Tạp chí Sông Hương - Số 126 (tháng 8)
Đôi điều về "Lễ hội Kin Pang Then" của người Thái trắng huyện Phong Thổ
15:44 | 19/11/2009
LAN PHƯƠNGHuyện Phong Thổ (còn có tên gọi Mường Tso, Chiềng Sa) tỉnh Lai Châu nằm trong vùng núi rừng hùng vĩ với mạng lưới sông suối dày đặc và những thung lũng lòng chảo màu mỡ. Nơi đây tụ hội nhiều dân tộc anh em cùng chung sống như Thái, Dao, H'Mông. Hà Nhì, Giáy... trong đó người Thái (Tay đón, hay Táy Khao) chiếm vai trò chủ thể, cư trú lâu đời  với thiết chế bản mường chặt chẽ.
Đôi điều về
Lễ hội Kin Pang Then - Ảnh: simplevietnam.com

Thích nghi với điều kiện sinh thái, người Thái đã hình thành nền văn hóa thung lũng trồng lúa nước với kỹ thuật cao, kết hợp với làm nương, chăn nuôi phát triển, hái lượm và săn bắt.

Xưa nay, văn hóa Thái đã được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ bởi vẻ đẹp và tính nhân văn của nó từ văn hóa vật chất (ăn, mặc, ở...) đến văn hóa tinh thần (phong tục tập quán, lễ hội, dân ca, dân vũ...)

Theo phong tục, lễ hội Kin Pang Then được tổ chức 2 đến 3 năm một lần vào tháng 2 hoặc tháng 3 dương lịch, khi mà tiết trời đang "độ xuân" vạn vật như được hồi sinh, cây cối đâm chồi, nảy lộc, hoa Mạ, hoa Phón cùng nhau đua nở. Thiên nhiên như hòa quyện với lòng người. Khi năm cũ qua đi, người Thái mong một năm mới may mắn, hạnh phúc, nhân khang, vật thịnh.

Lễ hội Kin Pang Then được tổ chức với hàm ý nghĩa như vậy. Đây là lễ hội cầu mùa, cầu phúc, cầu lộc của người Thái trắng.

Lễ hội Kin Pang Then được tổ chức tại nhà Then.Then có thể là "ông" hoặc "bà". Họ được coi là những người đặc biệt trong cộng đồng, có năng lực giao tiếp với thế giới "siêu nhiên": Có thể gọi hồn, nhập hồn và chữa bệnh. Cùng với việc thực hiện một số ma thuật, Then thường biết một số lâm dược để chữa bệnh. Sau khi người bệnh được chữa khỏi thì được nhận làm Lụ Liêng (con nuôi của Then).

Trên thực tế thì Then không chỉ là một thầy phủ thủy (Xaman) mà còn là một Ca sỹ dân gian - người nắm giữ vốn văn học phong phú của dân tộc, một yếu nhân trong quá trình sáng tạo và truyền bá văn hóa dân gian. Người làm Then có tài học truyền khẩu các bài thơ, các bài hát, làn điệu trong then, có năng lực ứng tác trong thơ ca, thuần thục phần nhạc đệm của cây đàn tính tảu (hộp đàn làm bằng quả bàu).

Chủ trì lễ Kin Pang Then được gọi là Chảu then thường có độ tuổi ngoài 40. Tham gia hành lễ còn có một Me đa (Người giúp việc Chảu then), một hoặc hai người Bảo khỏa (Nhạc công) điều khiển tính tảu, và bốn cô gái trẻ gọi là Xao Chay biết múa các điệu múa quy định và hát phụ họa. Trong suốt những ngày hành lễ, tất cả những người này phải ăn chay.

Kin Pang Then trước hết là nghi lễ mang tính tôn giáo được tổ chức với ý nghĩa được nhà Then mang lễ vật tiến cống các Then trên trời. Cầu mong các Then trên trời phù hộ cho dân bản mường có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ý nghĩa đó phản ánh vũ trụ quan cổ xưa của người Thái. Họ cho rằng: Phía trên thế giới thực của con người là thế giới hư vô "cõi trời" - nơi chứa đựng mọi lực lượng siêu nhiên quyết định sự sống trên trái đất. Đối với họ, cõi trời cũng là một Mường, trong đó có các tướng lĩnh được gọi là Then. Trong các hàng tướng then ấy có người tốt, có người xấu, có linh hồn người chết là dân của then.

Trong lời giáo đầu để dẫn nhập hồn then, Bà Then trình ngày nguyên nhân mở hội Kin Pang Then mong Then phù hộ cho dân bản Mường no ấm hạnh phúc. Lời Then tạm dịch như sau (Lời dịch của Đinh Chanh)

                                    Hàng tướng hỡi, Hàng then yêu

                                    Tôi mạn lời mạn phép
                                    Tôi ra nơi áng ra mắt Vua
                                    Có chén rượu mới dâng mời
                                    Có dĩa cơm mới nhuộm màu hương sắc
                                    Xin dâng mời vua chủ uống cạn
                                    Uống vào lòng sáng
                                    Dạ nghĩ ra nhiều việc lớn
                                    Thêm nhiều của cải
                                    Xin mời vua chủ đi chơi cho vui, cho sướng
                                    Mời vua tướng đi chơi cho có tiếng tăm
                                    Chơi vui cho khỏe khoắn
                                    Giữ cho bản chắc bền
                                    Giữ cho mường cường thịnh
                                    Nàng tướng tôi mạn hầu
                                    Nàng then tôi mạn phép
                                    Làm cho Mường Tso bừng sáng
                                    Hàng tướng vừa lòng
                                    Hàng Then vui tận gốc...

