Tạp chí Sông Hương - Số 251 (tháng 01)
Hướng về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội: Chiếu Dời đô - áng văn chương bất hủ
11:13 | 15/01/2010
NGÔ MINHÐọc lại Chiếu Dời đô, tôi bỗng giật mình trước sự vĩ đại của một quyết sách. Từng câu từng chữ trong áng văn chương bất hủ này đều thể hiện thái độ vừa quyết đoán dứt khoát với một lý lẽ vững chắc, vừa là một lời kêu gọi sự đồng thuận của triều thần với lời lẽ rất khoan hòa, mềm mỏng.
Hướng về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội: Chiếu Dời đô - áng văn chương bất hủ
Chiếu dời đô (Đền Đô, Bắc Ninh). Ảnh: thanglonghanoi.gov.vn

Chuyện dời một kinh đô rõ ràng là chuyện lớn vô cùng trọng đại liên quan đến sự tồn vong của vương triều. Thế mà Lý Công Uẩn với Chiếu Dời đô đã làm nhiều hơn thế, Thăng Long không chỉ là Kinh Ðô nhà Lý, mà là Thủ đô của nước Việt Nam qua nhiều triều đại tiếp theo và cho đến hôm nay (chỉ có thời Tây Sơn - Nguyễn Huệ và Triều Nguyễn, do hoàn cảnh lịch sử, Kinh Ðô phải chuyển vô Huế 157 năm). Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi, là một trong ít thủ đô trường tồn lâu dài nhất của thế giới.

Tôi lại nghĩ về những ông vua hay người đứng đầu đất nước có tầm nhìn xa, trông rộng là phúc lớn cho đất nước. Lý Công Uẩn cũng là một ông vua như vậy. Lý Công Uẩn, người khai sáng vương triều Lý (1010-1225), khai sinh Thủ đô Thăng Long - Hà Nội, sinh ra và được nuôi dưỡng, giáo dục nơi cửa chùa. Năm 1009, Lê Ngọa Triều (Lê Long Ðĩnh) của nhà Tiền Lê mất, Lý Công Uẩn được giới tăng sĩ và quần thần mà chủ yếu là sư Vạn Hạnh và Ðào Cam Mộc (một vị tướng người Thanh Hóa) tôn lên làm vua một cách êm thấm và kịp thời, lấy niên hiệu là Thuận Thiên (nghĩa là "theo ý trời"), miếu hiệu là Lý Thái Tổ. Lập tức, chưa đầy một năm sau - 1010, ông đã ban Thiên Ðô Chiếu (Chiếu Dời đô) dời Kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Ðại La, đổi tên thành Thăng Long. Ðó là quyết định có ý nghĩa lịch sử trọng đại nhất của Lý Công Uẩn, thể hiện một trí tuệ việt trác, thiên tài, một tầm nhìn xa vượt ngàn năm, một tấm lòng lo toan cho con cháu nước Việt muôn đời. Thời đại chúng ta cũng có những quyết định sát nhập, đổi tên tỉnh này nọ, nhưng chỉ hơn thập niên thôi tất cả lại trở về như cũ bởi tầm nhìn hạn hẹp. Ôi, một quyết sách của một vị Hoàng Ðế mà hơn 10 thế kỷ vẫn còn sức trường tồn hẳn là quyết sách của trời vậy!

"Chiếu Dời đô" của Lý Công Uẩn, là chiếu lệnh, một lời hịch kêu gọi tự tay vua viết, ban ra để nói rõ cho quần thần, trăm họ biết về một quyết sách lớn của triều đình là dời đô, và kêu gọi sự đồng lòng. Ðây là một văn kiện mang ý nghĩa vô cùng to lớn, là tác phẩm bất hủ xét trên nhiều phương diện văn chương, lịch sử, chính trị, địa lý, triết học...

