Con hẻm vô cùng yên tĩnh, sự yên tĩnh đến kinh ngạc, nghe được cả hơi thở chộn rộn của chính mình, cả một ý nghĩ ở trong đầu vừa mới trào ra, để rồi sau đấy nó vón quánh ngay lại; ngỡ phút chốc sẽ biến ngay thành vật thể, rơi bịch ngay xuống trong tầm nhìn của con mắt mình.
Ở phòng trong ông chú đã ngủ yên từ nãy, sau một ly rượu thuốc, mà đêm nào trước lúc lên giường nằm ông đều uống. Thứ rượu “xịn” như ông thường gọi, được ngâm với bộ rắn chín con (không phải thứ rắn được nuôi ở đồng bằng mà được bắt từ trên núi xuống) với cái giá mua chẳng rẻ chút nào - hai triệu một bộ - cùng với một thang thuốc bắc, cắt theo đơn của một ông thầy tầu, với cái giá hai trăm ngàn nữa. Còn rượu ngâm là rượu gạo nấu lấy bốn mươi nhăm độ. Ông còn cho thêm vào đấy một cặp bìm bịp và năm con tắc kè nữa.
“Uống vào là thấy người khỏe liền”. Ông thường nói như vậy.
Căn nhà này ông mới mua được vài tháng, sau lúc đã bán đi, căn nhà mặt tiền ở một phố lớn. Dư ra được ít cây phần để trả nợ, phần để dành cho ít năm cuối đời; vì lương hưu của ông, cũng chẳng đủ để cho ông uống bia, mỗi ngày hai buổi.
Vì là mới dọn đến, nên công việc sửa sang lại có nhiều. Chỉ riêng với hòn non bộ của người chủ cũ để lại, ông đã phải căm cụi bận rộn với nó suốt ngày. Ông dùng sơn pha loãng để quét những chỗ đá bạc, để lấy lại cái mầu xanh già cho đá núi; rồi ông trồng cây, những cây tùng cây thông già nghìn tuổi, được làm bằng nhựa; ông đã để cả buổi, để chọn mua ở chợ về. Rồi lại còn việc bắc một nhịp cầu cong qua một hẻm núi; đặt một con nai vàng ngơ ngác, nhìn lên một thác nước chảy trắng xóa và chọn một chỗ bằng phẳng cho hai ông tiên ngồi đánh cờ, cũng không quên đặt ở cạnh đấy, một be rượu với hai cái chén. Ông nói:
- Lúc còn đang công tác, sống với những con người thật, chạm tay vào những cái thật; cứ thấy lo âu mệt mỏi, ngờ như chạm vào người giả, đồ giả. Còn bây giờ về già, được nghỉ; chơi với ba cái đồ giả này, lại thấy tâm hồn được thư thái dễ chịu, có được cảm giác bè bạn.
Ngoài chuyện non bộ ra, ông còn ham chơi cả chim cu nữa. Vốn là dân miệt vườn, thuộc đất Gò Dầu; suốt cả thời trai trẻ, ông say mê bẫy chim cu, gà gô, huấn luyện chim mồi. Ông thuộc nằm lòng về chúng. Đến lúc đi theo kháng chiến; ở trong rừng, lúc nào giặc không lùng sục đánh phá, ông lại làm bẫy đặt khắp nơi, kiếm chất cải thiện cho cơ quan. Bây giờ về già không đi lại được xa nữa, ông treo lồng cu trong nhà. Cả thẩy có sáu con, trong đó có một con chim mồi của người cháu gửi. Vào buổi trưa (cũng có lúc là buổi sáng) chúng đồng thanh gáy vang lên; anh ngỡ đầu mình muốn vỡ tung ra mất.Còn ông thì thích thú, lắng nghe một cách say mê, như trẻ nhỏ được uống nước đường. Đôi lúc trong ngày, thấy chúng im quá, ông lại chúm môi hót gọi, thế là cả lũ chim lại chụm tiếng hót, làm thành một bè, hát đệm cho tiếng hót lĩnh xướng của ông.
