Tạp chí Sông Hương - Số 124 (tháng 6)
Ai đã tiếp tay cho thực dân Pháp đàn áp đẫm máu Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam hồi cuối thế kỷ XIX?
16:08 | 01/12/2009
LTS: Cuộc tranh luận giữa hai luồng ý kiến về nhân vật lịch sử Nguyễn Hiển Dĩnh, một mệnh quan triều đình Huế có công hay có tội vẫn chưa thuyết phục được nhau.Vấn đề này, Tòa soạn chúng tôi cũng chỉ biết... nhờ ông Khổng Tử "Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri giả" (biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, ấy là biết). Vậy nên bài viết sau đây của nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Nguyễn Đắc Xuân, chúng tôi xin đăng nguyên văn, tác giả phải gánh trọn trách nhiệm về độ chính xác, về tính khoa học của văn bản.Mong các nhà nghiên cứu, cùng bạn đọc quan tâm tham gia trao đổi tiếp.
Ai đã tiếp tay cho thực dân Pháp đàn áp đẫm máu Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam hồi cuối thế kỷ XIX?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - Ảnh: evan.vnexpress.net

NGUYỄN ĐẮC XUÂN


Khi đề cập đến trường hợp Nguyễn Thân chỉ huy chiến dịch đàn áp phong trào Nghĩa hội Quảng Nam năm 1886, nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy tác giả Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam (Nxb Đà Nẵng, 1996) viết:

Con người hiếu sát đó (Nguyễn Thân) đặt chân lên đất Quảng Nam được một tuỳ tướng cơ hội ở Phủ Điện tiếp tay, Nguyễn Thân lại càng lồng lộn thêm lên” (tr. 190).

 Nguyễn Sinh Duy dám nhận xét như thế vì anh đã dựa vào một bản báo công của Nguyễn Thân gởi cho Toàn quyền Paul Doumer lúc ấy. Nguyễn Thân cho biết y đã: “Dựa vào những chỉ điểm do bộ hạ tôi cung cấp, tôi đã tìm ra chỗ ẩn của Hường Hiệu (tức Nguyễn Duy Hiệu) trong vùng núi An Lâm, hai mươi lăm tên tùy tướng của Hiệu đã lọt vào tay tôi và thủ hạ của chúng thì xin đầu hàng. Hường Hiệu thoát được trốn trong núi Ngũ Hành, tôi đã bắt sống hắn tại đây và bỏ củi giải về Huế. “ (tr. 188)

Tùy tướng bộ hạ của Nguyễn Thân tại Phủ Điện ấy là ai?

Nguyễn Sinh Duy cho biết tên bộ hạ của Nguyễn Thân chính là Nguyễn Đĩnh (Sđd. tr. 131). Khi Nguyễn Thân chưa bắt được Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Sinh Duy viết: ”Bọn ngụy tướng (Nguyễn Thân, Nguyễn Đĩnh) mê tuồng nầy vận dụng mưu trí trong sở thích (hát bội) để bắt cho bằng được người mẹ già 85 tuổi (của Nguyễn Duy Hiệu), chúng hí hửng chờ đợi một cuộc đầu thú tất sẽ phải có như chúng tiên liệu. Nhưng điều dự kiến của chúng đã bị đảo ngược hoàn toàn”(tr., 131). “...tên quan thầy của chúng - khâm sứ Baille - đã phải bật ngửa kêu lên: Việc bắt Hiệu, cứ theo phong tục và đạo xử thế của người An Nam, lý ưng phải tiếp ngay sau khi mẹ y bị bắt. Nhưng sự thể nầy lại không xảy ra, và tên đại phản nghịch (Baille chỉ Nguyễn Duy Hiệu), trong trường hợp nầy, đã làm trái lệ thường những nghi tắc đặt ra cho một người vào cỡ như y (...). Người ta vốn sợ và rất ghét y, nhưng trong thâm tâm mọi người, bắt đầu từ các quan ở triều, chiêm ngưỡng nơi y một bản lãnh, một kẻ trăm rèn mới có, mà người ta lấy làm vinh hạnh là địch thủ của y” (trích NSD, Sđd. vẫn tr. 131).

Bọn Nguyễn Thân, Nguyễn Đĩnh không những bắt mẹ của Nguyễn Duy Hiệu mà còn bắt cả vợ con của người anh hùng dân tộc đã từng ngồi ghế dạy các hoàng tử con vua.

