Bận rộn biết bao với việc điều trị, học hành anh vẫn không buông lơi chuyện sáng tác nhờ thế đến nay đã có 3 tập thơ: Hoa cúc mùa thu (1994); Lá tháng chạp (1998); Quang gánh và những bài thơ khác (2006) và 1 tập ghi chép: Chết như thế nào (2009) trình làng. Tập văn xuôi đầu tiên này của Tường không dày dặn, chỉ có hơn trăm trang in khổ 12 x 20 gồm 12 ghi chép về công việc chữa trị chăm sóc bệnh nhân nan y và những chuyến đi trong và ngoài nước của anh. Một cách thể hiện trung thực, sống động, day dứt, đầy cảm thông chia sẻ trước những bất hạnh đớn đau của con người. Cũng chính vì thế mà tôi gọi Phạm Nguyên Tường là người chăm sóc làm dịu những đớn đau.
Những đớn đau về thể xác và cả tâm hồn của con người. Những con người cụ thể; họ là bệnh nhân, là bạn thơ, bạn đời của Tường, những người Mỹ, người Bỉ, người Singapo, những Việt Kiều anh đã gặp… Anh thủ thỉ kể về họ trong những cảm nhận sâu sắc về thân phận và ý thức san sẻ rõ ràng, không li kỳ rườm rà, không cao siêu bóng bẩy, mà van thấm thía nhân văn như thổ lộ của Tường, Cuộc đời hành nghề của tôi đã gắn với những giọt nước mắt của biết bao phận đời, phận người. Như những giọt nước mắt bằng sứ trong tác phẩm sắp đặt của Jason Lim ngày nào, đo từ giếng trời xuống, mỗi một lần lại găm buốt tâm can. Tôi thuộc về nơi ấy.
Trước hết, Tường thuộc về những người bất hạnh trong cuộc chiến cam go chống lại căn bệnh ung thư. Viết như thế này hoàn toàn không chỉ là cach nhìn của một thầy thuốc: Nếu nói, theo quan niệm của nhiều người, bệnh nhân ung thư là nỗi oan nghiệt và đọa đày, thì phần lớn bệnh nhân ung thư Việt Nam là tận cùng của sự oan nghiệt và đày đọa! Tôi dám chắc như vậy. Phần lớn họ rất nghèo, không đủ tiền để điều trị bệnh. Cũng chính vì nghèo khó cho nên họ thường phó mặc cho số phận nếu như bị chẩn đoán là ung thư. Họ lần lữa rày mai không chịu đi bệnh viện là vì còn phải ra đồng ra chợ kiếm miếng ăn hàng ngày. Đến một lúc không thể nào trì hoãn được nữa thì bệnh tình đã ở vào giai đoạn quá muộn, cơ hội chữa khỏi là rất nhỏ nhoi… Một cái chết, và hơn thế nữa, một cái chết trong đau đớn, tức tưởi và quằn quại đang chực chờ phía trước. Bi kịch cuộc đời là như thế. Nó ảm đạm và xa xót làm sao. Hơn thế nữa đó là vấn đề xã hội; người nghèo gánh chịu những bất hạnh và thiệt thòi hơn cả. Một xã hội được gọi là tot đẹp khi nó thực sự quan tâm đến người nghèo, từ công ăn việc làm, đến phòng chữa bệnh, việc học hành của bản thân và con cháu họ.
Bút ký càng phản ánh đúng, sát và nhanh nhạy cuộc sống bao nhiêu càng có giá trị bấy nhiêu. Phạm Nguyên Tường không hề né tránh thực trạng, dù nó u ám thê thảm: Hãy nhìn vào hai trung tâm điều trị ung thư lớn nhất ở hai đầu đất nước… Bệnh viện quá tải, bệnh nhân buộc phải nằm ghép hai người, thậm chí ba người trong chiếc giường bé tẹo. Những người đến sau không còn giường thì đành giăng ghế xếp nằm lay lắt ở ngoài hành lang… Và, chắc ai cũng động lòng khi đọc những câu văn rưng rưng nước mắt như thế này của Tường: Những tờ bạc lẻ, rách công khó từ những luống khoai luống cà, những chuồng gà chuồng lợn từ các tỉnh xa đổ về thành phố để đắp vào những đường mổ, những lọ hóa chất hay những lần “chạy tia”. Đó là chưa kể những tờ bạc nặng mùi mồ hôi và nước mắt ấy đôi khi phải nằm lót trong cuốn sổ khám bệnh hàng tuần của bác sĩ, hay trong túi áo blouse trắng tinh của mấy cô y tá để được “chích không đau”… Nói chung, bệnh nhân ung thư của chúng ta cùng lúc bị tàn phá mỏi mòn từ hai phía: một từ bệnh và một từ xã hội… Với bệnh nhân ung thư chết là kết cục đương nhiên nhưng chết như thế nào là điều cần tính tới.
