Tạp chí Sông Hương - Số 251 (tháng 01)
Thơ trẻ Huế hôm nay
09:13 | 22/01/2010
ĐÔNG HÀ1. Dòng thơ giàu chất trữ tình, đậm màu sắc văn hóa vùng miền
Thơ trẻ Huế hôm nay

Cũng như sự chuyển mình của nhiều nhà thơ trẻ hiện nay, thơ Huế cũng khao khát vươn lên, vượt qua khỏi những vướng víu chật chội của chính mình, của một vùng đất để đi lên với nhịp điệu chung của thời đại. Khao khát bứt phá, đổi mới khiến nhiều nhà thơ trẻ đang đặt mình vào sự hoài nghi của chính mình. Đó cũng chính là nguyên nhân thúc đẩy sự thay đổi trong cách cảm nhận, cách viết của những nhà thơ trẻ Huế.

Không dễ gọi tên những người viết trẻ ở Huế những danh xưng nhà thơ đình đám trong rất nhiều những tên tuổi nổi loạn và gây hấn trên thi đàn Việt hiện nay. Họ xuất hiện có phần lặng lẽ và đằm địa. Đằm địa trong tính cách ngày thường và lặng lẽ trong từng cách gieo chữ. Điều đó không giúp họ gây tiếng vang trong giới sáng tác nhưng cũng đủ sức chuyển tải những thông điệp của một người cầm bút đến với một lượng độc giả riêng của mình.

Với đặc tính vùng miền, không khó để nhận ra tố chất thăm thẳm hun hút chiều sâu của những nhà thơ trẻ xứ Huế, hay ít ra là những người đã sống và gắn bó với vùng đất này. Ở họ người đọc vẫn còn thấy chất trữ tình dịu dàng của rất nhiều nhà thơ thế hệ trước đây. Từ giọng điệu dịu dàng của cái tình chi nước non ngàn dặm ra đi…, đâu đó người ta vẫn bắt gặp cái kiểu nói rất đỗi mềm mại kia, như Đêm khuya dặn lòng buồn say ngủ lại/Thảo nguyên còn xanh xa cuối chân trời/ Lũ sói hãy còn hiền trông xác thỏ/ Ngọn roi hư không dạy dỗ bao điều (Lời ạ, ngàn sau - Hạ Nguyên) hoặc Một giọt rượu em rót vào ta thánh thót/ Cháy bùng lên một trời guitare (Guitare - Minh Tự). Người đọc cảm nhận được những cung bậc tình cảm rất nồng nàn song vẫn mang một đặc tính trầm của người thơ xứ Huế: Một lần trở lại ta làm đám cháy/ Đốt lên một đống lửa/ Ngồi gảy đàn hát với guitare (Guitare - Minh Tự).

Trong hầu hết những sáng tác của những nhà thơ trẻ xứ Huế, người đọc không còn tìm được vết tích của những danh từ mang đậm nét về địa danh như những sáng tác trước đây. Hình như bởi trước đó, những bậc thơ đàn anh đã quá xuất sắc khi khai thác mảng đề tài đó nên họ đã tìm một lối đi khác, đó là thế giới nội tâm của con người xứ Huế. Nên có thể thấy trong thơ họ những nỗi niềm, tình yêu, thân phận xuất hiện bằng những tiếng nói rất dịu dàng, sâu kín và thăm thẳm. Đó là một Lê Huỳnh Lâm: anh vẽ nụ ngày trên hàng ngàn chiếc lá soi sáng ô cửa vuông/ cho nỗi buồn em tan biến/ anh mời gọi thiên thần trò chuyện cùng em/ và kể em nghe những bí mật cuộc đời (Đêm thì thầm cũng nỗi nhớ). Mang tâm trạng của những người trẻ tuổi, những người làm thơ Huế không ồn ào khoa trương hay gào thét như rất nhiều nhà thơ trẻ khác trên thi đàn hiện nay mà họ có cái im lặng chứa đầy nỗi niềm sâu thẳm: Làm sao em đến được thiên đường/ Hạnh phúc từ bên kia màn sương/ Đã thuộc về kẻ khác (Như chim gãy cánh - Lưu Ly).

2. Thơ trẻ Huế - Những chuyển mình lặng lẽ

 Với một lực lượng không phải là đông đảo nhưng cũng không phải là ít ỏi hiếm hoi, những người cầm bút trẻ ở Huế đã không ngừng vươn lên, nỗ lực tìm kiếm cho mình một con đường mới mẻ của thơ ca nhằm góp phần làm nên sự sinh động đời sống văn học Huế hôm nay đồng thời cũng là một sự giải phóng chính mình ra khỏi những áp lực cuộc sống trong một xã hội hiện đại.

