Tạp chí Sông Hương - Số 251 (tháng 01)
Minh triết trong tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam
14:38 | 21/01/2010
LTS: Thế giới đang xuất hiện trào lưu phục hưng minh triết sau một thời gian dài chối bỏ. Ở Việt cũng đã hình thành Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh Triết thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt . Tiếp theo cuộc Hội thảo lần thứ I tại Hà Nội “Minh triết - giá trị nhân loại đang phục hưng”, cuối tháng 11.2009 tại Huế, Trung tâm đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Minh triết Việt trong tiến trình lịch sử văn hóa Việt”.
Minh triết trong tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai - Ảnh: tuanvietnam.net

Trên 30 tham luận đã được trình bày tại hội thảo, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân sỹ, trí thức, tu sỹ, giới nghiên cứu văn hóa nghệ thuật tại Huế... Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm NCVH Minh Triết nhấn mạnh: Tìm hiểu minh triết là chúng ta đang trở lại với chính mình, tìm lại bản thân mình từ nghiên cứu chính văn hóa Việt. Công việc mới bắt đầu. Minh triết như các hạt ngọc chìm sâu trong đá, phải truy tìm, lớp trẻ sẽ trả lời, không trả lời được là mất gốc, không biết mình đang ở đâu. Thế hệ chúng ta khởi đầu và có trách nhiệm chuyển giao cho các thế hệ sau tiếp tục công việc...

Thế nhưng như ban tổ chức nhận định: “Chúng ta đang như “sẩm sờ voi”, bởi con voi Minh triết quá kỳ vỹ. Chỉ mong mỗi người đóng góp một cái nhìn”.

Có hai quan niệm về minh triết được trình bày: là năng lực hiểu biết cao cấp; là năng lực hành động cao cấp, sự khôn ngoan trong ứng xử. Theo GS Tô Duy Hợp, minh triết là sự kết hợp hài hòa giữa hai điều trên. Nhà nghiên cứu Hồ Bá Thâm cho rằng minh triết Việt là tích hợp các dòng văn hóa. Nguyễn Hồng Trân xác định minh triết là nền tảng đạo đức có thể điều chỉnh nhiều mối quan hệ trong xã hội. GS Hoàng Ngọc Hiến chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại về khoảng trống đạo đức trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy, rất cần bắt đầu từ minh triết Việt để tự bảo vệ. Theo ông, minh triết là tính sáng khôn của loài người, không xa rời đạo lý của Thánh hiền, có sự vận động, cập nhật đổi mới... Tiến sỹ Thái Kim Lan cho rằng minh triết là hành động. Sống ở đời cần có tri thức để có thái độ sống, minh triết là tri thức hoàn hảo. Song tri thức có thể tìm ra nhưng chưa chắc có thể thực hiện, vì vậy cần có hành động để áp dụng chân lý tri thức vào cuộc sống...

Tổng kết hội thảo, GS Hoàng Ngọc Hiến khẳng định hai vấn đề: Một, hội thảo được tổ chức tại Huế- cái nôi văn hóa nên tương đối mỹ mãn. Hai, không khí văn hóa thấm sâu vào mọi giác quan của những người tham dự nên đã tạo niềm tin cho công việc nghiên cứu triển khai đề tài.

Dưới đây, Sông Hương xin giới thiệu một số trích đoạn từ các tham luận từ hội thảo tại Huế. Những công trình nghiên cứu khác, chúng tôi sẽ giới thiệu vào những số báo sau.
S.H



NGUYỄN KHẮC MAI


Về một số viên ngọc minh triết Việt

                                       (trích tham luận “Có một nền minh triết Việt Nam”)


Những người nghiên cứu Minh triết Việt phải đặt ra nhiệm vụ tìm tòi, chọn lọc, thống kê cho được giá trị minh triết trong lĩnh vực cơ bản của đời sống như xã hội, văn hoá, chính trị, kinh tế, đạo đức lối sống, tôn giáo tín ngưỡng v...v. Thật sự đấy là công việc lâu dài đòi hỏi một nỗ lực lớn của một tập thể đông đảo các nhà nghiên cứu. Trong phạm vi chuyên luận này, trên cơ sở những nghiên cứu còn rất sơ khai, chỉ xin nêu ra bốn giá trị minh triết chủ yếu trong bốn vấn đề phần lớn đều thuộc phạm trù Đạo trị của nước Việt .