- “Có chúng thêm vui, nó trả lại cho tôi cả một thời trai trẻ đã mất”. Ngoài hai chuyện trên, ông còn dành thời giờ để làm thơ nữa. Ông cũng say mê không kém, có ngày ông làm được cả một bài. Những bài thơ làm ở rừng hồi chín năm; những bài thơ làm hồi ông đi tập kết, ông vẫn còn giữ được. Những năm sau ngày 30-4 về lại thành phố, ông làm thơ càng khỏe. Thơ ông không hay, nhưng là lời thật, tình thật, như thể ký họa của người họa sĩ, đôi câu vẫn rung cảm được người nghe nhất là những bài viết về một cô du kích - mối tình đầu của ông - dù cô đã hi sinh ngay ở thời kỳ đầu đánh Pháp ở miệt Vàm cỏ. Ông có thể quên đi nhiều thứ, quên nhiều mối tình đi qua đời ông, nhưng chưa bao giờ ông quên người nữ du kích ấy.
Bản thảo thơ mỗi ngày xếp dầy, trong một cái thùng các tông khá rộng. Ông đang có ý định xuất bản. Cô con gái của ông - đang mở hiệu may ở ngoài phố - một bữa đã thử nhắc lên, rồi ước lượng:
- Phải đến chục kí ấy ba ạ. Giá ba chuyển sang làm thơ bút tre, thì nó nhẹ hơn nhiều.
Suýt nữa thì ông nổi cáu.
- Cứ như mày ấy, dồn tiền một ngàn, hai ngàn đổi sang tờ năm chục ngàn để cất đi cho tiện có phải không
Cô gái chỉ cười khi nghe bố mắng, rồi nói riêng với anh:
- Ba em có hâm không chứ. In hết cả thùng bản thảo ấy, có mà dầy bằng cuốn từ điển Anh Việt
Ông đã dò hỏi anh, liệu bỏ ra hai cây có in xong không. Đúng là ông già có ý định in thơ của mình thật.
Anh nhìn đồng hồ, đã một giờ sáng rồi. Càng lúc anh càng thấy yên tĩnh; có cảm giác sự yên tĩnh đang mỗi lúc biến con hẻm thành một dòng sông trôi. Thành phố có hàng ngàn con hẻm, chẳng biết có người nào thuộc hết được không . Câu nói của người Tây Nguyên, anh đã nghe được ở đâu đó “Con suối nhỏ đổ vào con suối to, dồn ra con sông lớn, không trông thấy bờ là biển” Cuộc sống của các con hẻm, đổ ra các đường phố lớn náo nhiệt mỗi ngày, chìm ngập nổi nênh biết bao thân phận.
Buổi sáng nay, anh đã mất hàng mấy giờ đồng hồ liền, để đi suốt con đường Phạm Văn Hai, cố tìm ra con hẻm ấy. Rẽ liều mấy lần, là mấy lần phải quay trở lại. Con hẻm nào cũng giống con hẻm nào; chẳng tìm ra con hẻm nào, nơi có nhà của người bạn gái ở. Mà đi lại ở đường Phạm Văn Hai đâu có dễ, gần hết phải đi dưới lòng đường, mà con đường vốn dĩ đã chật. Bờ hè bị lấn chiếm. Từ những người bán quần áo, đến các quầy kính treo lừng lững mấy cái đùi bò đùi bê, thậm chí cả một bà bán trầu vỏ, cũng bầy ra hè mà bán. Trước đây ít năm thành phố đâu có như vậy.
Cuối cùng anh cũng đành phải quay về. Hẻm nhiều như tơ nhện dăng, càng đi càng thấy lẫn vào trong đó. Đã gần hai năm, kể từ ngày gặp chị lần đầu, mà cũng chỉ lần đó thôi. Hai người biết nhau qua hộp thư bè bạn, sau đó thêm một hai lá thư riêng trao đổi. Buổi anh vào, anh điện trước cho chị biết. Trưa nắng chang chang, anh xuống ở sân ga hàng không Tân Sơn Nhất. Đã có qui ước để nhận ra nhau chị sẽ chờ anh ở quầy điện thoại gần cửa ra vào, với y phục quần bò và chiếc áo phông mầu đỏ. Hai người đã không nhầm, khi cùng gọi tên nhau.
