Tạp chí Sông Hương - Số 124 (tháng 6)
Tiểu luận của Ô. Pat về Êt- Va Mun: Quý bà và đại ý
10:38 | 14/12/2009
Tiểu luận của Ô. Pat phong phú và đa dạng nói đến các vấn đề của văn học, nghệ thuật văn hóa, chính trị, xã hội, lịch sử và dân tộc học. Đọc tiểu luận của Pat, ta vừa thấy hào hứng lại vừa thấy mình được soi sáng về những vấn đề ít nhiều đã quan tâm. Ở đây chúng tôi xin giới thiệu với quý độc giả một tiểu luận của Pat về Êt-va Mun nhân kiệt tác Tiếng gào của ông tròn trăm tuổi.
Tiểu luận của Ô. Pat về Êt- Va Mun: Quý bà và đại ý
Bức tranh

Lâu lắm rồi, trong một cuộc triển lãm quốc tế được tổ chức tại Paris, tôi đã có thể xem một số tác phẩm của danh họa Êt- va Mun (1), đó là các bức họa Tiếng gào, Ma-Đon-Na, một số bức chân dung tự họa, một số bức chạm gỗ và bức vẽ. Sự cám dỗ là có ngay lập tức và thuộc về một loại rất đặc biệt chỉ có thể gọi là sự cám dỗ đến “chóng mặt”, tựa như ta thò đầu nhìn xuống vực thẳm. Kể từ dạo đó, tranh của Mun không ngừng lôi cuốn tôi. Sự phát hiện đích thực mà tôi có được chậm hơn chút ít. Mùa hè năm 1985, nhà tôi và tôi đến nghỉ ở Ô slô một thời gian ngắn và một trong những địa điểm đầu tiên mà chúng tôi đến thăm là Bảo tàng Êt-va Mun. Vài lần chúng tôi trở lại thăm Bảo tàng này vì nó không chỉ là một trong số những bảo tàng tốt nhất thế giới dành riêng cho họa sĩ và tác phẩm của anh ta, mà vì nó có thể được xem là một cuộc hội ngộ đông đủ đáng ngạc nhiên của những bức chân dung thuộc trường phái tượng trưng.

Tôi xin nói rõ rằng những bức tranh này không kể cho ta về một cuộc đời mà khải thị cho ta một tâm hồn. Ấn tượng của chúng tôi càng sâu sắc hơn vì chúng tôi dạo qua các phòng tranh của bảo tàng trong thời tiết mùa hè xứ Bắc Âu. Nỗi đam mê tràn chảy trên tranh của Mun cho chúng tôi thấy một lời giải đáp về độ mạnh của ánh sáng và sự cuồng nhiệt của màu sắc tương khắc tương sinh như thế nào. Sự tràn chảy của cuộc sống: cây cối, hoa lá, muông thú, đám đông, tất thảy dường như được cổ vũ bởi một sức sống trước một thời gian, hồn nhiên và khiếp đảm. Các cửa sổ phòng chúng tôi đều nhìn ra một công viên và mỗi đêm, thật khó mà ngủ được, chúng tôi nhìn thấy bóng dáng của Ô-bê-rôn của Ti-ta-ni, đoàn tùy tùng những con quỷ của họ lướt đi giữa những cây cối. Cùng diễu qua ngoài ấy, những con người mà chúng tôi từng nhìn thấy cách đây mấy giờ trong bảo tàng Êt-va Mun. Tư tưởng của ông đã theo dõi và tập trung cao độ ở họ. Bọn họ cười, đăm chiêu, tàn bạo. Tôi nghĩ rằng: ngày hạ chí và cây cối của nó là một bản hợp xướng của nhịp điệu vũ trụ, còn bản hợp xướng buồn thảm kia là những hoang mạc với các màu: màu trắng, màu xanh chàm và màu đen của ngày đông chí. Hai ngày có đánh lộn nhau và cùng hiện thân trong tác phẩm của Mun.


