Tạp chí Sông Hương - Số 124 (tháng 6)
Một số ý kiến về đào tạo "Văn hóa học"
10:15 | 07/12/2009
ĐẶNG VIỆT BÍCHGần đây trên tuần báo Văn Nghệ đã có bài viết bàn về vấn đề đào tạo "Văn hóa học", nhân dịp Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra nghị quyết V về xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Vấn đề đào tạo "Văn hóa học" hiện nay đang được hai cơ quan thực hiện. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã đào tạo bậc cao học. Học viên sau 3 năm theo học bậc cao học (mỗi năm 4 tháng, chia 2 kỳ) sẽ viết luận văn và bảo vệ luận văn. Nếu bảo vệ thành công luận văn các học viên sẽ được cấp bằng thạc sĩ văn hóa học. Khóa I cao học Văn hóa học được tổ chức từ năm 1993, hiện nay trường đang đào tạo khóa III và khóa IV.

Từ 1997 Viện Văn hóa Nghệ thuật (hai cơ quan trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Viện Văn hóa nghệ thuật - có trụ sở tại thủ đô và chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh - đều do Bộ Văn hóa Thông tin quản lý) tổ chức đào tạo sau đại học về văn hóa học, lấy bằng tiến sỹ văn hóa học. Trong khi đó việc đào tạo văn hóa học lại chưa được tổ chức ở trường Đại học Văn hóa Hà Nội hoặc bất kỳ cơ sở đại học nào trên phạm vi toàn quốc.

Xung quanh vấn đề đào tạo văn hóa học, có nhiều ý kiến khác nhau, cũng không phải không có người phát biểu rằng: làm gì có ngành khoa học nào gọi là văn hóa học, văn hóa học là một cái gì đó mà một số kẻ bịa ra.

Thực ra, với người Việt chúng ta ngày nay thì nhiều ngành khoa học, nhiều khái niệm khoa học do phương Tây, châu Âu đưa tới.

Mỹ học, lý luận văn học, triết học Mác - Lênin, kinh tế chính trị học, luật học, xã hội học... do người châu Âu đưa lại cho chúng ta. Có lẽ không ai phản đối khái niệm mỹ học, lý luận văn học, lý luận nghệ thuật hay sân khấu học. nhưng với khái niệm văn hóa học thì lại khác.

Một số người nào đó kịch liệt bài bác khái niệm văn hóa học, một số người khác lại nhiệt tình thành ủng hộ. Điều đó có mấy lý do.

1- Văn hóa học: là một khái niệm xuất hiện cách đây chưa lâu. Do vậy người Việt chúng ta chưa quen với thuật ngữ này cũng như cách quan niệm về thuật ngữ này. Hẳn không ai trong chúng ta lên tiếng phủ định khái niệm lý luận văn học hay mỹ học, bởi nó đã xuất hiện khá sớm, ngày nay chúng ta tiếp thu lại từ người châu Âu.

Về văn hóa học thì từ hậu bán thế kỷ XIX trong giới học giả, xuất hiện một khuynh hướng (tendence) hay trào lưu nghiên cứu về văn hóa văn hóa học, về văn hóa của các tộc người nguyên thủy... từ Taylor, Bacofen... qua Freud, Malinovskie và C.Lévy-Strauss... Xu hướng hay trào lưu này ngày một gia tăng, một phát triển và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Ngay cả triết gia marxist nổi tiếng là Plékhanov (Nga) cũng có thể coi là một người cũng tham gia vào trào lưu văn hóa học này với tác phẩm nổi tiếng. Nghệ thuật và đời sống xã hội mà bản tiếng Pháp là L'art et la vie sociale (bản dịch tiếng Việt được dịch từ bản Pháp ngữ).

Năm 1949 học giả White sử dụng khái niệm văn hóa học (culturologia). Lần lượt một số nhà khoa học ở Liên bang Xô viết (trước đây), Cộng hòa dân chủ Đức và Cộng hòa Liên bang Đức cũng sử dụng khái niệm này. Ở CHDC Đức và CHLB Đức đều có khái niệm Kultur- wissenschft, nghĩa là khoa học văn hóa (văn hóa học)

Tại nước ta, từ sau hòa bình lập lại, người ta chú ý, thoạt tiên đến vấn đề lý luận văn học, rồi mỹ học và lý luận nghệ thuật. Dần dần giới nghiên cứu hướng sự chú ý nhiều hơn tới vấn đề văn hóa và văn hóa học. Điều này cũng tương tự như thế ở Liên bang Xô viết trước đây. Phải tới một lúc nào đó giới nghiên cứu mới ý thức được cần phải chú ý tới văn hóa và văn hóa học. Và trên phạm vi toàn cầu cũng như vậy. Mỹ học, lý luận văn học, lý luận nghệ thuật... xuất hiện trước, tới một lúc nào đó giới học giả mới chú ý tới những cái gọi là lý luận văn hóa và văn hóa học.