Sau khi tiêu diệt được các văn thân ở Quảng Nam, Phan Liêm Khâm sai Tả trực của triều đình Huế trong tay giặc Pháp đã báo cáo kết quả với vua Đồng Khánh và ông vua tay sai Pháp nầy đã ân thưởng cho những người có công nhất. Sách Đại Nam Thực lục, bộ biên niên sử quan trọng số một của triều Nguyễn, ghi rõ:      

Khâm sai Tả trực kỳ là Phan Liêm dâng tập tâu, đem việc tháng 10 năm nay (1886), viên khâm sai ấy coi đem quan quân cùng quan quân Pháp đến các phủ huyện chia đường đóng chặn, đánh dẹp nhiều lần hiện bắn chết (hơn 150 người), bắt (36 người), chém (11 người), và thu được các hạng súng ống, khí giới, phân biệt nghỉ thưởng, tâu lên. Vua (Đồng Khánh) chuẩn cho đề đốc (phó đề quyền sung), là Ngô Đức Quang, quyền sung tán lý là Nguyễn Đĩnh, đều thưởng thăng một trật, còn thì thăng một trật (8 viên), thưởng ngân tiền (11 người), ngân bài (6 người), có thứ bậc.”(1)

Ngô Đức Quang và Nguyễn Đĩnh là hai người có công nhất trong việc hợp tác với quân triều Đồng Khánh dưới quyền của Nguyễn Thân và quân Pháp tiêu diệt Văn thân Nghĩa hội Quảng Nam.

Sau cuộc tàn sát văn thân Nghĩa hội Quảng Nam, Nguyễn Đĩnh còn nhúng tay vào tội ác đàn áp Phong trào Cần Vương ở Nghệ Tĩnh và quật mồ nhà yêu nước Phan Đình Phùng.

Đào Trinh Nhất (1900-1950), con trai cụ Đình nguyên Đào Nguyên Phổ (1861-1907), trong tác phẩm nổi tiếng Phan Đình Phùng, nhà lãnh tụ 10 năm kháng chiến (1886-1895) ở Nghệ Tĩnh (2) cho biết: ”... ngày tháng 5, năm ất mùi (1895), ông Nguyễn Thân đem 3.000 lính, có ông Tấn sĩ Tạ Tương, và mấy ông Nguyễn Đĩnh, Nguyễn Gia Thoại, Lê Tựu Khiết sung làm Tán tương quân vụ từ kinh (Huế) thành kéo ra ” (tr.221 và 222) Hà Tĩnh để tiêu diệt phong trào Cần Vương do Phan Đình Phùng đứng đầu.

Tên ông Nguyễn Đĩnh tiếp tục được các nhà sử học nêu lên với “tư cách“ là thủ phạm chính trong việc cung cấp bản danh sách các nhà yêu nước Quảng Nam tham gia khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 cho thực dân Pháp.

 Nguyễn Q. Thắng tác giả sách Quảng Nam Đất nước và Nhân vật viết về Phan Thành Tài - lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Duy Tân 1916 tại Quảng Nam có đoạn:

“Ở Quảng Nam không những cơ mưu bị bại lộ, lại còn thêm lời tố giác của tên phản đảng Tuần vũ Nguyễn Đĩnh. Vì đầy đủ hồ sơ của Đĩnh cung cấp nên (ở Quảng Nam) Pháp bắt không sót một người”(3)

Hoàng Trọng Thược tác giả Hồ sơ vua Duy Tân, in lần thứ hai do nhà Mõ Làng tại San Francico xuất bản năm 1993(4), khi đề cập đến vụ đàn áp cuộc Duy Tân khởi nghĩa năm 1916, viết: “Ở Quảng Nam, một phần vì sự tố giác của Tuần vũ Đĩnh, nên nhà chức trách khám phá được rất nhiều tài liệu: nào giấy tờ tổ chức chính phủ, nào các thứ quân nhu đến các thứ quân phục toàn bằng vải “rèn”(5) chôn giấu ở bãi cát, bắt được xã Mãi người làng Phước Kiều, phủ Điện Bàn (Quảng Nam), là người đã đúc 4 cái ấn kinh lược, và khách trú Kim, một Hoa kiều ngụ ở phủ Tam Kỳ, là người đã cho dân quân mượn súng săn...v.v Thế nên Quảng Nam cũng rất nhiều người bị liên lụy, cụ Phan Thành Tài và một số bị tử hình, còn thì lớp đày Lao Bảo, lớp đày Thái Nguyên và lớp đày ra Côn Lôn.”(6)

