Tạp chí Sông Hương - Số 124 (tháng 6)
Thư ngỏ gửi tác giả "Văn chương cảm và luận"
09:55 | 07/12/2009
NGUYỄN VĂN HOA1. Tôi là người Kinh Bắc, nên khi cầm cuốn sách Văn chương cảm và luận (*) của Nguyễn Trọng Tạo là liền nhớ ngay tới bài hát Làng quan họ quê tôi của anh mà lời ca phỏng theo bài thơ Làng quan họ của nhà thơ Nguyễn Phan Hách.
Thư ngỏ gửi tác giả
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo - Ảnh: vietnamnet.vn

Có lẽ Nguyễn Trọng Tạo nổi danh ở Kinh Bắc trước hết phải cảm ơn Nguyễn Phan Hách - nói vui là anh đã được "ăn theo" bài thơ của một người Kinh Bắc. Đồng thời Nguyễn Phan Hách cũng được "nổi tiếng theo" Nguyễn Trọng Tạo, một người trai xứ Nghệ. Nhưng hơi tiếc tại trang 332 của cuốn sách này trong bài viết "Về tôi", Nguyễn Trọng Tạo đã không nhắc đến Nguyễn Phan Hách khi anh kể rằng "Bài hát Làng quan họ quê tôi được chọn vào băng hình của Nhật Bản, được dàn nhạc Lepxích trình diễn". Có thể do tác giả vô tình, hoặc do lỗi của nhà in, và cho dù người ta đã biết rõ qua những bài viết khác, tôi vẫn muốn đính chính giùm tác giả ở cuốn sách này.

2. Văn chương cảm và luận trước hết là một cuốn sách đẹp, bìa do họa sĩ Văn Sáng trình bày thật độc đáo. Nổi bật lên chữ V mềm mại in nhũ vàng với 7 dòng chữ "Văn chương cảm & luận" từ to đến nhỏ dần, nhỏ đến mức mắt kém không đọc được. Nếu tính cả lời bạt của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến và mục lục thì cuốn sách dày 340 trang, nhưng có thể đọc một mạch mà không thấy mệt. Số lượng thấy đề in 2000 cuốn, quả là không ít so với loại sách văn học, đặc biệt là sách phê bình - tiểu luận hiện nay. Nhưng tôi nghĩ có thể in với số lượng lớn hơn, từ 5 đến 7 nghìn bản mới đáp ứng được nhu cầu bạn đọc vốn rất yêu mến Nguyễn Trọng Tạo không chỉ với tư cách nhà thơ mà còn là nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo. Không biết tác giả có nghĩ tới điều này không?

3. Xuyên suốt cuốn sách, "cái tôi" của tác giả được nhắc đi nhắc lại nhiều lần dù Nguyễn Trọng tạo nói về bạn thơ khác, từ một em bé nói thơ có mẹ làm "thư ký" đến các nhà thơ cao tuổi nổi tiếng như Hoàng Cầm, Trần Dần hay Văn Cao. Nhưng chiếm tỷ lệ lớn hơn cả là Nguyễn Trọng Tạo viết về những bạn thơ cùng lứa bộ đội chống Mỹ và những nhà thơ trẻ. Đó cũng là lẽ thường tình, vì thơ cần tri âm tri kỷ chia sẻ với nhau.

4. Nguyễn Trọng tạo là nhân chứng lịch sử của cả giai đoạn thơ có nhiều biến động, vì anh có may nắm được gặp gỡ và chơi với rất nhiều nhà thơ Bắc - Trung - Nam, có người ít được biết đến, có người nay đã khuất. Qua cuốn sách này, anh đã giúp độc giả có góc nhìn mới về các nhà thơ mà anh đã gặp. Càng gặp gỡ nhiều thì "cảm và luận" của Nguyễn Trọng Tạo càng nhiều. Dạng những bài này có giá trị "sử ký Tư Mã Thiên".

5. Nguyễn Trọng Tạo không e ngại khi gặp những nhà thơ "có vấn đề", và viết về họ với thái độ chân thành, can đảm tiếp cận sự thật nên cuốn sách có nhiều thông tin mới "độc nhất vô nhị".

