Tạp chí Sông Hương - Số 131 (tháng 1)
Thơ với cuộc sống
09:05 | 25/02/2010
HOÀNG CẦM(Lời Bạt cho tập thơ ĐÓA TẦM XUÂN của Trịnh Thanh Sơn - Nhà Xuất bản Văn học 1999)
Thơ với cuộc sống
Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn - Ảnh: trinhthanhson.de

Đã thừa biết, nhà anh ta có cái GIẬU CÚC TẦN vốn đã sinh lắm chuyện, nhưng ở góc vườn lại có cái giậu tầm xuân. Tôi trông thấy từ xa, từ lâu, mãi đến tận bây giờ, cu cậu mới đem ra trình làng một ĐÓA TẦM XUÂN. Có một đóa thôi mà sao lắm chuyện hơn trước, mà chuyện nào phơi ra nắng trần trụi (xuân hay thu, hạ hay đông, hình như vẫn là cái loại nắng cũ) cũng đều bắt tôi phải ngắm. Ngắm rồi ngậm khá lâu vừa thơm lại vừa đắng. Thế là nuốt ực vào bụng, ngâm trong bụng, ngâm kỹ rồi ngẫm. Cứ ngấm ngầm thế mà có lúc đâm ra ngán ngẩm cái sự đời. Sự đời như cái lá đa, đen như... gì cũng được, lại đâm ra khoái trí, vui buồn, cười khóc lẫn lộn, có đến hàng tuần lễ. Tôi như anh say, ngấm một thứ rượu trông rất bình thường, mà lạ, mà mới, nói chữ sáo mép tí chút là truyền thống, là hiện đại. Ấy thế rồi tôi như người bị đánh thuốc mê, tâm thần bất định, nằm ngửa tuềnh toang giữa sàn gác, thấy những cụm mây to nhỏ, trắng phau hoặc đen kịt cứ đùn lên, vùn vụt lên, ngùn ngụt lên từ một chân trời Thanh Hóa hay Hà Nội, Việt Nam hay Trung Quốc một chân trời cũng bình thường như mọi chân trời ở một hành tinh tưởng như mênh mang lắm mà thật cũng bé tèo teo thôi.

                        Ăn sáng ở Côn Minh
                        Chiều uống rượu Bắc Kinh
                        Cụng ly mây phương bắc
                        Tỉnh giấc đã nhà mình
                                               
T.T.S

Thế mà cái hành tinh nhỏ nhoi này lại cứ ùn ùn lên những chuyện tầy trời, mặc dầu chỉ là chuyện của một người, hai người hoặc ba người. Những chuyện đau điếng người (Mua con), buồn héo người (Giai Điệu), lố bịch đến bật cười (Bạn cũ), chân thực đến tê người (Giấc mê, Và tôi đối mặt v.v...) độc ác đến rợn chân lông (Thương CaPi), chua chát nát lòng người (Vết sẹo), thật thà đuỗn người (Buổi sáng ta thức dậy). Và nhiều, nhiều nữa...

Rồi lại thấy lù lù mịt mù, rất thu mà rất hạ, chẳng xuân đâu mà xuân chan chứa, chưa vào đông mà rét căm căm, rét đằm đằm, với mưa dầm, mưa dâm, lại đến nắng oi nặng, cái nắng dấm dẳng, bặng nhặng, nằng nặc, ăng ẳng suốt cánh đồng chiêm trũng mà đôi lúc ửng lên đôi gò má cô gái dậy thì, coi cũng tạm yên lòng. Ấy vậy bốn mùa mưa nắng có cái gì thường là màu gio, ẩm mốc, nhiều lúc đập vào cánh liếp nhà nghèo như giã giò đang lúc dẻo chày vững cối.

