Tạp chí Sông Hương - Số 250 (tháng 12)
Đọc tiếng Huế mình cho đỡ nhớ
15:13 | 28/12/2009
TRẦN THỊ LINH CHITừ ngày theo chồng vào Nam, tính ra xa Huế hơn nửa thế kỷ, đất khách quê người, hiếm khi được nói hay nghe tiếng của quê hương một cách trọn vẹn. Ngay trong gia đình, đến đời cháu nội, cháu ngoại thì đã rặt tiếng miền Nam. May mắn bên mình còn có ông “Dôn”(*) người thường xuyên “gợi nhớ” qua câu nói đầu môi khi đối thoại: Mụ ơi!
Đọc tiếng Huế mình cho đỡ nhớ
Nhà thơ Trần Thị Linh Chi - Ảnh: aotrangcantho.com

Con cháu đầy đàn, mái tóc dần dần bạc mà còn gọi nhau Em ơi! Linh Chi ơi! Thì dị lắm, nên chuyển qua: Ông ơi! Bà ơi!

Hay “bắt lý bắt lẽ” chồng khi không vừa ý, tôi gắt:

- Bà nào? rứa thì tui nào khác chi mấy bà mà ông gặp ngoài đường.

Hình như cái tiềm thức hướng về quê hương xúi giục, ông nhớ ngay lời mấy ôn mệ ngoài nớ nên đổi giọng:

- Mụ ơi!

Từ khi “ổng” dùng tiếng mụ gọi vợ, hình như tui bớt chướng, ít “kiếm chuyện để vui cửa vui nhà”.

Cái chữ “ổng” quen nghe, quen dùng tại nơi quê hương thứ hai Cần Thơ, chứng tỏ cái tiếng Huế của tôi đã “lai đi” rồi. Phải lai đi, sau những ngày đầu lớ ngớ tại xứ người, lại nói tiếng Huế chay, mình nói mình nghe, khiến mấy cô bán hàng mắng xéo:

- Vô đây thì nói tiếng “Việt”, nói tiếng “nước Huế” ngoài đó ai mà hiểu được!

Ở “trỏng” thì phải theo trỏng, rồi quen miệng, về Huế là “lòi chành” ngay. Mấy cô trong chợ Đông Ba tinh ý nhận ra, cứ cho là Việt Kiều, nên tha hồi chém đẹp khiến xách giỏ về nhà là bị bà chị chồng kêu trời: “Mua chi mà mắc rứa!”

Bán được hàng giá hời, các cô còn chêm thêm một câu “khen”:

- Qua bên nớ lâu rồi, mệ cũng quên nhiều tiếng xứ mình rồi hí!

Ở “trỏng” thì thiên hạ biết mình ở “ngoải” mà về “ngoải” thì người cùng quê xem mình như người xa lạ. Cái mặc cảm đó luôn luôn dày vò tâm tư người xa xứ.

Ngay cả khi giao tiếp, họp mặt đồng hương tại quê người, cũng phải nói “lai”, vì sợ nói “chay” thì thế hệ thứ hai của đồng hương sẽ không hiểu “mô, tê, răng, rứa” chi hết. Hơn nữa, nói ra thì “trẽn dễ sợ” vì lâu ngày không nghe, không nói nên đã quên đi nhiều cái vốn liếng mà cha mẹ truyền cho. Muốn nhớ lại, thì cũng phải về Huế sống vài năm. Nhưng cũng chưa chắc, vì hiện nay phương tiện giao thông dồi dào, vấn đề giao lưu văn hóa trở nên dễ dàng, khách tứ xứ đến Huế cũng nhiều, người Huế ra Bắc vào Nam cũng lắm, nên muốn tỏ ra “nền văn minh”, người Huế chính gốc cũng thôi không dùng những tiếng “mẹ đẻ lạc hậu nữa”, mà có xu hướng pha tiếng Bắc Nam, tiến dần đến việc sử dụng tiếng “bạch thoại” như bên Tàu cho toàn quốc. Tiếng Huế chỉ còn tồn tại trong các áng văn cũ, hay ca dao tục ngữ, và thế hệ con cháu sẽ đọc những từ ngữ đó như hiện nay chúng ta học Tiếng Việt cổ xưa trong từ điển của Alexandre de Rodes hay Huỳnh Tịnh Của.

Vì vậy bảo tồn tiếng Huế quả là vấn đề cấp bách đối với những ai muốn tiếng Huế tồn tại một cách nguyên vẹn, như mọi di sản lịch sử quý giá khác của Cố đô.



Có một người đã nổi danh là chuyên viên hàng đầu của thế giới về công trình dùng ống nội soi để vá nhĩ và sử dụng nội soi để đặt ống thông khí cho bệnh viêm tai của trẻ em, được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Người làm vinh danh cho đất nước”, chịu làm cái chuyện phí sức, lao tâm đó.

