Tạp chí Sông Hương - Số 251 (tháng 01)
Phan Thị Thu Quỳ - Những dòng sông - dòng đời
14:16 | 29/01/2010
TRẦN HỮU LỤCKhởi đầu là nỗi nhớ Huế, tác giả Phan Thị Thu Quỳ viết về quê quán,thời niên thiếu như một cách giãi bày, chia sẻ. Những trang viết như sông Hương âm thầm chảy qua những ngõ ngách đời người, trong trẻo và cuốn hút.
Phan Thị Thu Quỳ - Những dòng sông - dòng đời

Trong 6 năm, khởi từ năm 2006, cứ hai năm tác giả viết một tác phẩm. Lặng lẽ và thì thầm như sông Hương. Tác giả đã thử sức với thể loại ký sự trong tác phẩm đầu tiên “Ra đi - Trở về” (NXB Trẻ -2006), tiếp đến là thể loại tự truyện trong “Áo tím - Đồi sim” (NXB Trẻ - 2008) và đã thử sức với thể loại truyện dài trong “Những dòng sông tôi đã qua” (NXB Trẻ-2010). Dù viết với thể loại nào thì những trang viết của tác giả vẫn chân thật, trong trẻo, giàu chi tiết và đầy trải nghiệm. Sự trải nghiệm của một đời người đã làm nên những trang viết đầy đặn tính hiện thực, thật tinh tế, khá sắc sảo và có sức thu hút.

Tập ký sự “Ra đi - Trở về” được viết trong gần hai năm,gồm có 12 mảng hồi ức. Các mảng hồi ức nối kết lại, không tách rời nhau. Nó gắn bó, dắt díu nhau theo chuỗi năm tháng dài dằng dặc của đời người. Khởi đầu là dấu ấn về quê quán của tác giả: “Tôi sinh ra và lớn lên trong cảnh thân thiết.Quanh tôi đều là bà con và họ hàng của tôi ở trong hai làng. Phía ngoài là làng Đức Bưu của mẹ, phía trong là làng Đốc Sơ của cha và nhà tôi thì ở giữa” (Làng nội làng ngoại). Từ ngôi làng thân yêu đó,bà đã trải qua tuổi thơ đầy bất an rồi đã được người cha dìu dắt đến với cách mạng. Cũng từ ngôi làng đầy ắp kỷ niệm đó, bà phải rời xa đằng đẵng hơn nửa thế kỷ. Những trang ký sự có nhiều chi tiết chân thật, sống động về người thân, xóm làng, về mối quan hệ,ứng xử và tình cảm của người dân ở quê nhà,gợi lại những kỷ niệm thân thương không thể nào quên về ngôi chùa làng,người cậu ruột hy sinh, những ngày sống gian khổ,về buổi ra đi và ngày trở về... Mạch văn tuôn chảy ngọt ngào trong các ký sự: “Bóng quê”, “Cha tôi”, “Trở lại trường”, “Mùa bông cải vàng”... Đặc biệt là sông Hương và màu hoa phượng vỹ là nỗi nhớ xuyên suốt trong các tác phẩm và trở thành hành trình thương nhớ quê hương của tác giả.

Đến tập tự truyện “Áo tím đồi sim”, tác giả tiếp tục với văn phong đã định hình gừng càng già càng cay”. Dường như tác giả còn “mắc nợ” văn chương với sông Hương,với hai làng nội, làng ngoại... Tập tự truyện gồm có 5 chương: “Họ hàng, gia đình và tuổi thơ”, ”Huế - Những ngày bắt đầu của tôi”, “Ra đi - Những đồi sim và áo tím Huế”, “Hà Nội và miền Bắc Tổ quốc” “Trở về miền Nam quê hương” dài trên 300 trang in. Rất dễ nhận ra chính nỗi nhớ tâm thức là động lực thôi thúc tác giả viết tự truyện đầy trải nghiệm và giàu chi tiết tinh khôi và chân thật: “…Ba và tôi lại bắt đầu trèo qua những đồi sim tím. Nắng lên rực rỡ,những đồi sim nối tiếp đồi sim, tôi bắt đầu thấm mệt nhưng không dám kêu. Chỉ lo chạy cho kịp theo ba. Tôi nghĩ bụng sao quê lắm đồi sim thế nhỉ, sao không trồng cây khác? Có lẽ vì đá sỏi chỉ thích hợp cho loài sim và chổi xể”. Sau khi đến trường cấp ba Huỳnh Thúc Kháng tại xã Bạch Ngọc, huyện Đô Lương (Nghệ An) “…Tôi mặc áo dài không giống ai trong trường.Cả trường đồn có cô gái Huế mới ra, thế là ai cũng nhìn tôi, đặc biệt các anh lớp trên đến gặp hỏi tình hình Huế để làm quen. Tôi khổ sở về mấy cái áo dài đen trắng của mạ. Nhưng tôi quý cái áo lụa tím mà mạ đã cho tôi vì tôi rất thích màu áo tím” (Ra đi - Những đồi sim và áo tím).