Một cơn gió, có lúc tưởng lồng lên trời rộng lại phải quẫy trong một cái giỏ cua rỗng hay là cái rọ nhốt con lợn bé bằng con chuột đồng vừa ăn một mạch hết một sào lúa đang ngậm sữa. Cái gió quái ác thế lại vuốt ve mái tóc hai chị em bên GIẬU CÚC TẦN năm ngoái và cái gió vừa lãng mạn vừa chân thực, đã bén mùi đô thị hôm nay lại để rơi trước mắt tôi khá nhiều loại hoa, vương giả ít mà dân giã nhiều. Tôi chỉ nhớ mang máng, bên cạnh búp ngọc lan và đóa thủy tiên thanh cao kia lại có hoa cứt lợn, hoa mào gà, hoa khế, hoa mõm chó, nhiều nhất hẳn là Tầm xuân. Cứ bề bộn ngổn ngang rối cả mắt, cần phải bình tĩnh lắm mới phân biệt được hoa gì và hoa nào. Chỉ có một điều chắc chắn: Không có hoa giấy, hoa ni lông. Ừ thì hoa cứt lợn, mõm chó, nhưng nó là hoa thật nên nhiều khi ngắm lại thấy khoái hơn nhìn những bó hoa lay-ơn nhựa trà trộn với hoa cúc, hoa đồng tiền nhựa, hoa mãn khai, hàm tiếu cực kỳ cầu kỳ, sang trọng với cái nơ lụa màu hồng đàng điếm; người ta dâng nhau nhân dịp lễ sinh nhật hoặc cưới hỏi mà chỉ một bó hoa cũng được ngự lên cả một chiếc Rolle-Royces đứng đầu cái thế giới những kẻ dửng mỡ thừa châu báu, đô la. Ở đây một ĐÓA TẦM XUÂN mang nhiều hạnh phúc, cả đau thương nữa trong khi có một vườn hoa rộng tới hàng chục héc ta, vun bón, sắp xếp rất có trật tự mà rỗng tuềnh toàng, thưởng chỉ đem đến những cảm giác khó chịu vì nó bao quanh những lâu đài tráng lệ và những khối mỡ bèo nhèo có com lê ca vát mà không có đầu, cách biệt khá xa với đám dân lam lũ đen đủi. Chuyện này, vào những năm đầu thế kỷ, thấy khá nhiều bên Tây, Tàu nhố nhăng, đến cuối thế kỷ lại giống như vi rút HIV lây nhanh đến Sài Gòn, Hà Nội.

Cho dẫu chẳng nhiều nhặn gì thì tập thơ này cũng tạm đủ để tiêu biểu cho cuộc sống hôm nay của chúng ta, nhất là đủ đại diện cho thi sỹ Trịnh Thanh Sơn, người mà tôi muón gọi là thi sỹ chân thực của cuộc sống Việt những năm cuối thế kỷ XX. Trên cái nền của một sự thực nghiệt ngã, gay gắt, đôi lúc bóc trần trụi ra dường như thô kệch, nhưng cứ cho rằng thô kệch đi, người viết mấy lời bạt tử này lại thấy lóe lên chất thơ đích thực. Chính vì thế mà tôi đâm ra thèm và đòi hỏi nhiều nữa ở người bạn trẻ khá sắc sảo này. Thèm như anh nghiện rượu bị bỏ tù khát một ly men, dẫu rẻ tiền bán nhan nhản ở các vỉa hè Hà Nội. Đòi hỏi như một "người tình đệ nhất yêu chiều", đòi hỏi ở cô tình nhân đã mê đắm mình từ đêm qua. Thực tế cuộc sống hôm nay tuy có đôi ba cái gì khá đẹp đang tìm đường bay lên, nhưng vẫn cứ ngồn ngộn những éo le, oái oăm, trơ tráo, những đảo nghịch đau lòng, những hứa hẹn vu vơ, lơ mơ rồi phe-lờ của những ai đó mà ta đã một lần tin yêu và kỳ vọng. Ở nhiều xó xỉnh của thế giới, kể cả ở ngay trên di tích của một nền văn hóa đồ sộ lâu đời, ví dụ như Babylon, Kim tự tháp, Vạn lý trường thành..., cái ÁC vẫn hoành hành ngang nhiên đem lẽ phải chất đầy mình như các loại huân chương chói lọi để rồi ngang nhiên chà đạp lên lẽ phải đời sống con người, tha hồ chém giết, đầy đọa, cướp đọat tất cả quyền của Tạo Hóa là quyền sinh quyền sát... Chuyện con chó CaPi của gia đình Sơn là một ví dụ đau thắt ruột héo gan. Cái THIỆN mà CaPi biểu trưng rất dễ dàng bị xóa nhanh trên mảnh đất nghìn năm văn hiến! Cũng như hình ảnh một em bé gái Nam Tư tôi nhìn thấy trên tivi, trên báo, đôi mắt đen tròn ngây thơ trên khuôn mặt đầy đặn đang quằn quại, đang cầu nguyện được sống yên ổn với bố mẹ, đã như một cái tát giữa mặt tổng thống nước Mỹ văn minh và giàu sang với một lũ Nato Nabé hống hách. Mà hỡi ơi! Bộ mặt của cái ÁC như thế lại đã được đảm bảo bằng những lời văn cao quý đẹp đẽ nhất và có khi nghe lại cảm động tí chút, đảm bảo bằng cả một đời hoạt động chính trị lẫy lừng nhất nữa kia.