Có những nghệ sỹ phát triển theo chiều hướng y như những cây cối rất nhiều cành nhánh, một số khác lại luôn luôn chỉ theo đuổi một con đường. Họ được nỗi bất hạnh bên trong đưa đường dẫn lối. Mun thuộc nhóm nghệ sĩ thứ hai này. Dù ông mải miết vẽ hơn sáu mươi năm và tác phẩm của ông là rộng lớn nhưng chúng không đa dạng. Trong quá trình sáng tác của ông, người ta nhận ra những do dự, lúng túng của ông, những thời kỳ trăn trở tìm kiếm và những thời kỳ đạt tới đỉnh cao của sự sáng tạo, nhưng không thấy những thay đổi tốt đẹp và cả những giai đoạn ngừng nghỉ vốn khiến chúng ta giật thột đầy ngạc nhiên trong sự nghiệp sáng tạo của Pi-cat-xô và bao nghệ sĩ hiện đại khác. Chất giản dị mỹ học tương đối nổi bật lên trên tính hoàn thiện tâm lý và trí tuệ của ông. Nhưng khi nói đến “chất giản dị mỹ học” tôi e rằng mình đã phạm một điều không chính xác, có lẽ nên viết là tính thống nhất thì đúng hơn, bởi vì những tác phẩm được vẽ vào năm 1885 mô phỏng theo những tác phẩm ông muốn vẽ suốt cả đời mình. Tính thống nhất này không thiếu vắng kỹ thuật.

Mun sử dụng những phương tiện khác nhau: từ tranh sơn dầu đến tranh khắc và ở đủ mọi thể loại ông đều thể hiện với trình độ bậc thầy. Ông là người đổi mới, sáng tạo trong việc làm chủ nghệ thuật khắc gỗ, và như một họa sĩ ông đã để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm nhớ mãi, đó là ở những tác phẩm mà tôi không biết có phải ông ngưỡng mộ tính bền chắc của đường nét hơn là sự xúc động của từng nét chấm phá. Ông là một người sành màu đích thực, không chỉ là sự thăng bằng của các gam màu hoặc là sự uyển chuyển của bảng màu mà còn vì tính sinh động và nghị lực phi thường của chiếc bút vẽ. Tóm lại, tính thống nhất của bút pháp là kết quả của một nỗi bất hạnh cá nhân, không phải là kết quả một sự lựa chọn thẩm mỹ mà là một số phận. Nhưng đó là một số phận được tự nguyện chấp nhận.

Trong thời gian đầu, sau một thời gian ngắn theo trường phái tượng trưng, ông đã tiếp thu chủ nghĩa ấn tượng. Chỉ một thời gian rất ngắn, ông nhanh chóng nhảy một bước dài đến cách vẽ của riêng mình: đó là một chủ nghĩa ấn tượng “avant la lettre” (2). Thật là dễ hiểu tấm gương của ông đã có ảnh hưởng sâu sắc trong các họa sĩ ấn tượng của nhóm Die Brucke, như các họa sĩ Nan-đơ và Kiếc-snê. Những ảnh hưởng và những tương đồng giữa Ô- rô- xcô (3) và các nhà ấn tượng chủ nghĩa đều đã được thừa nhận. Cũng rất có thể là người nghệ sĩ Mêhicô này đã quen tác phẩm của Mun: các tranh thuốc nước và các bức họa của giai đoạn sáng tác đầu của ông (những bức có tựa đề Những cảnh về phụ nữ) cho thấy sự giống nhau không thể hồ nghi với những bức tranh sơn dầu và những bức khắc gỗ của Mun vốn cũng có chủ đề khiêu vũ và các cảnh nhà thổ.

