Tạp chí Sông Hương - Số 122 (tháng 4)
Như một đòi hỏi tự thân
16:15 | 30/12/2009
PHẠM QUANG TRUNGHiện nay, vấn đề đổi mới thi pháp đang được nhiều người cầm bút quan tâm. Xin ghi lại cuộc trao đổi mới đây giữa tôi (PQT) với một nhà văn (NV) về vấn đề bức thiết này.

NV: Anh có nhớ ai đã ví văn chương với một dòng sông: bao giờ cũng lưu lại hình bóng cảnh vật ở những nơi nó chảy qua.
PQT: Tôi không nhớ. Nhưng chắc đó là quan niệm khá phổ biến. Ở đây, có nhiều điều bất ổn. Đã đành mọi so sánh bao giờ cũng khập khiễng. Sự so sánh trong trường hợp này lại quá khập khiễng. Ngẫm kỹ, quả thật khó chấp nhận.

NV: Anh có thể nói rõ ý mình được không?
PQT: Thứ nhất: Văn chương không bao giờ phản chiếu máy móc cuộc đời như mặt sông in hình bóng của cảnh vật. Thứ hai: Phản ảnh (dẫu là sáng tạo) chưa phải là mục đích cuối cùng của văn chương. Có chăng cách nói đó thể hiện được sự gắn bó hữu cơ giữa văn chương và hiện thực. Nhưng ngay ở điểm khả dĩ này cũng dễ đưa đến một sự ngộ nhận tai hại: hình như thời đại không có ảnh hưởng mảy may nào tới lãnh vực thi pháp!

NV: Quả có thế! Người ta hay nói tới dấu ấn của thời đại lên nội dung, còn về mặt hình thức thì ít nói hơn…
PQT: Ít nói vì khó thấy. Là người trong nghề, ta không thể không thấy, không được phép không thấy. Nhất là hiện giờ. Dân tộc đang cùng nhân loại hướng tới thế kỷ XXI. Ta hoàn toàn có quyền mơ ước về đỉnh cao nghệ thuật trong một tương lai gần..

NV: Chẳng phải dân tộc ta đã từng tạo ra những đỉnh cao trong quá khứ?
PQT: Đấy là thực tế không ai có thể bác bỏ được. Song dẫu sao đó cũng chỉ là những đỉnh cao của quá khứ.

NV: Anh muốn so sánh về trình độ và mức độ.
PQT: Không. Sự đối chiếu kiểu ấy bao giờ cũng thô thiển vì thiếu biện chứng. Tôi muốn nói mỗi thời có đỉnh cao của mình. Vì thế, không thể lập luậNV: Văn chương cốt là hay, mới hay cũ về cách thức thể hiện không cần để tâm đến làm gì. Chả lẽ cái hay, cái đẹp của ngày hôm nay lại hoàn toàn giống cái hay, cái đẹp của ngày hôm qua?

NV: Anh có vẻ không mấy hài lòng vì cách viết hiện giờ của nhà văn chúng ta?
PQT: Không chỉ riêng tôi không hài lòng. Trong “Tác phẩm mới” (Số 1/1997) có đăng nhận xét của nhà văn Bùi Hiển thế này: “Một số tiểu thuyết của ta còn sử dụng lối trình bày nhân vật và sự kiện một cách mạch lạc, hợp lý, quá ư thật thà, tính cách nhân vật được giới thiệu ngay từ đầu như một cái gì cố định, bất biến, rồi sự việc diễn biến cũng dựa theo cái tính cách đã định hình ấy, đã được báo trước ấy mà phát triển”. Tôi muốn nói thêm, chả cứ gì truyện, thơ và phê bình cũng không thoát khỏi sự ngưng đọng ấy. Đại để đó chủ yếu là lối viết hiện thực, coi sự rõ ràng, trình tự, lôgic là những yêu cầu chính. Hình như ta chưa có tâm lý hòa nhập với các trào lưu văn chương khác ngoài văn chương hiện thực. Trong khi chỉ riêng ở thế kỷ này thôi lịch sử văn chương nhân loại đã chứng kiến biết bao cuộc “cách mạng” thật sự về thi pháp. Ngay chủ nghĩa hiện thực cũng đã biến đổi khá nhiều không còn nguyên dạng như ở thế kỷ trước. Thái quá, đã đành không nên, song bất cập cũng chẳng hay gì hơn!

