Tạp chí Sông Hương - Số 250 (tháng 12)
Từ ba chuyển đổi làm nên gương mặt của cái thời chúng ta đang sống...
16:33 | 04/01/2010
PHONG LÊĐó là: 1. Từ sự phân cách, chia đôi của hai thế giới - địch và ta, chuyển sang hội nhập, cộng sinh, có nghĩa là nhân rộng hơn các tiềm năng, cũng đồng thời phải biết cách ngăn ngừa, hoặc chung sống với các hiểm họa. 2. Từ cộng đồng chuyển sang cá nhân, cá nhân trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển, nhưng cá nhân cũng sẵn sàng nổi loạn cho các ước vọng thoát ra khỏi các chuẩn mực của cộng đồng. Và 3. Từ phong bế (ở các cấp độ khác nhau) đến sự mở rộng giao lưu, hội nhập với khu vực và quốc tế, với sự lưu tâm hoặc cảnh báo: trong đi tắt, đón đầu mà không được đứt gẫy với lịch sử.
Từ ba chuyển đổi làm nên gương mặt của cái thời chúng ta đang sống...
GS Phong Lê - Ảnh: trithuctre.com.vn

Cái thời ấy thế mà cũng đã hơn 20 năm, trong tên gọi Đổi mới. Dài hơn hai lần chống Pháp (1945-1954). Dài hơn hai lần cả nước chống Mỹ (1965-1975). Hơn hai thập niên đất nước chia cắt (1954-1975)... Những thời ấy, có lúc là ngàn cân treo sợi tóc - nhưng cả dân tộc cùng chung lo, cùng chịu đựng, cùng nhất tề xông lên, nhất tề đồng khởi... Còn bây giờ - là trăm mối lo toan. Mỗi biến động lớn nhỏ của đời diễn ra ở quanh ta, hoặc ở bất cứ nơi nào trên thế giới là trực tiếp đến với từng ngôi nhà, từng căn hộ, từng cá nhân riêng lẻ. Không bom đạn trên đầu, mà bối rối trong óc và bồn chồn trong lòng. Một cuộc sống sôi sục, cựa quậy trong những chuyển động...

Kể từ Cách mạng tháng 8-1945, rồi tiếp đó là 30 năm chiến tranh (đúng ra là ngót 40 năm - cho đến kết thúc cuộc chiến ở hai đầu biên giới), đất nước mới thật sự có hòa bình, nhưng là một hòa bình trong âu lo, vừa sum họp vừa ly tán, phấp phỏng cho đến thời điểm khởi động công cuộc Đổi mới. Đổi mới, vào lúc này, đó là lối thoát cho dân tộc; nhưng với lịch sử thế kỷ XX thì nó dường như là sự trở lại cùng những mục tiêu đặt ra trong khát vọng Canh tân của các nhà Nho yêu nước, qua phong trào Duy tân và Đông Kinh nghĩa thục vào thập niên đầu thế kỷ. Một phong trào với hai yêu cau bao trùm và khẩn thiết - đó là Dân chủ và Văn minh. Dân chủ: trở về với dân, và gắn dân với nước - “Dân là dân nước, nước là nước dân” (Phan Bội Châu). Và Văn minh: triệt để đòi thay đổi và xóa sổ cả một nền học vấn hủ lậu - “cáo hủ lậu văn” để đưa dân tộc tiếp cận với văn minh, văn hóa phương Tây - nơi giai cấp tư sản đã kiến lập nên một thời đại mới: thời đại chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang đế quốc chủ nghĩa, với tham vọng thống trị và chia sẻ thị trường thế giới. Dân chủ và Văn minh, ngay từ lúc khởi động, đã đưa xã hội Việt Nam vào một quỹ đạo mới, xã hội thuộc địa - bán phong kiến, và cũng với hai yêu cầu đó xuyên suốt thế kỷ, đi qua một cuộc cách mạng và hai cuộc chiến tranh cho đến mục tiêu Đổi mới và hội nhập hôm nay.