Đọc tự truyện của tác giả, nhà văn Tô Nhuận Vỹ đã có nhận xét khách quan và thật chính xác: “...Tôi rất xúc động và quý mến một người phụ nữ mạnh mẽ và giàu sức sống, không chịu buông xuôi hay sợ hãi trong cảnh chiến tranh,trong lúc không ai khẳng định được mình có còn sống được đến ngày hoà bình không? Chính trong hoàn cảnh đó đã sinh ra một phụ nữ mạnh mẽ, trung kiên, dám thách thức mọi thứ, kể cả giặc ngoại xâm. Đó là những hình ảnh trưởng thành của một nữ sinh Huế trong gần nửa thế kỷ đấu tranh gian khổ của dân tộc, sự gắng sức gìn giữ những phẩm chất tốt đẹp nhất của một người con gái Huế trong mọi tình thế để luôn sống chung thuỷ, có ích, có nghĩa, có tình với đất nước, làng xóm, với ông bà cha mẹ, với anh chị em, đồng đội, chồng con…”.

Và tác phẩm mới ấn hành là truyện dài “Những dòng sông tôi đã qua” dày gần 400 trang in cho thấy một sức viết bền bỉ, trải nghiệm từ những việc có thật trong cuộc sống của một đời người. Bối cảnh của câu chuyện dài này là những dòng sông. Xuyên suốt cuộc đời của nhân vật chính - Trà Mi thì có đến 6 dòng sông cùng chảy. Đấy là sông Hương, sông Nhật Lệ, sông Lam, Lô Giang, sông Hồng và sông Sài Gòn. Mỗi dòng sông đều có gắn kết với những hoài niệm, biến cố cuộc đời, cảm xúc và cảm hứng sáng tác của tác giả. Như cách gọi của tác giả: Êm đềm, cuối nguồn, tin yêu và hy vọng,cuồn cuộn sóng, mênh mông, trong trẻo và sầm uất.Mỗi dòng sông làm nên một chương trong truyện dài nhưng cuối cùng của một đời người xa quê,đoạn kết của một chuyện dài chính là trở về sông Hương.

Nhân vật chính là Trà Mi đã trải qua những năm tháng thiếu niên êm đềm, rồi làm giao liên, vượt Trường Sơn... xa Huế đến 25 năm. Nhân vật đã sống, hoạt động trong nhiều thời kỳ khắc nghiệt, trong những bối cảnh xa lạ, đã chịu nhiều long đong, khốn khó nhưng vẫn giữ được tấm lòng hiếu thảo, vẫn tin yêu và hy vọng... Trà Mi đã trải qua những gian khổ, đau buồn vì tình riêng và nỗi chung. Và Trà Mi cũng đã có dịp đi nhiều nước để quan hệ công tác, học tập... Cuộc đời đa đoan của nhân vật Trà Mi đã được tác giả khắc họa chân thực và sinh động, vẽ nên tính cách của nhân vật nữ Huế. Bối cảnh làm nên câu chuyện đã được tác giả mở rộng biên độ. Cuộc đời của nhân vật có nhiều chi tiết khá “đắt” đã được tác giả chắt lọc và vận dụng khá linh hoạt.

Đọc truyện dài viết theo chương hồi truyền thống, nhân vật chính vẫn xuyên suốt thời gian và không gian, bối cảnh, tác giả vẫn giữ văn phong “rất Huế”, vẫn toát lên chất Huế làm nền cho câu chuyện.

Đọc truyện dài “Những dòng sông tôi đã qua” của tác giả Phan Thị Thu Quỳ có thể đọng lại với nhân vật Trà Mi, vừa dịu dàng,nền nếp mà rất kiên định và mạnh mẽ, rất hiếu thảo và đầy tình nghĩa... Bên cạnh nhân vật chính, tác giả đã xây dựng những nhân vật khác khá ấn tượng như: Ông Phán Tuệ một người yêu nước mẫu mực, bà Phán Tuệ điển hình của một bà mẹ Việt Nam thời chiến, bác sĩ Phú bản lĩnh và tài hoa, anh Lê Cảnh Tân người hoạt động gan dạ, mưu trí và chung tình, cu Thắng thật thông minh và láu lỉnh… Tác giả chỉ thuật lại cuộc đời của nhân vật Trà Mi, nhưng người đọc có thể cảm nhận ở đấy có bóng dáng của cuộc đời tác giả.

Mỗi dòng sông gắn với một đoạn đời người. Cái tứ này sáng tạo nên truyện dài. Đấy cũng là tài năng của người viết truyện. Nhiều đoạn đời của nhân vật Trà Mi làm nên một bức tranh toàn cảnh của nhiều người đã sống, trải qua trong mấy chục năm chiến tranh và hoà bình. Sức khái quát của một tác giả không phải là nhà văn chuyên nghiệp làm nên từ những suy nghĩ mà là từ những việc có thật trong cuộc sống của một đời người, thật đáng trân trọng.

Có một dòng chảy của cuộc đời bên những dòng sông cùng chảy trên quê hương đã làm nên ba tác phẩm như thế của tác giả - dược sĩ Phan Thị Thu Quỳ.

T.H.L
(251/01-2010)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hành trình (29/01/2010)
Chinh phục (25/01/2010)
Lời nói dối (22/01/2010)