NV: Trong khi sự giao lưu, hội nhập đang là xu thế tất yếu của thời đại…
PQT: Kể cũng hơi lạ đấy! Thời chiến tranh , quan hệ quốc tế có phần hạn hẹp, lại phải dồn sức cho sự nghiệp giữ nước, nếu nhà văn ít quan tâm đến đổi mới về thi pháp, thì cũng là lẽ thường tình, có thể giải thích được. Giờ thì quả khó hiểu. Sách văn chương nước ngoài được dịch nhiều hơn bao giờ hết, đủ mọi trào lưu, xu hướng. Cũng đã xuất hiện nhiều công trình khảo cứu, giới thiệu văn chương hiện đại thuộc mọi chân trời khác nhau. Thế mà sự cách tân về phương thức biểu hiện còn chậm chạp và ít ỏi. Lại sống sượng và thiếu hiệu quả nữa…

NV: Có lẽ anh muốn nói đến khuynh hướng đổi mới thi pháp thơ cách đây vài ba năm?
PQT: Đúng thế! Song đến giờ xem ra sóng đã yên, biển đã lặng. Có điều đáng ngạc nhiên là những cây bút từng vùng vẫy bứt phá một thời đến giờ phần đông lại trở về đường quen lối cũ. Họ có vẻ bình thản, bình thản đến lạ lùng. Cứ như chẳng có gì xảy ra trước đó vậy. Theo tôi, khuynh hướng cách tân của họ không thể đến đích được bởi ba nguyên do. Một là: Quan niệm thơ của họ có phần cực đoan; Hai là: Họ chưa đưa ra được những bài thơ hay; Và ba là: Môi trường đổi mới về thi pháp văn chương ở ta chưa thuận.

NV: Tôi tán đồng với anh, nhất là nguyên do thứ ba. Anh có thấy sự khởi sắc về thi pháp của các ngành nghệ thuật anh em khác không?
PQT: Vâng! Như nghệ thuật tạo hình. “sân chơi” của họ mới khoáng đạt làm sao! Có hiện thực, có siêu thực, cả trừu tượng, lập thể nữa. Nhiều phòng tranh của các họa sĩ (không loại trừ các họa sĩ có tuổi đã thành đạt) mới lạ mà cuốn hút đến sững sờ. Có thể dễ dàng cảm nhận sức thanh xuân của họ qua từng đường nét, từng mảng màu. Thật là táo bạo! Nghĩ đến “sân chơi” của văn chương đôi lúc tôi không khỏi ngạc nhiên, cả buồn phiền, day dứt nữa…

NV: Có ai cấm đoán ta đâu. Tự ta trói buộc ta đấy chứ!
PQT: Thật ra có nhiều cái khó, rất khó. Muốn đổi mới thi pháp, phải thể nghiệm. Mà thể nghiệm nào chẳng phiêu lưu. Chấp nhận thể nghiệm là chấp nhận phiêu lưu. Rất có thể sẽ mất công toi mà không  đến đích…

NV: Nghĩa là phải cần dũng khí.
PQT: Đúng vậy! Sử dụng các phương tiện mới lạ bao giờ cũng rất cần dũng khí, để bứt ra khỏi lối mòn, để làm một cái gì khác trước… Tôi muốn nói thêm, còn cần tài năng nữa. Mọi tài năng khi nào cũng có xu hướng tự vượt mình. Điều đó không ngăn cản xu hướng tự hoàn thiện bản thân. Chẳng phải vô cớ mà ai đó đã nói: Tự thỏa mãn chính là dấu hiệu chấm dứt văn nghiệp.

NV: Tóm lại, anh muốn chứng minh: đổi mới thi pháp là một đòi hỏi tự thân của chính văn chương của chính nghề văn. Viết cho bạn đọc hiện đại buộc người viết phải là nhà văn hiện đại.
PQT: Đó là một mệnh đề thú vị. Người ta thường nói: Viết cho người thông minh buộc người viết phải là người thông minh. Giờ anh nói vậy, không lý thú sao! Nếu gộp lại có thể nói: Viết cho người thông minh hiện đại đọc buộc phải là nhà văn hiện đại thông minh.

NV: Có phải do nhu cầu thẩm mỹ của con người hiện đại đã đổi khác?
PQT: Không chỉ có thế! Thi pháp chưa được mở rộng còn chứng tỏ “vùng thẩm mỹ” của văn chương còn bó hẹp. Phương thức thể hiện bao giờ cũng gắn với đối tượng thể hiện. Viết như thế nào phụ thuộc vào viết để làm gì và viết cái gì. Có những khoảng thực tại, như chiều sâu tâm thức, phải tìm những cách biểu hiện khác mới sống động lên được.

NV: Tôi cũng rất mong hãy từ nội dung để đi tìm hình thức thích hợp, chứ không phải ngược lại.
PQT: Đã có nhiều bài học nhãn tiền rồi ! Nhà thơ Ngô Văn Phú từng lưu ý: “Có một số tác phẩm đưa vào đủ thứ chủ nghĩa để khoe mình là người thời thượng, văn minh như chỉ là cái vỏ chứ thực ra hiểu một thứ chủ nghĩa cho sâu sắc, tìm ra một lời nào cho riêng mình như một sự phát hiện thì không có” (Tác phẩm mới, số 1/1997).

NV: Tôi cũng thấy vậy!
PQT: Cho nên, sự táo bạo đi cùng với tính đích thực bao giờ cũng là mong mỏi của chúng ta trong mọi cuộc cách tân.
NV: Vâng, đúng thế!

Đà Lạt 23/9/97
P.Q.T.
(122/04-99)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Lửa đêm (30/12/2009)
Đêm Trắng (29/12/2009)