Suốt một thế kỷ kể từ khi kết thúc phong trào Cần Vương, năm 1897, yêu cầu Độc lập cho dân tộc luôn luôn gắn với khát vọng Dân chủ cho nhân dân chưa bao giờ vơi nhạt kể từ phong trào Duy Tân, đến con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, rồi sự thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương cho đến Tuyên ngôn độc lập năm 1945: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Cả ba quyền: sống, tự do, và mưu cầu hạnh phúc, chỉ có the thực thi triệt để, với cốt lõi là dân chủ, là dân làm chủ, thay cho mọi tầng lớp không phải là dân, không thuộc về dân - nó có thể là một giai tầng, một nhóm độc quyền, hoặc một lớp người đặc quyền, đặc lợi. Từ Tuyên ngôn độc lập - 1945, hơn 40 năm sau, đến cuối 1986, cả dân tộc lại trở lại khát vọng: “Lấy Dân làm gốc”. Đã có một cuộc cách mạng, đã qua hai cuộc chiến tranh (với sự đồng tâm nhất trí của nhân dân mới giành được chiến thắng), đã trải bao tìm tòi cho một Cương lĩnh xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa... thế mà sau một chặng đường dài gần một thế kỷ lại trở về yêu cầu dân chủ - như là một vạch xuất phát.

Và văn minh - đó là yêu cầu thoát ra khỏi tình trạng phong bế, gốc rễ của mọi sự hủ lậu, để mở rộng dần các mối giao lưu, trước hết là giao lưu với phương Tây - nơi có sự phát triển sớm và cao các nền móng khoa học và công nghe. Đó là hiện tượng chỉ có thể diễn ra vào đầu thế kỷ XX, khi mọi chủ trương cấm vận, bế quan tỏa cảng của vương triều Nguyễn đã hoàn toàn thất bại. Cuộc giao lưu đó, dẫu còn trong khuôn khổ hẹp, dẫu là trong bối cảnh xã hội thuộc địa, cũng đã tạo được những điều kiện tối thiểu để thực hiện yêu cầu hiện đại hóa trong từng bước, nhằm đưa đất nước thoát ra khỏi tình cảnh phong bế, hủ lậu của hàng nghìn năm phong kiến mà có một diện mao mới trong đời sống văn hóa, tinh thần, văn chương, học thuật. Từ sau 1945, lịch sử thử thách chúng ta bằng hai cuộc chiến tranh, làm chậm bước đi của lịch sử trong hơn 30 năm, cho đến 1975, rồi còn kéo dài cho đến cuối 80. Kể từ thập niên 90 mới có thể nói đến một kỷ nguyên mới cho sự phát triển của dân tộc, sau khởi động công cuộc Đổi mới, và từng bước thoát ra khỏi tình thế chiến tranh, và những bế tắc của một mô hình chủ nghĩa xã hội đang lâm vào khủng hoảng, rồi tan rã, trên phạm vi toàn thế giới. Có nghĩa là sau Cách mạng tháng Tám, những tưởng đất nước rồi sẽ có “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” trọn vẹn thế mà còn phải chịu đựng tiếp 30 năm chiến tranh, trong tình thế đối đầu giữa hai phe, hai hệ thống chính trị, hai hệ ý thức, hai con đường...