2- Một nguyên do khác là khái niệm văn hóa học, bản thân nó có một nội hàm rộng lớn, y như khái niệm văn hóa vậy. Ngày nay chúng ta đang chứng kiến một sự lạm phát, một sự bội thực về khái niệm văn hóa, không những có rất nhiều định nghĩa văn hóa mà người ta còn đưa ra rất nhiều những khái niệm văn hóa như văn hóa thời trang, văn hóa ẩm thực, văn hóa xí nghiệp, văn hóa kinh tế, văn hóa quân sự, văn hóa chính trị... Người ta cũng thấy các tác phẩm thuộc trào lưu văn hóa học kể trên có thể được nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau như dân tộc học (ethuographic) tác phẩm của Sigmund Freud)... khai thác. Chính bởi vậy mà nội hàm của khái niệm văn hóa học, nhiều khi tỏ ra mênh mông, khó xác định.

Nhưng dẫu sao, theo ý riêng tôi, và cũng là ý kiến của không ít người, thì văn hóa học là một khái niệm thực, có thật, có lịch sử phát sinh và phát triển của nó. Nó là một ngành khoa học, một lĩnh vực nghiên cứu mà người ta phải chiếm lĩnh phải hoạt động, thúc đẩy sự phát triển như những ngành khoa học khác.

Ở nước ta từ sau khi các tác phẩm như Sơ yếu lịch sử văn hóa nguyên thủy của Cosven và sau đó tác phẩm Bản chất của văn hóa của Carpov được dịch ra tiếng Việt thì sự quan tâm của giới chuyên môn và dư luận xã hội với văn hóa và văn hóa học ngày một tăng.

Ta có thể kể ở đây một số tác phẩm của Phan Ngọc, Từ Chi, Trần Quốc Vượng, Trần Ngọc Thêm... dầu rằng sách của Trần Ngọc Thêm cóp nhặt khá nhiều ý kiến của Kim Định ở Sài Gòn trong thời gian từ 1956 đến 1975.

Nhiều công trình nghiên cứu về dân tộc học, văn hóa các dân tộc thiểu số, văn hóa Đông Nam Á... cũng có thể được coi là thuộc về mảng sách văn hóa học.

Nghiên cứu và giảng dạy về văn hóa học cần phải được quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa, nhất là khi xã hội chú ý tới vai trò quan yếu của văn hóa, coi văn hóa như là động lực phát triển của xã hội cũng mục đích của sự phát triển.

Văn hóa học bao gồm trong nó hai lĩnh vực. Một là lý luận văn hóa. Hai là lịch sử văn hóa. Lý luận văn hóa nói ở đây bao gồm và bộ môn Đường lối văn hóa của Đảng. Còn lịch sử văn hóa bao gồm Lịch sử văn hóa Việt Nam và Lịch sử văn hóa thế giới. Tương ứng với Lịch sử văn hóa Việt Nam chính là bộ môn Cơ sở văn hóa Việt Nam và tương ứng với Lịch sử văn hóa thế giới là bộ môn Lịch sử văn minh nhân loại, cả hai đang được dạy tại một số trường đại học ở nước ta.

Nếu nói tới lịch sử văn hóa Việt Nam thì phải nói tới tác phẩm Việt Nam văn hóa sử cương (1938) của học giả nổi tiếng Đào Duy Anh. Sau này, vài năm sau hòa bình lập lại, cụ Đào Duy Anh còn cho xuất bản không ít tác phẩm bàn về lịch sử văn hóa, do nhà xuất bản Xây dựng ấn hành.

Hiện tại việc đào tạo văn hóa học sau đại học với hai bậc học thạc sỹ và tiến sỹ được phân cho đơn vị khác nhau là Đại học Văn hóa và Viện Văn hóa, trong khi mà việc đào tạo văn hóa học bậc đại học lại chưa có. Trong vài năm trước rõ ràng trường Đại học Văn hóa Hà Nội cần phải đào tạo bậc đại học văn hóa học, mỗi năm chừng độ 30 đến 40 sinh viên. Đây là lực lượng nòng cốt cho việc nghiên cứu và giảng dạy văn hóa học một cách chính quy, được đào tạo bài bản. Lực lượng này sẽ tham gia thì đầu vào cao học văn hóa học cũng như tiến sỹ văn hóa học, trong khi mà cử nhân một số ngành khoa học xã hội-nhân văn và nghệ thuật văn học, ngôn ngữ học, lý luận nghệ thuật (lý luận sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật...), sử học, triết học... cùng một số ngành học thuộc trường Đại học Văn hóa Hà Nội như phát hành sách, văn hóa quần chúng, bảo tồn-bảo tàng, văn hóa du lịch, quần chúng văn hóa các dân tộc thiểu số và miền núi, thư viện.