Đạo lý vô vi cư điện các

Chữ Đạo dùng ở đây không mang ý nghĩa một thứ “tôn giáo” như ta vẫn gọi Đạo thờ mẫu, Đạo Lão, Đạo Gia tô, Đạo thờ tổ tiên... Đạo nguyên nghĩa của nó là con đường (là sự dẫn về, thuận theo, hướng tới). Đạo cũng được hiểu như cái tổng thể, tổng hoà, cái lớn nhất, bao trùm nhất về một phạm trù nào đấy. Những khuôn phép, phương pháp để thi hành một điều gì đấy, một lối sống, một đạo đức,... cũng gọi là Đạo. Ví như Đạo làm người, Đạo làm quan... Để cho rõ nghĩa và dễ hiểu xin dùng chữ đạo lý.

Đạo lý Vô vi cư điện các là một giá trị minh triết rất sâu sắc của Việt . Trước hết hẵng nói xuất xứ. Bấy giờ là đầu thiên niên kỷ thứ hai, thời vua Lê Đại Hành (941 - 1006). Đất nước bắt đầu một thời kỳ độc lập sau khi quy tụ các nhóm Sứ quân thành quốc gia. Nước được đặt tên là Đại Cồ Việt. Vua được tôn hiệu là Đại Hành. Điều kỳ lạ là danh hiệu Đại Hành chỉ là để nói về một nhà vua (hoặc hoàng hậu) vừa băng hà (chết). Nhưng dân ta từ thời ấy vẫn dùng Đại Hành để tôn xưng như một vương hiệu chính thức của nhà vua Lê Hoàn. Chính Lê Văn Hưu sau này cũng nhận ra điều lạ lùng ấy khi viết: “Thiên tử và hoàng hậu khi mới băng chưa chôn vào sơn lăng thì gọi là Hại Hành hoàng đế, Đại Hành hoàng hậu. Đến khi chôn vào sơn lăng yên rồi thì bề tôi mới họp bàn đức hạnh hay dở mới dâng thụy hiệu là Mỗ hoàng đế hay Mỗ hoàng hậu, không gọi là Đại Hành nữa. Lê Đại Hành thì lại lấy Đại Hành làm thụy hiệu mà truyền đến nay là làm sao?” Cái “là làm sao” phải chăng cũng là một mật mã lưu truyền cho con cháu mai sau chăng? Cần phải khám phá cái mật mã ấy, giải thích cái ý nghĩa ấy. Một nước Việt phải đại, phải cồ. Đại, Cồ như là một thôi thúc của bản năng sinh tồn và phát triển. Nó là một nhu cầu vươn lên, hướng thượng để tạo ra cái bản lĩnh, cái sức mạnh riêng của mình. Tuyệt đối không thể và không phải là một thứ tình cảm sô vanh nước lớn. Ý chí ấy cũng phải trở thành ý chí của Việt hôm nay phải dân chủ văn minh, giàu mạnh trong thế ứng xử toàn cầu hiện đại.

Một dân tộc “lớn” trưởng thành, có văn hiến ngày càng phát triển thì về mọi mặt của đời sống văn hoá, chính trị, đạo đức lối sống của từng người và của cả cộng đồng dân tộc phải hướng tới Đại hành. Hành xử lớn không nhỏ nhen, ti tiện, thấp hèn. Đại hành vì thế là một ứng xử hướng tới cái chân, cái thiện, cái mỹ. Đặc biệt trong triết lý, tư tưởng, đạo lý trị nước vĩ mô luôn luôn phải hướng tới Đại hành. Đó là phương châm nền móng đặt ra từ thuở ban đầu kiến tạo lại nền độc lập của Dân tộc. Tương ứng với phương châm Đại hành ấy phải lấy đạo lý Vô vi cư điện các làm triết lý, làm chuẩn mực để lãnh đạo, điều hành thực thi chính sự giữ gìn và bảo vệ Đất nước.