1

Tôi muốn bắt đầu sự nghĩ ngẫm về thực trạng hôm nay bằng cái chuyển đổi cơ bản, đầu tiên, và có thể là bao trùm: đó là sự chuyển đổi từ sự chia đôi thế giới, sự đối lập giữa hai phe, với yêu cầu đặt ra cho cả dân tộc và cho riêng từng con người là phải giành chiến thắng cho một phía; là tăng cường thường trực tính chiến đấu; là sự nam vững, quán triệt, nâng cao tính giai cấp và tính đảng; là sự kiên định lập trường, quan điểm Mác Lênin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; là yêu cầu không được nghiêng ngả dao động, mơ hồ lẫn lộn địch ta; là sự rạch ròi giữa vô sản- tư sản, giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản; là sự ngăn chặn con đường phát triển tư bản chủ nghĩa bằng mọi cách - kể từ một gánh hàng rong trên đường phố, hoặc mảnh vườn thuộc diện 5% đất canh tác được chia cho mỗi hộ nông dân; là phải biết phân biệt chủ nghĩa tập thể có đủ mọi phẩm chất ưu việt với chủ nghĩa cá nhân trong mọi biểu hiện xấu xa của nó, vân vân... và vân vân. Thay vì tất cả các biểu hiện đó, hiện hữu suốt trong cả một thời dài, hơn 40 năm, bây giờ là một ứng xử trái ngược - đó là nguyên tắc hòa hợp, hội nhập, cộng sinh (symbiose), “chung sống hòa bình” (cái khái niệm được gắn với mục từ “xét lại” làm hại biết bao nhiêu người thuộc giới trí thức, kể cả một số người thuộc giới lãnh đạo... trong suốt những năm 60 thế kỷ XX) không phân biệt chế độ chính trị và chính kiến cá nhân, kể cả những đối tượng từng là kẻ thù sinh tử trước đây. Bây giờ thì tất cả, không những có thể là bạn (nếu họ muốn) mà còn có thể là đối tác làm ăn, tin cậy. Còn trước đó, cả một thời dài là thế giới chia đôi, chỉ có ta và thù, chỉ có một khẩu hiệu, một mục tiêu: “Ai thắng ai?”, trong một cuộc chiến quyết tiêu diệt tận gốc những kẻ thù bằng xương bằng thịt là đế quốc - phong kiến - bù nhìn - tay sai, cùng tất cả những ai thuộc tầng lớp hữu sản (tư hữu) cho đến những kẻ thù vô hình là chủ nghĩa cá nhân mà bất cứ ai, trừ tầng lớp vô sản (gồm công nhân chính hiệu và bần cố nông), cũng đều có, nếu không có thì cũng phải biết cách phân thân ra mà tìm... Tóm lại ngoài chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản, các tàn dư phong kiến thì chủ nghĩa cá nhân cũng là một căn bệnh nan y, khó chữa, khiến từng người, với sự giúp đỡ hoặc chỗ dựa là tập thể (chi bộ, chi đoàn, công đoàn, đơn vị, cơ quan...) phải quyết tâm “quét cho sạch”, “diệt tận gốc”; có thế, sự nghiệp cách mạng mới tiến lên được.

Từ một tình thế lưỡng phân, chia đôi, trước câu hỏi “Ai thắng ai?” đặt ra gay gắt cho cả cộng đồng và cho từng người kéo dài suốt trên 30 năm, cho đến một thế giới cộng sinh, chủ trương cùng chung sống, giao lưu, hợp tác, giúp đỡ...; từ một chủ trương khép kín đến một chủ trương mở rộng cửa chào đón bất cứ ai có thiện tâm, thiện ý... đó là một chuyển đổi 180 độ, nó đòi hỏi tư duy và ứng xử của con người phải thích ứng triệt để; và tất nhiên chuyển động này là không dễ cho những ai đã quen với môi trường sống cũ, với cuộc chiến đấu cũ. Và đó là nét cơ bản của thực trạng hôm nay, từng gây nên những sửng sốt ngơ ngác cho không ít người, và khó tránh những va chạm gay gắt trong hệ ý thức, nhận thức và quan niệm sống của các cá nhân, và các cộng đồng lớn nhỏ của xã hội.

