Tạp chí Sông Hương - Số 126 (tháng 8)
Mong xứng đáng là con dâu của Huế
10:51 | 24/11/2009
TRẦN CÔNG TẤNNhững ngày làm báo, tôi đã biên tập mấy bài của cộng tác viên Võ Quang Yến từ Pháp gửi về. Tôi biết rõ ông là một nhà khoa học lớn, hàng chục năm liền làm Giám đốc ở Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp. Vài lần ông về làm việc giúp nước, chúng tôi đã gặp nhau.
Mong xứng đáng là con dâu của Huế
Nhà khoa học Võ Quang Yến

Biết người bạn đời của ông - bà Kouscher - Liliane cũng là một tiến sĩ hóa học nổi tiếng. Nhưng tôi chưa hề được gặp bà. Những lần bà về Huế thăm quê chồng, thì tôi đã chuyển vào Sài Gòn. Sau này về Huế, tôi nghe người nhà ông Yến kể lại bà đã về làm dâu và họ đã yêu mến bà ra sao. Gia đình này thân mật gọi bà bằng cái tên Pháp Liliane đã Việt hóa theo họ chồng thành ra Liên - Võ Quang Li Liên. Liên là sen: Bông sen - cho hợp với đức tính nết na hiền dịu của bà.

Lần này, vừa đến Paris, tôi liền đi tìm thăm người con dâu của Huế ấy. Nhà ông bà ở trên đồi, vùng ngoại ô Bures-Yvette có nhiều cây cao bóng cả, trông như rừng. Ông Yến và bà Liên đón chúng tôi trước cửa. Hơn nửa thế kỷ ở Pháp, ông Yến vẫn nói giọng Huế “dẻo quèo quẹo” đã đành. Nhưng một bà đầm mà nói tiếng Việt bằng giọng Huế: “Chào anh ở bên nhà mới qua”, nghe mới thấm thía và cảm động biết bao! Tôi bỗng nhớ có lần ở Hà Nội, gặp bà vợ người Nga của nhà học giả Nguyễn Tài Cẩn đang lúi húi làm dưa, muối cà. Bà trả lời tôi bằng giọng Nghệ Tĩnh đặc sệt: “Tui đang mần nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn cho ôông nớ ăn”. Phải yêu chồng ghê gớm lắm mấy bà “dâu Tây” này mới nói giọng quê chồng “ngọt” đến như vậy.

Vào trong nhà, xem cách sắp đặt nhà cửa, bếp núc ngăn nắp và sạch sẽ, mới biết bà Liên đảm đang biết chừng nào. Tôi nhìn cái nón lá quai thao, quả bầu khô treo trên tường cho đến cái bài vị, đồ thờ khảm xà cừ, sơn son thếp vàng và các chậu cảnh trong nhà ông Yến mà cứ ngỡ là mình đang ở một căn nhà nào đó trong thành nội Huế. Bà dẫn tôi xem những bức ảnh treo tường và giới thiệu ba con, sáu cháu. Nhưng các con bà đều đã lớn, có nghề nghiệp, đã lập gia đình và ra ở riêng.