Phạm Văn Sơn(7) tác giả Việt Nam Tranh Đấu Sử ra đời cách đây 40 năm đã đề cập đến vụ thực dân Pháp đàn áp những nhà yêu nước đã tham dự cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 như sau:

Ở Quảng Nam cũng bị vỡ lở trước ngày bạo động. Nguyễn Đĩnh phản Đảng, đem giấy má sổ sách báo với người Pháp, Đĩnh người An Quán, trước làm Tuần phủ. Vì vậy ở Hội An, y sĩ Lê Đình Dương bị bắt đưa vào Nam rồi đầy lên Ban Mê-Thuột. Ở Đà Nẵng Phan Thành Tài bị xét nhà. Tài trốn thoát nhưng sau bị bắt và bị chém vào ngày 9.6.1916”(8)

Theo Phạm Văn Sơn thì thủ phạm nộp bản danh sách những người yêu nước Quảng Nam cho Pháp là “ Đĩnh người An Quán, trước làm Tuần vũ”. Nhưng mới đây các tác giả sách Nhà cách mạng Trần Cao Vân với Trung Thiên Dịch, Trung Thiên Đạo xuất bản tại Mỹ đã tham khảo báo Cải Tạo số 96, tr.6, xuất bản tại Hà Nội, cho biết lúc ấy: “Ở Quảng Nam, một phần vì sự tố giác của tuần vũ Dĩnh nên nhà chức trách khám phá được rất nhiều tài liệu: nào giấy tờ tổ chức chính phủ, nào các thức quân nhu, đến các thức quân phục toàn bằng vải, khí giới rèn chôn ở các bãi cát, bắt được xã Mãi, người làng Phước Kiều, phủ Điện Bàn (Quảng Nam), là người đúc bốn ấn kinh lược, và khách Kim, một Hoa kiều ngụ ở phủ Tam Kỳ cho dân mượn súng, vân vân...”(9)

Qua Nguyễn Q. Thắng, Hoàng Trọng Thược, Phạm Văn Sơn và các tác giả sách Nhà cách mạng Trần Cao Vân với Trung Thiên Dịch, Trung Thiên Đạo thì Tuần vũ Nguyễn Đĩnh người trợ thủ cho Nguyễn Thân đàn áp đẫm máu Phong trào nghĩa hội Quảng Nam được vua Đồng Khánh ban thưởng chính là Tuần vũ Nguyễn Dĩnh làng An Quán.

Qua các sách, báo, tạp chí xuất bản tại Quảng Nam Đà Nẵng trong vài chục năm trở lại đây cũng được biết ông Tuần vũ An Quán Nguyễn Hiển Dĩnh cũng thường được gọi là Nguyễn Dĩnh. Xin trích vài dẫn chứng:

Nhà đạo diễn truyền hình Hải Đường, mở đầu tham luận Hội thảo khoa học lần thứ hai về Nguyễn Hiển Dĩnh nhan đề Nguyễn Hiển Dĩnh qua tấm lòng hậu thế viết:

“ Sinh thời cụ Nguyễn Hiển Dĩnh khi làm tri huyện Hà Đông (tức Tam Kỳ ngày nay) khi ra công đường làm việc đều xưng danh:
“ Quyền tri huyện Hà Đông
  Ngã danh xưng Nguyễn Dĩnh”(10)

  Nhà nghiên cứu tuồng Hoàng Châu Ký, trả lời phỏng vấn đăng trên Đà Nẵng cuối tuần (Chủ nhật 25.4.1999, tr.6) lại cho biết:

“ Nhân dân đối với cụ Dĩnh rất trân trọng và cảm phục. Hồi cụ làm tri huyện Hà Đông (Tam Kỳ) đổi đi Quảng Ngãi sau đó về lại Hà Đông. Nhân dân đã truyền tụng câu đối như sau:

“ Nguyễn Dĩnh trùng lai thiên hữu nhãn
  Hồ Thiều bất khứ địa vô mao”.

(Tạm dịch: Nguyễn Dĩnh (do NĐX nhấn mạnh) mà về lại trời có mắt; Hồ Thiều (tên vị quan cũ) không đi thì đất không còn cỏ”.

Qua các dẫn chứng lịch sử trên chứng tỏ ông Tuần làng An Quán được sử sách văn thơ ghi lại bằng ba danh xưng Nguyễn Đĩnh, Nguyễn Dĩnh, Nguyễn Hiển Dĩnh.