Chuyển đổi đó đòi hỏi con người phải thích ứng, nếu không nói là phải chủ động đón nhận. Một chuyển đổi, sau những thức nhận (hoặc giác ngộ) về con đường cả dân tộc đã đi qua, với chiến công lớn là thắng hai đế quốc to nhưng lại cũng đi kèm với bao vấp váp, lầm lạc trong phát triển xã hội làm hao tổn sức người và làm chậm bước đi lịch sử. Đi tìm bạn bè ở những đẩu đâu xa lắc, vì cùng chung quan điểm giai cấp, trong khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” mà coi nhẹ hoặc hy sinh quyền lợi dân tộc, một cách thật thà, và lánh xa các láng giềng gần, khác thể chế chính trị, nhưng có chung hoàn cảnh địa lý, thổ ngơi, tín ngưỡng, phong tục, lối sống... Những cái giá phải trả cho những ngộ nhận ấy là không rẻ cho từng người, cũng như cho cả một dân tộc.

“Không có bạn bè nào thường xuyên, không có kẻ thù nào thường xuyên mà chỉ có quyền lợi quốc gia là thường xuyên”. Ý tưởng sâu sắc này của Thủ tướng Anh - Chiến lược gia Wilston Churchill (1874-1965) trong nhiều chục năm trước đây là xa lạ với chúng ta, bỗng trở thành sự thật hiển nhiên vào cuối thế kỷ XX. Cuối cùng thì dân tộc, vẫn chỉ dân tộc là hiện hữu trường tồn cùng con người trong cái nhân loại có đến hơn hai trăm quốc gia và hàng ngàn chủng tộc này. Còn cấu trúc xã hội thì thay đổi, biến động theo yêu cầu của đấu tranh giai cấp trong từng thời kỳ, và theo sự phát triển của hoạt động sản xuất, khoa học, công nghệ. Trước đây nhiều chục năm, cho đến cuối thế kỷ trước, mỗi người Việt Nam sinh ra, trong giấy khai sinh, hoặc trong các bản khai lý lịch, đều có khoản ghi về thành phần, là địa chủ, phú nông, hoặc trung, bần- cố nông; là tư sản, hoặc tiểu chủ, tiểu thương hoặc tiểu tư sản... Từ những bản khai mà biết cách chọn đường vào nghề, vào đời. Hoặc là cực kỳ hanh thông, từ đời cha đến đời con, từ đời anh đến đời em, nếu là một lý lịch đẹp. Hoặc là vô cùng trắc trở, từ đời nọ qua đời kia, nếu là một lý lịch xuất thân, hoặc có dính dáng với tầng lớp hữu sản, giàu có gắn với bóc lột; hoặc không kiên định lập trường vô sản mà dính vào “xét lại”, hoặc “nhân văn- giai phẩm” - một cụm từ, hoặc hai khái niệm từng gây bao kinh hãi cho cả một thời. Bây giờ, cũng chỉ mới gần đây thôi, trong kỷ nguyên hội nhập, khi co cái nhìn rộng ra thế giới thì mới thấy cấu trúc của xã hội hiện đại, ở bất cứ nơi nào, về cơ bản, cũng là gồm 5 bộ phận cư dân trong quan hệ hợp tác, và tương tác lẫn nhau. Đó là lớp người hoạt động chính trị, lớp cong chức hành chính, lớp doanh nhân trong các khu vực sản xuất và lưu thông, tầng lớp trí thức, và những người lao động chân tay có kỹ năng nghề nghiệp. Bây giờ thì không biết các cơ quan chuyên lo công tác tổ chức- cán bo có cần đến các loại giấy tờ với các khoản ghi theo mẫu cũ nữa hay không? Hay chỉ cần một căn cước tùy thân gồm mấy dòng: tính danh, quê quán, nghề nghiệp, tôn giáo và dân tộc. Còn để xuất cảnh thì chỉ cần ghi Quốc tịch là đủ cho việc kiểm soát qua các cửa khẩu...