Mấy ông bác sĩ người Huế, thiệt là rắc rối, lương y như từ mẫu, kiếm ra tiền lại muốn nhảy lấn sân. Nào nhạc sĩ, ca sĩ như Trương Thìn, Lê Hành, nào viết sử như Hồ Đắc Duy, viết về ăn nói, lại viết về xuân, bảo ấn cuối cùng của Hoàng đế Việt Nam, phù thuật như Lê Văn Lân v.v... Nhưng như ông bác sĩ Bùi Minh Đức, làm cuốn Từ điển tiếng Huế, thì đúng là một tác phẩm tưởng chừng khô khan khó nuốt đối với phái nữ chúng tôi.

Thích viết văn, làm thơ, tôi đâu có mộng làm học giả, nhà nghiên cứu mà phải học từ điển như các ông Phạm Quỳnh, Đào Duy Anh xưa kia.

Tuy nhiên, những gì thuộc về Huế, nói và viết về Huế đều tác động đến con người Huế. Tôi là người Huế, vậy thì phải lưu tâm, đọc để bày tỏ nhiệt tình hưởng ứng với người có tấm lòng cùng tiếng nói của quê hương.

Khi đọc lời nói đầu của ấn bản thứ nhất, những dòng chữ đầu tiên đã làm ấm lòng phái nữ: “Quyển từ điển mà quý bạn đang cầm trên tay đã được khởi đầu từ 10 năm về trước, ngày mẫu thân chúng tôi vừa mới mất. Với sự xúc cảm tột độ và để vơi bớt nỗi khổ đau mất mẹ, chúng tôi ghi vội lại những chữ mà mẹ chúng tôi thường dùng…”

Ông muốn: “những chữ đặc biệt Huế này cần được gìn giữ để khỏi mất mát gia tài của mẹ”.

Ông lao lực lao tâm “tình nguyện làm con ong hút mật cho đóa hoa tiếng Huế” (Trần Hữu Lục), bươn bả khắp nơi, gặp khắp người, để cống hiến cho quê hương, lần lượt theo quy trình hoàn chỉnh:

- Ấn bản thứ nhất (2001): Từ điển tiếng Huế, dày hơn 500 trang.
- Ấn bản thứ hai (2004): Từ điển tiếng Huế: - Tiếng Huế - Người Huế - Văn hóa Huế, dày hơn 1000 trang.
 - Ấn bản thứ ba (2009): Từ điển tiếng Huế: - Tiếng Huế - Người Huế - Văn hóa Huế - Văn hóa đối chiếu, dày hơn 2000 trang.

Trong 18 năm, ông đã hoàn thành một công trình quá ư công phu.

Tuy nhiên, tác phẩm của ông không thể phong phú, dồi dào tư liệu, nếu ông không tạo được sự hưởng ứng nồng nhiệt, không những của đồng hương, mà còn những học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn toàn quốc lưu tâm đến nền quốc học.

Người đồng hương thì hứng thú và tự hào thổ lộ mọi hiểu biết về tiếng nói và văn hóa Huế của mình, bậc tri thức thì đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh phương pháp nghiên cứu.

Những nhà làm từ điển trước đó như Đào Duy Anh, Đào Văn Tập, Đào Dang Vĩ, Thanh Nghị … đều thụ hưởng từ Lasoruse cái khung cho tác phẩm, còn ông thì tự tạo cái khung hoàn toàn mới, phải lần mò mà đi.

Ông có cái tài làm con kiến trong hang ngoan ngoãn bò ra, vì không những đến với họ mà con được nhiều người tự động tiếp tay, sưu tầm gửi đến.

Cái tài đó, may thay, vì chăm chút cho tác phẩm đã chiếm hết thì giờ rảnh rỗi, “hiền nội cũng đỡ lo”.

Nói đùa một chút cho dòng văn đỡ khô, xin tác giả thứ lỗi.

Va giờ thì nói thật: Phía sau lưng người đàn ông thành đạt luôn luôn có bóng dáng người đàn bà, như bác sĩ Đức xác định trong lời nói đầu của ấn bản thứ ba: “Nhờ người vợ hiền yểm trợ sau lưng nên tác giả mới có đủ gan sức và can đảm ngồi biên soạn quyển “Từ điển Tiếng Huế” trong một quãng thời gian dài 18 năm mà không bị phân tâm và cũng không bao giờ nản chí”.

Thật là: “Bao nhiêu chữ, bấy nhiêu cái tình”.