Họa sĩ NaUy Edvard Munch - Ảnh: crfranke.wordpress.com

Mun là một người sáng lập ra chủ nghĩa ấn tượng nhưng khuynh hướng nghệ thuật này lại chưa hoàn toàn khẳng định ông. Việc nhận ra một khuynh hướng đối lập: chủ nghĩa tượng trưng trong hội họa của Mun thật ra không khó khăn lắm. Đó là những cuộc hôn nhân lạ lùng giữa thực tại chân thực nhất với sự tưởng tượng và hư cấu. Mun là người kế tục Van Gôc và Gô ganh, sau đó ông lại thích thú khuynh hướng sáng tác dã thú (Fauvismo) (4). Với khuynh hướng này ông có nhiều sáng tạo. Nhưng “tính tàn bạo” của những thú dữ là rất hời hợt và do vậy không có chỗ cho tính tâm lý mù mờ đầy đau khổ của Mun. Trong một tiểu luận ngắn Anđrê Brêtông đã giải trình một cách sáng tỏ cái phổ hệ tinh thần đích thực của ông: “Mun biết sử dụng bài học của Gôganh một cách thật tiêu biểu trong một ý nghĩa ngược lại với khuynh hướng dã thú. Trung thành với tinh thần của những câu hỏi lớn về số phận con người từng khắc đậm dấu ấn trên tác phẩm của Van Gôc và của Gôganh, ông đã làm chúng ta rung động mạnh mẽ trước cảnh đời cuồng điên và mất mát. Sự can thiệp của các thế lực hắc ám thuộc về ban đêm (giấc mơ, tình dục, nỗi đau và cái chết) qua cây cầu của Gôganh đã nối Mun với truyền thống ảo của hội họa. Như vậy ông đã báo trước một cách lập lờ một vài khuynh hướng của chủ nghĩa siêu thực.

Thời kỳ sáng tạo lớn được mở đầu ở Đức vào năm 1892. Đây là những năm ông kết bạn với Strinbơc (5) và ái mộ tư tưởng Mitsơ, đồng thời là những năm ông sáng tạo được một loạt tác phẩm bậc thầy mà ông gọi: Cột trụ của đời sống. Những năm trước đó, khi sống ở Paris, ông thường xuyên đọc thơ Malacmê (ông còn để lại cho chúng ta một bức chân dung nhà thơ) và luôn đọc tiểu thuyết của Đô-xtôi-ep-ski. Loạt tranh có tựa đề “La ruleta” (1892) là một lời chào mừng của ông gửi đến nhà văn Nga này. Ông còn đọc Kierkegaard và khâm phục Ipxen (ông từng thiết kế mỹ thuật cho vở Hedda Glabec, vẽ các áp phích cho vở Peer Gynt và vở Juan Gabriel Borkman).

Như các nghệ sĩ cùng thời đại, ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng bạo động. Những ảnh hưởng văn chương và triết học này cũng có một vai trò tương tự như ảnh hưởng hội họa: chúng soi sáng cho ông tự bên trong. Sức mạnh tiềm thức và vô thức trong Mun vừa mạnh mẽ lại vừa đối chọi nhau, nó là hiện tượng hiếm thấy ở các họa sĩ khác. Cái nhìn bên trong của Mun rất sáng tỏ và quí giá, cũng là hiện tượng ít thấy ở các họa sĩ khác. Đó là những chiếc cốc ăn thông với nhau: tâm hồn và những mâu thuẫn của nó được chuyển hóa thành những đường nét uyển chuyển và mạnh mẽ, sức sôi động của nỗi đam mê chảy vào dòng chảy của hội họa. Nhà phê bình Acnơ Ecgun (6) nhấn mạnh rằng trong năm 1893, Mun bắt đầu băm nát các tấm mành và cục mực để sử dụng các mảng màu và sắp đặt chúng vào sáng tạo. Một nửa thế kỷ trước Anđré Masson và Đa-vit An-pha-rô Si-cây-rôt (7), ông đã biết và sử dụng những khả năng có thể có của cái ngẫu nhiên trong sáng tạo nghệ thuật. Strin-bơx đồng cảm với kinh nghiệm nghệ thuật của bạn mình nên hai năm sau đã công bố một tiểu luận với tựa đề: Cái ngẫu nhiên trong sáng tạo nghệ thuật. Ecgun đã chỉ ra như vậy. Mun thích sự sáng tạo vì sáng tạo, ông đi tìm sự biểu hiện. “Khi vẽ một chiếc ghế, cái cần phải vẽ không phải là chiếc ghế mà là sự xúc động được cảm nhận trước nó”. Có lần ông nói thế. Tuy nhiên, để biểu hiện cần phải sáng tạo: những sự tự thú của nghệ sĩ trở thành những hư cấu và những hư cấu tượng trưng cho số phận con người.