Đương nhiên hội nhập mà không hòa tan - và hòa tan làm sao được, nếu gốc dân tộc ở mỗi người là rõ ràng, vẫn là điều cần lưu tâm, để nhắc nhở. Bởi không bao giờ thừa việc cảnh giác, ngăn chặn khuynh hướng vọng ngoại, mất gốc, bỏ quên tổ tiên, như từng có lúc có người đã khinh rẻ giống anammit, mũi tẹt da vàng để mà đóng vai một ông Tây An Nam, ngót 80 năm về trước, trong một vở kịch cua Nam Xương. Nhưng lại cũng nên nhớ hơn một nghìn năm trước, dân tộc Việt đã phải sống dưới ách Bắc thuộc một nghìn năm, để sau đó lấy lại được quyền tự chủ từ thời Ngô Quyền... Lo lắng cho sự mất gốc, là cần thiết, nhưng một lòng tin có căn cứ trong lịch sử cũng phải là điểm tựa; mỗi người Việt Nam, mang căn cước Việt Nam, trong tận căn cốt, hãy đừng quên gốc rễ của mình. Mà muốn thế thì, bằng mọi cách (và đây là việc được phân cong cho các ngành giáo dục, khoa học, văn hóa, văn học, nghệ thuật) hãy làm cho mỗi người Việt, ngay từ lúc còn nhỏ đã phải biết tự hào về dòng máu Việt, có nghĩa là đều biết rung động trước bức tranh giấy dó làng Hồ, pho tượng chùa Tây Phương, điệu quan họ Bắc Ninh, hoặc câu ví dặm Nghệ Tĩnh, điệu hò xứ Huế... Và thật là cảm động, khi lâu lâu ta lại biết được ý nguyện của những người con xa xứ muốn góp phần xây dựng quê hương bằng những việc làm cụ thể, hoặc muốn trở về ở hẳn trên đất mẹ. Cũng thật cảm động khi nghe một thiếu nữ 19 tuổi người Bỉ gốc Việt tên là Quỳnh Anh hát bài Bonjour Việt Nam trong một tiếng Pháp rất chuẩn mà vẫn thấy xao xuyến bên trong cái hồn Việt.

Nhưng cộng sinh cũng có nghĩa là phải học cách chung sống với cái xấu, cái ác, trước khi nói đến việc đấu tranh cải tạo hoặc tiêu diệt nó, có thể là một công việc lâu dài, gian khổ. Cuộc sống yên bình, hết chiến tranh, bom đạn mà hiểm họa trong đời sống dường như lại nhân lên gấp bội, và rình rập con người khắp mọi lúc, mọi nơi. Khó mà kể hết những chuyện thường ngày - nạn bạo hành gia đình, ngược đãi tre con, gian lận thi cử, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, đồng tiền mất giá, giá cả leo thang... Mọi hiểm họa đến với từng gia đình, từng con người, trong từng bữa ăn, từng giấc ngủ. Diệt hết chim chóc thì côn trùng sinh sôi. Diệt hết thú rừng, cho vào các quán nhậu thì tự nhiên mất cân bằng. Hết hổ lớn, thì Sách đỏ của ta còn gì mà khoe, và diệt hết hổ con thì chuột nhớn chuột bé hoành hành. Đốt rừng, đào núi, lấp hồ thì sinh thái hỏng và tai nạn tự nhiên ngày càng khốn nạn. Thế giới tự nhiên trong tồn tại vĩnh hằng của nó cần được sống thân thiện với con người. Với tự nhiên còn thế, huống hồ là con người với con người. Sau chủ trương vô thần đưa tới sự phá bỏ đình chùa, cản trở hoạt động của các tôn giáo, bây giờ đến lúc phải coi trọng mọi niềm tin, mọi tín ngưỡng của nhân dân, bằng sự phục hồi gần như vô điều kiện mọi thứ lễ hội... bởi tôn giáo chẳng còn là “thuốc phiện” mà là cõi thiêng trong thế giới tâm linh của con người, của cõi người...