Cụ Hà Ngại, người châu Phú Quý, Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam, sinh năm 1891 tác giả hồi ký Khúc Tiêu Đồng(11) cũng viết: “....cụ Tuần vũ hưu trí Nguyễn Hiển Dĩnh, làng An Quán.... khi xưa cụ xuất thân tú tài, trong thời kỳ nghĩa hội, cụ theo bọn triều giúp Pháp được bổ tri phủ rồi lần hồi thăng đến Tuần vũ về hưu (tr.105).

Sao lục các sách sử của triều Nguyễn (Đại Nam Thực Lục tập 37), của người trong nước viết (Nguyễn Q.Thắng, Phạm Văn Sơn, Nguyễn Sinh Duy, Hoàng Châu Ký, Hải Đường), người ngoài nước viết (Hoàng Trọng Thược, các tác giả sách Nhà cách mạng Trần Cao Vân với Trung Thiên Dịch, Trung Thiên Đạo), qua nhân chứng của người đồng thời (cụ Cử nhân Hán học Hà Ngại) chúng ta có thể kết luận: Nguyễn Hiển Dĩnh - quan lại triều Nguyễn - nhà soạn tuồng Quảng Nam là người đã tiếp tay cho thực dân Pháp và Nguyễn Thân đàn áp đẫm máu Phong trào nghĩa hội Quảng Nam hồi cuối thế kỷ XIX.

Trong Hội nghị khoa học về NHD lần thứ nhất, ông Tống Phước Phổ, ở đoạn mở đầu bài tham luận nhan đề Nguyễn Hiển Dĩnh một nhà sáng tác, đạo diễn rất lỗi lạc trong nghệ thuật tuồng(12) viết: “Năm 18 tuổi cụ thi đỗ tú tài. Sau đó bọn Pháp biết cụ là hạng trí thức có uy tín trong dân, buộc cụ quyền xưng tri phủ Điện Bàn” (tr.53). Đọc đoạn sử nầy tôi hết sức băn khoăn. Trong bài đăng trên báo Lao Động số 84/98, ngày 25.7.98, tôi đã đặt câu hỏi: “Ông Tú tài Nguyễn Hiển Dĩnh đã làm được công trạng gì to lớn mà được giữ ngay chức Tri phủ Điện Bàn?”. Trong lúc đó ông Nguyễn Sinh Sắc (sau đổi là Huy) đậu Phó bảng (1901) mà phải mươi năm sau mới được giữ chức tri huyện miền núi Bình Khê, ông Tiến sĩ Trần Quý Cáp cũng chỉ giữ được chức Giáo thọ Thăng Bình? Suốt năm qua, câu hỏi của tôi không được các nhà nghiên cứu Nguyễn Hiển Dĩnh, cháu chắt của Nguyễn Hiển Dĩnh trả lời. May mắn sách Đại Nam Thực Lục của triều Nguyễn và Thư của Nguyễn Thân gởi cho Toàn quyền Pháp đã trả lời cho tôi, chỉ tiếc là mãi đến hôm nay tôi mới tìm thấy. Ông Nguyễn Hiển Dĩnh được giữ chức Tri phủ Điện Bàn vì ông đã góp công đầu cho thành tích: “bắn chết (hơn 150 người), bắt (36 người), chém (11 người), và thu được các hạng súng ống, khí giới”.

Gác Thọ Lộc, 28.4.1999
N.Đ.X.
(124/06-99)


