Tạp chí Sông Hương - Số 250 (tháng 12)
“Đường thiền sen nở” cuốn sách quý về một nữ tu danh tiếng
08:17 | 31/12/2009
NGUYỄN CƯƠNGSư Bà Thích Nữ Diệu Không (tục danh Hồ Thị Hạnh) sinh năm 1905 viên tịch năm 1997 hưởng thọ 93 tuổi. Lúc sinh thời Sư Bà trụ trì tại Chùa Hồng Ân, một ngôi chùa nữ tu nổi tiếng ở TP Huế, đã một thời là trung tâm Phật giáo ở miền Nam.
“Đường thiền sen nở” cuốn sách quý về một nữ tu danh tiếng

Trong giới tu hành ở miền Nam không ai không biết đến danh và công lao đóng góp cho đạo, cho đời của Sư Bà. Sư Bà Diệu Không là người đã xây dựng và sáng lập ni tự Hồng Ân vào khoảng năm 1949 và có nhiều hoạt động xã hội khác.

Quyển “Đường thiền sen nở” do hai tác giả Lê Ngân và Hồ Đắc Hoài biên soạn do Nxb Lao Động và Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây ấn hành 6/2009. Quyển sách gồm 3 phần: Gia tộc và thân thế, hồi ký của Sư Bà Thích Nữ Diệu Không và Diệu Không thi lục.

Sư Bà Diệu Không là con của cụ Hồ Đắc Trung (1861 - 1941) quê ở làng An Truyền (Phú Vang - Thừa Thiên Huế). Cụ Hồ Đắc Trung nhận chức thượng thư Bộ Học kiêm Bộ Hộ dưới triều vua Duy Tân, uy quyền rất lớn nhưng cụ là người tôn trọng nghĩa khí, tính thanh liêm ngay thẳng, xuất thân từ Nho học, nhưng sớm có tư tưởng cách tân. Cụ có 10 người con (6 trai, 4 gái). Những người con của cụ sau này đã có nhiều người có công đóng góp cho đất nước như Tiến sĩ luật khoa Hồ Đắc Điềm nguyên phó Chủ tịch UBHC TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBMTTQ TP Hà Nội; Giáo sư Bác sĩ Hồ Đắc Di nguyên Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Y Khoa Hà Nội; kỹ sư Hồ Đắc Liên nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục địa chất; tiến sĩ dược khoa Hồ Đắc Ân, Sư Bà Diệu Không (con gái út) nổi tiếng trong giới Phật giáo.

Trong phần gia tộc còn giới thiệu nhiều chi tiết “những dấu ấn lịch sử” liên quan giữa cụ Hồ Đắc Trung và gia đình với vua Duy Tân, với cụ pho bảng Nguyễn Sinh Huy (Nguyễn Sinh Sắc). Phần này cũng đã nêu khá rõ tiểu sử của Sư Bà những đóng góp cho đạo, cho đời gắn bó với phong trào Phật giáo miền Nam những năm 1960 đấu tranh chống Mỹ - Diệm và những năm tiếp theo cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau năm 1975 Sư Bà Diệu Không với cương vị đứng đầu giới nữ tu miền Nam đã góp phần tích cực vào quá trình thống nhất tổ chức Phật giáo toàn quốc gắn với sự phát triển cua cách mạng Việt Nam trong giai đoạn cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Phần hồi ký của Sư Bà là phần chính cuốn sách. Phần này được ghi chép lại vào năm 1992, tác giả biên soạn không thay đổi thêm bớt, sửa chữa chỉ bổ sung phụ đề, chú thích và ảnh minh họa. Trong phần hồi ký người đọc bị cuốn hút với lối kể chuyện giản dị, dễ hiểu theo dòng lịch sử đôi khi pha chút dí dỏm về cuộc đời của mình xuất thân trong một gia đình đại thần triều Nguyễn Hồ Đắc Trung cho đến khi xuất gia theo đạo Phật. Trong phần hồi ký, chúng ta lại bắt gặp những gương mặt nữ tiêu biểu ở Huế hồi đầu thế kỷ trước như nữ sử Đạm Phương, bà Trần Như Mân, bà vợ Phan Bội Châu…

Các phong trào Duy Tân, Đông Du đều được nhắc đến. Có một số chi tiết thuộc về “thâm cung bí sử”, chuyện “hậu cung” dưới triều Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại với Bà Từ Cung, Nam Phương hoàng hậu đều được kể lại khách quan.

Phần Diệu Không thi lục đã giới thiệu trên 110 bài thơ trong sự nghiệp thơ của Sư Bà từ thập niên 20 cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước và khá nhiều bài chưa tìm được thời gian sáng tác. Những bài thơ này đã được đăng trên một số tạp chí của Phật giáo ở miền Nam trước đây và một số bài do các đệ tử nhớ ghi lại. Năm 2007, Nxb Thuận Hóa (Huế) cũng đã xuất bản quyển “Diệu Không thi tập”.

N.C

(250/12-09)




 

 

Các bài mới
Chờ tuyết rơi (04/01/2010)
Các bài đã đăng
Sáng hôm ấy (29/12/2009)
Một lát cắt (28/12/2009)