- Chỉ thiếu mật khẩu nữa, thì chúng ta đã như hoạt động, trong một mạng lưới tình báo nào đó.
Chị nói đùa như vậy. Căn hộ của chị tuy là chung cư, nhưng thoáng mát rộng rãi. Anh ở lại nhà chị hai ngày, đó là những ngày vui vẻ và đầy đủ trong đời anh. Ngay cả mỗi bữa ăn, chị đều hỏi anh trước:
- Anh thích ăn gì để em mua?
Chị dẫn anh đi siêu thị Mini Mart, mua về tất cả những gì mà anh thấy lạ, hoặc chưa ăn; đêm chị dẫn anh vào công viên Kỳ Hòa, hoặc tìm một quán cà phê nào đấy, để ngồi với nhau. Dù đi đâu, anh cũng muốn ngồi sau, còn để chị cầm lái.
- Sao kỳ vậy ?
Chị hỏi. Anh không dám nói, là mình chưa bao giờ có xe máy, để mà lái được, đành chỉ đáp chung chung.
- Anh muốn quan sát phố phường
Cái dáng của chị ngồi trên xe thật đẹp, như một vận động viên mô tô trong buổi diễu hành. Đường phố Sài Gòn, xe người đi như mắc cửi nhiều chỗ ùn tắc; chị vẫn nhẹ nhàng cho xe luồn lách qua, như thể chẳng có gì trở ngại cả. Buổi tối anh rời Sài Gòn để về Hà Nội, chị đưa anh ra ga tầu, chị vẫn còn vui vẻ, lưu luyến. Ngay cả lúc tầu chạy rồi, chị còn chạy một quãng dặn theo anh:
- “Về đến nhà điện ngay vào cho em yên tâm".
Ba ngày sau, anh điện vào cho chị. Điều khó hiểu, là chị thưa máy với một giọng điệu dửng dưng, tẻ nhạt. Những tiếng vâng, dạ lặp lại nhiều lần khô khốc, chẳng còn đâu cái ngữ điệu đằm thắm, vồn vã chỉ cách đấy không lâu của chị. Anh chẳng thể lý giải được để cho mình hiểu. Cuộc sống độc thân của anh đã sang năm thứ sáu, anh đã để mất đi sự nôn nóng bôn chồn, chỉ im lặng và mong mỏi một cách vu vơ, rồi mọi sự sẽ được sáng tỏ. Anh viết thêm hai lá thư nữa đều không có hồi âm; cho đến lúc này câu chuyện vẫn chìm đắm như cũ. Chị ở đâu. Con hẻm nào trong đêm nay, khi anh đang ở cùng một thành phố với chị.
Anh nhìn đồng hồ, đã một rưỡi sáng rồi, anh muốn ngồi dậy pha một ấm trà nóng để uống, lại sợ gây ra tiếng động, dù là nhỏ đi nữa. Ông già vốn rất khó ngủ, làm ông thức dậy lúc này, khó mà ngủ lại được. Đêm trong hẻm đang như một tờ giấy trải phẳng, anh cố lắng nghe để tìm ra một tiếng động nào đó; những chẳng nhận ra gì hết, chỉ một chút gió nhẹ lao xao, chạy qua vòm cây hoàng lan ở nhà xế cửa. Anh chỉ mới biết được có hai nhà trong hẻm. Cạnh nhà có cây hoàng lan, là nhà của một người đàn bà góa ở với đứa con nhỏ. Chị còn trẻ, ở cỡ tuổi bốn mươi hoặc chưa đến. Một gương mặt dễ coi và vóc người đầy đặn. Cánh cửa nhà chị suốt ngày đóng im ỉm; chỉ trừ một lúc sáng chị mở ra để dọn dẹp trước cửa nhà. Xong việc chị dắt chiếc xe máy ra, đưa đứa trẻ đi học; rồi chị cũng đi suốt cho tới chiều tối mới về.