Cái tình đối với quê hương, với mẹ, với người vợ hiền cùng gia đình đã giúp một cá nhân làm được một công trình đòi hỏi công sức của cả tập thể, một từ điển có tính chất bách khoa, rất hữu ích cho quê hương, cho người đồng hương và cho tất cả nhưng ai lưu tâm đến quốc học. Ông làm để xác định quyết tâm giữ lại cho Huế cái gì đã có và đang có.

Dù nặng tình với Huế, nhưng với thiên kiến xưa nay về các loại sách nghiên cứu tôi ít trông chờ vào giá trị văn chương của tác phẩm.

Cũng như xưa kia, là phái nữ tôi không thích đọc tiểu thuyết kiếm hiệp. Thấy ông chồng tối ngày cứ dán mắt vào mấy trang sách của Kim Dung, tôi thường bực mình, cằn nhằn: “Đọc chi ba cái chuyện phi đao, phi kiếm rẻ tiền đó!” Ông chỉ cười: “Cứ đọc thử rồi biết”.

Một hôm rảnh rỗi, tôi cầm coi ông Tàu viết gì mà thiên hạ mê giữ vậy, rồi xem luôn cho tới giờ. Hết tiểu thuyết qua phim bộ Hồng Công, Cô Gái Đồ Long và Thiên Long Bát Bộ là những tác phẩm cho tới nay tôi vẫn thích xem đi xem lại để được gặp Triệu Minh và Kiều Phong, những nhân vật điển hình tuyệt vời của phái nữ và phái nam, vừa lãng mạn vừa bi hùng.

Nhưng ngòi bút tài tình cua Kim Dung chỉ thỏa mãn những mơ ước tình cảm không có thực trên đời, vì các nhân vật đều hư cấu, nếu có thật thì cũng được điểm phấn tô son thêm nhiều.

Trái lại tác phẩm của bác sĩ Bùi Minh Đức, không khô khan như tôi tưởng, mà là những trang sử thi vừa trữ tình vừa độc đáo của con người và văn hóa Huế.

Nét bút của ông không “hình học” mà tế nhị như nhận xét của giáo sư Hữu Ngọc trong lời tựa ấn bản thứ ba. Ông khám phá đời sống bên trong so sánh đối chiếu văn hóa, để nhìn thấy bản sắc và nét đặc thù “rất chi là Huế” của quê hương.

Ông làm công trình nghiên cứu, mà dòng chữ lại miệt mài tô đậm nét tâm linh, vừa phác họa, vừa khắc sâu những hình ảnh vừa tuyệt vời, vừa quen thuộc, còn đó hay đã mất đi với bao tiếc nuối của quá khứ, cái quá khứ không thể nào xóa đi trong tâm khảm con người dân xứ Huế, với sông núi, cảnh vật và con người có thật, con người trầm lặng nhưng đầy ước mơ và hoài vọng.

Tôi bị lôi cuốn theo những dòng chữ về chuyện tích của Huế, có cảm giác không những như đang đọc một tác phẩm văn học hấp dẫn, mà còn như được sống lại chuỗi ngày đầy kỉ niệm đẹp và êm ái của tuổi thơ.

Cái từ thân thương nhất, cái từ nhập tâm giữa bạn gái, suốt thời gian cắp sách đến trường cho đến khi rời khỏi, lại là cái từ mà tôi quên hẳn sau hơn 50 năm nếu không đọc Từ điển Tiếng Huế của bác sĩ Bùi Minh Đức.

Nó nằm ở đầu cuốn từ điển, vần A, và tôi thích thú được nhớ lại cái từ “Ấy” (gốc tiếng Chàm là “ay”). Đó là tiếng gọi giữa bạn bè thân thiết với nhau. “Ấy” là những từ thường dùng khi nhảy dây, đánh thẻ, quấn quýt bên nhau dưới mái trường, những phút riêng tư giữa hai đứa, rất “sống chết” bên nhau:

- Chỉ ấy với mình thôi nghe! Đừng rủ rê đứa mô thêm nghe!

Toàn là “nghe” và “nghe”.

Nhưng khi giận nhau:

- Ấy ma còn rứa nữa thì đừng ngó mặt mình a nghe! Mình từ mặt a nghe!

Không “nghe” nữa, mà là “a nghe”, tiếng thương trở thành tiếng dọa.

Đó là giận sơ sơ thôi, nếu giận “hung” có thể mỗi người một ngã. Không thèm ngó mặt nhau thì chữ “ấy” sẽ biến mất cùng với chữ “mình”.

- Tui và Liên từ nay không còn dính líu chi nữa.

Trong câu không còn “nghe”, “a nghe” gì nữa.

Cái từ đầy tình, đầy nghĩa đó mà tự nhiên quên mất, thiệt là “đoản hậu” cho đám con gái Huế chứ không riêng tui.

