Tạp chí Sông Hương - Số 131 (tháng 1)
Luận bàn về đôi đũa trong nghệ thuật ẩm thực Việt Nam
15:20 | 24/02/2010
NguyỄn Thu TrangNghệ thuật ẩm thực của người Việt đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt . Bàn về ẩm thực và những gì liên quan thì quá rộng, thế nên ở đây chúng tôi chỉ mạn phép bàn đến một khía cạnh nhỏ của nó mà thôi.
Luận bàn về đôi đũa trong nghệ thuật ẩm thực Việt Nam
Ảnh: vietnamfood.vn

Mặc dù nhiều nước cũng dùng đũa nhưng đôi đũa Việt mang hồn Việt . Nhưng quả thật cả kẻ đi xa lẫn người ở gần đã mấy ai chú tâm đến đôi đũa Việt . Vâng, trong khuôn khổ của bài viết này tôi chỉ muốn nói đến một khía cạnh nhỏ về văn hóa đũa và nghệ thuật dùng đũa của người Việt .

Đũa Việt có nhiều loại khác nhau dựa vào công dụng của đũa như đũa thường, đũa xới cơm, đũa dùng để xào nấu, đũa ăn, đũa xắn bánh hay đũa để cho người chết... Cha ông ta có câu: “ Đũa mốc đâu dám chòi mâm son” rồi thì đũa sơn son thiếp vàng để dành cho vua chúa, các bậc vương giả, dân đen thì dùng đôi đũa tre mộc mạc trong bữa ăn. Phải chăng, chính đôi đũa cũng phần nào nói lên địa vị của con người trong xã hội thời phong kiến. Người Việt còn gửi gắm tâm tư tình cảm của mình qua đôi đũa trong những câu văn, lời thơ dân gian, như là:

            “ Bây giờ chồng thấp vợ cao
            Như đôi đũa lệch so sao cho bằng”
hay:
            “ So bó đũa chọn cột cờ”
hoặc:
            “ Vợ dại không hại bằng đũa vênh”.

Sự so sánh thật dễ hiểu, dễ nhớ nhưng chứa đựng bao nét văn hóa Việt bởi sự giản dị, gần gũi của vật được so sánh là đôi đũa dùng hàng ngày.

Có lẽ đũa xưa và nay chẳng khác nhau là mấy về hình dáng. Có chăng chỉ bởi với cuộc sống hiện đại, nó đã được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau mà thôi. Và ngày nay người ta cũng ít phân biệt sang hèn qua đôi đũa của từng gia đình. Tôi nhớ lại ngày xưa, khi tôi còn bé thơ, đã từng được chứng kiến bà tôi ngồi vót đũa khi tiết xuân về, ấy là khi tết đến. Bà thường chọn khúc tre già nhưng không phải loại tre ngâm vì sợ có mùi, để vót đũa. Bà rất kiêng để chị em tôi đánh gãy đũa vào đầu năm mới. Người ta còn kiêng đánh gãy đũa vào ngày cưới xin, ngày tân gia, ngày khai trương... Bà bảo như thế sẽ xui xẻo cả năm, công việc sẽ không thuận lợi. Vì thế trong những ngày ấy sẽ phải có một người có kinh nghiệm, uy tín, cẩn thận kiểm tra đũa, nhất là đôi đũa dùng cho người chủ trì trong đám đó. Bà tôi vót đũa rất khéo. Những lúc ấy bà thường căn dặn tôi rằng: đầu đũa nhỏ để xuống dưới, đầu to hướng lên trên. Lúc đó tôi không hiểu gì cả. Đến giờ tôi mới biết hết ý nghĩa của nó. Người Việt ta vốn có truyền thống tôn trọng người lớn tuổi trong gia đình, sống theo một tôn ty trật tự trên bảo dưới nghe. Trong bữa cơm, trẻ nhỏ thường có nhiệm vụ so đũa cho cả gia đình và trước tiên phải so cho người lớn tuổi nhất nhà, hoặc cho  khách qúy của gia đình, sau đó lần lượt từng người trong gia đình. Người ta cũng rất tránh gặp phải đôi đũa lệch khi ăn. Sau khi ăn xong đũa phải được rửa sạch và phơi khô ngoài nắng chống việc ẩm mốc để dành cho bữa sau. Còn bây giờ trong một số gia đình người ta đã sử dụng đũa ăn một lần rồi bỏ đi, ấy là vì để giữ gìn vệ sinh theo lối sống của khách du lịch quốc tế. Đây cũng là một việc làm rất tốt nhưng xét ở khía cạnh kinh tế của người Việt ta còn chưa cho phép. Tuy nhiên, không vì thế mà ta cho rằng cách dùng đũa của dân ta là không sạch sẽ. Ca dao xưa có câu “ Bát sạch ngon cơm”, chứ chưa ai nói “ đũa sạch ngon cơm” nhưng thử hỏi nếu chỉ có bát sạch mà không có đũa sạch thì bữa cơm ấy có còn ngon gì.