Những chủ đề và vấn đề, nhiều lần xuất hiện trong tranh của Mun với tính xác tín lạnh xương sống. Đó là những sự lặp đi lặp lại đầy bản năng và bất hạnh nhưng đồng thời, được chấp nhận một cách tự nguyện và có lẽ còn được tìm kiếm. Mun mệnh danh cho những sự lặp đi lặp lại ấy là “những sự sao chép tuyệt đối đúng”. Một phần chúng là những tài liệu, những khoảnh khắc của những trạng thái tâm hồn lại giống, một số là những niềm vui thăng hoa đến cực điểm, số khác là những nỗi buồn không kém phần cùng cực, mặt khác chúng là những khải thị cho điều bí ẩn của con người, con người bị lạc đi trong thiên nhiên hay giữa những đồng loại của mình. Đối với Mun, con người là một đồ chơi quay giữa những chiếc răng thép của bánh xe vũ trụ. Bánh xe nâng con người lên và một khoảnh khắc sau đó nghiền nát vụn nó ra. Trong cái nhìn đen tối về số phận con người có sự hội tụ của thuyết định mệnh sinh vật học, Ki-tô giáo mới, nỗi bất hạnh tuổi thơ của ông, cái chết sớm của mẹ và cái chết yểu của em gái, bệnh dại của chị gái, chủ nghĩa bi quan của Strin- bơx, niềm tin mê muội của ông vào nhân vật Raxcôn- ni-cốp (8), những mối tình sóng gió và tệ nghiện rượu của ông, sự hiểu biết sâu sắc của ông về thế giới tự nhiên, rừng núi, bầu trời và mặt biển, đàn ông, đàn bà và trẻ nhỏ và nỗi kinh hoàng của ông trước nền văn minh và con vật người hung hãn. Mun truyền bá chủ nghĩa bi quan của mình thông qua chức phận chuyển hóa mà ông trao cho hội họa. Người nghệ sĩ không phải là anh hùng đơn độc của những nhà lãng mạn chủ nghĩa, mà là nhân chứng, theo đúng nghĩa cổ của từ này, là kẻ hiến lòng tin cho sự thật của cuộc đời và cho ý nghĩa cứu rỗi của nỗi đau những con người. Nghệ thuật là sự hy sinh và tác phẩm là sự hóa thân của sự hy sinh ấy.

Bức họa "La Madonna" - Ảnh: passion-estampes.com

Trong thế giới hiện đại, người nghệ sĩ là một Chúa Cri-stô. Cây thánh giá của họ là phụ nữ. Bức La Madonna là sự hội tụ của tất cả các thế lực tự nhiên, nàng là đất và là nước, nàng là cỏ dại và là dịch bệnh, là vầng trăng và là vịnh biển, nhưng trước hết là con hổ. Nàng là một chiếc răng của bánh xe vũ trụ. Mâu thuẫn phổ quát thế giới - cuộc sống và cái chết - làm sống lại cuộc chiến đấu giữa những giới tính (nam và nữ) và trong trận đấu ấy, người chiến thắng vĩnh viễn là phụ nữ. Nữ thiên sứ của cuộc sống và của cái chết, nhân vật nữ giết để mà sống và sống để mà giết. Một trong những sự sao chép tuyệt đối đúng được lặp lại nhiều nhất, xốn xang lòng người nhất của Mun là cặp Marat và Carlota Corday, cũng còn được mệnh danh là Nữ sát nhân hay Vụ giết người. Bức vẽ đầu tiên là năm 1906 và thoạt đầu được đặt tên là: Tĩnh vật. Sự bình luận của ông là rõ ràng: “Tôi đã vẽ một bức tĩnh vật đẹp như bất kỳ bức tĩnh vật nào của Xêdăng (nói về một đĩa hoa quả đặt ngay ở tiền cảnh) “với độc một sự khác biệt là ở phông của bức tranh tôi đã vẽ một nữ sát nhân và một nạn nhân của nó”. Những bức vẽ cuối cùng là năm 1933 và 1935, trước khi đó ông tạ thế ít năm. Sự so sánh trong bức sơn dầu nổi tiếng về Davit là rõ ràng: các nhân vật rời bỏ sân khấu lịch sử, thôi không làm các nhân vật nữa và trở thành những con người chung và phổ biến. Như vậy chúng đạt tới tính mẫu mực sâu sắc và bền lâu hơn: những tượng hình của sự quay tròn của bánh xe vũ trụ.