Bấy giờ, vào một ngày xuân nơi Điện Bách Bảo Thiên Tuế (nơi vua Lê Đại Hành họp  với các quan bàn việc nước) sư Pháp Thuận là Quốc sư của vua đã dâng bài Kệ khi nhà vua hỏi kế sách dựng nước.

Quốc tộ như đằng lạc,/ thiên lý thái bình./ Vô vi cư điện các,/ Xứ xứ tức đao binh.

Nghĩa là:

Vận nước và việc nước phức tạp, rối ren chằng chịt như dây leo quấn quýt,/ Trời (cần được) ở trong cảnh thái bình./ Đại lý vô vi có mặt (cư ngụ) trong triều chính, công việc triều đình (điện các),/ (Thì) mọi nơi sẽ không còn cảnh binh đao loạn lạc.

Có thể coi bài Kệ này là Bản Tuyên ngôn dựng nước và giữ nước sớm nhất. Đáng tiếc từ lâu văn học Việt chỉ cảm nhận nó như chỉ là ý kiến của một nhà sư, không thấy hết tầm vĩ mô, bàn việc nước của nó. Có thể đặt tên là Bản Tuyên ngôn Đại hành. Một bản tuyên ngôn để làm việc “lớn” của Dân tộc Việt . Ý nghĩa của nó là sự đánh dấu một khởi đầu để mà tiếp tục mãi mãi. Nội dung thì phong phú sâu sắc không chỉ duy nêu cái ý chí khẳng định độc lập chủ quyền và quyết tâm đánh bại mọi mưu đồ xâm phạm. Nó đặt ra những tư tưởng có tính nguyên lý, phổ biến, đúng cả ở thời điểm Đất nước mới được dựng xây ở đầu Thế kỷ XI, mà cũng phù hợp vào thời đại của Thế kỷ XXI. Việc nước, vận nước là phức tạp, phong phú, khó khăn (vì thế phải gắng sức nhiều), nhưng Đất nước (Trời ) phải được sống trong cảnh Thái Bình. Thái Bình là một ý niệm vừa có độc lập chủ quyền (không có ngoại bang dùng vũ lực tước đoạt quyền), lại có cả nội hàm của tự chủ, tự lập, là một trạng thái hoà bình, yên vui, sung túc (vừa thái, vừa bình). Thái bình là một lý tưởng, một khát vọng lớn của dân tộc trong suốt trường kỳ lịch sử ngàn năm nay.

Muốn thế, phải vô vi cư điện các. Phải tuân theo quy luật tự nhiên và xã hội. Phải hành xử thuận lòng người, lẽ đời và đạo trời. Phải dè chừng và bỏ đi mọi “hữu vi” chỉ lấy ý riêng, giáo điều, tham vọng riêng... làm mực thước, chế độ, chính sách trị dân, trị nước. Vì chỉ có vô vi như thế mới có chí công vô tư, mới đạt tới sự tôn trọng đạo trời (quy luật) đạo người (khát vọng, tình cảm, ước muốn được sống xứng đáng làm người của nhân dân). Có thế mới có thể coi dân là gốc của nước.

Đạo lý vô vi cư điện các có thể lấy làm triết lý để tổ chức, điều hành công việc vĩ mô của đất nước. Mà cũng có thể ứng dụng vào công việc vi mô của mọi tổ chức, cộng đồng của xã hội.

Đạo lý Vô vi cư điện các có thể diễn tả theo ngôn từ hiện đại là thực hiện nguyên lý chí công vô tư trong điều hành, lãnh đạo. Vô vi cần được hiểu trong thế tích hợp vừa có triết lý của Nho gia, của Phật gia, của Đạo gia (Lão Trang), lại còn được cảm nhận với kiến thức hiện đại. Triết gia F. Jullien (Pháp) cho rằng nếu đạt tới vô vi thì có nghĩa là vô bất vi. Tức là có thể đạt tới cái vương quốc của tự do hành động. Không gì là không làm được theo cái chân, cái thiện, cái mỹ. Tất nhiên là phải tránh cho được cái giả chân, giả thiện, giả mỹ.