Quả thật, dùng đũa trong bữa ăn là một nét văn hóa- văn hóa ẩm thực của người dân tộc ta. Tre Việt hay đũa Việt cũng vậy là một phần của bản sắc dân tộc Việt .

Với cách nhìn mang tính triết luận, ta sẽ thấy đũa luôn luôn đi có đôi. Điều ấy đâu chỉ bởi vì nó dễ dàng trong việc sử dụng mà nó còn mang một giá trị văn hóa sâu xa. Âm- dương kết hợp tạo sự cân bằng trong xã hội: đũa vợ đũa chồng tương xứng lứa đôi. Ngày còn đi học i tờ tôi đã được nghe câu chuyện về một ông bố đã gọi đàn con của mình đến và đố chúng bẻ hết bó đũa. Từng chiếc đũa tuy rất nhỏ đấy, ấy thế mà khi bó chung vào lại tạo thành một sự đoàn kết rất bền vững như sức mạnh đồng lòng của một đoàn quân.

Trẻ nhỏ cũng dần dần được mẹ dạy cho cách cầm đũa khi ăn và khi đã nhắm mắt xuôi tay, trong đám ma đó cũng có đôi đũa vót với bát cơm quả trứng ném theo huyệt người đã mất và suốt bốn chín ngày sau đó vẫn phải có bát cơm, đôi đũa, quả trứng, muối... cho người đã khuất. Nói thế để thấy đũa cũng chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của chúng ta như là một vật dụng không thể thiếu, không thể quên.

Trong nền văn minh hiện đại như ngày nay, cùng với sự thay đổi của cuộc sống thì đũa vẫn tồn tại, vẫn mang bản sắc dân tộc và vẫn mộc mạc, giản dị đến thế. Người phương Tây dùng thìa rĩa, người Ân Độ lấy tay để bốc thức ăn. Người Trung Quốc cũng dùng đũa nhưng chắc chắn đũa của họ sẽ mang bản sắc, đặc trưng Trung Quốc. Đâu phải dễ gì mà một ông Tây mũi lõ có thể khéo léo cầm đôi đũa để gắp quả cà pháo giòn tan kia ăn cùng với rau muống chấm tương Bần hay bát canh cua đồng. Cho dù có đi nơi đâu, trong tiềm thức của người Việt chắc rằng vẫn còn giữ được trong lòng những đồ vật đơn sơ, giản dị mang đậm đà bản sắc quê hương với những món ăn cổ truyền dân tộc.

Phải chăng tôi đã quá lời khi đã bàn luận đến đề tài này? Nhưng Việt , tổ quốc trong tôi đẹp từ những vật nhỏ đó cũng như con người Việt đẹp thay vẻ đẹp giản dị, mộc mạc.

N.T.T
(131/01-2000)



 

Các bài mới
Rửa tội (05/03/2010)
Báu vật (05/03/2010)
Tượng đá (04/03/2010)
Củ và hạt (03/03/2010)
Lèn Voi (03/03/2010)
Các bài đã đăng