Vì vậy tôi thèm và đòi hỏi Trịnh Thanh Sơn phải viết ra, in ra nhiều bài nữa về cái sự THIỆN ÁC giao tranh, vì sắp sang đầu thiên niên kỷ III rồi mà xem chừng mảnh THIỆN còn yếu quá, tuy ở khắp địa cầu, người làm việc thiện có tăng lên. Tôi không là người đi làm việc "thống kê thiên hạ sự", nên có khi tôi nói nhầm, nếu nhầm mong các bạn tha cho, chứ hình như tỷ lệ THIỆN ÁC ở những năm sau Thích Ca Mầu Ni chừng 26 thế kỷ vẫn chưa cân bằng. Cân bằng được (nghĩa là 50% thiện, nếu tính toán một cách máy móc) thì loài người còn đau khổ đến trên ba tỷ sinh linh. Ôi chao! Nghĩ mà rùng mình. Tôi chưa thể đếm được hôm nay những kẻ phản thiện còn ngự trên những ngai vàng, ngai bạc, ngai đất thó, ngai rơm, ngai rác nào ở đâu, nhưng chỉ cần một vài ngày đi sâu vào những chỗ nhá nhem của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, đi sâu vào những ngõ hẻm hang cùng ở miền núi, miền biển, ta sẽ thấy cái ác còn hiện hình đôi lúc rất hợp thời trang. Tuy hôm nay cái ác gần như hoàn mỹ nhất về hình thức, thì cái thiện vẫn chưa đủ sức vươn lên quá 50%.

Này các ông Nato Nabé, Clintơn , Clintợn ơi! Cứ cho rằng các ông thừa lý lẽ để gây chiến, các ông có thể nói là để bảo vệ lẽ phải của toàn nhân loại đi, các ông có thể có hàng nghìn triệu người ủng hộ việc ném bom tàn sát trẻ em, bà già đi, tôi vẫn thấy các ông chưa thoát ra cái tính chất dã thú đâu. Chỉ cần một ông quyền uy nào đấy ở Âu châu, Mỹ châu, Phi châu hay Á châu xâm phạm đến hai bầu vú mẹ của một đứa bé bất kể màu da nào trên hành tinh này, khiến đứa bé chết lả đi vì đói bên cạnh đống đổ nát các ông vừa gây ra thì tôi đây, một người thơ đường hoàng của nước Việt Nam này, tôi tự cho mình cái quyền được công bố với thế giới, với cả nước tôi nữa rằng: cái "ông ấy" đã tự hạ mình xuống hàng súc vật rồi, ngài không còn là người nữa đâu, thưa ngài Tổng thống hoặc Chủ tịch, ngài Thủ tướng, Bộ trưởng hoặc Quốc vụ khanh chi chi nữa.

Trở lại cái tôi thèm:

Tôi thèm những câu thơ chỉ mảnh dẻ thôi mà vun vút quật nát đầu những con rắn lục, rắng vàng, hổ mang, hổ lửa.

Tôi thèm những chữ nhẹ êm như một làn hơi mỏng tang từa tựa sợi tơ trời để những con mọt, con sâu, con bọ chỉ ngửi qua là dẫy chết.

