Tôi khép cửa rào. Ý thức của hành động ấy chỉ vụt ngang qua đầu tôi bằng hình ảnh vừa thấy trong ngôi nhà toàn những phụ nữ. Lúc vào đấy, tôi đi băng băng như ma dẫn, còn bây giờ ra về không có con đường trước mặt mà chỉ thấy khoảng tối mịt mùng. Tôi đứng lại thật lâu, trố mắt để hòa vào bóng đêm tòm lại con đường. Có mấy bụi cây rậm đen sì phía trước giống những tên đao phủ đang chực chờ ai qua đó. Gió tạo cho những làn nước tiếng lấp xấp ôm bờ. Gió sông mênh mông phả vào từng luồng giá lạnh, ngôi nhà trọ vẫn còn nguyên dòng sáng phụt ra nơi cửa sổ...
Trong cuộc chuyện trò của hai cô gái, một thiếu phụ và người đàn ông trong ngôi nhà từ đầu đêm đến giữa khuya vẫn còn tươi rói. Chưa ai trong số ba người kia chịu bỏ đi chỗ khác vì một lý do mà họ có thể nghĩ ra, như sĩ diện chẳng hạn! Còn người đàn ông là tôi được mời tới chơi ở căn trọ như chỉ để nghe họ giải trình và phải trả lời những câu hỏi. Vậy mà quên béng giờ về! Không có gì quá hấp dẫn, chỉ là hai cô gái tật nguyền và người đàn bà chồng bỏ sống chung nhau trong căn trọ.
Nhà cô gái bị hỏa hoạn.
Cô nói bị bỏng do ngủ mùng cháy chảy xuống một bên người.
Tôi không nhìn lúc Chiêu - tên cô gái - tự thán về mình, nhưng ánh mắt ngỡ ngàng thực sự đổ dồn lên người con gái ấy khi cô chìa tờ giấy đến tôi có ghi chữ PILOT. Người ta có chút hãnh diện khi thấy ai đó nhìn mình đang đẹp, chứ người ta đâu hay đôi khi họ đang tìm tòi khuyết điểm trong những cái hoàn thiện đó. Tôi không bới ở Chiêu những khuyết điểm nhưng kỳ vọng làm một người bay của cô buộc tôi phải đo lại, ít ra là thể dạng bề ngoài. Có lẽ sự im lặng và nhìn khá lâu của tôi làm cho cô gái cảm giác nhột ở vùng bỏng. “Sau khi đỗ tú tài em nghỉ một năm để đi nước ngoài giải quyết chuyện riêng”. Tôi nghĩ ngay Chiêu đã đọc được suy nghĩ trong ánh mắt của mình nên cô ấy đã khắc phục bằng cách nói ra một dự định thẩm mỹ thân thể. Hình như mối lo lớn nhất trong Chiêu không gì hơn thế! Một vùng bỏng chạy dài nửa mặt đến chân, dù những vết sẹo trắng không để lại ấn tượng sợ hãi khi một ai đó đã nhìn, nhưng thà không có vẫn hơn, con người ấy sẽ không bị lúng túng và ngượng nghịu khi có những cuộc gặp gỡ. Tôi tự hỏi mình, có phải vì bỏng mà Chiêu muốn làm phi công bắt đầu từ đời mình coi như con số không?