Về văn chương: Chiếu Dời đô (CDÐ) là áng văn lớn, giàu cảm xúc và hình tượng, có trí tưởng tượng phong phú và có tính dự báo rất xa: "Huống chi thành Ðại La
ở khu vực giữa trời đất, có được thế đất rồng cuốn, hổ ngồi; chính vị đông, tây, nam, bắc; tiện nghi phía trước là sông, phía sau là núi. Khu vực ấy rộng rãi, bằng phẳng; đất ở đấy cao ráo, sáng sủa, dân cư không bị ngập chìm tối tăm khổ sở, muôn vật thịnh vượng, tốt tươi" (CDÐ). Không có trí tưởng tượng phong phú làm sao có được hình tượng giữa trời đấṭ… rồng cuốn, hổ ngồi? Ðó là hình ảnh lẫm liệt của Kinh Ðô mới khắc vào lòng người cho đến hôm nay. Còn tính dự báo thì hẳn ai đọc Chiếu Dời đô cũng biết, cho đến bây giờ Thủ Ðô của nước Việt thế kỷ XXI vẫn là Thăng Long ngàn năm trước của Lý Công Uẩn. Theo nhà nghiên cứu Tạ Ngọc Liễn, cụ Bùi Huy Bích (1744-1818) đã chọn Chiếu Dời đô vào công trình Hoàng Việt văn tuyển, là tuyển văn thơ cổ của nước ta "chứng tỏ cụ là nhà làm văn tuyển có con mắt rất tinh tường". Nhà văn Gia Dũng, khi biên soạn tập tuyển thơ Ngàn năm thương nhớ (tuyển thơ Thăng Long- Hà Nội 1010 - 2010) rất công phu, dày hơn 2000 trang đã xếp Chiếu Dời đô là bài thơ đầu tiên của tuyển. Trong Lời nói đầu, Gia Dũng viết: "Chiếu Dời đô là bài thơ đầu tiên của tổ tiên ta viết về Thăng Long- Hà Nội, và đến muôn sau, mãi mãi Chiếu Dời đô vẫn là bài thơ đẹp nhất, hay nhất, trữ tình nhất về Thăng Long- Hà Nội". Tại sao các học giả lại gọi Chiếu Dời đô là một áng thơ? Vì đó là áng thơ truyền được sự xúc động của Lý Công Uẩn tới người đọc ngàn năm sau về một hình tượng thơ lớn là Thăng Long "rồng cuốn, hổ ngồi" rất ám ảnh. Chính từ hình tượng thơ "rồng bay" trong Chiếu Dời đô đó mà Lý Công Uẩn đã đổi tên thành Ðại La thành Thăng Long chăng?. Nhìn thấy Ðại La là đất Thượng đô của Thượng đô muôn đời cũng là một hình tượng thơ lớn, tỏ rõ cái chí vì nước vì dân của Lý Công Uẩn.


(Trích dịch "Chiếu Dời đô" - Ảnh: govap.hochiminhcity.gov.vn)


Về mặt triết lý, Lý Công Uẩn dựa vào để lý giải việc dời đô là "Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi" (CDÐ). Mệnh trời ở đây nên hiểu theo nghĩa triết học là cái tất yếu, không thể cưỡng lại, đó cũng có thể là "sao chiếu mạng" trong lý số học, mà có thời người ta cho là mê tín dị đoan. Ở đây còn ý của dân - đó là chỗ dựa bền vững nhất của mọi triều đại. Cái gì mà dân không theo thì đừng làm. Nâng thuyền cũng là dân. Lật thuyền cũng là dân (Nguyễn Trãi). Cho nên kết thúc bài "hịch", Lý Công Uẩn viết rất "do dân, vì dân", muốn mọi người cùng chung sức làm việc lớn: "Trẫm muốn nhân địa lợi ấy để định đô ở đó, các khanh nghĩ thế nào?".