Chị làm công việc gì; ở đâu, ngay ông chú anh cũng không biết; duy chỉ một điều được nghe nói lại, chồng chị mất sau một cuộc đụng xe ngoài phố. Cũng đã ba bốn năm qua rồi, chị vẫn cứ sống vậy. Hình như chị không có ý định tái giá “Một lần cũng đủ mệt rồi, thêm lần nữa chịu sao nổi”. Chị đã có lần nói như vậy.
Còn nhà có cây hoàng lan, chỉ có một người đàn ông lớn tuổi, gương mặt nhìn chưa đến nỗi già, nhưng mái tóc thì đã bạc gần hết. Chiều chiều thấy ông ra ngồi ở chiếc ghế dài, đặt sát với gốc cây hoàng lan. Vẻ suy nghĩ khắc khổ và con mắt vô hồn. Ông cứ ngồi như thế, cho đến lúc nhập nhoạng tối thì quay vào nhà. Còn thêm có cậu con trai nữa, cỡ mười lăm, mười sáu tuổi; chẳng hiểu có phải là con trai của ông không. Có lẽ ông cũng là người sống cô quả, vì chẳng thấy bóng dáng một người đàn bà nào ra vào cả. Sáng sáng thấy ông dắt chiếc xe Hon-đa 67 ra cửa, vào một giờ nhất định. Ông làm nghề xe ôm, nghe ông chú nói vậy. Ngoài ra trong nhà còn có thêm một con chó nữa, ngay con chó cũng ít ra vào chỉ khi nào có ông ở nhà, nó mới ra nằm ở ngoài cửa một lúc.
- “Đâu đã phải là người già - Ông chú nói vậy - Ông ta chưa tới tuổi năm mươi đâu! Chắc là có một hoàn cảnh chi đấy”
Sao ba cái lúc này lắm người hoàn cảnh thế. Cứ làm như cuộc sống đời thường của mỗi người, mỗi ngày, đang là một cuộc chạy việt dã với cái ăn, cái mặc. Cuộc sống thì bao giờ chả là một cuộc vật lộn mới tồn tại được.
Cách nhà của ông chú mấy nhà, ngay ở đoạn bẻ góc thước thợ, với đoạn đường chọc ra đầu hẻm, còn một ông già; mà chiều nào cứ khoảng năm giờ, lại đứng tắm ở trước cửa nhà, có đặt ba cái thùng phuy loại hai trăm lít đựng nước. Mỗi lần như vậy nước lại lênh láng đổ ra con hẻm. Được cái trời Sài Gòn nóng, nên nó cũng mau khô. Tắm xong, ông lại chống cây gậy rê từng bước chậm chạp, ra ngồi trên một cái ghế gỗ, đặt nép vào một bên tường. Đường trong hẻm vốn đã chật, lại càng chật thêm, nhưng ngồi ở đấy có gió hút vào. Tuy vậy, người qua lại chẳng ai nỡ trách ông cả, dù thường phải xuống để dắt xe qua chỗ ông ngồi.
Ông chú nói:
- Đáng lí ông ta đã sang Mỹ rồi đấy chứ. Con trai bảo lãnh cho sang mà. Nhưng sắp đi, quay ra ốm một trận, liệt một bên chân nên không đi được
- Còn một bà nào đấy ở cùng nhà. Hay là vợ ông ta.
Anh hỏi thêm.
- Cũng chẳng biết nữa, có lẽ chỉ là bạn già đến trông nom nhau thôi. Nghe như vợ ông ta đã chết cách đây vài năm rồi.
Cuộc sống trong con hẻm cứ như một mảng trời chiều, yên tĩnh và sắc mầu nhàn nhạt. Đôi lúc một hồi còi xe từ ngoài phố vọng vào, the thé một lúc rồi lại im bặt; còn đâu chỉ là tiếng rao của vài người bán quà vặt. Cô bán sữa đậu nành thì đi từ sáng sớm; còn trước cô là tiếng gọi các nhà đổ rác, của người đàn ông làm công việc này. Còn mấy đứa trẻ, chỉ buổi chiều mới tập trung một lúc để chơi trò bi ăn bi một lúc rồi giải tán.