Có thể khẳng định được rằng sự thăng trầm của các triều đại Việt trong lịch sử đều gắn liền với việc ứng xử đúng hay sai, tốt hay xấu cái nguyên lý, cái minh triết vô vi cư điện các.

Minh triết về thân phận con người

Tôi không biết có tư tưởng nào diễn đạt nỗi lo cho thân phận con người thâm trầm như thế. Trong Tham đồ hiển quyết có một câu như thế:

“Thế nhân gia nhậm ốc/ Lậu nhân hà sở tại; nghĩa là: Người đời ai cũng đi thuê nhà để ở (ngôi nhà dột có thể che chắn ở tạm)/ Còn Con người “dột” thì biết trú vào đâu. Cái cá nhân của mỗi người biết trú vào đâu khi con người bị “dột”? Người dột là người không hoàn thiện. Có cái dột về thân xác như ốm đau, bệnh tật, tàn phế. Có cái dột về tinh thần thiểu năng, thiểu trí, thất học, đạo đức sa đoạ, nhân cách khiếm khuyết.

Tham đồ hiển quyết là tác phẩm Thiền học của Sư Viên Chiếu (999 - 1091), có nghĩa là chỉ bày đạo Thiền cho học trò.

Các tác phẩm của Sư đều thất lạc, chỉ còn Tham đồ hiển quyết (chưa chắc đã trọn vẹn) và một bài Kệ được chép lại trong Thiền uyển tập anh.

Tham đồ hiển quyết là 59 cặp hỏi và đáp giữa sư và học trò. Đây là một bài giảng pháp rất đặc biệt, không luận chứng trực tiếp vào giáo lý mà dùng những hình tượng ngẫu nhiên, đột ngột nhằm kích thích trực giác của người tu hành. Điều rất thú vị là để bàn đến những phạm trù giáo lý khô khan như cái thể, cái chân, cái vọng, cái dụng, niết bàn, bồ tát, Phật và Thánh,... Cả người hỏi, đặc biệt là người trả lời đã sử dụng những câu thơ rất bóng bẩy, hình tượng, đẹp và gợi cảm. Ví dụ:

Hỏi: Thế nào là Đạo lớn./ Một lối thẳng về nguồn?
Đáp: Gió thốc bờ cao hay cỏ cứng,/ Nước non chìm đắm biết trung thần.

Riêng tư tưởng “Người dột biết trú đâu?” thì nằm ở cặp hỏi đáp như sau:

Lại hỏi: Thế nhân giai nhậm ốc,/ Lậu nhân hà sở tại?
Đáp: Kim ô kiêm ngọc thố,/ Doanh trắc mạn lao phân.
(Mặt trăng kia với mặt trời,/ Hoài công mà tính lúc vơi lúc đầy).

Có một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao đầu đời Lý, trong bao nhiêu vấn đề được đặt ra, thì vấn đề thân phận con người lại cũng được nêu lên sâu thẳm dường vậy?

Nên nhớ rằng các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, tuy đã mở ra thời kỳ tái lập nền độc lập, tự chủ nhưng thời gian quá ngắn, chỉ trong vòng mấy mươi năm, việc nước chưa làm được gì nhiều. Khi Lý Công Uẩn được “công cử” mà lên ngôi mở đầu một thời đại Đại Việt, quy mô, bề thế cả văn trị, võ công. Phải chăng từ bản năng sinh tồn mà người Đại Việt đầu đời Lý đã “ngộ” ra vấn đề con người, tư tưởng lo cho con người. Phải xây dựng một triều đình uy nghi, có điển lễ, có luật pháp, có vua hiền, quan giỏi. Phải xây dựng nền văn minh Đại Việt về vật chất, về tinh thần có văn hoá, giáo dục, thi cử chọn nhân tài, học hành giáo hoá mở rộng. Phải có quân đội tinh nhuệ mới mong “phá Tống”, “bình Chiêm” đặng giữ vững giang sơn xã tắc vừa giành lại được nền tự chủ, thống nhất. Tất cả những công việc lớn, bé ấy để xây dựng và phát triển một quốc gia Đại Việt... đều phải do chính con người Đại Việt thực hiện. Cái cảm giác nhận xuất phát từ tiềm thức, nó là trực cảm, không thể chỉ lo cho con người - Con người biết trú vào đâu xuất hiện. Quan sát lịch sử triều Lý ta dễ dàng nhận ra điều ấy. Một triều đại không cai trị chủ yếu bằng bạo lực mà coi trọng văn trị. Quan hệ vua - dân đậm chất thân dân, nhân ái, khiến chi một nhà vua ngồi trong cung ấm áp cũng nghĩ ngay đến thân phận kẻ bị tù tội mà lệnh cải thiện chế độ lao tù. Một hoàng phi sống trong cung ngà điện ngọc lại biết lo cho từng con trâu của nông dân. Mở khoa thi cấp quốc gia mới có Lê Văn Thịnh là người khai khoa (mở đầu học vị cao nhất), cho lập Văn Miếu, xây dựng nhiều chùa bởi thời ấy mỗi ngôi chùa cũng là một trường học, để làm cho nền quốc học thăng hoa.