“Cô chuyên môn bảo em nên viết văn. Em lại không thích. Anh thấy sao?". Tôi nói mình không rành chuyện văn chương, vả lại đoán tính người đã là khó, không biết việc ấy tường tận làm sao định hướng đúng. Chiêu nhăn nhó kiểu nũng nịu. Dưới ánh đèn nê-on trắng tôi công nhận một điều: Vết bỏng là thảm họa của cô gái đẹp. Tạo hóa đâu phải thế này, phải là khác kia chứ! Người ta luôn thắc mắc về sự thay đổi của cuộc đời đối với tạo hóa. Tôi hỏi Chiêu có biết vì sao cô dạy văn khuyên vậy không? Cô gái lại khổ sở uốn mình rồi ngập ngừng: “Cô nói, những người có trường hợp tương tự em họ thường đi theo con đường ấy!”. Ban đầu nghe mấy lời cô giáo của Chiêu mách nước lối đi cho một người trẻ vào đời tôi không suy nghĩ lắm. Nhưng tôi chợt nhận ra trong câu phán xanh rờn kia mang theo những ác cảm cho người nghe và những liên hệ xung quanh cuộc đời này. Tương tự như Chiêu là những con người dị tật. Để trở thành nhà văn bước đầu người ta phải có cái cơ bản là dị tật thể xác chăng? Trong tình huống gặp gỡ Chiêu ở lần sau này đã vỡ ra trong tôi nhiều điều có ích. Việc đầu tiên tôi lục lọi trong trí nhớ mình biết được có phải ai trong số những nhà văn đều dị tật? Tôi bảo với Chiêu cô giáo ấy có tiềm thức lệch. Cô gái lại bắt bẻ tôi dối, rành quá mà lại nói không. Phải nói thật rõ lại để Chiêu hiểu ít ra người ta cũng cần phải có một chút thông tin về một chút thẩm định.Cái “cơ bản” để trở thành nhà văn như cô giáo nói thì Chiêu đã có, và năng lực chuyên môn về viết chắc cô cũng đã hài lòng nên khuyến khích Chiêu đi tới. Thế nhưng, sự yêu thích lại rất quan trọng trong việc thành công hay không của bước tiến thân trên con đường nghề nghiệp. Có lẽ Chiêu đã rời bỏ ý định này trước khi gặp tôi, để ấp ủ cái dự tính mười năm mà trong sự tìm tòi ở đâu đó cô gái đã vạch ra rành rọt sự sắp xếp thời gian để trở thành “người bay”. Chiêu hỏi có lớn lao lắm không? Tôi chỉ dám nói suy nghĩ của mình rằng mười năm rất dài. Nếu chúng ta sống trong bầu không khí của những con người đồng nhất, cùng loạt làm những công việc giống nhau tôi tin cái đích đến sẽ khả quan hơn. Còn em - Chiêu - sống giữa lòng đời chằng chịt những liên hệ, rồi rắm sự va chạm ước mơ tan vỡ có khi bởi những chuyện không lường trước được.
Chiêu hỏi chừng nào tôi tới chơi, nói để em đợi!
Tôi chỉ khẽ gật đầu rồi cười. Buổi tối rời nhà trọ mà buồn lan man...
Thằng nhỏ gọi Chiêu là cô, lúc tôi đến nó nhảy phóc vào lòng tôi ngồi. Nhỏ nhắn và hiếu động - đứa bé gần bốn tuổi này khiến tôi liên tưởng đến con mi-nô lông xù dễ thương ở nhà mình. Tối này tôi ghé lại nhà trọ không gặp hai cô gái, chỉ nghe Khanh - tên người thiếu phụ- nói Chiêu và Linh đã đi học lớp ngoại ngữ đêm. May sao, Khanh bảo cũng vừa về xô cửa vào thì tôi đến. Mùa hè này gió chướng thổi rần rật trong vườn, xào xạc tiếng lá khua động quanh ngôi nhà trọ. Tiếng xối nước lạch bạch phía sau nhà. Khanh tắm. Tôi ngồi nói chuyện vu vơ với thằng bé vẫn còn rúm co trong lòng mình. Trên bàn cạnh tôi có dĩa trái cây và những chiếc bánh bông lan to, đôi ba cái bánh bao cùng một ít đậu phộng rang Khanh vừa bày ra. Tội nghiệp, lúc vừa bước vào đây cô ấy bảo: “Cục cưng của mẹ đâu rồi?”. Nó nằm võng ở góc nhà lồm cồm thò đầu ra: “Cục cưng của mẹ nè!”. Khanh tiếp “Cậu đây, con gọi bằng cậu nghen”. Từ đó nó bập lại vài lần tiếng cậu rồi nhảy lên ngồi đây với tôi. Hơi bất ngờ trước cái nhạy làm quen của thằng bé, nhưng rõ ra thì có lý do chính đáng của đứa bé lâu ngày vắng hơi hướng đàn ông.