Và đấy cũng là điều thúc đẩy tôi đòi hỏi ở Trịnh Thanh Sơn phải viết ra nhiều gấp bội những bài như Thương CaPi, Mua con v.v... Liều lượng của các viên thuốc chế tạo bằng một tâm hồn nhạy cảm, yêu cuộc sống bụi bặm này đến mức có thể vứt đi hết tiền tài danh vọng để ngòi bút được tự do đề cao cái thiện, cái thật, cái đẹp và tự do vạch mặt chỉ tên cái ÁC mà xóa sạch nó đi trên mảnh đất thương yêu đến xót xa này. Nhưng liều lượng cần thiết để góp vào sự nghiệp cải tạo xã hội hiện nay, ở tập thơ này đã có, mà có lẽ chưa đủ. Thày lang Thanh Sơn bốc thuốc xem chừng còn gượng nhẹ khi cần đến những vị thuốc độc bảng A. Tôi hiểu nỗi dè dặt thi sỹ trong một xã hội chưa cho phép thơ vượt hết những ghềnh thác tất yếu. Nhưng đã là độc giả thì có quyền khen chê và đòi hỏi. Ai bảo anh in thơ ra, như đã bày một mâm cỗ, trên mâm cỗ này có một món ngon thì lại ít quá, chưa được thỏa mãn tôi còn đòi. Có thể là tác giả sợ bày ra nhiều món cay đắng, cay đến chảy ròng nước mắt và đắng đến lộn nhào ruột già ruột non người đọc. Hoặc cũng có thể Trịnh Thanh Sơn chưa thấu đáo nhiều nỗi đời chăng? Điều này đáng suy nghĩ hơn vì ở một đất nước lắm đau thương hoạn nạn như Tổ quốc vô cùng yêu quý của chúng ta đây, hơn nữa có thể gọi là Tổ quốc của loài thi sỹ, mấy ai có đủ thì giờ, sức lực, nghĩa là có đủ và có thừa điều kiện vật chất tinh thần, nhất là thừa tự do phóng khoáng để đi thật sâu vào mọi nỗi niềm đồng loại, đồng bào, mọi cảnh ngộ của hàng triệu người từ đỉnh Mù Cang Chải đến mũi Cà Mau? Ai dám vỗ ngực tự hào mình có đủ điều kiện như vậy? Tôi nghĩ rằng có nhiều đấy chứ? Từ ngày đổi mới, tôi suy ra mà biết khá nhiều kẻ dư tiền của (vì họ không phải vắt mồ hôi làm ra), dư thì giờ (vì họ không phải bận vào một công việc nào hữu ích), dư sức khỏe (vì họ ăn ngon mặc đẹp, một bước lên xe hơi tàu bay, không bị tổn phí năng lượng thân xác). Nhưng họ chả hơi đâu mà hỏi chuyện ai, chả thích thú gì mà nghe ai bày tỏ chuyện riêng, nên dù họ đã quen với lối viết lời lục bát, thất ngôn, dù họ có thể viết một ngày cả chục bài thơ mà trước kia đã từng có kẻ tung hô họ lên đến chín tầng mây. Dù họ là cái gì đi chăng nữa, họ cũng chưa một lần hiểu biết đến cái chân tơ kẽ tóc một bà mẹ già khi xưa có năm con trai gửi xác nơi chiến trường, có người chồng xa nhà đi đánh Mỹ rồi từ đó không bao giờ trở lại xóm quê nghèo. Chỉ vì một lẽ quá đơn giản họ không yêu thương ai cả ngoài bản thân mình, vợ con mình, thật ra con người họ cũng chẳng phải là một con người bình thường nữa. Họ chỉ biết chăm chăm vào cuộc sống bản thân và là "con ích kỷ". Ích kỷ thường là gốc của tội ác.

Điểm lại trên 50 bài trong tập thơ này, chỉ có chừng 15, 16 bài viết về nông nỗi cuộc đời, những bi kịch đời thường trong mọi mặt cuộc sống đời thường. Riêng tôi, khi đã nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của tâm hồn thi sỹ, tôi thấy thế vẫn như còn thiếu ở Trịnh Thanh Sơn, bởi mới có 25% cái sức lay chuyển của thơ anh, mà tôi lại đòi hỏi hơn ở anh, phải là 50% cơ, anh Sơn ạ!

Tôi biết rõ Trịnh Thanh Sơn là một tâm hồn đa cảm, đa tình chẳng kém một thi sỹ đa tình nào trên thế gian này. Nhiều bài tâm sự anh bày tỏ có sức lôi cuốn tôi vào thế giới bề bộn, bát ngát và sâu lắng của tình yêu nam nữ.

Đồng thời Trịnh Thanh Sơn lại biết nhìn đời bằng con mắt tinh tường sắc sảo, khiến bút lực anh có thể đẩy những nỗi niềm ngang trái, những cảnh ngộ éo le, khúc khuỷu của lòng người, những khía cạnh tinh vi của cái ÁC lên đến đỉnh điểm bằng một ngôn ngữ không mài dũa, mà vẫn sắc cạnh giống như một lưỡi gươm có vẻ cũ kỹ đấy, không bao giờ loang loáng ánh thép khiến người ta ghê sợ, nhưng khi chém vào đâu là cứ ngọt lịm đi không một tiếng vang mà máu ở vết tử thương cứ lặng lẽ chảy mãi khó cầm lại được.