Tư tưởng chăm lo cho con người, Minh triết “Người dột biết trú đâu” đã trở thành một dấu son, một chỉ báo để người đời sau tìm thấy cái tác động của một giá trị nhân văn đánh dấu một thời đại thịnh trị mới, một chất lượng hùng cường của Dân tộc. Nghiệm ra Minh triết lo lắng “Con người dột biết trú đâu” là một giá trị nhân văn của muôn đời. Nếu biết khai thác minh triết này, biết biến nó thành phẩm chất của con người của xã hội, đem giá trị ấy phổ biết trong mọi công việc mọi chính sách đối với con người, đối với nhân dân hôm nay, hẳn là một việc làm rất triết mỹ. Nó sẽ nâng tầm cao của nhân cách, tạo chiều sâu tốt đẹp của tâm hồn Việt hôm nay trong mọi cung bậc cuộc đổi mới.

Minh triết “Người dột biết trú đâu” là một bài học lịch sử lớn của Đạo làm người Việt . Không được lãng quên Nó!

Cũng cần nói thêm một điều rằng, trong cặp câu hỏi - đáp ấy không duy chỉ câu hỏi “Người dột biết trú đâu” là có giá trị tư tưởng lớn. Mà câu trả lời lại vừa độc đáo lại vừa thâm trầm hơn. Ban đầu tôi cứ nghĩ đó là cách trả lời truyền thống của các công án Thiền. Con người ư? Thân phận con người ư? Con người dột không hoàn thiện, người không ra người ư? Tự nhiên thôi. Đến mặt trăng mặt trời còn lúc tròn lúc khuyết, lúc vơi lúc đầy nữa là. Tuy nhiên ngẫm nghĩ kỹ thì không chỉ như thế. Ngày nay nhân loại đã đi tới được một tư duy: vấn đề con người không thể chỉ giải quyết, mà cả việc hiểu con người là gì là ai v...v, ở đâu đến, sẽ đi về đâu, không thể dừng lại ở phạm vi nhân sinh xã hội. Những câu hỏi lớn ấy nếu chỉ dừng lại ở cấp độ nhân sinh mà thôi, thì đúng như Huy Cận nói “Những câu hỏi lớn không lời đáp”. Nhân loại đang kiếm tìm giải đáp ở cấp độ vũ trụ luận. Đấy mới là vấn đề. Như thế là chính chúng ta cũng đang tiếp nhận một gợi ý thiền học phải tìm, lý giải thân phận con người theo vũ trụ luận. Ánh sáng Thiền ấy đã rọi tới chúng ta từ ngàn năm trước.

Đạo lý thân dân và Minh triết

“Bậc nhân chủ phải lấy ý của thiên hạ làm ý của mình, lấy lòng của thiên hạ làm lòng của mình”.

Đây thật sự là một nguyên lý có tính phổ quát nói về tư cách và phẩm chất của người lãnh đạo. Ngày xưa là nói về một minh quân, một nhà vua hiền minh thánh trí, Ngày nay là nói đến giới lãnh đạo của một nền dân chủ. Nhân dân là người đứng đầu một quốc gia dân tộc.