Lễ vật dâng lên Then là quần áo dân tộc, những con chim én cắt bằng giấy màu, những quả còn làm bằng vải đủ màu, lợn, rượu, hoa...

Đối với người Thái trắng Phong Thổ, lễ Kin Pang Then có sức hấp dẫn đặc biệt; họ nghe then, xem then với tất cả sự say mê. Có được điều này là bởi thực chất Kin Pang Then không chỉ là một lễ nghi tôn giáo mà còn là nghệ thuật diễn xướng dân gian tổng hợp bao gồm thơ, ca, múa, nhạc với nghệ thuật trang trí.


Như một hình thức ám thị, Bà Then luôn ở trạng thái nhập định và linh hồn của Bà được tin là đang dẫn một đội quân rất đông bao gồm con nuôi chín bản, con yêu chín mường của Then.

Trong trạng thái xuất thần cuộc hành trình của Bà Then được kể lại qua lời hát, chùm quả nhạc xóc rộn ràng được thể hiện đoàn quân đang đi.

Đầu tiên đoàn quân đi qua những địa điểm trên mặt đất: Từ ngã ba đến dòng suối của bản mường rồi ngược dòng lên thác nước đến Chiềng On rồi lên Pu Kho Luông (đỉnh núi cao nhất) tới trình Vua Chảu (người có công lập ra bản mường khi chết trở thành vị thần hộ mệnh của bản mường).

Đường lên trời thật gian nan vất vả, đoàn quân phải vượt qua bao núi cao, suối sâu, vực thẳm, rừng rậm. Đi nhờ đường người Xá để lên trời: (Lời dịch của Đinh Chanh)

                                    Đi đường của người Xá rừng rậm
                                    Đường khó phải phát quang
                                    Làm đường rộng đàng hoàng
                                    Vượt qua rừng làm cầu mây
                                    Qua bụi cỏ, rừng tre nứa phải phát
                                    Chỗ khó nối cầu tạm
                                    Chỗ khe bắc cầu qua...

Cây đàn tính tẩu và chùm quả nhạc xóc là những nhạc cụ không thể thiếu trong lễ hát then. Mỗi đoạn đường đi lại có một tiết tấu phù hợp để diễn tả.

Sau đó đoàn quân lại phải đi thuyền do những báo xông (những chàng trai khỏe mạnh quen sông nước) chèo lái vượt ngược sông tới Mường Then.

                                    Trai xông báo xông quan
                                    Người tài cầm lái, người giỏi chèo thuyền
                                    Bơi thuyền lướt đi băng băng
                                    Đẩy mạnh thuyền lướt nhanh tới bến
                                    Vượt qua thác về tới miền rộng
                                    Qua hết ghềnh tới cánh đồng bao la
                                    Đẩy mạnh lên hai mươi chàng trai hỡi
                                    Đẩy mạnh mười lần
                                    Đẩy mạnh hai mươi cái
                                    Đầu thuyền cắm hoa đại
                                    Cuối thuyền cắm hoa rừng...
                                               
(Lời dịch của Đinh Chanh)

Lời hát then là sáng tác dân gian của nhiều người và nhiều thế hệ then, vì vậy nó không cố định tuyệt đối mà có thể biến hóa linh hoạt.

Bên cạnh những nét chung, mỗi ông, Bà Then đều có phong cách riêng. Sử dụng những thủ pháp riêng. Họ có thể thêm hoặc bớt các cung đoạn của Then.

Điều thú vị là lời then thu hút rất nhiều vốn văn học dân gian vào nội dung của mình.Chính vì thế mà có nhiều người thuộc, nhiều người yêu thích.

Vượt qua bao thác ghềnh, đoàn quân đã đến Mường Then, vào chầu và dâng lễ vật cho Then. (Lời dịch của Đinh Chanh).

                                    Đến nơi chân bước lên nền đá kê
                                    Chân đạp trên nền đá quý
                                    Bước vào Mường Vạ
                                    Đi vào đền đài của Then
                                    Nhà tướng lợp sao
                                    Nhà then lợp ngói
                                    Tôi có đĩa rượu mời
                                    Hàng then tôi có đôi chén dâng lên hầu hạ
                                    Rượu gạo hương xin dâng lên
                                    Rượu hương hoa xin hầu mời
                                    Mong Vua Chủ uống đẹp
                                    Muốn cho vua quan uống cạn...