Về mặt địa lý, Lý Công Uẩn chắc chắn là người rất giỏi xem long mạch đất. Một năm trước lúc lên làm vua ông là quan nhà Tiền Lê, chức Tả thân vệ Ðiện tiền Chỉ huy sứ, lúc đó ông đã ấp ủ, nung nấu chuyện Dời đô ra thành Ðại La rồi. Nên mới lên làm vua là ông ban Chiếu Dời đô ngay. Những năm làm quan dưới triều nhà Ðinh và Tiền Lê đóng đô ở Hoa Lư ông đã thấy được đóng đô Hoa Lư chỉ với mục đích phòng thủ, cố thủ, thiển cận, tạo cho vua quan thói quen ăn chơi hưởng lạc, không có tương lai cho vương triều và thần dân trăm họ. Hoa Lư là vùng đất chật hẹp và bị núi bao bọc, ra vào chỉ có một đường độc đạo. Thế thủ thì tốt thật, song không có lợi cho việc xây dựng và phát triển vương triều cũng như đất nước lâu dài. Thực tế Hoa Lư là mạch đất không phải đất "đế đô" nên hai triều Ðinh và Tiền Lê luôn trong nội bộ bất ổn, vương triều tồn tại không được bao lâu (Triều Ðinh hai đời vua, tồn tại 13 năm (968-980), triều Tiền Lê ba đời vua, tồn tại 29 năm (981-1009). Theo Nguyễn Tài Thư, ở Hoa Lư, "cảnh vua - tôi, cha - con, anh - em dòng họ thống trị luôn nghi kỵ nhau, ám hại nhau liên tục xảy ra. Ðinh Liễn giết em là Hạng Lang lúc Ðinh Tiên Hoàng còn sống, rồi Ðỗ Thích là bề tôi trong cung giết cả Ðinh Tiên Hoàng và Ðinh Liễn; Lê Ðại Hành (Lê Hoàn) vừa mất thì ba con của ông đánh nhau, tranh nhau ngai vàng, rồi Lê Long Ðĩnh giết em là Lê Long Việt mới làm vua được ba ngày để tự mình lên ngôi, rồi ăn chơi trác tán để lại tiếng xấu trong lịch sử là vua Lê Ngoạ Triều... Cảnh tượng đó khiến người nào làm vua cũng đều có tâm trạng hoang mang, phải đối phó". Từ bài học đau xót đó, khi lên ngôi, Lý Công Uẩn cho rằng hai triều Ðinh, Lê là "quên mệnh trời", "cứ ở mãi trong ấp nhỏ của mình". Nhất định trước khi lên ngôi vua, Lý Công Uẩn với sự giúp đỡ của sư Vạn Hạnh, sư anh Lý Khánh Vân và tướng Ðào Cam Mộc (người Thanh Hoá) đã đi thị sát Ðại La nhiều lần, đã phát hiện ra mạch đất Ðại La là huyệt đất "đế vương" muôn đời. "Ngắm xem khắp nước Việt, thấy đây là vùng đất có phong cảnh tốt đẹp nhất, thực là nơi trọng yếu cho bốn phương hội tụ; là đất Thượng đô của Thượng đô muôn đời". (CDÐ), nên ông quyết tâm dời đô ra đó. Và quyết định đó là chính xác tuyệt đối.

Bằng chứng là sự phát triển hưng thịnh của vương triều Lý sau đó. Chiếu Dời đô là một bản văn 217 chữ Hán (dịch ra Quốc ngữ chưa đầy 300 chữ) mà nó làm nên một sự thay đổi sức mạnh của cả một triều đại và nhiều triều đại sau.  Vương triều Lý do Lý Công Uẩn khai sáng tồn tại 215 năm, 8 đời vua, là một triều đại lớn trong lịch sử đất nước với những ông vua anh hùng, có công khai sáng văn hiến dân tộc, như Lý Thánh Tông (1054-1072), Lý Nhân Tông (1072-1128); với những nhà quân sự, chính trị kiệt xuất: Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành Rồi tới các triều nhà Trần, nhà Hồ, nhà Hậu Lê đều làm nên những chiến tích lẫy lừng. Triều Lý phát triển mạnh về kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao: Xây dựng Kinh đô, thành quách khang trang, xây dựng các công trình thủy lợi, đê điều, phát triển nghề dệt, nghề gốm đạt tới đỉnh cao. Ngoại thương phát đạt. Vân Ðồn trở thành thương cảng quốc tế có nhiều tàu buôn Xiêm La, Giava, Tam Phật Tề (Palembang)... vào ăn hàng tấp nập... Triều Lý mở Quốc Tử Giám, lập chế độ đại học, mở khoa thi chọn nhân tài, chăm lo cho người già yếu... Với một đường lối đối ngoại vừa khôn khéo, vừa cứng cỏi, vương triều Lý đã được nhà Tống phương Bắc nể trọng,  lãnh thổ đất nước được bảo vệ chắc chắn, toàn vẹn. Thực tế thì biên giới đông bắc nước ta trải qua ngàn năm, từ triều Lý đến nay không nhiều thay đổi - một đóng góp lớn của vương triều văn trị võ công bậc nhất lịch sử dân tộc. Và trong lịch sử văn minh Việt Nam, có thể coi vương triều Lý đã trở thành vương triều mở đầu kỷ nguyên văn minh Ðại Việt. Và Kinh đô Thăng Long quả là cái nôi lập nghiệp đế cho muôn đời.