6. Ngoài các thông tin trực tiếp giữ được của nhiều nhà thơ mà Nguyễn Trọng Tạo lần đầu tiên công bố, thì qua Văn chương cảm và luận tác giả đã đưa ra nhiều nhận định đáng lưu ý về thơ Việt Nam như thơ trẻ chống Mỹ, thơ trẻ sau 1975, về thơ lục bát, thơ tứ tuyệt, trường ca, thơ văn xuôi và thơ không vần, về giải thưởng thơ, về thơ hậu chiến, hay về một số nhà thơ trong nhóm "Nhân văn - Giai phẩm". Tài văn bút của Nguyễn Trọng Tạo qua "cảm và luận" biểu hiện ở giọng văn có cá tính và cách viết đầy khêu gợi người đọc cùng "cảm và luận" với anh.

7. Nguyễn Trọng Tạo bộc bạch ý kiến để nhiều người cùng suy ngẫm về những vấn đề còn khúc mắc trong tranh luận: "Thơ của những người cùng tham chiến, dù là Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy hay Nguyễn Bắc Sơn, Dzu Tử Lê, Nguyên Sa... nếu còn lại thì cũng chỉ còn lại những giọt máu thơ nhân bản mà thôi". Bởi theo anh: "Đã là những giá trị thì đều là tài sản chung, cả dân tộc cùng nâng niu gìn giữ, không nên phân biệt con đẻ, con nuôi, bên này, bên khác. Tất cả đều là con của bà mẹ Việt đau thương và độ lượng... Những giá trị thơ ca đích thực do thế hệ này mang lại, dù là ở phía nào, đều góp phần xóa đi những mặc cảm lịch sử một thời". Ý kiến của Nguyễn Trọng Tạo ở tuổi "tri thiên mệnh", một Nguyễn Trọng Tạo đã thành danh với nhiều danh hiệu thơ - văn - nhạc - họa - báo... đã góp tiếng nói vào vấn đề đang tranh cãi quyết liệt trên nhiều báo chí trong và ngoài nước, rất đáng được ghi nhận.

8. Ngoài "cái tôi" đầy trách nhiệm trong các bài viết về thơ của đồng nghiệp và thực trạng thơ những năm qua, Nguyễn Trọng Tạo đã rất thành thực qua những bài tự bạch về bản thân. Anh thú nhận về "người thầy đầu tiên" đã đưa anh vào con đường sáng tác thơ chính là một thi sĩ đã quá cố: "Tôi cũng đọc ở đó (tủ sách của người cha mà anh gọi là cậu) nhiều cuốn sách, nhưng phải đọc Hàn Mặc Tử, những sợi - dây - thơ trong hồn tôi mới thực sự chấn động bởi ma lực kỳ lạ của thơ". Lận đận trong học hành thi cử, vấp váp trong "tai nạn nghề nghiệp", nhưng với tài năng bẩm sinh và lao động nghệ thuật miệt mài, qua cuốn Văn chương cảm và luận, Nguyễn Trọng Tạo đã moi hết tim gan của mình ra trước mọi người mà không hề sợ bị hố.

9. Theo cá nhân tôi thì đây là một cuốn sách lý thu. Nó giúp cho người đọc có một cái nhìn bao quát về cả một giai đoạn thơ Việt mấy chục năm qua với một lối tiếp cận bản chất sự thật của thơ và sự thật của đời sống thơ ca dưới ngòi bút của một chủ thể sáng tạo rất đáng tin cậy. Cho dù có những bài viết theo lối nhật ký, ghi chép, đối thoại không theo lối viết căn cứ vào "văn bản học", thì nó vẫn có sức gợi mở cho người đọc tiếp tục những suy ngẫm thú vị.

Trên đây chỉ là những ý kiến tức thì của tôi sau khi gấp lại trang cuối Văn chương cảm và luận, muốn được chia sẻ cùng tác giả và bạn đọc gần xa. Tôi tin có thể sẽ có nhiều cách "cảm và luận" khác nhau về cuốn sách này của Nguyễn Trọng Tạo. Nếu có gì không phải, mong tác giả và bạn đọc chỉ giáo cho.

Hà Nội, cuối năm 1998
N.V.H
(124/06-99)


------------------------------
(*) Văn chương cảm và luận - Nxb Văn hóa Thông tin, 1998




 

Các bài mới
Cha tôi (10/12/2009)
Các bài đã đăng