Qua Cali, bạn bè gặp nhau thì vui mừng linh đình lắm, nhưng xưng hô với nhau, không ai còn nhớ đến từ “ấy”. Người lớn trên 70 cả rồi, thì “Như Khuê với mình”, suồng sã hơn thì “mi tau”, dù đã có chau nội, cháu ngoại, nhưng “ấy và mình” thì không, như là cái từ đó không hề tồn tại. Mà như vậy không phải là muốn đoạn tuyệt với quá khứ, vì điều thích thú nhất của đám bạn già vẫn là vấn đề ngày xửa ngày xưa… từ chuyện ăn trái mít, ổi xanh lè, bánh mì độn xôi, không hề quên nhắc lại cái nghèo, thiếu thốn của mình thuở nhỏ. Hẳn là cái từ đó chỉ thích hợp cho lứa tuổi ô mai thôi.

Từ thứ hai thì gần như là vần cuối, vần “T”: Từ “trai gái”, cái từ dễ ghét nhất, không tới nỗi ê dề như cái từ “mèo mỡ”, nhưng có tính cách cấm đoán, ngăn chận, làm mất đi tính chất vừa đẹp, vừa hạnh phúc, vừa đau khổ của tình yêu nam nữ, giai đoạn mà ai cũng trải qua trong cuộc sống.

“Trai gái” là lời kết tội, lời đe của cái xã hội còn nặng đầu óc phong kiến, nhất là đối với phụ nữ. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, chứ không được tự mình “trai gái”.

“Trai gái”: (trai gái với nhau), phải lòng nhau.

Bắt gặp chàng, nàng cùng đi chung một đoạn đường là tiếng đồn đã nổi lên ba phao, chứ đừng nói là đi xem cinê với nhau.

Đó là người ngoài đường, người trong nhà còn canh nhau ác liệt hơn. Ông anh canh cô em tuy ong cũng thường xuyên đi “cua”, cô em canh ông anh vì ghét mặt không ưa “thí sinh” muốn làm chị dâu mình.

- Mi còn đi chơi với thằng nớ, tao mét ba mạ a!

- Mạ ơi! Anh Toàn trai gái với con Tuyết.

Cái từ “trai gái” đó đã “xấu xa hóa” mọi tình cảm của nam nữ.

Đọc xong hai từ “ấy” và “trai gái” tôi định xếp cuốn từ điển lại, nhưng mà lại tò mò muốn biết tác giả viết về con người Huế như thế nào. Từ vần A lật dến vần N thấy tên cụ Ngáo tôi liền tìm tên cụ Nghẹt, lái heo ở An Cựu, gần nhà tôi, cụ cũng “ác”còn hơn là cụ Ngáo nữa, mà không thấy tên. Khi còn bú sữa mẹ, tôi không hân hạnh gặp cụ Ngáo, nhưng đã được nằm trong rọ heo của cụ Nghẹt, mỗi lần chướng cứ khóc nhè liền bị cụ dọa bỏ rọ trôi sông. Tôi sợ phát khiếp, nín khe.

Giờ đây đọc từ điển tôi mới biết vì sao cụ Nghẹt không có tên. Vì ở Huế có đến vạn cụ Nghẹt để dọa con nít, nhưng chỉ có một nhân vật lịch sư là cụ Ngáo: đao phủ từng chém đầu Thái Phiên và Trần Cao Vân. Nhất định cụ là nguyên mẫu của nhân vật “chém treo ngành” của Nguyễn Tuân trong “Vang Bóng Một Thời”, chứ không còn “on, đơ” gì nữa, vì cái ông nhà văn từng theo cha nếm bữa ăn 20 món muối tại nhà “bà hầu ông cụ” nhất định không tha cụ Ngáo này để bày vẽ thêm cái chuyện tập chém chuối cho “ngọt” của cụ.

Nói tới cụ Ngáo, là phải nói đến “cổng chém An Hòa”, nơi hành nghe của cụ. Năm 1950 tuy không còn dấu vết, nhưng nơi này đã có hai học sinh kháng chiến bị thủ tiêu, trong đó có anh Phan Văn Thông, bạn học cùng lớp và ngồi bàn trên của ông xã tôi. Nếu tác giả không ghi lại, thì vài thế hệ nữa không còn ai biết.


Ngự viên cũng nhờ Nguyễn Bính mà sống lại:

Hôm nay có một người du khách
Ở Ngự viên mà nhớ Ngự viên.

Rồi nhờ từ điển mà biết được việc “Hậu Ngự viên” Vườn Thượng uyển nay không còn dấu tích “nhưng các thiếu nữ Ngự viên, những học sinh kẹp tóc ở Ngự viên đều đã vang bóng một thời là những bông hoa đẹp biết nói của xứ Huế”.