Tương truyền rằng, sở dĩ Lý Công Uẩn di dời đô sớm là do có điềm lành báo hiệu. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên trong Ðại Việt Sử ký Toàn thư viết rằng: "Lý Thái Tổ dấy lên, trời mở điềm lành  hiện ra ở vết cây sét đánh. Có đức tất có ngôi, bởi lòng người theo về, lại vừa sau lúc Lê Ngọa Triều hoang dâm bạo ngược mà vua (Lý Thái Tổ) vốn có tiếng khoan nhân, trời thường tìm chủ cho dân, dân theo về người có đức, nếu bỏ vua thì còn biết theo ai! Vua nhận mệnh sâu sắc, lặng lẽ, Dời đô yên nước, lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời, cùng là đánh dẹp phản loạn, Nam Bắc thông hiếu, thiên hạ bình yên, truyền ngôi lâu đời, có thể thấy là có mưu lược của bậc Ðế Vương
". Chuyện "điềm trên cây sét đánh", hay khái niệm TRỜI mà nhà sử học nói ở đây là một cách tôn vinh Lý Công Uẩn là CON TRỜI, bởi vì không Con Trời làm sao mà thông minh, tài giỏi tới mức có Chiếu Dời đô tầm nhìn xuyên 10 thế kỷ!

Với Chiếu Dời đô, Lý Công Uẩn đã tạo dựng cho nước Việt Nam một Thủ Ðô bền vững, trường tồn. Kinh đô Thăng Long chia làm 2 khu vực: Khu vua ở và thiết triều gọi là Thăng Long Thành và khu dân cư nơi làm ăn buôn bán của mọi tầng lớp sĩ nông công thương, dân quê gọi là phố Kẻ Chợ, vì mỗi phố sản xuất và bán một thứ sản vật nổi tiếng. Khu dân cư này cũng có thành bao quanh, gọi là Thăng Long ngoại thành. Cả hai khu vực này được tổ chức thành một đơn vị hành chánh, gọi là phủ Ứng Thiên. Ðến năm 1014 đổi là Nam Kinh. Sang đời Trần đổi là Trung Kinh, có 61 phường. Ðến đời Lê, mới tổ chức lại thành 36 phường. Ðến đời Hồ gọi là Ðông Ðô. Ðến thời nhà Hậu Lê, sau chiến thắng quân Minh, đổi thành Ðông Kinh. Ðến năm 1831, thời Minh Mạng, cái tên Hà Nội mới ra đời, gồm 4 phủ: Hòa Ðức (tức Thăng Long cũ), Thường Tín, Ứng Hòa, Lý Nhân. Thăng Long - Hà Nội - Thế đất "rồng cuốn hổ ngồi" ấy dẫu có nhiều giai đoạn bị ngoại bang chiếm đóng, vẫn luôn đỏ chói trong trái tim người Việt. Trải 500 năm, từ thuở theo Chúa Tiên Nguyễn Hoàng mở cõi phương Nam, trong trái tim những người chiến binh luôn luôn đau đáu nỗi nhớ Thăng Long - Hà Nội: Từ thuở mang gươm đi mở cõi / Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long (Huỳnh Văn Nghệ)


N.M
(251/01-2010)





 

Các bài mới
Hành trình (29/01/2010)
Chinh phục (25/01/2010)
Các bài đã đăng