Phụ nữ là một trong những trục của thế giới hội họa của Mun. Cái trục khác là đàn ông, hoặc chính xác hơn là nỗi cô đơn của nó: con người côi cút trước thiên nhiên hay trước số đông đồng loại - côi cút trước chính nó. Tự họa của ông là nhiều vô kể và thuộc đủ mọi giai đoạn. Ông không bao giờ ngừng hứng khởi với chính con người mình, nhưng trong sự hứng khởi ấy không hề có sự thỏa mãn: nó là một ý thức hơn là một sự chiêm quan, còn hơn cả ý thức, nó là sự tự mổ xẻ. Prô-mê-tê không bị xiềng trên tảng đá mà được ngồi trên một chiếc ghế, và không bị mổ bởi một chú ác là mà bởi chính con mắt của anh ta. Prô-mê-tê là con người của hôm nay, là một trong số chúng ta, không ăn cắp lửa mà phải chịu một sự phán quyết bởi thứ tội lỗi không kết thúc: tội vì đang sống. Nơi anh ta chịu tội không phải là một quả núi ở Cáu-ca-sô, cũng không phải trong lòng trái đất mà là một phòng ở bất kỳ nơi nào đó thuộc thành phố này hay thành phố nọ, hoặc bất kỳ đường phố nào đó nơi đông đúc những kẻ vô danh đi lại.

Mun là một trong số những họa sĩ đầu tiên đã vẽ tâm thế xa lạ của những con người bị lạc loài trong các thành phố hiện đại. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là bức tranh Tiếng gào, giống một hình ảnh vay mượn trong một số quang cảnh của The Waste Land (9). Không một bức tranh nào mà các họa sĩ hiện đại đã vẽ có được nỗi thất vọng và đau khổ như bức tranh ấy. Chúng ta nghe thấy Tiếng gào không bằng hai lỗ tai mà bằng hai con mắt và bằng cả tâm hồn mình. Và cái gì là cái chúng ta nghe thấy? Cái im lặng muôn thuở. Không phải là cái im lặng của những khoảng không bao la vô tận từng làm cho Pacsan phải hoảng hồn mà chính là cái im lặng của những con người. Một cái im lặng điếc đặc giống hệt cái âm thanh vang động và vô cảm từng vang lên từ buổi bình minh của lịch sử.Tiếng gào là mặt trái của thứ âm nhạc vũ trụ. Thứ âm nhạc ấy cũng không thể nghe bằng những cảm giác mà bằng trí tuệ. Tuy nhiên, dù cho la không thể nghe được, thứ âm nhạc ấy vẫn cho con người một niềm tin chắc chắn rằng mình đang sống trong một vũ trụ hài hòa, Tiếng gào của Mun, lời không lời, là cái im lặng của con người lang thang xê dịch trong những thành phố vô hồn và trước một bầu trời trống trải.

NGUYỄN TRUNG ĐỨC dịch
(Theo ABC cultural, số 94, kỷ niệm bức Tiếng gào một trăm tuổi, ngày 20- 8- 1993)

(124/06-99)


-----------------------------------------------------------
(1) Edvard Munch (1863- 1944) Họa sĩ thiên tài, người Na Uy
(2) đi trước văn học (tiếng Pháp trong nguyên bản)
(3) José Clemente Orozco (1883- 1949), người Mêxicô, họa sĩ tranh tường về đề tài cách mạng
(4) Fauvismo - chủ nghĩa dã thú, trường phái hội họa đầu thế kỷ 20, xuất hiện ở Paris (Pháp)
(5) August Strindberg (1849- 1912) nhà văn Ao, nổi tiếng với nhiều tiểu thuyết và kịch.
(6) Arne Eggun, nhà phê bình Pháp.
(7) David Alfaro Siqueros (1896- 1970) họa sĩ lớn người Mêxicô
(8) Rasskolnikov, nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết
Tội ác và hình phạt của F. Đô- stôi-ep-ski.
(9) The Waste Land: tên một bài thơ nổi tiếng của T.S. Eliot (1888- 1965), nhà thơ Anh- Mỹ, giải Nobel văn chương 1948.




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cha tôi (10/12/2009)