Ngự viên chừ không trồng hoa nữa, thì trồng hoa biết nói, ông bác sĩ Đức hí.!

Nhân nói đến người đẹp Huế, tôi không quên lời tác giả khi bàn về các điểm tương đồng giữa bản sắc văn hóa của người Huế và người Nhật, trong tác phẩm: “Dấu Ấn văn hóa Huế.”:...“khách du lịch phương xa khi đến viếng thăm Huế đều không khỏi để ý đến các cô gái Huế, thầm khen cho họ có dáng đi uyển chuyển, yểu điệu bước đi chậm rãi…” nếu thêm hai từ “vai gầy” của Trịnh Công Sơn thì rõ ràng là chân dung cô gái Huế.

Tuy nhiên ông không nói rõ lí do vì sao vẻ đẹp của các cô nàng thường là liễu yếu đào tơ chứ ít ai có hình vóc của Dương Quý Phi, hay Gina lollobrigida. Nếu tác giả tế nhị không nói ra tôi xin mạn phép nói:

Con gái Huế với quan niệm “thanh bần” của cha mẹ, chỉ được ăn để mà sống, chứ không sống để mà ăn, cho nên quà vặt toàn là đái mít, me chua, ổi sống có sẵn trong vườn, rồi hàng ngày phải cuốc bộ dưới nắng mưa, để đến trường dài sơ sơ 5, 10 cây số. thì sao mà người không thon nhỏ, bước đi không chầm chậm cho đỡ mệt,…

Cầu Trường tiền sáu vài mười hai nhịp

Em theo không kịp, tội lắm anh nờ!

Nói về vẻ đẹp đàn bà Huế, tác giả ghi nhận xét của một người nước ngoài J.YCLAEYS “Huế voluptueuse et mysterieuse” (1940) do Hồ Vĩnh dịch, nói về 9 phong cách mô tả người đàn bà Huế theo quan niệm xưa:

1. Tóc buông xõa dài và uốn lượn trên thân người giống như mây tháng năm trên bầu trời.
2. Đôi má trong non như tơ của đóa hoa hồng.
3. Đôi môi mỏng và đỏ thắm như quả ớt.
4. Miệng bao giờ cũng hé cười.
5. Răng đen như hạt mãng cầu đúng với khuôn phép ngày xưa.
6. Đôi tai giống như lớp thịt trong của quả thị chín.
7. Cặp lông mày như cành lá liễu và uốn cong như lá liễu.
8. Làn da mặt trắng sữa, long lanh, phản chiếu ánh trăng.
9. Hai quả vú chắc nịch như hai trái bưởi Khánh Hòa tươi tốt.

Nêu ra để biết cái nhìn của người nước ngoài đối với cô gái Huế, chứ việc so sánh 2 vú như hai trái bưởi, nhận xét đậm màu trần tục hẳn là của một ông tây thực dân, thì còn gì là gái Huế, thà ví như hai trái vú sữa thì còn ổn hơn.

Nay không còn răng đen thì răng trắng như màu hột sen vừa bóc vỏ cũng được.

Cũng không thấy phác họa khuôn mặt mà chỉ nói đôi má tròn non, nhưng theo ý tôi khuôn mặt khó mà có dạng chữ điền, mà phải là khuôn mặt trái xoan.

Hàn Mạc Tử đã dùng đúng chữ “che ngang” chứ không dùng chữ che nghiêng như ý của nhà thơ có những bài thơ tuyệt vời về các cô gái Huế: Tô Kiều Ngân.

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Vì nhà thơ chỉ muốn nói đến khuôn mặt các công hầu, phụ mẫu chi dân đầy cả cái thôn Vĩ Dạ, những khuôn mặt mà chàng e dè:

Để thấu tai người áo cổ y.

Hơn nữa trúc là biểu tượng của người quân tử theo quan điểm Á Đông. Ông quan, tạm gọi là quân tử, đứng dưới trúc thì hợp hơn là người đẹp

Mối tình của Hàn đối với Hoàng Thị Kim Cúc, là mối tình đẹp, mối tình thuần khiết, ngời sáng trong tâm tư để cống hiến cho văn học một tuyệt tác, nhưng nhà thơ không hề có ý định trở lại “chơi thôn Vĩ Dạ”, vì:

Ai biết tình ai có đậm đà.

Khuôn mặt chữ “điền” vẫn dễ thương, vì với gái Huế:

“Đẹp trong cách ăn nói nhỏ nhẹ, dịu dàng, ấm cúng, trong tiếng dạ thưa. Gái Huế đẹp trong cung cách e lệ, nhún nhường, khiêm nhường, dè dặt. Họ đẹp trong khoan thai, trang trọng, điểm một chút kiêu kỳ. Họ đẹp trong điệu bộ thong dong, thong thả”.