Anh lại cúi nhìn đồng hồ, đã quá hai giờ sáng rồi. Kể thì đã sang một ngày mới. Có một tiếng chó sủa xa ở đằng cuối hẻm; một tiếng động mạnh ở ngôi nhà trước cửa. Chẳng lẽ người đàn bà góa, hay người đàn ông tóc bạc, cũng không ngủ được, phải dậy sớm hay sao. Anh thèm châm một điếu thuốc để hút. Lần này đành phải trở dậy. Anh dém bước thật nhẹ đi về phía cửa, đẩy rộng hai cánh cửa ra. Mùi thảo mộc ùa theo vào xanh ngan ngát, chẳng thể sao phân biệt được. Mùi cỏ, mùi lá, mùi của những chồi non đang cựa quậy trên cành. Ngày còn ở Trường Sơn, đi dưới những dặm dài cây rừng, anh cũng chẳng biết được là những cây gì, đành chỉ gọi bằng cái tên chung là cây gỗ.
Anh khom tay bật lửa châm thuốc, khói tỏa lên đùng đục, hơi thuốc trong đêm thật dễ chịu, nó làm thần kinh dịu đi, các ý nghĩ trở nên nhẹ nhàng. Đêm đang trôi đi nốt những thời khắc cuối cùng của nó. Trời rồi lại sáng và anh mong nó nhanh đến. Anh chợt nhớ đến, buổi đi chơi chiều hôm trước với người bạn già. Ông là một nhà văn, có trí tuệ sắc sảo. Anh thích những câu chuyện ông kể.
“Mình dạo này mắc chứng mất ngủ”. Lúc ấy hai người đang ngồi với nhau ở một quán trà, trên đường Phan Đăng Lưu. Ông vừa đi nghỉ ở một nhà điều dưỡng ở miền Đông.
- Ở đấy mình đã gặp một cô gái
Anh ngạc nhiên nhìn ông, chẳng lẽ ở cái tuổi bẩy mươi, ông còn để cho mình bén cháy dễ dàng như thế
- Một trường hợp thật lạ lùng - Ông nói tiếp - Vốn là một sinh viên văn khoa của đại học Sài Gòn. Sự kiện năm 1975 đã đẩy người tình của cô - vốn là một sĩ quan ngụy - vượt biên trốn chạy ra nước ngoài. Cô ấy đã đẻ con, nuôi con, không lấy chồng. Khi thằng bé được chừng mười tuổi, cô gửi ra cho một người bà con ở Hà Nội, để học ở ngoài đó. Bây giờ nó cũng sắp bước vào tuổi trưởng thành.
- Chắc là để rảnh tay làm ăn, trường hợp ấy cũng có nhiều. Ông không để ý đến câu anh nói, điềm tĩnh kể nốt:
- Nhà cửa của cô ở Sài Gòn, cô đóng khóa để đấy, rồi về miền Đông sống. Cô làm việc cho nhà điều dưỡng, nhưng lại không sống trong khu tập thể của cơ quan. Tự cô dựng lấy một túp nhà cách đấy năm sáu cây số, ngày hai buổi đi về với chiếc xe máy của mình. Đường về phải qua một vạt rừng mỏng. Mưa gió gì cũng mặc, cô không ở lại bao giờ
“Cũng là chưa rũ được cái nỗi buồn ra khỏi mình”. Anh nghĩ vậy
- Mình có đến chơi nhà một lần. Đúng là một cái túp hơn là một cái nhà. Vách trống tuềnh toàng, quanh nhà cây dại mọc lúp xúp. Ngoài chiếc giường nằm ra, chỉ còn chiếc tủ con chứa áo quần. Cô ta đã hỏi khi thấy mình ngơ ngác “Anh thấy lạ phải không, đàn bà con gái ở thế mà không thấy sợ sao. Ngày còn ở thành phố, xem ti vi, đọc sách báo, lúc đầu cũng ngỡ những nơi xa xôi hẻo lánh như thế này, đầy rẫy những trò cướp bóc, hãm hiếp. Nhưng không có thế đâu, con người ở đây vô cùng nhân hậu; họ nghèo khó thật đấy, nhưng chỉ giúp nhau, chứ chưa hề giành giật nhau”.