Nay thì ông bà đã nghỉ hưu. Ông vào tuổi 71 và bà đã 65. Nhà thì rộng mênh mông mà chỉ có hai ông bà già. Tôi hỏi sống như vậy có buồn không. Bà trả lời: “Không còn thời gian để mà buồn”. Đúng là thì giờ của ông bà quý như vàng ngọc. Sách vây kín trong phòng viết của ông. Sách Việt Nam quý hiếm từ cổ chí kim đều có. Ông đã hướng dẫn các nghiên cứu sinh bảo vệ thành công hàng chục luận án tiến sĩ. Những luận văn học trò tặng, xếp đầy trên giá sách, trên bàn viết. Ba lần ông về Việt Nam cùng các nhà kỹ nghệ Pháp giúp nghiên cứu rong biển chỉ vàng để chiết rút chất AGAR, và lấy máu sam để làm thử thuốc nội độc tố. Phòng viết của bà cũng chẳng kém chồng. Có lẽ tài sản của họ chỉ có sách và sách. Bà nhận bằng tiến sĩ hóa học Quốc gia Pháp từ năm 1965, nhưng từ 1960 bà đã có hai bằng cao học sinh ngữ Viễn Đông (Ban Việt học) và Cao đẳng sư phạm. Hàng chục năm liền bà giảng dạy ở Trường Cao đẳng Hóa học Quốc gia Paris và Đại học Paris VI. Ở đây bà đã giúp hàng chục nghiên cứu sinh trên thế giới làm luận án cao học và tiến sĩ. Bà đã cùng chồng viết hàng trăm bài báo và tài liệu khảo cứu về hóa học đăng trên các báo chí Việt Nam và quốc tế. Gần đây, theo sự tài trợ và lời mời của tổ chức các nước nói tiếng Pháp (AUPELF), bà đã về giúp Đại học Tổng hợp Hà Nội làm một phòng thí nghiệm hóa học vô cơ. Giúp các thầy cô ở đây giảng dạy, làm thí nghiệm theo cách của Pháp và bằng tiếng Pháp. Khi sinh viên ở trường này qua Pháp học tiếp, sẽ vào phòng thí nghiệm làm việc được ngay.

Khi được hỏi cảm tưởng về quê hương của chồng và bà đã làm dâu xứ Huế như thế nào, Li Liên cười vẻ bẽn lẽn. Những nét đẹp thùy mị, dịu dàng của tuổi mười tám, đôi mươi còn vương lại trên đôi mắt xanh biếc của bà. Bà lặng lẽ đến bên giá sách, rút ra một cuốn sách dày đặt lên bàn và mở trang đầu, nắn nót ghi lời đề tặng tôi. Cầm cuốn sách nặng trĩu trên tay, đọc lướt qua mới biết đây là luận văn tốt nghiệp cử nhân văn chương bà vừa bảo vệ thành công ngày 19 tháng 6 năm 1998 ở Ban Việt học, tại trường Đại học Paris VII (Denis Diderot). Đề tài của luận văn này khảo cứu một ngôi chùa Phật giáo và vai trò quan trọng của nó trong nền văn minh và cuộc sống văn hoá của cộng đồng người Việt Nam ở Huế: đó là chùa Thiên Mụ. Luận văn đã được các giáo sư Philippe Langlet và Nguyễn Phú Phong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quốc gia Khoa học Pháp - là những thành viên trong Ban Giám khảo, đánh giá rất cao. Cái đáng nói là muốn đánh giá và nghiên cứu kỹ càng về chùa Thiên Mụ, bà Liên phải từ Pháp về Huế biết bao lần để đi thăm khắp các lăng tẩm chùa chiền ở cố đô, tìm sách vở và tìm đọc tham khảo hàng ngàn tài liệu, hàng trăm cuốn sách của các tác giả Việt Nam và thế giới nói về lịch sử Phật giáo, về chùa chiền trên khắp thế giới và Việt Nam. Đặc biệt là chùa Thiên Mụ dính dáng đến lịch sử mười ba đời Chúa, chín đời Vua của phong kiến triều Nguyễn suốt mấy trăm năm. Tôi tỏ lòng khâm phục và ca ngợi sự biết cao, hiểu rộng của một học giả lớn Pháp về lịch sử và văn hoá Việt Nam. Bà Liên khiêm tốn, nhỏ nhẹ nói: “Có gì đâu. Tôi chỉ mong làm được nhiều việc có ích để xứng đáng là con dâu của Huế”…

Tôi hỏi luận văn này có phải là chứng chỉ cử nhân cuối cùng của bà ở tuổi sáu mươi lăm? Bà Võ Quang Li Liên cười hiền: “Chưa cuối cùng đâu. Tôi còn sống được ngày nào là còn tìm hiểu về Việt Nam. Tôi sắp về lại Việt Nam để tìm hiểu văn hoá Chàm và Tây Nguyên. Ước mơ vài ba năm tới, tôi sẽ có một luận văn mới về nền văn hoá và văn minh Việt Nam”.

T.C.T
(126/08-99)



 

Các bài mới
Đêm không ngủ (25/11/2009)
Nhà trọ (24/11/2009)
Các bài đã đăng
Chợ Đông Ba (19/11/2009)