Và trên tất cả:… “Cái đẹp của họ là trong tim họ, trong tấm lòng của họ”.

Chữ điền hay không chữ điền, thì cô gái Huế vẫn đẹp, nhưng nói đến chữ điền thì không đúng lắm. Mặt chữ điền thì nét hơi cứng, làm bớt đi nét uyển chuyển, mềm mại tự nhiên của họ.

Chữ điền hay không chữ điền, thì Trần Kiêm Đoàn vẫn xao xuyến khi nhìn thấy cái răng khểnh duyên dáng, trắng nõn nà của Hoàng qua nụ cười “thương dễ sợ” dù phiến ớt đỏ chóe một cách vô duyên của tô bún bò còn sót lại trong kẽ răng…) (Chuyện khảo về Huế).

Cả hai ông Huế đều đồng tình tán tụng, y như dù co quẹt “lọ nghẹ” lên mặt, các cô vẫn đẹp.

Cô Hoàng Thị Kim Cúc vẫn đẹp, nhưng khuôn mặt không hề là chữ điền. Là học sinh khi cô phụ trách dạy gia chánh trường Đồng Khánh, là phật tử mà cô là huynh trưởng, tôi không hề quên nét mặt của cô.


Khi đi bộ đã đủ thời gian dầm mưa dãi nắng cho biết cực với đời, cho thân hình con gái mảnh mai, mềm mại, ốm gói, thì các đấng sinh thành mới động lòng mở hầu bao để sắm cho con gái một chiếc xe đạp, e cũng như của hồi môn để về nhà chồng, một tài sản quý giá của con gái Huế hồi đó, kèm theo một lời khuyên:

- Đi chầm chậm nghe con!

Lẽ tất nhiên là đi chầm chậm rồi! Đi một mình cũng chầm chậm. Đi cả đoàn cũng chầm chậm. Mưa bão cũng chầm chậm. Sét đánh cũng chầm chậm.

Ông xã tôi không quên cái máu “nghễ” thời xưa, thường khen: “Về Huế thấy không còn chi mấy, chỉ còn hình ảnh của các o nữ sinh đạp xe đi từng đoàn khi bãi trường là đẹp mà thôi! Đẹp còn hơn đám người mẫu biểu diễn thời trang trên sông Hương ngày Festival”.

Tôi tự phụ, làm như mình còn trong đám nữ sinh đó, trả lời: “Đó là chuyện dĩ nhiên, cái đẹp tự nhiên vẫn hơn cái đẹp kỹ xảo”.

Được chiếc xe đạp, đám con gái như chim mọc thêm cánh, chủ nhật tha hồ rủ nhau đi các lăng, các chùa, các vườn cây được ăn miễn phí. Cô nào cô nấy đều trở thành thợ may chuyện nghiệp “vá lai quần”, những lai quần rách te tua vì đạp xe. Cứ “áo rách” để “có cách người thương”. Là được rồi.

Tôi nghĩ rằng đã có “văn hóa đi xe” của con gái Huế.

Thành phố Huế không quá rộng, không cần phải dùng đến xe honda, nên chúng ta cùng đi, chầm chậm mà đi, không gì phải gấp.

Người con gái Huế vẫn rất dễ thương trên chiếc xe đạp. Hồn nhiên và không mặc cảm (như ở mọi tỉnh thành khác..)

Một điểm văn hóa khác, là không ngồi “chàng hảng” sau xe, mà ý tứ ngồi để hai chân khép kín một bên.

Tiếc thay người Huế tha phương không còn giữ được nề nếp đó. Dân số đông đúc, đi lại chen lấn, ngồi kiểu đó thì vô cùng nguy hiểm và liền bị cảnh sát giao thông thổi phạt, nên đành làm “con ngựa Thượng Tứ”.

Chỉ về Huế mới thôi làm con ngựa Thượng Tứ, vì đường xá thênh thang, mà mấy ông cảnh sát giao thông Huế thì không những không phạt, còn ngó mà biết đó là phụ nữ “xứ mền”.


Có lẽ trong đời của người con gái Huế, nơi mà các cô đi bộ hay xe đạp qua lại nhiều nhất là cầu Trường Tiền.

Xứng với tầm quan trọng, cầu Trường Tiền đã được tác giả nghiên cứu kỹ qua nhiều mục: cầu Nguyễn Hoàng, cầu Sông Hương, cầu Thành Thái, cầu Trường Tiền choán hết 3 trang 258, 259, 260 rồi Trường Tiền (năm 1874).