Chỉ với hai dòng giản dị, tưởng như bình thản, như chẳng muốn gây sự lôi thôi gì với ai cả, trong bài Thương CaPi: Ôi Con người! Đồng loại của ta tài thật. Đã biết chọn kẻ thù là con chó nhà tôi, mà sức mạnh của thơ Trịnh Thanh Sơn như thanh gươm Can Tương thời Chiến quốc, chém vào tảng đá ngọt xớt, vỡ thành hai mảnh đều nhau, huống chi chém vào lòng một loại độc giả như tôi, hai dòng thơ ấy khiến tôi choáng ngợp bởi cái tàn nhẫn ghê gớm nhất mà loài người có thể dùng để tàn hại lẫn nhau. Hai câu thơ ấy đã đâm thẳng vào tim gan độc giả, lại không rút ra ngay, còn nằm nguyên chỗ ấy mà ngoáy đi ngoáy lại, dai dẳng, kỳ nát bươm cả lòng người. Từ thời còn đi học cấp tiểu học đến bây giờ, tôi ít khi được đọc một bài thơ nào của phương Tây, phương Đông, từ thời cổ đại đến hiện đại, lên án cái ác của con người vừa sâu sắc, vừa mỉa mai, vừa đau đớn, cứ "như không" như trong bài Thương CaPi của Trịnh Thanh Sơn.

Kể ra trong một tập thơ trên năm mươi bài có tới mười sáu bài viết về những nỗi đời thường của con người trong một xã hội mà tốt xấu thiện ác đang giao tranh quyết liệt, thế cũng không phải là ít. Điều quan trọng phải nói là chất lượng từng bài: nếu cái THIỆN chỉ hiện lên với đôi ba gương mặt hiền dịu, lắm khi đến ngây thơ khờ khạo, thì cái ÁC lại muôn hình vạn trạng. Nhiều nhà văn đông tây kim cổ đã vẽ được cái ác rất tài tình. Nó nằm cả ở khuôn mặt của Thích Ca Mầu Ni, ở cả hình dạng chúa JêSu nhất là ở Thánh Ala của đạo Islam, và thường nó lại nằm cả ở mồm ngài Khổng Tử đi dạy người ta về nhân nghĩa, về "tứ hải giai huynh đệ".

Cũng vì lẽ sống cao cả đó của người nghệ sỹ đích thực, mà viết sắp xong bài bạt lòng thòng này, tôi phải xin phép văn hào và triết gia, Albert Camus, tạm dịch ra đây đôi lời rất sắc bén trích từ bài diễn văn ông đọc trong buổi lễ long trọng ở sảnh đường Tòa Thị Chính thành phố Stockholm ngày 10 tháng 12 năm 1957, ngày ông nhận giải Nôben Văn học.

"... Giữa cái ồn ào hỗn độn ấy (ý nói cuộc sống con người trong xã hội - Lời N.D) nhà văn không thể còn hy vọng đứng cách biệt ra để theo đuổi những suy tư và hình ảnh bấy lâu thân thiết với mình nữa. Cho đến hôm nay, dầu hay dầu dở, sự chối bỏ vẫn có khả năng thực thi trong lịch sử. Người nào không tán thành (viết về thực trạng đời sống xã hội, N.D) vẫn luôn có thể câm lặng hoặc nói về chuyện khác.

Bây giờ, tất cả đã thay đổi, ngay cả sự im lặng cũng mang một ý nghĩa đáng sợ. Kể từ lúc sự chối bỏ được coi là một sự lựa chọn, bị phê phán hoặc được ca ngợi, thì người nghệ sỹ dầu muốn hay không, cũng đã lên thuyền. Lên thuyền, theo ý tôi, hình như đúng hơn là dấn thân. Quả vậy, với nghệ sỹ, đây không phải là một cuộc dấn thân tự nguyện mà đúng hơn là một nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Mọi nghệ sỹ hôm nay đều phải nhảy lên cái khoang thuyền của thời đại mình. Anh ta phải nhẫn nhục ở đấy, dẫu rằng có ngửi thấy mùi cá ươn nồng nặc đến lợm giọng.