Bấy giờ là đầu đời Trần. Trần Cảnh tức Trần Thái Tông tiếp nhận ngôi vua nối tiếp vương triều nhà Lý thông qua cuộc nhường ngôi của Lý Chiêu Hoàng. Do một bức xúc cá nhân và nội tâm, một đêm, Trần Thái Tông đã cùng ít tuỳ tùng bỏ ngôi vua, bỏ Kinh thành tìm lên Yên Tử tu hành. Thái sư Trần Thủ Độ vội vã cùng triều thần lên Yên Tử nài nỉ mời nhà vua trở về. Chỉ khi Thiền sư Phù Vân tâu với nhà vua lời lẽ như trên, TrầnThái Tông mới chấp nhận về triều. Từ đó ngài chủ động việc triều chính, xây dựng lực lượng đoàn kết quốc gia, đào kênh, đắp đê, mở trường học, định khoa thi (nhiều hiền tài xuất hiện như Nguyễn Hiền 13 tuổi, Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên...), chấn chỉnh quân đội, ban bố luật lệ, giữ yên bờ cõi phía Bắc, đánh dẹp quân Chiêm gây rối ở phía nam, chủ trương đền bù cho nông dân bị lấy đất đắp đê, bán ruộng công cho dân... Nhà vua cư xử nhân hoà, khoan ái, tạo ra một tình hình thịnh trị rõ rệt khiến đủ sức mạnh đập tan cuộc xâm lăng thứ nhất của quân Nguyên Mông (1257).

Có thể nói triết lý ấy “lấy ý, lấy lòng của thiên hạ làm ý, làm tấm lòng của người (giới) lãnh đạo như một định hướng tinh thần khiến cho xã hội đời Trần, rõ nhất là giai đoạn các vua đầu triều đại, đã có sự thăng hoa, phát triển trên khắp các mặt chính trị, quân sự, văn hoá và tôn giáo, đạt tới đỉnh điểm rực rỡ của nền văn minh Đại Việt. Đó là một thời đại một đi không trở lại trong lịch sử nước nhà.

Hiện nay chúng ta đang thực hiện những mục tiêu (tổng quát) để phát triển Đất nước theo các tiêu chí sau:

Dân giàu - Nước mạnh - xã hội Công bằng Dân chủ Văn minh. Nói dân chủ trong tiến trình nhân loại hiện đại thì Việt phải giải quyết ba vấn đề then chốt và cơ bản.

Phải khẳng định tư tưởng Dân là quý, Dân là gốc, từ đó khẳng định nguyên lý pháp quyền dân chủ (dù là chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản) là nguyên lý Quyền tối thượng của nhân dân (La suprêmatie du Peuple). Bất cứ thể chế dân chủ nào cũng phải tuyên bố nguyên lý pháp quyền này. Tuy nhiên vấn đề dân chủ có là của Dân hay không, hay chỉ là lời nói hoa mỹ của các chính cương, tuyên bố, chỉ được ghi chép trên giấy tờ thì phải trải qua quá trình đấu tranh thực hiện.

Việt nếu tuân theo minh triết của cha ông thì tất yếu cùng nghĩ và cùng làm theo Hồ Chí Minh: thực hiện “dân chủ mở rộng”, “dân chủ triệt để”, “dân chủ thật sự”... Phải làm cho Dân ai cũng “hưởng được quyền dân chủ, dùng được quyền dân chủ”. Ở nước ta, người thể hiện giá trị minh triết thân dân trong thời hiện đại chính là Hồ Chí Minh.

Phải khẳng định quyền của Dân mà cơ bản là những quyền dân sự, ngay cả Các Mác cũng phải nhận thức rằng “Nhà nước cơ sở tự nhiên là gia đình, cơ sở nhân tạo là xã hội công dân (dân sự). Nếu coi xã hội dân sự là nền tảng của nhà nước thì phải thực hiện một hệ thống tư pháp đủ để thể hiện trong thực tiễn sự tôn trọng cái nền tảng ấy của Nhà nước.