“Xây vào đời Thành Thái (1874 - 1899) nên vì thế có tên cầu Thành Thái. Sau khi truất phế vua Thành Thái, Tây đổi lại tên là Clemenceau và đến năm 1945 thì đổi tên là cầu Nguyễn Hoàng, nhưng dân chúng vẫn quen gọi là cầu Trường Tiền vì ngày xưa gần chỗ cây cầu có bến đò Trường Tiền và cũng có xưởng đúc tiền…”.

“Cầu bị giật sập hai lần: Khi bắt đầu bước vào cuộc khang chiến chống Pháp, và tết Mậu Thân 1968”.

“Đến năm 1991 bắt đầu tu sửa lần thứ 5, hoàn thành năm 1995 nhưng hai lan can không còn chỗ nhô ra để ngắm cảnh như xưa. Rất tiếc…”

Đám học trò Khải Định, Đồng Khánh xưa chúng toi lại còn tiếc hơn nữa. Đâu còn chỗ để cô nữ sinh tay giữ vành nón, tay khép hai tà áo, mắt nhìn vào phương trời xa xăm. Hình ảnh mà đám con trai ghi khắc trong tâm, đám du khách thu vào máy ảnh để tôn vinh cái đẹp.

Mấy ông Khải Định và chúng tôi còn có bến đò Thừa Phủ: “Bến đò ngang qua sông Hương, xeo xéo trước cổng trường Đồng Khánh, nơi các học trò Khải Định và Đồng Khánh đi về mỗi ngày. Một bến đò lãng mạn của Huế:

Vành nón bài thơ che ngang đò Thừa Phủ
Mưa giăng, núi chắn lối
Guốc mộc, gót chân son dẫm bùn lầy lội
Ô lý dẫu tàn phai son phấn
                        (Thơ Trần Thị Lạc Hồng)

Buồn thay những chuyến đò ngang “bắt nhịp” nay không còn nữa vì cây cầu “Mới” do nhu cầu chiến tranh dựng lên năm 1970, đã sổ toẹt và con sông Hương như bị vấy bẩn giữa dòng.

Vậy là mất đi một nơi chốn thuận lợi để trai Huế tha hồ “nghễ”, một điểm hẹn bất thành văn, chỉ để nhìn nhau, không ai nói với ai một lời, có thể kéo dài nhiều năm tháng, cho đến khi “được tin em lấy chồng”.

Chữ “nghễ” cũng được bác sĩ Bùi Minh Đức chăm sóc kỹ lưỡng: “ngắm, nhìn (đứng đợi trước trường Đồng Khánh để nghễ mấy em). Tiếng lóng của học trò Huế nhìn các nữ sinh. Phát xuất từ lớp đệ tam trường Khải Định (1950 - 1951) do cụ Phan Xuân Hiền dạy trong giờ chữ Hán và học trò lặp đi lặp lại. Lớp này có các nữ sinh nổi tiếng như Trà Mi, Lai Huyền Lục…”

Người đọc có chút phàn nàn là tác giả nói kỹ về vẻ đẹp gái Huế, mà không nói gì nhiều về lịch sử các người đẹp xứ Huế. Ông chỉ phớt qua: Các thiếu nữ ở Ngự viên và vài tên trong “chữ nghễ”. Phải chăng vì giai nhân của Huế “nhiều như lá mùa thu” kể không xiết, viết không hết, viết thiếu một ai để mất lòng người đẹp thì không nên, do đó, ông tế nhị không viết.

May thay, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, tuy không lần đến được lớp Thu Vân, Dạ Thảo, Kim Nhơn, Kim Phú...

Chiều tà, Bến Ngự, tình Nhơn, Phú
An Cựu, mơ màng, mộng Thảo, Vân.

Nhưng trong “Giai nhân xứ Huế” đã tiếp tay để ghi thêm tên 3 người em của Trà Mi: Kiều Mi, Nga Mi và Diễm My, cùng Hà Thị Như Nguyệt, Lưu Thị Kim Đính. v.v…

Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân thì thêm P.Th em của ca sĩ Hà Thanh, Bích Diễm, Dao A, những người đẹp đi qua đời Trịnh Công Sơn.


Để tô đậm nét đẹp của cô gái Huế, trong “Huế làm điệu” (Sông Hương số 236 - 10-2008) tác giả Bùi Minh Đức nhận định: “gái Huế với nhiều cách làm bộ làm điệu khác nhau thật dễ làm cho lòng người say đắm.”