Xuất phát từ một điều kiện xã hội có rất nhiều điểm khác biệt với xã hội của lớp nhà văn cha anh đi trước, những người viết trẻ hôm nay bên cạnh những thúc bách của đời sống cộng đồng còn chịu áp lực từ những nhu cầu của cuộc sống cá nhân. Tất nhiên, quan niệm về con người cá nhân bây giờ không phải kiểu cá nhân chủ nghĩa của văn học giai đoạn 1930 - 1945 mà nó gắn chặt hơn với cộng đồng, với tập thể nhưng được khai thác trong từng ngõ ngách tế vi của đời sống nội tâm con người. Tiếng nói thơ ca vì vậy nó mang mạch nguồn nội tâm riêng. Không mang những sứ mệnh thiêng liêng cao cả như giai đoạn trước đó, không phải chịu những ràng buộc của xã hội như một số cây bút đi trước đã phải chịu, thơ trẻ hôm nay được quyền nói lên tiếng nói của bản thân mình. Nhưng nói như nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch “Nền văn nghệ của chúng ta vừa thoát ra khỏi cái cơ chế bao cấp, thì lại phải bước ngay vào thời kỳ kinh tế thị trường, cũng không kém phần khốc liệt. Thân phận thơ ca càng trở nên bạc bẽo. Những phương tiện của cải vật chất ngày một nhiều, nó ùn ùn kéo đến, nó chiếm chỗ trong không gian, trong tâm hồn con người. những giá trị tinh thần ngày một teo tóp và trở nên lạc lõng, rẻ rúng”. Những người cầm bút trẻ hôm nay phải đối diện với một cuộc sống đa chiều đa diện. Với sức trẻ của mình, họ dễ dàng nắm bắt được đời sống hơn. Nhưng cũng chính bởi sức trẻ đó, tác phẩm của họ khó có độ sâu cần thiết. Dẫu sao, cái đáng nói hơn cả, là qua những tác phẩm đó, người làm thơ đã thể hiện được chính mình bằng cảm nhận, bằng tâm thức của một trẻ tuổi thực sự.

Cũng như những bạn viết trẻ tuổi trên khắp mọi miền của Tổ quốc, thơ trẻ Huế thể hiện những khát khao, những hoài bão, những khát vọng của tuổi trẻ. Đó là những rạo rực bâng khuâng của tình yêu, của cuộc sống. Nếu như thơ ca giai đoạn trước đó cảm nhận cuộc sống bằng những trải nghiệm của thời cuộc thì thơ trẻ cảm nhận bằng sự liên tưởng phong phú và trường tưởng tượng đa chiều cạnh của mình. Mặt khác, nhà thơ hôm nay hình như sống thực hơn, nên thơ ca ngồn ngộn chất sống hơn. Vì vậy, điều họ muốn nói là những ngổn ngang bừa bộn đời thường bên cạnh những tinh tế dịu dàng của thơ như một sự tương tác giữa thể loại thơ và văn xuôi. Có thể thấy điều đó qua tác phẩm “Đời chị” của Văn Cầm Hải “đời chị/ như viện bảo tàng/ có nhiều mặt nạ đàn ông/ giờ đây/ có ngày yên mệnh/ tuổi chị về qua đôi chân dài óng mượt/ người ta háo hức/ lũ ruồi đòi làm cột thu lôi/ nhưng dưới đất trầm/ sấm qua rồi gửi lại/ lưỡi búa thiên thần/ tôi tiếc mình đến chậm mấy mươi năm”. Bài thơ ngắn, nhiều dữ kiện, như một tiểu thuyết về đời người, đầy xúc cảm nhưng cũng đầy chiêm nghiệm. Thơ trước đây thường nghiêng về cảm xúc với những lát cắt của tình cảm, ít có bài thơ nào mang sức nặng của một câu chuyện dài như thế.

Đã là thơ hẳn nhiên phải có chuyện tình yêu, nhưng tình yêu trong thơ trẻ Huế nói riêng và thơ trẻ nói chung mang một sắc thái biểu cảm riêng. Tình yêu được thể hiện quyết liệt hơn, hiện sinh hơn, thực hơn là thơ nhưng không phải vì thế mà đánh mất vẻ đẹp lung linh huyền diệu của thứ tình cảm này. Lê Tấn Quỳnh với tình yêu “Bóc mùa này rồi dán lên mùa khác/ năm tháng ngẩn ngơ như kẻ si tình/ lùa tay vào trong bao dung xa thẳm/ ta rút về nhịp đập của trái tim”. Còn Hải Trung lại nhìn tình yêu ở chiều khắc nghiệt hơn: “Bên kia những giấc mơ/ thiếu phụ bồng mây đầu khe ngọn núi/ thời gian rùng mình tóc rối/ lấm tấm buồn gió sượt qua vai”.