Không hiểu sao hai mẹ con người thiếu phụ này mang tên gọi theo kiểu dòng tộc vua chúa. Tôi hỏi, Khanh bảo anh ấy đặt tên cho nó là Vương vì tên ảnh là Thượng. Cô ấy nói chỉ thấy hay hay chứ không rành mấy về cách nghĩ đặt tên con của anh ta.
Đôi lúc, câu chuyện giữa tôi và Khanh phải dừng lại để nghe đứa bé. chỉ một câu thôi, nhưng như thể nó đang làm bài tập điền từ vào ô trống. Tất cả những thứ trên bàn có thể gọi tên được là nó điền ngay. Đến câu này làm tôi phải bật cười với cái “tỉnh” rất vô tư của nó: “Con cũng chưa uống nước này (nước lạnh) lần nào nữa mẹ!”. Lại cứ: “Con cũng chưa ăn (uống)...lần nào nữa mẹ!”. Tôi hỏi Khanh có dạy nó câu này không, cô ấy bảo hôm nay lần đầu tiên nghe nó nói như vậy. Vương khiến tôi phải chăm chú nhìn, nó vẫn ngồi ghế đẩu ăn lai rai từ món này đến món khác. Chốc, lại xoay sang tôi cười rồi gọi mấy tiếng “cậu, cậu...”. Thằng bé nhỏ thó da ngâm, mắt sáng, miệng cười rất duyên - có lẽ do ảnh hưởng bởi chút cằm móm. Nó mời: “Cậu, cậu. Tối nay cậu ngủ với con nghen cậu. Con cũng chưa ngủ với cậu lần nào!”. Nhoẻn cười mà nỗi niềm xúc động trong tôi trào dâng. Tôi vờ đồng ý bằng cách gật đầu và xoa tóc nó. Dễ thương và ngoan ngoãn như con khuyển lông xù ở nhà mình!
Khanh nói, “nhóc này lâu rồi không gặp đàn ông” Nói mà như than thân không riêng gì thằng bé. Nó buồn ngủ ngáp dài. Tôi nhìn đồng hồ treo trên vách gỗ đã hơn chín giờ đêm. Trong căn phòng khoảng ba lăm mét vuông này so với bốn người là chật, huống chi ai cũng cần phải rộng rãi một chút cho việc riêng của mình. Chiêu là em họ với chồng của Khanh, cô ấy học lớp 12, còn cô gái kia Khanh đã quen từ cách đây ít năm vì cảm cảnh tình người. Mỗi tháng người mẹ trẻ này phải trả tiền thuê nhà trọ cho cả ba người là trăm rưỡi nghìn, không mắc cũng không rẻ, nhưng được cái độc lập nằm trong khu vườn rộng cách xa nhiều gia đình khác. Cửa xoay mặt ra con sông rộng bốn mùa mênh mông gió, sau lưng là thị trấn ầm ào...
Ba mươi tuổi, trẻ và đẹp, nhưng phải tính bộc trực và thẳng quá nên Khanh đã mất chồng. Sự đời thường vậy, lẽ phải bộc lộ hay bị coi là xúc phạm đến kẻ xấu. Nhưng cứ thử nghĩ cuộc sống này thế nào khi ai cũng giống ai? Khanh có lý của Khanh. Tôi vô tình đi qua những phận người rồi ghé mắt lại nhìn thành ra vướng víu. Cô ấy khi biết tôi đã có hôm ghé lại nhà trọ ngồi nói chuyện với Chiêu thì thái độ không vui nhưng chẳng tiện nói ra, chắc vì tế nhị!
Biết Khanh ba năm, từ lúc cô mở ki-ốt sách báo văn hóa phẩm, nhưng chỉ quen nhau khi có sự xuất hiện cô gái tật nguyền đi nạng. Đã có đôi lần Khanh mời tôi đến chơi ở căn trọ ấy nhưng mãi bây giờ mới đến. Khanh mở nhạc Trịnh với những giọng ca rất cũ. “Anh ở lại chơi lâu hơn cũng được, em đang buồn!”. Phải công nhận có lúc tôi chán ngấy với nỗi buồn thật sự của cô ấy nhưng vẫn phải ngồi nghe với ý thức sẻ chia là trên hết. Chuyện riêng tư vợ chồng đã nhẵn lòng, nhưng lại lắm thứ rối ren tranh chấp tài sản trong dòng họ và cô muốn bứt mình ra ngoài mà người ta chẳng chịu buông tha. Tới bây giờ mà tôi vẫn còn nghe Khanh nuôi hi vọng xuất ngoại theo diện H.O. Có lẽ cô ấy không còn ham muốn giàu sang hơn nữa, chỉ mong được trả lời một uẩn khúc nào đó của đời mình!