Ở nhà văn già này, suốt những năm quen biết ông; chưa có câu chuyện nào ông kể ra, lại không để nói một điều gì đấy, cùng với lời nhận xét của ông và anh chờ đợi.
- Một bữa đi làm về, vừa mở cửa ra. Cô nhìn thấy ngay một con rắn lớn, đang nằm cuộn khoanh trên giường ngủ của cô. Thấy động, nó ngóc cổ lên; cái lưỡi như cái đinh ba của nó phóng ra lia lịa. Cô sợ muốn chết giấc, nhưng bản thân sinh tồn mạnh hơn, nên cô không bỏ chạy, mà vớ ngay lấy một cây gậy, xông vào đánh nhau với rắn.
Anh nghĩ thầm “Nếu là mình, không khéo mình đã bỏ chạy”:
- Cuối cùng thì con rắn cũng chết, lúc bấy giờ cô mới la lên, té xỉu. Lúc tỉnh dậy, câu đầu tiên cô nói với người hàng xóm gần nhất vừa chạy đến “Đánh nhau với rắn thì sợ thật đấy, nhưng đánh nhau với người còn sợ hơn”. Lúc nghe cô ấy kể, mình có hỏi lại: “Chẳng nhẽ cuộc sống thành phố, đã để lại trong cô những điều quá tệ hại hay sao?”. Cô không nói gì. Mãi sau mới bảo mình bằng cái giọng rất buồn “Con người bây giờ có hàm răng của thú”.
Câu nói ấy cũng là câu nói quá. Đành rằng cuộc sống thị trường đã phá đi không ít những quan niệm và đạo lý truyền thống và lợi nhuận thường không đi đôi với tình cảm.
Ông ngắt một nửa điếu thuốc châm lửa rồi mới lại nói:
- Cái mà mình muốn nói với cậu là ở chỗ này. Càng ngày càng có những người đi tìm một cách sống khác cho mình. Hình như họ cố rũ khỏi mình sự nhàm chán đơn điệu của cuộc sống đã thành khuôn khổ bấy nay. Người ta bắt đầu sợ sự quá đầy đủ đang có quanh mình; sợ cái sự trơn tru như hòn bi ve trong quan hệ con người với con người bây giờ. Họ muốn tìm lại...
Ông chững lại ở giữa câu, như thể cân nhắc xem mỗi con chữ định nói ra. Còn anh nghĩ "Những năm gian khổ đánh Mỹ, người ta lăn vào các nơi nước sôi lửa bỏng, chẳng ngần ngại gì, cũng chẳng tính toán gì".
Ông nói có lí chăng. Cũng như ông, suôt chục năm qua, anh đã sống cái nếp sống; đã nghĩ cái nếp nghĩ... Tất cả đều mòn trơ cả rồi; như con đường mòn, ngày nào cũng phải đi qua, nó làm cho thần kinh rệu rã. Chính anh, nhiều lúc cũng thấy gai người lên, khi thấy cái ngày hôm nay, chỉ là bản sao những cái của ngày hôm qua.
Kim đồng hồ đã chỉ sang ba giờ sáng. Chỉ còn hơn tiếng nữa thôi, tiếng rao hàng rồi lại vang lên từ đầu hẻm. Một ngày mới lại bắt đầu, khi vệt nắng đầu tiên chạm tới ngọn cây hoàng lan ở nhà người đàn ông tóc bạc. Mọi việc rồi lại trình tự như thế. Đứa trẻ đi học, người đàn bà lại lạch sạch đẩy chiếc xe ra cửa; người đàn ông lại xua con chó vào nhà để khóa cửa lại, rồi đi cho đến gần tối mới về. Ông chú anh sớm nay lại ra chợ, để tìm mua thêm mấy ngôi chùa, ngọn tháp, về gắn thêm cho hòn non bộ "Chẳng hiểu sao bây giờ nhiều người muốn vào chùa tu lắm".
Đến hôm nay anh ở thành phố đã sang ngày thứ mười. Cái hôm mới vào, còn chân ướt chân ráo, mấy anh bạn đã lôi ngay anh đi chơi "Ghi ghi, chép chép mãi rồi, tối nay bọn mình cho cậu một bữa thư giãn". Họ đưa anh đến cái phố, nằm tiếp giáp giữa ba quận. Ngôi nhà to cao lừng lững, ở ngoài treo một tấm biển cỡ lớn, ghi cả bằng hai thứ tiếng Anh và Việt:
"Công ty du lịch... Trung tâm hỗ trợ sản xuất".