Múa là một thành tố quan trọng không thể thiếu làm tăng vẻ đẹp và không khí của Kin Pang Then được các Xao Chay thể hiện. Đó là những điệu múa mang tính nghi lễ hàm chứa nhiều ý nghĩa thể hiện tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ, nhân sinh quan, thế giới quan. Đặc biệt là điệu múa Quát Bó Héo (quét hoa tàn) các Xao Chay mô tả động tác quét hoa về gốc để cho:
                                   
                                    Hoa héo hoa về gốc
                                    Hoa úa hoa về thân
                                    Tất cả cây cối chết trơ
                                    Nhưng hoa vẫn nảy mầm

Đó là niềm tin vào sự luân hồi bất diệt. Con người chết đi không phải là hết mà vẫn còn tiếp tục sống ở thế giới mới, cũng như bông hoa kia héo tàn lại trở về thân, cây lại đâm chồi nảy lộc. Quá khứ không mất mà luôn hiện hữu trong hiện tại, quá khứ và tương lai.

Then là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian mang tính Xaman phổ biến ở người Thái và người Tày. Lễ Pang Then của người Thái vùng Phong Thổ Lai Châu có nét chung và nét riêng đóng góp vào loại hình sinh hoạt văn hóa này.

Lời hát trong Kin Pang Then có thể coi như một bản trường ca mang tính trữ tình có nhuốm chút màu thần thoại, chứa đầy sự tích dân gian, thể hiện vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan của người Thái đồng thời phản ánh những quan hệ xã hội cũng như đời sống tinh thần của người Thái.

Kin Pang Then được người dân ưa thích, say mê. Có nhiều người đã thu lại lời hát then vào băng để nghe thâu đêm suốt sáng, có người thuộc lòng từng đoạn then. Phải chăng then đã đáp ứng nhu cầu tình cảm, tâm linh, tinh thần của quần chúng?

Xem then, nghe then chúng ta thấy trí tưởng tượng, óc sáng tạo của dân gian thật phong phú. Dân gian đã làm nên những giá trị tinh thần vô giá của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử.

Sau khi các Xao Chay múa phục vụ các vua quan then, Đoàn quân do linh hồn Bà Then dẫn đầu xin phép trở về trần gian.

Sau những phút thăng hoa, họ lại trở về thực tại nhưng trong tâm tuởng vẫn còn đọng lại niềm tin: Then đã chứng giám, phù hộ cho ước nguyện của bà con dân bản được ấm no, hạnh phúc.

Bàn thờ hồn then của Bà Then được đặt trong một ngôi nhà riêng biệt, không chung với nhà ở hay nơi thờ cúng tổ tiên được gọi là Hươn Then tức Nhà Then.Trước kia nơi đây là nơi riêng biệt cho việc hành lễ. Nay dù có làm Kin Pang Then ở đâu thì sau khi kết thúc Bà Then phải đưa lễ vật về bàn thờ hồn then.

Đã nhiều năm qua đi Lễ Kin Pang Then mới được tổ chức, bàn thờ then cũ kỹ phủ một lớp bụi thời gian như bừng lên trong sắc màu tươi tắn của những quả còn, của nhưng con chim én, của áo, của khăn. Ở tuổi 75 của mình bà then như trẻ lại bởi niềm vui bà con dân bản vẫn chưa quên, họ vẫn yêu, vẫn say Kin Pang Then. Có nhiều người trẻ chỉ nghe ông, bà kể lại hôm nay có cơ hội tận mắt chứng kiến.

Bà Then Đèo Thị Tủi là một trong số rất ít bà then ở Phong Thổ - những người gìn giữ, thỏa mãn niềm vui văn hóa tâm linh của cộng đồng.

Tuy nghi lễ kết thúc nhưng cuộc vui vẫn kéo dài, người già, người trẻ vẫn say trong vũ điệu bất tận và hào hứng. Bên cạnh những điệu múa nghi thức trong lễ Kin Pang Then còn nhiều điệu múa tập thể giàu tính biểu cảm thể hiện tâm hồn, tình cảm, thẩm mỹ, của dân tộc. Quả thật có ai đó đã thốt lên rằng: "Dường như nghệ thuật múa đã ăn vào máu của người Thái" thì bất kỳ ai về với lễ Kin Pang Then ngắm nhìn những người dự hội mới thấy hết được cảm xúc ấy.

Kin Pang Then là một tài sản giá trị trong kho tàng tinh thần của người Thái trắng. Và, điều gì sẽ xảy ra, nếu như các ông then, bà then cứ lần lượt ra đi mang theo luôn cả những làn điệu then ấy về cõi vĩnh hằng. Những then như bà Đèo Thị Tủi ở Phong Thổ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay, liệu các con cháu của bà còn xem Kin Pang Then được mấy lần?

Giữ gìn Kin Pang Then là một trong nhiều việc cần thiết mà chúng ta phải làm để góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa - cái hồn của dân tộc.

L.P
(126/08-99)





 

Các bài mới
Đêm không ngủ (25/11/2009)
Nhà trọ (24/11/2009)
Các bài đã đăng
Chợ Đông Ba (19/11/2009)