Có tiếng cọt kẹt cửa rào mở. Khanh vòm tay che mắt nhìn ra ô cửa sổ rộng rôid thầm thì: “Các cô gái đã về!”
Tôi thò tay vô hộp thư lấy ra tờ giấy nhỏ có ghi mấy dòng như thư tống tiền: “Bảy giờ tối nay anh ra quán bên hông trường có người đợi!”. Chỉ có vậy! Tôi đóng sập cửa hộp thư mà không biết mình đã bỏ chìa khóa vào túi lúc nào. Nhìn đồng hồ, tôi ra khỏi bưu điện định về chỗ hẹn nhưng ngớ ra có phải là hôm nay? Một cuộc hẹn vớ vẩn biểu hiện sự cẩu thả hay cố ý của người ghi không có ngày. Dù trăm câu hỏi về người đó là ai tôi vẫn thử đến.
Sau giờ hẹn mười lăm phút.
Tôi vừa ra khỏi quán nước chợt gặp Linh- cô gái đi học bằng nạng. Linh nói đi học thêm về, rồi hỏi tôi đi đâu? “Xách xe đi lòng vòng vậy mà!”. Tôi trả lời Linh như gỡ gạc lại trước đó những đôi mắt tình nhân đã nhìn xoáy tôi đến quán chỉ một mình. Linh xin được đi lòng vòng. Cớ gì phải xin, tôi chẳng đã từng một lần theo em xin được nói chuyện đó sao?
- Anh khó hiểu quá!
- Nhìn mặt hay tính cách?
- Cả hai.
Tôi chừa khoảng lặng im dài chỉ để...nghe máy xe nổ đều đều trên con đường vàng tái bởi những chiếc đén cao áp. Chưa nghĩ được cách trả lời. Linh lại bồi tiếp:
- Anh không ngại chở em đi sao?
Lúc này, suy nghĩ tôi chỉ để nhớ lại gương mặt Linh. Đã từng nhìn thẳng vào nhau sao tôi vẫn cứ quên một gương mặt đầy thuần phác và e ngại. Tôi dần nhớ ra khi liên hệ đến những cái nhìn từ dọc đường có vô số kẻ lạ rồi dăm ba người quen. Người ta quen nghĩ đến thành tích cao -cả đến chuyện chiếm đoạt mỹ nhân! Một gã đàn ông chở cô gái tật nguyền dạo phố là chuyện quái đản sao?
Tôi đã trả lời bằng tất cả tấm lòng mình khiến Linh chắc cũng an tâm. Thì ra những hệ lụy của cô gái có số phận không may đã mang đến với tôi là những câu hỏi cá tính ấy chẳng đi đâu ra ngoài cuộc gặp gỡ hôm trước giữa gã trai già và ba cô gái (Cứ hãy cho họ còn vậy!).
Từ cô gái tật nguyền đến cô gái tật nguyền đã vỡ ra trong đầu tôi rất nhiều lẽ phải, rất nhiều lợi ích. Tôi đưa Linh về đầu con hẻm ra bến sông có ngôi nhà trọ bốn mùa không khí lạnh, chẳng hẹn gì nhau!
Về giường nằm gác tay lên trán nghĩ về chuyện gặp vừa qua tôi chợt bật dậy mò đến chiếc áo đã mặc trong đêm để tìm mảnh giấy mà quên cả chuyện mở đèn.
Rồi chuyện gì sẽ xảy đến nếu tôi vẫn thường ghé lại căn trọ ấy. Tôi thật sự không biết được. Chỉ còn lại ấn tượng mới mẻ nhất về “Linh học lớp 11” có đôi mắt buồn trên cây nạng gỗ và mấy dự định về phục vụ nông thôn của cô ấy mà tôi chưa nghĩ ra...
Mùa đông 1998 Đ.T (126/08-99)
|