Một người đàn bà ra đón với nụ cười đã khiến anh nghi hoặc. Bọn anh được đưa vào một căn phòng rộng ở lầu hai, bên ngoài vẫn còn treo một tấm biển chữ sắc nét "Phòng giám đốc". Sự bầy biện trong phòng không có vẻ gì là một phòng làm việc.Chỉ một bộ ghế đệm kê ở sát tường, góc đối diện là một giàn karaôkê, nhưng chắc là ít khi được hát, bụi bám trắng lờ mờ. Người ta đưa ba cô gái vào, tất cả đều còn rất trẻ; mặc váy ngắn hoặc áo xường xám được xẻ tới gần hông. Cả ba cặp đùi đều được nổi sáng và những khoảng ngực để hở. Rồi từng người, đưọc mỗi cô đưa về phòng riêng. Mọi trình tự đã được diễn ra như các bậc cầu thang; đã đặt chân lên bậc thang một, sẽ tuần tự leo lên các bậc thang tiếp, cho đến bậc thang chót. Tất cả đều ngoài ý muốn của anh, nó êm ả lôi anh đi, như thể anh là chiếc lá được thả theo dòng chảy, không thể sao cưỡng lại được.
Lúc ra về đã gần nửa đêm. Sau những gì đã trải qua, cảm giác anh thật trống rỗng; phần chủ thể của anh ngỡ như không còn cho anh nữa. Tình yêu con người là ở đâu. Tình dục được bầy ra bán, còn người mua chỉ là một khách qua đường, một kẻ vãng lai.
Đã một giờ nữa lại trôi qua.Con hẻm vẫn còn im ắng. Mắt anh vẫn chẳng muốn ngủ. Anh tiếp tục châm một điếu thuốc nữa và tìm một cái ghế để ngồi xuống. Không gian Sài Gòn lúc đêm về sáng như một cái thùng nước lã. Chỉ một lát nữa thôi, những con người còn đang chìm trong giấc ngủ lúc này, sẽ lại như những con cung quăng, bơi loạn lên trong thùng nước đó.
Đầu óc anh lại trở nóng bừng bừng. Anh thèm có lại cái lạnh âm hai nhăm độ, trong khu băng đăng của công viên Đầm Sen lúc tối; ít ra nó cũng làm cho anh, không nghĩ đến chuyện gì khác nữa; cái lạnh làm cho các ý nghĩ của mình đông lại. Trong băng đăng đèn chiếu sáng lờ mờ. Những đền đài, miếu mạo; những chim muông hoa lá; những pho tượng người ngựa; cả một lầu Hoàng Hạc để cho một Thôi Hiệu đề thơ và một Lý Bạch phải quăng bút xuống; một phần Vạn Lý Trường Thành. Tất cả đều được tạo ra từ nước đóng băng. Lúc đó, anh đã có một ý nghĩ lạ lùng, gần như là một mong ước nữa. Có một nhiệt độ lớn hơn không độ, thì mọi cái anh đang nhìn ngắm một cách chăm chú ấy sẽ tan ra, sẽ trở lại cái dạng nước ban đầu của nó và ngay chính cả anh, cái nhiệt độ ấy lên đến mức nào đó, thì cái lượng nước bẩy mươi phần trăm ở mỗi con người trưởng thành thì cũng sẽ bốc ra hơi hết và xương thịt anh chỉ còn là một nhúm bụi tro. Vậy mà một ngày sống đời thường của một con người, có biết bao trăn trở dằn vặt; phải tự lừa dối mình và lừa dối người; phải chen vai thích cánh mà sống. Cái quãng sống trăm năm ngắn ngủi và đầy nỗi cô đơn của con người.
Điếu thuốc đã cháy gần hết. Khói vẩn lên trong con mắt nhìn của anh, mầu khói đã bắt đầu nhìn rõ - xám đục - cũng là cái mầu của khói mìn bốc lên, sau một tiếng nổ để giết chết một con người.