- Phải xây dựng thể chế chính trị, thiết chế xã hội thật hài hoà, cân đối 3 định chế chính trị - nhà nước - là: quyền lực nhà nước, quyền lực xã hội dân sự - hệ thống tư pháp (pháp quyền).

Kê minh thập sách - Minh triết dựng nước giữ nước.

Điều rất đặc biệt, đây chính là tác phẩm của một người phụ nữ. Bà tên là Bích Châu họ Nguyễn (vẫn được viết là Nguyễn Thị Bích Châu). Theo Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm, bà là cung phi của vua Trần Duệ Tông (1336 - 1377). Nhân thấy triều chính cuối đời Trần có chỗ suy vi, bà viết tờ biểu dâng lên nhà vua lấy tên Kê minh thập sách, nghĩa là mười chính sách viết (dâng) lúc gà gáy sáng. Bà mượn ý của bài thơ Kê minh trong Kinh thi nói về một bà hoàng phi nghe gà gáy sáng liền trở dậy chuẩn bị và giục nhà vua đi coi chầu (lên điện làm việc với các quan).

Một là năng giữ cỗi gốc của nước, dẹp bỏ hà khắc bạo ngược thì lòng người yên vui.
Hai là giữ gìn nền nếp, bỏ phiền nhiễu thì kỷ cương không rối.
Ba là nén chặt kẻ lộng quyền để trừ lũ sâu mọt hại nước.
Bốn là thải loại bọn tham quan lại nhũng để giảm bớt sự chài vét của dân.
Năm là xin chấn hưng việc học cho lửa đuốc (văn hoá, trí tuệ) cùng mặt trời soi sáng.
Sáu là xin cầu lời nói thẳng, để cho đường ngôn luận và cổng thành cùng rộng mở.
Bảy là kén quân trước hãy chú trọng sức khoẻ sau mới tính đến dáng vóc.
Tám là chọn tướng cốt người thao lược rồi mới tính đến thế gia.
Chín là khí giới quý hồ bền sắc không chuộng hình thức hoa hoè.
Mười là trận pháp cốt cho chỉnh tề cần chi điệu múa.
Xét mấy điều ấy đều rất thiết dụng cho ngày nay.
Mạo muội bày tỏ lòng trung, mong lời quê mùa được rộng xét. Điều hay thì thi hành, điều dở thì bỏ đi. Xin vua xét đến. Nước được trị, dân được yên, đó là ước nguyện của thiếp vậy.

Mượn tiếng gà gáy để ngụ ý sự thức tỉnh. Ở đây không chỉ là đánh thức một người trở dậy để làm lụng, dù là việc làm của vua ra dự lễ thiết triều. Kê minh là tiếng báo thức cho trí tuệ, cho những hệ thống tư duy phải tỉnh dậy với những suy tư mới, tâm huyết mới, tình cảm và ý chí hành động mới. Bà mượn tứ của Kinh thi để trình bày một cương lĩnh, một triết lý hành động dựng nước và giữ nước, xây dựng quốc phòng.

Mượn kế sách, mỗi kế sách đề cập đến một lĩnh vực lớn, nhưng chỉ bằng một hai câu. Đây là phong cách tư duy Thiền học mà đời Lý - Trần rất thịnh. Một vài câu thôi nhưng chỉ rõ ruột gan của vấn đề, cốt tuỷ của sự việc. Có thế mới đi tới “bất biến ứng vạn biến”. Tôi cho đó là những minh triết, có giá trị như những định đề, những công thức khái quát mà mỗi thời phải biết tìm cách vận dụng đặng giải những bài toán chính trị - nhân sinh thời đại của mình.

Ta bây giờ đang coi Dân là gốc của nước, lại đang hô hào giữ cái bản sắc (cũng là gốc) văn hoá của mình.