Từ phân cách, cô lập, đến hội nhập, cộng sinh, những bài tính cho cuộc sống, với các nhu cầu tối thiểu hoặc cần thiết của nó la trăm nghìn phiền tạp so với trước đây. Những đối sánh làm nên sự cân bằng cho cuộc sống bây giờ là được đo ở tầm vĩ mô, không còn là sự thu hẹp trong từng hộ, từng chung cư, từng ngõ phố, từng dòng họ, từng ấp, từng làng - cái đơn vị làng chưa dễ ở đâu cũng đã tuyệt đối hết những hủ lậu của “việc làng” (Ngô Tất Tố) và các dấu ấn của cái tên Vũ Đại (Nam Cao), để mở ra các biên độ rộng, nhờ vào kỷ nguyên thông tin trong một “thế giới phẳng”, đó là các cộng đồng dân cư cho từng vùng miền, từng khu vực địa lý, và rộng ra là từng phần nhân loại trong hội nhập. Nếu mức sống là cái so sánh không bao giờ cùng - hôm qua hàng trăm con người cùng song trong một chung cư, hoặc một cơ quan chỉ có độc một khu vệ sinh để sắp hàng mỗi khi có nhu cầu, thì bây giờ, đó là cái phải chăm lo đầu tiên cho mỗi căn hộ; hôm qua cán bộ đi công tác phải lo đủ các thứ tem phiếu và lo có chỗ tạm trú nơi bạn bè, còn bây giờ có sẵn cả một hệ thống nhà nghỉ, khách sạn đủ loại. Hôm qua mỗi người, mỗi nhà có một cái xe đạp mà đi là may, bây giờ thì loại xe đắt nhất, mới xuất xưởng trên thế giới, giá 6, 7 tỷ đồng một chiếc đã sớm có ở Việt Nam... Nếu mức sống, nhu cầu sống là thay đổi, và không bao giờ cùng, đã và còn đưa lại sự chênh lệch khủng khiếp trong hai giới giàu-nghèo (chuyện trước đây ít thấy có) thì loi sống lại cần phải có một đường biên cho nó, trong những giới hạn mà cá nhân và cộng đồng có thể chấp nhận, hoặc phải giữ gìn cho được. Nói cách khác, nếu mức sống là chuyện phải tính toán từng chặng cho từng cộng đồng dân cư, thì lối sống phải là chuyện vĩnh cửu cho cả một dân tộc. Bởi mức sống cao, chưa phải là chỉ số đo hạnh phúc, nếu ta biết, những nước ở Bắc Âu, như Đan Mạch, Na Uy là nơi có số người tự tử cao nhất.

Vậy là sau một phân cách đơn giản: Ai thắng ai? Hoặc là ta, hoặc là địch, nhằm chia các cộng đồng lớn-nhỏ ra hai tuyến đã đến với ta sự hội tụ, chung sống, cộng sinh - nương tựa vào nhau mà tồn tại; một nương tựa không chỉ có mặt thuận mà còn là cả mặt nghịch, để cho sự vật vẫn cứ luôn luôn là sự đối sánh giữa hai mặt tốt-xấu, thiện-ác, mà sự phân biệt và giành phần thắng cho cái tốt, cái thiện là vô cùng vất vả; không chỉ tùy thuộc vào năng lực quản lý của các giới chính quyền, mà còn tùy thuộc vào chất lượng sống, trình độ văn hóa của các tầng lớp cư dân; trong đó đóng vai trò quan trọng là hệ thống giáo dục ở học đường; là hoạt động của các giới văn hóa, khoa học, văn học, nghệ thuật, mà vai trò trung tâm là các tầng lớp trí thức, là giới trí thức trong xã hội.

...(Còn nữa)

P.L
(250/12-09)



 

 

Các bài mới
Chờ tuyết rơi (04/01/2010)
Các bài đã đăng
Sáng hôm ấy (29/12/2009)