Tạp chí Sông Hương - Số 131 (tháng 1)
Xa rồi "thành phố lăng"
15:32 | 24/02/2010
HỒ VĨNH(Thấp thoáng cố đô)
Xa rồi
Một trong những lăng lớn nhất nghĩa trang làng An Bằng - Ảnh: vietnamnet.vn


Khởi hành từ thành phố Huế, tôi ngồi trên chiếc xe City trực chỉ hướng về phía Đông. Đến địa phận xã Thuận An, theo con đường tỉnh lộ trải dài xuyên qua vùng ven biển và đầm phá huyện Phú Vang. Dừng xe ở làng An Bằng, nơi có "thành phố lăng" thuộc xã Vinh An, chiếc xe đã "ngốn" 40km bám đầy bụi đỏ. Giữa không gian tĩnh lặng hun hút trong nắng gió, tôi choáng ngợp bởi quần thể lăng mộ có những kiểu dáng kiến trúc khác nhau, nhấp nhô xa tít tầm mắt.

* Âm phần

Đứng bên một ngôi mộ đang xây dựng, tôi hỏi anh chủ thầu: "Xây ngôi mộ này tốn khoảng bao nhiêu tiền?", "70 triệu đồng". Anh chủ thầu chỉ tay về phía trước, nơi có ngôi mộ hình bát úp, nói: "Trong hơn 1000 lăng mộ ở đây, ngôi mộ ấy đạt kỷ lục thời gian xây dựng là 8 tháng. Chi phí cho ngôi lăng trên 300 triệu đồng".

Tôi đứng trước một ngôi lăng mộ có kiểu kiến trúc tổng hợp "độc nhất vô nhị". Mặt bằng kiến trúc có hình chữ nhật chiếm diện tích khoảng 90m
2, nền cao 2,5 mét; mặt tiền là bốn trụ biểu kiến trúc theo kiểu Tàu. Chính giữa được trang trí hình chữ "Vạn" thể hiện mong ước được siêu thoát trong cõi niết bàn. Sau nhà bia là hai nấm mộ đắp nổi theo kiểu song táng như lăng mộ vua Gia Long "Càn khôn hiệp đức". Tầng trên cùng thiết kế hình bát úp với nóc tròn đồ sộ mô phỏng theo kiểu hoàng lăng ở Ấn Độ. Để thực hiện được không gian như vậy phải dùng sắt phủ lên lớp bê tông chịu lực. Dọc những chữ khắc trên bia mộ mới biết chủ nhân của ngôi lăng là ông bà L.V.T. tạ thế cách đây 16 năm mà đã "phát tích". Công trình sư xây dựng là người con rể ông Lê Văn Phát, một thợ nề "có cựa". "Ông Hựu đã cất công đi lấy mẫu và nhờ thiết kế khéo, vật liệu tốt, gia công kỹ nên lăng mộ này nổi bật hơn cả" - anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn An Bằng nói như vậy.

Với quan niệm "sống gửi, thác về", con người đã có sinh là có tử, cho nên làng xã nào cũng có khu nghĩa trang. Riêng làng An Bằng đa số người dân ở đây đi nước ngoài rồi gửi tiền về xây lăng đắp mộ. Thậm chí có ngôi mộ phá dỡ xây lại hai đến ba lần mới "thuận mắt". Một người dân An Bằng giải bày: "Dân làng chúng tôi không phải khoe của mà chủ yếu hướng tâm đền đáp công ơn sinh thành". Thực ra, trong số những phần mộ phá dỡ ấy, có một số không ít là mộ của người còn sống. Rõ ràng, tại đây đã bùng nổ "Âm dương chi chiến".

Tôi đi dọc miền duyên hải các xã Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải, Vinh An... huyện Phú Vang. Qua tiếp xúc, tôi thấy tâm lý người già họ lo trước cái chết và cũng muốn mồ yên mả đẹp. cho nên họ sửa sang mộ phần của thân nhân và xây trước sinh phần. Bác Nhân ở An Bằng có giọng nói lo lắng: "Ở làng quê chúng tôi chỉ có hai điều. Xây lăng đắp mộ ngày càng nhiều, và ngày càng có nhiều người già đang đợi để đến nơi đó".

Do việc xây lăng đắp mộ "rộ" lên từ năm 1990 và có những phát kiến trong kiểu thức lăng mộ truyền thống pha lẫn đông tây kim cổ. Nhìn từ xa bóng dáng của "thành phố lăng" khi in nét trên bầu trời đã tạo nên những hiệu quả mỹ cảm thu hút những khách du lịch từ xa. Ông André Crozeilles, quốc tịch Pháp khi đến "thành phố lăng" nói: "Một vùng cát trắng mà trở thành một đô thị người chết".