... Chúng ta đang ở giữa muôn trùng biển khơi. Người nghệ sỹ cũng như mọi người khác, đến lượt mình phải ra tay chèo lái, nếu có thể thì anh sẽ không chết đâu, nghĩa là anh cứ tiếp tục sống và sáng tạo.

... Ngày nay mà sáng tạo là sáng tạo một cách nguy hiểm cho bản thân nghệ sỹ.

... Người nghệ sỹ phải trả lời trước hết câu hỏi mà anh ta tự đặt ra cho mình: Nghệ thuật có phải là một món hàng xa xỉ lừa dối không?

... Nghệ thuật vị nghệ thuật, trò giải trí của vài ba anh nghệ sỹ cô độc, đúng là một thứ nghệ thuật giả trá của một xã hội lọc lừa và trừu tượng.

Nó sẽ dẫn đến, một cách lôgíc, dẫn đến thứ nghệ thuật phòng khách, nghĩa là nơi mà nghệ thuật chỉ còn thuần túy là hình thức tự nuôi dưỡng mình bằng những cái cầu kỳ xa lạ và kết thúc bằng sự băng hoại mọi cái có thật trên đời.

... Người nghệ sỹ hãy diễn tả mọi nỗi đau khổ và mọi niềm hạnh phúc của con người bằng ngôn ngữ của mọi người, và anh ta sẽ được cả nhân loại thấu hiểu. Là phần thưởng cho sự trung thành tuyệt đối với thực tại, nghệ sỹ sẽ nhận được sự cảm thông toàn diện của cả loài người với một con người.

... Cái lý tưởng về sự giao cảm của toàn thể con người ấy, đúng là lý tưởng của những nghệ sỹ chân chính.

... Nghệ thuật không thể là một độc thoại.

Khi xét thấy đối thoại rất khó thực hiện với những người tuy cùng thời nhưng đui điếc hoặc lơ mơ đễnh đoãng thì người nghệ sỹ đích thực phải kêu gọi đến một đối thoại đông đảo hơn: đó là đối thoại với các thế hệ...".(Albert Camus)


Đến tập thơ thứ ba này, Trịnh Thanh Sơn đã đứng vững trên cái thế của thi sỹ dám sống hết mình, nhìn vào sự thực nào cũng nhìn thẳng, nhìn bằng con mắt rất sáng, rất sắc của một "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Và anh đã bước lên thuyền. Anh phải đè lên sóng gió mà đi tới.

ĐÓA TẦM XUÂN mỏng thế này thôi, sao lại chứa nhiều sự thực quá thể. Đọc đi đọc lại tôi vẫn thấy nó như bị giam trong một căn buồng quá chật chội. Tôi luôn nghe thấy nó hình như ngột ngạt, tức tưởi, vì những sự thực trong xã hội còn quá nặng nề mà một tập thơ nhỏ không nói ra hết được. Hầu hết các bài trong ĐÓA TẦM XUÂN đều như muốn tự thân nổ tung, vỡ bung ra, ra khỏi cái khuôn chật hẹp của những con chữ nóng bỏng. Nhưng thôi, đành lòng vậy, cầm lòng vậy, trời cho có thế, ta vui vẻ nhận thế. Những con chữ, những câu thơ bị chật chội không nổ, vỡ ra được thì chí ít nó cũng thành cái pháo xì. Xì thì cũng xì ra được một luồng hơi, với người này thì như một làn hương thơm thoảng nhẹ người, với kẻ khác lại thành luồng hơi khó ngửi, vì hễ ngửi vào là phát ốm, vậy thì cứ để tùy. Tùy trời đất, tùy cảnh, tùy người mà thơ sinh sự hoặc chẳng sinh sự gì, cũng chẳng sao. Người rồi ra ai cũng mất đi, nhưng thơ còn đó mãi, cũng như cuộc sống là bất diệt, vô thủy vô chung.

Bãi Dại Quy Nhơn - Hà Nội
Tháng 5 - Tháng 8 năm 1999

H.C
(131/01-2000)



 

Các bài mới
Rửa tội (05/03/2010)
Báu vật (05/03/2010)
Tượng đá (04/03/2010)
Củ và hạt (03/03/2010)
Lèn Voi (03/03/2010)
Các bài đã đăng