Trong ghi chép của mình, Phạm Nguyên Tường miêu tả những cái chết của người bệnh thật thương tâm và vô cùng ám ảnh. Đó là cái chết đau đớn và không thể thở được của một đứa trẻ lên ba, đầu trọc lóc và da dẻ trắng nhợt vì vô hóa chất; cái chết trong câm lặng, đôi mat vô hồn vì khối u não ác tính oan nghiệt của một nữ sinh trường trung học Gia Hội vốn là một cô bé trắng trẻo, xinh đẹp, học giỏi và là hạt nhân của phong trào Đoàn sôi nổi… Còn đây, một bệnh nhân ung thư khác khi chet khối u ở vùng bụng dưới bùng phát, lở lói, mủ máu chảy ra hôi hám với giòi, bọ bám đầy hay một bệnh nhân ung thư lưỡi chết ngay sau khi ho ộc ra một lượng máu quá lớn do vỡ mạch. Qua Phạm Nguyên Tường, ta hiểu hơn, thương hơn những con người bất hạnh ấy khi đối mặt với cái chết. Họ có ước mong gì trước lúc ra đi? Tường viết: Nhiều bệnh nhân ung thư tâm sự với tôi, họ biết bệnh của mình, đã qua nhiều cửa ải điều trị rồi họ không còn sợ chết nữa, họ chỉ sợ chết thảm thương. Và, từ những điều trông thấy mà đau đớn lòng, bác sĩ Phạm Nguyên Tường cho rằng: Chăm sóc làm dịu là một chuyên ngành nhân văn nhất trong các chuyên ngành y. Nếu y học chưa đủ sưc giành lại bệnh nhân từ bàn tay tử thần, tại sao không tìm cách thay chiếc áo choàng đen kinh rợn của ông ta bằng những chiếc ào màu tươi tắn hơn? Một trong những mục tiêu của chuyên ngành Chăm sóc làm dịu giai đoạn cuoi bệnh ung thư là cải thiện chất lượng sống (quality of life) nhưng nếu người bệnh không thể sống tiếp thì một khái niệm khác cần được đặt ra là chất lượng chết (quality of death) với 4 tiêu chuẩn là: không đau đớn - nhanh gon - trong thanh tịnh - người thân kề bên. Điều đó lý giải tại sao những bác sĩ chân chính không bao giờ ghi vào hồ sơ của bệnh nhân tử vong chữ chết mà họ viết chữ “R.I.P” thật đơn sơ; chữ viết tắt của Rest In Peace (An nghỉ). Thiết nghĩ, không có gì ấm áp và nhân văn hơn thế.
Trong Phạm Nguyên Tường có tấm lòng hiền lương của một thầy thuốc và có cả tâm hồn đa mang của một nhà thơ. Những gì anh viết ra thật đơn sơ nhưng cũng thật cảm động. Đôi mắt của một bác sĩ, của một nhà khoa học cho anh cách miêu tả phản ánh hiện thực chính xác cụ thể và đôi mắt thi sĩ đã cho Tường cái nhìn cuộc sống đầy thương cảm bao dung. Không chỉ với bệnh nhân mà với bạn bè, vơi những người anh gặp đó đây thì cái nhìn thương cảm bao dung ấy vẫn tỏa sáng, sưởi ấm từng trang viết của anh. Mới ngẫm ra rằng với người cầm bút chữ Tâm mới đáng quý làm sao. Tâm tốt, văn mới sáng, mới thật, mới đủ sức lay động người khác. Đọc bút ký của Phạm Nguyên Tường, tôi không nghĩ anh là người tài hoa như Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đỗ Chu hay gần đây là Văn Cầm Hải nhưng sao những câu chuyện của anh lại làm cho tôi xúc động và ngẫm nghĩ nhiều đến thế.
Qua những nhân vật như gã bù xù ở trạm gác cũ ở Porte de Ninove, ba cha con người Ả Rập cúi đầu ăn xin ở dưới chân cầu thang cuốn ở ga tàu điện De Brouckere ở Bỉ (Dưới vòm trời xanh thẳm); cô hầu gái (maid) Kusmiyali (Kedung Wringin đường về còn xa); người cựu binh không vận Mỹ đã từng tham chiến ở chiến trường A Lưới (Thừa Thiên Huế) Michael Paul Maurer (Lên đồi Thịt Băm, nhớ người bạn Mỹ bị dày vò); nhưng người con đất Việt đi làm ăn ở xứ người đôi khi nửa đêm sực tỉnh thấy hoang hóa trong lòng, thấy đời mình như kiếp kí sinh, váng vất giữa vô thường (Tiếng quạ kêu chiều); người mẹ Tà Ôi chỉ thích làm con châu chấu để về, vì châu chấu về nhanh mà bay đi cũng nhanh... mỗi con châu chấu là một linh hồn… (Mẹ sau núi); Phương Xích Lô nhàu nát và xộc xệch (Trò đi lui xúi quẩy)… ta thấy cuộc sống nhiều góc khuất tăm tối và mỏng manh làm sao. Nó thực sự cần sự chiếu sáng và sưởi ấm của đồng loại, đồng bào, nó cần được chia sẻ để gần nhau hơn trước những bất hạnh và rủi ro, những trầm uất và sầu muộn.
Tình cảm và ý nguyện của Tường trong tập sách này cũng không nằm ngoài hai chữ Nhân Văn. Chết như thế nào của Phạm Nguyên Tường chỉ là những câu chuyện nhỏ về con người, những bài học làm người tử tế, đơn giản như vậy thôi.
N.H.Q (250/12-09)
|