Khác với "thành phố lăng" ở An Bằng, ở nghĩa trang xã Vĩnh Niệm, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng, tôi đã thấy người dân ở đây họ xây mộ cho người chết theo kiểu nhà ba tầng, cao khoảng 7 mét, có cửa nẻo đầy đủ, thậm chí có cả hòn non bộ. Đây là mốt xây nhà mồ to lớn theo kiểu nhà lầu có hình thù kệch cỡm đang "liên tục phát triển" ở Hải Phòng. Một người dân ở xã Vĩnh Niệm nói: "Qúa lãng phí".

* Dương cơ

An Bằng là một làng cổ nằm ven biển có cách đây trên 400 năm. Dưới thời vua Minh Mạng, phường An Bằng thuộc tổng Diêm Trường, huyện Phú Vang. Theo ông Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn cho biết, diện tích phường An Bằng có 1201 mẫu 4 sào (xưa)), trong đó cát trắng chiếm 1201 mẫu 1 sào. Do vùng đất toàn cát trắng nên dân làng sống chủ yếu làm nghề chài lưới. Một người dân An Bằng thổ lộ: "Trước đây chúng tôi cực lắm. Làm nghề cá khi gặp trời yên biển lặng thì đủ ăn. Còn không thì ăn cháo xương rồng. Bây giờ đời sống của chúng tôi tương đối sung túc nhưng không bao giờ quên những ngày cực khổ ấy".

Đi trên những con đường liên thôn ở An Bằng, tôi thấy nhà cửa phát triển nhanh chưa từng thấy. Toàn xã Vĩnh An có 1800 hộ dân, trong đó An Bằng có khoảng hơn 800 hộ nhưng có đến 75% dân có người thân ở nước ngoài. Ở đây, quanh năm suốt tháng đều có Việt kiều "ôm" ngoại tệ về thăm quê hương. Trên vùng quê cát trắng này, họ đã "bê tông hóa" dương cơ (nhà cửa), sau đó xây lăng mộ, cúng tiền xây nhà thờ họ đình, chùa... Hôm mới rồi dự lễ khánh thành đình làng An Bằng, tôi nghe đọc công khai về việc xây dựng đình. Trong đó tổng số xi măng: 222 tấn, sắt thép các loại: 14 tấn... chi phí hơn 1,4 tỷ đồng.

Rời "thành phố lăng", theo tỉnh lộ 68, tôi đến xã Điền Môn, huyện Phong Điền. Đi vào nghĩa trang thôn Vĩnh Xương toàn cát trắng, tôi tắm nắng mà tưởng mình lạc vào sa mạc Sahara ở châu Phi. Ở đây, tôi thấy người dân đã biết tiết giảm trong việc xây lăng đắp mộ. Ông Nghị, chuyên bao thầu xây lăng mộ cho biết: "Xây nắm mộ: 500.000đ. Còn xây toàn bộ lăng mộ, trong đó có dựng bia khoảng 5.000.000đ". Tôi làm một phép tính đơn giản, một ngôi lăng mộ ở nghĩa trang An Bằng tiêu phí trên 300 triệu đồng, trong khi nhân dân xã Điền Môn từ đầu năm đến nay đã đóng góp hơn 110 triệu đồng kiến thiết nông thôn. Số tiền góp vốn đó đã hoàn thành 76 giếng bơm nước sinh hoạt, bê tông hóa 1,8 km mương thủy lợi, 1,2km đường liên thôn...

Vẫn biết người xưa dạy rằng "nhập thổ vi an", cho nên phần mộ là nơi an nghỉ vĩnh cửu. Bác Hồ Hướng, tộc trưởng họ Hồ ở thôn Vĩnh Xương cho biết: "Lệ thường hàng năm, từ tháng 9 đến tháng 10 âm lịch dân làng tiến hành chạp mộ. Khi đặt một lát cuốc trên nấm mộ là thực hiện sự giao lưu tâm linh giữa người sống đối với người quá cố".

Trên đường trở về Huế tôi cứ nghĩ, giá như người dân An Bằng biết tích cóp để giảm bớt kinh phí trong việc "bê tông hóa" lăng mộ thì An Bằng sẽ có một trường học khang trang nằm bên cạnh ngôi đình mới xây dựng, nhăm giữ lại nét đẹp của truyền thống văn hóa.

Huế, tháng 7-10/1999
H.V
(131/01-2000)



 

 

Các bài mới
Rửa tội (05/03/2010)
Báu vật (05/03/2010)
Tượng đá (04/03/2010)
Củ và hạt (03/03/2010)
Lèn Voi (03/03/2010)
Các bài đã đăng