Lần này vào Sài Gòn, anh đã cố gắng dành ra một buổi chiều, để đến thăm một anh bạn ở quận Gò Vấp. Lúc còn ở Hà Nội, hai người đã có những năm sống, đầy ắp các kỷ niệm tốt đẹp. Điều đáng ngạc nhiên là suốt hai tiếng đồng hồ ở đấy, bạn đã để mặc anh, nhặt xem được cái gì thì xem; trong mớ sách báo hổ lốn quăng bừa bãi trên giường, cùng cốc nước lạnh nguội ngắt anh phải tự rót lấy. Còn anh bạn cắm mắt trên mạng Internet với chương trình Sex. Con chuột trong tay luôn di chuyển, từ hình lõa thể này sang hình lõa thể khác.
- Tại sao mày lại không thích Sex nhỉ - Anh bạn dừng một chút để nói với anh - Nó là sự kỳ diệu con người có được, nhờ sự cảm thông của thượng đế.
Anh không thể trả lời, mà cũng không sao nhận ra chân dung của bạn mình nữa. Đâu phải anh thờ ơ trước cái đẹp của thân thể đàn bà. Những bức họa các cô gái thổ dân của Gôganh, những hình thể đàn bà trong tranh Van Gốc, chùm tượng điêu khắc của Rôđanh... Đã bao năm qua rồi, mà nỗi say mê trong anh vẫn vậy; trái tim anh vẫn run lên, mỗi khi chạm mắt tới những đường cong nét lượn trên thân thể họ. Còn ở đây thì không thế, trên cái màn hình Internet, chỉ là sự trơ trẽn của các hình hài. Một sự vô cảm. Nhàm chán và thấy sợ.
- Sau những giờ xem như thế này, tao ngồi vào bàn viết với sự hưng phấn vô kể, mạch viết xối ra ào ào.
Anh bạn còn nói thêm như vậy. Nghĩ thấm buồn. Anh biết là bạn đang có một hợp đồng viết kịch bản phim cho đài truyền hình thành phố. Dù là bạn bè đã nhiều năm, nhưng đường của ai người ấy đi. Cản sao nổi, càng không thể thuyết phục được.
Gần năm giờ sáng rồi, bầu trời nhìn lên đã thấy rạng ra. Mầu xanh của những cánh lá ngọc lan đã nhìn thấy lờ mờ. Anh đã qua một đêm thức trắng. Chỉ có điều lạ, mùi thảo mộc lúc này đã mất đi, cùng lúc cái hoang sơ mênh mông, vẫn tràn ngập trong tâm hồn anh lúc đêm tối, cũng đang mỗi lúc loãng dần. Một ngày mới đã bắt đầu. Anh ném đi nửa điếu thuốc còn đang hút dở. Mùi khói thuốc vẫn đang váng vất quanh anh; trong lúc cái lung linh của ban mai, đang bò dần trên con hẻm và cái khí trời tinh khôi, diu nhẹ của buổi sớm, đang mỗi lúc lan tỏa trong anh, làm anh dễ chịu vô cùng. Chỉ một lúc nữa thôi, cô gái bán sữa đậu nành nóng sẽ gánh hàng qua đây. Rồi cũng như mọi buổi sáng khác, giọng nói trong trẻo ấm áp của cô, sẽ lại cất lên khi trao tô sửa cho anh:
- Đang nóng đấy, uống ngay đi cho ngon anh ạ.
Nó sẽ giúp anh hồi sức lại sau một đêm như thế. Mọi nghi ngờ, phiền toái rồi sẽ tan ra. Những điều anh trông thấy được, nghe thấy được trong mười ngày qua ở một khoảng hẹp Sài Gòn này; anh sẽ dễ dàng nghĩ nó chỉ là những điều anh tưởng tượng ra, hoặc nghĩ ra là nó đã có. Trong cuộc sống con người, cái đẹp tiềm tàng còn nhiều, còn ẩn giấu mà anh chưa phát hiện được ra.
Sài Gòn cuối tháng ba T.C.V (126/08-99)
|