Con gái Huế: “Từ những ngày còn thơ ngây cho đến lúc đã thành gia thất thường ăn mặc một cách kín đáo mỗi khi ra đường. Màu sắc chiếc áo dài của họ không bao giờ có hoa màu lòe loẹt. Mùa nào có màu nấy… Cách thức đi đứng cũng phải là “con nhà”. Họ bước đi từ tốn, không gấp gáp, đầu cúi nhẹ xuống như đang đếm bước mình đi, để tránh không vấp phải hòn đá, không đạp phải lai quần của chính mình đang chuôi phết trên đường đi. Đúng như lời Mạ dặn thường ngày “Đi cách răng cho người thấy bề ngoài của mình có dáng dấp đàng hoàng”, “là bề ngoài của một người con gái con nhà”. Bước đi chậm rãi, không hấp tấp, không vội vàng, đó là “nét điệu” của gái Huế khi đi ngoài đường…”

Rồi “ăn nói cũng luôn luôn phải giữ ý tứ”, “tư thế ngồi bắt buộc phải có dáng khép nép”, tất cả chỉ để “mọi người có ấn tượng tốt” về mình!.

Không chỉ con gái Huế làm điệu mà “trai Huế cũng mần điệu”. Để cho người khác khỏi cho mình là “Cả Quỷnh”, họ muốn cho các cô gái cùng thời với họ biết rõ là họ “diện điệu, ăn mặc điệu, ăn nói điệu, chơi điệu, ăn uống điệu, hút thuốc điệu, khiêu vũ điệu, lái xe điệu, vv… tức “cái gì cũng điệu hết”.

Nhưng bạn bè tứ xứ chớ hiểu lầm, con trai Huế điệu để chứng tỏ mình từng trải, sành sỏi, chứ không hề “bóng”. Cái nề nếp đậm màu phong kiến lâu đời của ông cha để lại, dường như đã trấn áp được cái ý thức bất bình thường đó. Quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong lòng xã hội xứ Huế, ít người đàn ông nào chịu “hạ giá” làm đàn bà.

Tuy nhiên, làm điệu là một nghệ thuật tinh vi, đòi hỏi trình độ nhận thức và đầu óc tế nhị của người sử dụng. Nếu vụng về hay thái quá thì đàn ông thành “dân nói trạng”, đàn bà thì “ngây thơ trăm lá, nghĩa là tra lắm, còn gọi là ngây thơ “bách diệp”.

Trong từ điển ghi rõ:

Ngây thơ trăm lá: ngây thơ cụ, ngây thơ bách diệp (tiếng trêu chọc) giả bộ ngây thơ (gái ba con mà còn giả bộ ngây thơ trăm lá). Trăm lá là “tra lắm” tức là già lắm.

Nói trạng: nói dốc, nói đề cao mình, nói chuyện không tưởng, nói chuyện mình không làm được.


Đã xa quê hương nửa thế kỷ, giờ đây chỉ là “người trong nội”, đối với con người và văn hóa Huế, đáng lẽ nên đọc hơn là viết, vậy mà đã “ăn theo” Từ điển tiếng Huế của bác sĩ Bùi Minh Đức để dài dòng văn tự.

Tuy nhiên, ỷ mình là người Huế có “chút thâm niên”, tan thưởng cái công lao “tận tâm, tận lực” của tác giả đối với tiếng nói của mẹ, cùng để được sống lại chuỗi ngày thơ mộng xa xưa, không ngại người chê là “nói trạng”, là “ngây thơ bách diệp”, chịu tiếng “tra đời chưa trót thế” mà viết cho đỡ nhớ nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nơi một thời “Tôn nữ” tuy không là Hoàng Phái.

Xin dựa ý thơ Thanh Tâm Tuyền(**) mà kết luận:

Đọc tiếng Huế mình cho đỡ nhớ
Tiếng thân thương, sâu lắng trong lòng!

Tuy nhiên, bác sĩ Bùi Minh Đức phí sức, lao tâm gần 20 năm để hoàn thành Từ điển tiếng Huế, đâu chỉ để độc giả đọc cho đỡ nhớ.

Hoài vọng của tác giả hẳn là mong muốn tác phẩm được góp phần vào việc gìn giữ cùng phát huy tính cách vừa độc đáo, vừa tuyệt vời của con người cùng văn hóa Huế.

Và dù vật đổi sao dời, văn minh hơn, tân tiến hơn, người phụ nữ cố đô sẽ giữ mãi vẻ đẹp thùy mị, đoan trang “rất Huế” của mình.

Mạnh Thu Kỷ Sửu 2009
T.T.L.C
(250/12-09)


-------------
(*) Các dòng chữ giữa ngoặc kép, không nêu danh người viết, thì đều là của tác giả Bùi Minh Đức, trích trong Từ điển tiếng Huế hay các biện khảo của ông.
(**) Thơ Thanh Tâm Tuyền. - Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
 Thanh Tâm Tuyền! Thanh Tâm Tuyền!




Các bài mới
Chờ tuyết rơi (04/01/2010)
Các bài đã đăng
Một lát cắt (28/12/2009)