Như vậy một tổ bộ môn văn hóa học hùng mạnh tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội là điều chúng ta cần tính tới. Thứ nữa một khoa văn hóa học tại trường là điều cần xây dựng tiếp theo. Khoa văn hóa học này có nhiệm vụ đào tạo các cử nhân văn hóa học, cung cấp cán bộ lý luận và cán bộ nghiên cứu, giảng dạy về văn hóa học cho bản thân trường Đại học Văn hóa, cho Viện Văn hóa Nghệ thuật, cho các cơ sở đại học và các cơ quan quản lý văn hóa trong phạm vi cả nước, cùng các cán bộ nghiên cứu và giảng dạy văn hóa học thuộc các trường đại học ở Việt Nam. Khoa văn hóa học cũng có nhiệm vụ giảng dạy cho sinh viên các khoa nghiệp vụ khác (không phải văn hóa học) trong toàn trường Đại học Văn hóa, như các khoa thông tin thư viện, phát hành sách, bảo tồn-bảo tàng, văn hóa quần chúng...

Về mặt tổ chức, năm 1993, đã hình thành một tổ văn hóa học với nhiều bộ phận như lý luận văn hóa, đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, xã hội học văn hóa...

Tuy nhiên tổ bộ môn này chỉ tồn tại trong khoảng một năm. Lý do tan vỡ của nó, chủ yếu do mối quan hệ cá nhân giữa các thành viên trong tổ. Nay là lúc sự tái thành lập của tổ bộ môn này là đòi hỏi bức xúc của sụ nghiệp đào tạo cán bộ về văn hóa học.

Xuất bản một tập giáo trình về lý luận văn hóa học là một điều cần thiết. Giáo trình về đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng do Bộ Văn hóa Thông tin biên soạn đã có 2 quyển khác nhau. Một tập xuất bản năm 1985, một tập khác xuất bản gần đây, do hai ban biên soạn khác nhau.

Về lịch sử văn hóa chúng ta đã có 2 tập Lịch sử văn minh phương Đông Lịch sử văn minh phương Tây của Hoa Kỳ (trước đây đã được dịch và in ấn ở Sài Gòn thời ngụy) nay Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin in lại. Một vài công trình khác do người Việt biên soạn, trên cơ sở tham khảo những tác phẩm nghiên cứu của nước ngoài. Sắp tới NXB Văn hóa thông Tin sẽ cho phát hành bộ sách lớn Lịch sử phát triển khoa học, kỹ thuật, văn hóa nhân loại (L'histoire de la développement des sciences, techniques et cultures). Bộ sách quan yếu này do Unesco tổ chức biên soạn, từ 1951 đến 1968, gồm 9 tập lớn khổ 21 x 29, mỗi tập dày 750 trang (bản Pháp ngữ), được xuất bản liên tục trong 5 năm, từ 1968 tới 1973. Sự ra đời của bộ sách này bằng tiếng Việt sẽ góp phần làm phong phú thêm mảng sách về văn hóa học và sẽ là tài liệu tham khảo cần thiết cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu văn hóa học. Hai bộ sách về Lịch sử văn hóa Trung Quốc đã được xuất bản.

Việc nghiên cứu văn hóa học sẽ phải bao gồm cả lĩnh vực nghiên cứu về tôn giáo. Theo cách quan niệm rộng rãi mà tác giả bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và Văn hóa Việt Nam đã chỉ ra, thì tôn giáo thuộc về thượng tầng kiến trúc của xã hội, và cũng thuộc về phạm trù văn hóa.

Việc nghiên cứu và giảng dạy về các vùng văn hóa Việt Nam cũng rất cần thiết. Nước ta là một quốc gia đa dân tộc, địa hình phong phú và phức tạp, đất nước trải dài từ Bắc chí Nam, với nhiều vùng có đặc trưng văn hóa rất khác nhau. Thời gian vừa qua cũng có nhiều quyển sách bàn tới vấn đề này.

Như vậy Tổ văn hóa học thuộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội sẽ phải bao gồm cả bộ phận sau:

1-Lý luận văn hóa (kể cả Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng)
2-Lịch sử văn hóa
2.1-Lịch sử Văn hóa Việt Nam
2.2-Lịch sử văn hóa thế giới
2.2.1-Lịch sử văn hóa Trung Hoa
2.2.2-Lịch sử văn hóa Ấn Độ
2.2.3-Lịch sử văn hóa Nhật Bản
2.2.4-Lịch sử văn hóa Pháp
2.2.5-..........
3- Văn hóa và tôn giáo
4- Các vùng văn hóa Việt Nam.

Đ.V.B
(124/06-99)



 

Các bài mới
Cha tôi (10/12/2009)
Các bài đã đăng