Xưa nay không ai lại nghĩ rằng học thuyết này chủ nghĩa kia mới là cái gốc. Nên Trần Hưng Đạo nói khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Nguyễn Trãi lại nói phải trừ bạo để yên dân và làm sao cho trong thôn cùng xóm vắng khôn còn lời hờn giận oán sầu. Vào thời nay Hồ Chí Minh lại nói một ham muốn tột bậc: nước được độc lập, dân được tự do ai cũng có cơm ăn áo mặc ai cũng được học hành... Cho nên hà bạo, phiền nhiễu, nhũng lạm, lộng quyền là những tệ đoan đang diễn ra với những hành vi, dạng vẻ mới phải trừ khử, ngăn chặn, dẹp bỏ. Như nói về hà khắc bạo ngược thì không chỉ là hành vi của cơ quan hoặc nhân viên công quyền đối với dân, mà những thiết chế, những phương thức sinh hoạt không nhân văn như tai nạn giao thông, ô nhiễm hoá chất, ô nhiễm tiếng ồn, khai thác rừng, đất đai nguồn nước xô bồ, lạc hậu tham lam... cũng đều là hình thức hà bạo mới! Ta đang cải cách hành chính, đang xây đựng và đổi mới hệ thống công quyền từ Đảng đến những cơ quan nhà nước làm sao cho văn minh, công bằng, dân chủ hài hoà với hệ thống dân sự... thì những mách bảo bỏ phiền nhiễu, chặn lũ lộng quyền, thải bọn tham nhũng chính là nói với chúng ta đó thôi.

Điều thứ năm, thứ sáu mới thật là thần tình kỳ diệu. Sao lại có một tư duy, một cách đề cập sắc sảo đến vậy về hai vấn đề cấp bách của chúng ta. Bà nói phải chấn nho phong. Nho phong tức là việc học, không chỉ là học để biết, để làm mà hơn thế là để làm người! Mà cũng không chỉ là việc học, còn là vấn đề rộng lớn hơn của văn hoá khoa học. Ngọn đuốc Nho phong, ngọn đuốc văn hoá, khoa học phải được thắp sáng khắp nơi! Chưa bao giờ lại thấy lời nhắn gởi lịch sử làm ta xúc động dường vậy. Điều thứ sáu, nguyên văn: “Nguyện cầu trực gián, hội thành môn dữ ngôn lộ tịnh khai”. Nghĩa là “hãy cầu lời nói thẳng khiến cho cổng thành cùng đường ngôn luận rộng mở”. Phải cầu xin chứ không phải “có cho nói mới được nói”! Sao lại có ý kiến cập nhật dường vậy. Đường ngôn luận lại đi đôi với mở cửa. Ngôn lộ của chúng ta hôm nay chưa thật văn minh, công bằng, dân chủ. Bởi vì con đường mở ra từ quá khứ lạc hậu. Cũng giống như rác rưởi trên đường vẫn bám cuốn theo guồng bánh xe quay vậy. Trở lại kế sách thứ ba, bà nói phải nén chặt lũ quyền thần để trừ sâu mọt hại dân. Lũ lộng quyền ngày nay đang tuỳ tiện “làm luật”, bán đất, chia chác, làm quy hoạch treo, dung túng xã hội đen, bảo kê cơm tù, làm nhiều việc đã rồi ảnh hưởng tới lợi ích của dân của nước.

Người Việt xưa nay vẫn quan tâm hai điều dựng nước và giữ nước. Bốn điều sau cùng là nói kế sách tăng cường sức mạnh quân sự, quốc phòng. Quân và Tướng, khí giới và trận pháp, đều là những gợi ý sâu sắc. Riêng vấn đề chọn tướng cốt người thao lược thì đấy là một nguyên lý, một triết lý của muôn đời mà không chỉ cho quân sự. Trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của hoạt động nhà nước hôm nay từ chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học, nghệ thuật, an ninh quốc phòng, đối ngoại... đều có thể lấy nguyên lý ấy để rà xét chiêm nghiệm và giải đáp.

Trong lời kết luận bản tấu bà nói rõ “Phù duy sở sự, thậm thiết thời nghi”. Mấy điều ấy hết sức cấp thiết, rất phù hợp thời thế. Vì lẽ những tư tưởng đúng thời xưa mà cũng hợp với thời nay, tôi gọi đó là Minh Triết giữ nước và dựng nước.

N.K.M
(251/01-2010)






 

Các bài mới
Hành trình (29/01/2010)
Chinh phục (25/01/2010)
Các bài đã đăng
Thơ Trẻ (19/01/2010)