Sách và Tài liệu tham khảo

-
Cao Xuân Dục, Quốc Triều Hương Khoa Lục, Nxb Thành phố HCM, 1993;
- Đ.T. Lương Vĩnh Thuật và Trần Công Định, Nhà Cách mạng Trần Cao Vân với Trung Thiên Dịch Trung Thiên Đạo
-
Hà Ngại, Khúc Tiêu Đồng (Hồi ky 50 năm 1895-1945) do Nguyễn Văn Xuân nhuận sắc, đề tựa, Nguyễn Sinh Duy đánh máy khoảng năm 1969, 263 tr. A4 chưa xuất bản.
- Phạm Văn Sơn, Việt Nam tranh đấu sử, Sg 1959.            
- Hoàng Trọng Thược, Hồ sơ vua Duy Tân, in lần thứ hai do nhà Mõ Làng tại San Francico xuất bản năm 1993;
- Lê Ước, Cuộc Duy Tân khởi nghĩa 1916 và Phan Thành Tài (1882-1916), Ts Sử Địa số 11, Sg 1968
- Sở Văn hoá QNĐN, Nguyễn Hiển Dĩnh nhà hoạt động sân khấu tuồng lỗi lạc, Đà Nẵng 1987 (Kỷ yếu Hội nghị khoa học về Nguyễn Hiển Dĩnh lần thứ nhất)
- Viện Sân khấu, Danh nhân Nguyễn Hiển Dĩnh, Nxb Sân khấu, Hn.1966 (Kỷ yếu Hội nghị khoa học về Nguyễn Hiển Dĩnh lần thứ hai);              
-
Nguyễn Sinh Duy, Phong trào nghĩa hội Quảng Nam, Nxb Đà Nẵng vừa xuất bản năm 1996,.
- Nguyễn Q. Thắng, Quảng Nam Đất Nước & Nhân Vật, Văn Hoá, Hn.1996;
-
Hội Văn nghệ QNĐN, Tuồng Quảng Nam, Phụ trương T/c Đất Quảng, sau năm 1986
- Tộc phả Nguyễn Viết tại làng Cẩm Hà TX Hội An (Họ Nguyễn viết là họ của nhà yêu nước Nguyễn Duy Hiệu và cũng là họ của ông Nguyễn Hiển Dĩnh);
    - Báo tạp chí:
T/c Xưa và Nay của Hội Sử học VN, số 49B đặc biệt về Quảng Nam,
Đà Nẵng Cuối Tuần, số ra ngày 25.4.1999

    - Tài liệu điền dã:             

1.Gặp ông Nguyễn Viết Máy (Chín Máy) Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Viết (Cẩm Hà, TX Hội An),
2.Gặp dân làng Phước Kiều và làng An Quán thuộc xã Điện Bàn



--------------------------------------

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực lục Chính biên, (bản dịch của Viện Sử học) t.XXXVII, Nxb KHXH, Hn.1977, tr.237.
(2) In lần thứ tư, Tân Việt Sg. 1957.
(3) NQT Sđd, tr.559.
(4) Cuốn sách nầy do Hoàng trưởng tử Georges Vĩnh San (Bảo Ngọc) con trai trưởng của cựu hoàng Duy Tân tặng cho NĐX.
(5) Vải rằn?
(6) Hoàng Trọng Thược, Sđd. Tr.149.
(7) Đại tá phụ trách Quân sử của chế độ Sài Gòn.
(8) Phạm Văn Sơn, Sđd, tái bản lần thứ 5, Sg. 1959, tr.208.
(9)
Nhà cách mạng Trần Cao Vân với Trung Thiên Dịch, Trung Thiên Đạo do T.Lương Vĩnh Thuật (tác giả) và Trần Công Định (tục biên và bổ túc) soạn, xuất bản tại Mỹ, tr.122.
(10) Viện sân khấu,
Danh nhân Nguyễn Hiển Dĩnh, chủ biên công trình Hoàng Chương, Hồ Hải Học, nxb Sân Khấu - 1996, 151.
(11)
Khúc Tiêu Đồng, hồi ký của Hà Ngại gồm 264 trang A4, do nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân nhuận sắc, đề tựa, nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy đánh máy vào khoảng năm 1969. Bản thảo đã đưa đến nhà xuất bản Lá Bối trước năm 1975. Đây là một tập tài liệu ghi lại những điều ông cử nhân Hán học Hà Ngại tai nghe mắt thấy trong vòng 50 năm (1895-1945) Khúc Tiêu Đồng có giá trị lịch sử, cho nên khi viết bài "Một tờ truyền đơn lịch sử, giới thiệu-chỉnh lý-nhận định" (Nghiên cứu lịch sử, số 1/1981, Ty Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, tr 25-42) nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân đã sử dụng một số thông tin trong Khúc Tiêu Đồng. Trong bài viết năm 1981 ấy, ông Nguyễn Văn Xuân đã đánh giá tác giả Khúc Tiêu Đồng như sau: "Ông Hà Ngại không hề làm cách mạng nên những ai tổ chức nên việc nầy nọ ông không rõ... nhưng đứng về phương diện nhân chứng, khách quan nhìn vấn đề ông cũng cung cấp cho chúng ta một số dữ kiện thực tế và linh hoạt". (NCLS... tr.30).
(12) Sau đó được đăng vào
Kỷ yếu Nguyễn Hiển Dĩnh nhà họat động sân khấu tuồng lỗi lạc (Sở Văn hóa QNĐN, 1887).

                 




 

Các bài mới
Cha tôi (10/12/2009)
Các bài đã đăng