Là người cầm bút, ít ai thỏa mãn với chính mình. Và như một hệ quả, không thế hệ nào tự bằng lòng với chính thời đại của mình đang sống và đang viết, nên sự tìm tòi đổi mới trong mỗi người, mỗi thế hệ xuất hiện như một điều tất yếu. Nói như Lê Đạt “Cất lời cho chúng ta sự táo bạo để sống một cách khác. Làm thơ là cố gắng cất lời cùng mọi người bước ra khỏi cái tiểu vũ trụ của ngôn ngữ quen thuộc và thường là ít nhiều lỗi thời, hy vọng cấp phát cho cuộc sống một ý nghĩa độc đáo hơn, phong phú hơn” (Hãy tạo ra những lỗ tai mới, báo Văn nghệ trẻ, số 17, 1997). Các nhà thơ Huế đã chuyển mình, dẫu chỉ là sự lặng lẽ, trong sự tìm tòi ngôn ngữ.

Nên ở những sáng tác của họ, ta bắt gặp cách dùng những từ rất đời thường được đặt bên những khối ngôn ngữ mang tính tượng hình cao: nhiều khi anh chối từ mặt trời / như cảm giác buồn nôn của sự nhàm chán (Lê Huỳnh Lâm) hoặc Chỉ là một trạng thái thôi/ lý trí phân tích/ Một cái gì đang mất/ Trái tim khẽ khàng phản kháng (Đôi khi thế thôi - Hồng Hạnh). Những nhà thơ không chú trọng và những giai điệu du dương như thường thấy trong thơ mà họ đặt câu chữ vào những sự dịch chuyển của dòng ý tưởng đang chuyển động trong thế giới nội tâm của người sáng tác. Đó cũng có thể là lời tâm sự của một dòng tình cảm tuôn trào nhưng người đọc vẫn thấy được sự ghìm chữ của người viết khiến dòng thơ không bị tuôn theo dòng kể lể mà thiên về thể hiện cảm xúc của nhân vật trữ tình: Ngày mai trời vẫn trong xanh/ Anh dắt em lên đồi hoa sim/ Đặt nụ hôn xuống bình yên thung lũng/ Chẳng biết cây thông già có chứng ngộ gì không/ Chỉ nghe tiếng chuông chiều ngân loãng/ Làm tan chảy những nỗi đau truyền thống/ Đêm êm đềm như một lời ru/ Ta trở về như hai đứa trẻ/ Linh cảm một dòng sông (Trường ca mặt đất - Bùi Long)

Về cách thể hiện này, người đọc cũng nhận thấy trong thơ Fan Tuấn Anh khá đậm nét: Tôi không nghĩ rằng phía sau thảo nguyên kia có một loài sen/ Nở tinh khôi từ bùn sâu tanh lạnh/ Tôi không tin một loài chim tên bồ câu mang đôi cánh/ Mà cam lòng nô lệ chẳng dám bay (duoi day mat huyen nhiem - 25). Bông hoa thiêng liêng mang hồn ta vào cõi chết/ Ta là người mỏi mệt/ Mặc con gấu buồn ăn mặt trời đỏ trên cao/ Con gấu bóng đêm buông ra vạn vì sao/ Ngày nhật thực giữa trời ta vẫn ngủ/ Mặc con gấu trên bầu trời đã ôm choàng tinh tú (duoi day mat huyen nhiem - 19)

Ở tập Người ngủ muộn của Fan Tuấn Anh, người đọc đã bị thế giới cảm giác của con người đã kéo theo dòng lướt tràn của cảm xúc đi qua từng câu chữ chứ không phải từ câu chữ người viết thể hiện cảm xúc. Đó là cách nói thường thấy của người trẻ bởi họ có cái ưu thế của một vùng cảm xúc tươi mới ngập tràn, dễ thúc đẩy sự lướt đi của các tầng lớp ngôn từ mà không phải dày công sắp đặt. Như thế đôi khi cũng dễ khiến cho thơ rơi vào tự nhiên chủ nghĩa. Nhưng dù gì nó cũng đã phô bày được tình cảm của người viết một cách tràn đầy không ái ngại.

3. Dấu ấn ngập ngừng

Không ồn ào, không ngoa ngôn, thơ trẻ Huế đang chuyển mình cùng bè bạn cả nước để hoà nhập vào những xu hướng cách tân của thơ ca đương đại. Có thể có những điều được và chưa được, có thể đang còn rụt rè trên con đường hội nhập (như sự e dè của người Huế) nhưng thơ trẻ Huế vẫn đang có một mạch ngầm âm ỉ chảy. Dẫu chưa làm nên sông nên bể, nhưng ai lại không có quyền hy vọng về những dòng suối nhẫn nại đang hướng về biển khơi?

Đ.H

(251/01-2010)




 

Các bài mới
Hành trình (29/01/2010)
Chinh phục (25/01/2010)
Các bài đã đăng
Thơ Trẻ (19/01/2010)