưỡng bức bệnh viện có thể trả lại một bệnh nhân thiếu đi một chân chứ không thể trả lại thừa một chân (trong một đà say sưa sáng tạo)".

"Một người có thể tuyên bố: Tôi đã chán thân phận một tín đồ thanh giáo, tôi muốn trở thành một kẻ ngoại giáo. Không ai có thể nói "Tôi chán đau đầu, tôi muốn đau răng!!!"

Cioran ca ngợi sự bông đùa như một nghệ thuật khó khăn và cách thức duy nhất để đạt tới cái nghiêm túc.

"Đi rất xa vào sự bông đùa tức là thôi không còn bông đùa".

Bậc trí giả hiểu rằng nghiêm túc thường khi chỉ là cái vỏ bọc của tình trạng nghèo nàn về tưởng tượng, nhát sợ trước sự đa nghĩa của đời sống và một trò diễn để lẩn tránh cái thật sự nghiêm túc.

Kafka ao ước "viết về bất hạnh bằng những từ của hạnh phúc".

Liệu ta có nên viết về nghiêm túc bằng những từ của bông đùa.

Ai dám bảo những câu dưới đây là nghiêm túc:

            "Cho ta nghe tiếng vỗ một bàn tay"
            "Hãy đi bộ trong khi cưỡi lừa"
            "Gẩy một cây đàn không giây"

Những công án tưởng chừng thiếu nghiêm túc này đã soi đường cho không ít bậc đại trí..

Bình luận về tác phẩm của nhà danh họa thiền Sengai, Suzuki viết

"Một sự việc trở thành hài hước khi vượt ra ngoài khung giới hạn nhỏ bé của nó và được đặt trong một khung cảnh khác rộng lớn hơn".

Herman Hesse nhà văn Đức được giải Nôbel từng nghiền ngẫm thiền trong nhiều năm nhỏ nhẹ:

"Cái nghiêm túc là một sự hiểu lầm xuất phát từ thời gian. Nó là kết quả việc phóng đại giá trị của thời gian. Trong vĩnh cửu thời gian không tồn tại. Vĩnh cửu là một khoảnh khắc dài vừa đủ một câu nói đùa".

Có lẽ các nhà văn, nhà thơ hậu hiện đại gần gũi thiền vì "Thiền là tôn giáo duy nhất dám bông phèng về bản thân mình.

Các tôn giáo khác hình như đều nghiêm túc quá. Borges kể lại rằng ông có một người bạn họa sĩ tuyệt vời đã tạo lập được mười hai tôn giáo để mọi người có thể đổi món tôn giáo mỗi tháng một lần và những kẻ sinh vào tháng giêng không cùng một tôn giáo với những kẻ sinh vào tháng chạp.

Lẽ dĩ nhiên Borges như những bậc trí giả từng trải văn hóa thường hay bông đùa.

Trí tuệ con người không có những định nghĩa không phát triển được. Nhưng mặt khác định nghĩa cũng có khả năng trói buộc trí tuệ khi trở thành những dây xiềng định kiến. Một định nghĩa như một bến đò. Một dòng sông trên đường ra biển lớn không thể nấn ná dừng lại một bến đò mặc dầu tất cả "những cây đa bến cũ" "những trăng thề". Chúng ta cần có nhiều định nghĩa mở.

Tôi muốn kể lại đây một truyện dân gian Việt Nam.

Truyện cây Thì là, một loại gia vị phổ biến đối với các món "hải quả".

... Ngày hôm ấy là ngày Thượng Đế dành cho việc đặt tên muôn loài. Cả vũ trụ mới hình thành và vô danh lũ lượt kéo đến trụ sở.

Vì Thượng Đế quá thông tuệ nên vẻn vẹn có một ngày mà hầu hết muôn loài đều được đặt tên.

Mãi đến lúc gần hết giờ, một loại cây bé nhỏ, xanh xao lách mãi mới tới được bệ rồng.

Nếu nó không tận mắt chứng kiến thái độ hết sức dân chủ của Thượng Đế vì muôn loài phục vụ thì nó đã quay về. Nó sợ. Khổ, nó phải thở mãi mới cất được tiếng nói.

Thượng Đế hơi bất ngờ. Ông phán truyền:

- Ngươi thì là...

Lần đầu tiên Thượng Đế hơi khó nghĩ trước loài cây hèn mọn quá, vô nghĩa quá. Ông lặp lại:

- Ngươi thì là...

Đúng lúc ấy Thiên lôi đánh trống tan tầm. Và thứ cây bé bỏng tội nghiệp kia từ đó được định danh là cây Thì là.

Có người bảo Thượng Đế hơi quan liêu và máy móc về giờ giấc.

Có người lại bảo Thượng Đế khôn và hậu hiện đại.

Bất giác nghĩ đến câu thơ tinh quái nổi tiếng của Bà Ba Béo Hoa Kỳ, Gertrude Stein.

A rose is a rose is a rose is a rose

(Một bông hồng là một bông hồng, là một bông hồng, là một bông hồng)

Hậu hiện đại ... thì ... là...

Eiffel 4 Hà Nội 7 - 99
L.Đ
(127/09-99)



 

Các bài mới
Những cánh cửa (19/11/2009)
Khe cửa hẹp (18/11/2009)
Các bài đã đăng