Tạp chí Sông Hương - Số 131 (tháng 1)
Gửi đóa mai vàng thuở ấu thơ
08:30 | 08/03/2010
NGUYỄN TRỌNG TẠOKim Mai thân nhớ,Ngày giáp Tết, tôi về miền thơ ấu. Cây đa cổ thụ, ngôi miếu rêu phong vẫn đứng giữa đồng quê như đợi như chờ từ vạn kỷ.

Con đường đất, vẫn con đường đất vắt qua đồng như một chiếc khăn màu cát sáng dẫn tôi về xóm làng xưa. Gặp những cô bé, cậu bé tung tăng theo mẹ đi chợ Tết, tôi chạnh nhớ tới Mai của bốn mươi lăm năm trước. Hồi ấy tôi và Mai cùng lên bảy, cùng theo mẹ đi chợ Tết, cùng đòi mẹ mua trống trận trống bỏi, kèn gà đất, hoa giấy và bánh mứt. Trên đường về, đứa đánh trống, đứa thổi kèn cứ inh ỏi cả một vùng quê. Bỗng cái trống của tôi bị thủng, tôi tiếc quá, khóc òa. Mai dỗ dành tôi, cho tôi cái trống của Mai, tôi không chịu, và Mai cũng khóc theo. Thế là hai bà mẹ phải đưa chúng mình quay lại chợ mua mấy cái trống nữa cho hai đứa hết khóc mới thôi.

Đấy là kỷ niệm về cái Tết cuối cùng của Mai ở làng quê.

Tết năm sau không còn gia đình Mai. Ngôi nhà bên cạnh nhà tôi, một gia đình khác đến ở. Mẹ tôi lại mua trống mua kèn cho tôi, nhưng tôi thấy buồn, con gà đất và cái trống bỏi như cũng buồn theo. Sau này đọc thơ Nguyễn Hồi Thủ, thấy thơ của một người xa nước khá hay, thế mà tôi chỉ thuộc được vài câu:

            Nhà tôi lài lý thơm về tối
            Em bỏ tôi đi mười ba tuổi
            Mà sao còn nhớ tóc em dài

Mai đã bỏ tôi, bỏ làng mà đi từ năm lên tám tuổi. Rồi đất nước chia cắt. Rồi chiến tranh liên miên. Người bạn gái ấu thơ của tôi biệt mù tăm tích. Những đứa bạn học "Khai trừ" Mai ra khỏi đội nhi đồng, dù biết rằng nếu không "khai trừ" thì Mai cũng chẳng còn ở quê để mà sinh hoạt đội.Bạn bè coi Mai như một vết nhơ làm mờ nhòa truyền thống. Mai theo gia đình vào chung sống dưới một chế độ khác. Lớn lên, đứa vào đại học trong nước, đứa đi du học Đông Âu, đứa ở lại làng quê, và hầu hết là vào bộ đội đi giải phóng miền . Có lúc tôi đã tìm Mai ở xứ mai vàng. Nhưng thời gian dâu bể, cá nước chim trời. Nghe người nói gia đình Mai đã chết trong loạn lạc đạn bom, kẻ lại bảo Mai theo chồng du học ở tận bên Pháp hay bên Mỹ. Rồi lại nghe nói chồng Mai là một sĩ quan của chế độ Sài Gòn cũ, giờ ở tận Cali tham gia một tổ chức chống cộng và trong một cuộc dạ hội đã dương lên lá cờ tam tài. Năm ngoái tôi lại được một thông tin khác hẳn: chồng Mai là một công chức hiền lành không tham gia đảng phái nào, sống yếm thế như người tu hành. Còn Mai là một tiến sĩ toán đã thiết kế thành công một loại "nhà chống bão" cho những vùng dân cư luôn bị bão lụt...Nói chung, thông tin về Mai từ con số không đến sự nhiễu loạn, tôi chẳng biết đâu mà lần ra cái múi tơ vò ấy.

Những người bạn ấu thơ của ta giờ cũng đã ngả bạc mái đầu. Năm mốt đứa tuổi Đinh Hợi trong làng giờ chỉ còn hăm mốt. Ba mươi đứa đã ngã xuống trong chiến tranh, hoặc bị ung thư mà qua đời. Tết nào cũng gặp lại ở làng mươi đứa. Cái cậu "Trúc Bút chì" hồi nhỏ chắc Mai còn nhớ chứ? Nó gầy cao và đầu nhọn như một cái bút chì dựng ngược ấy mà. Hồi đó nó hay chọc ghẹo Mai, bị tôi gõ cho một cái sưng đầu, giờ gặp lại, nó cứ nhắc Mai hoài. Thế là cả bọn lại nhớ về Mai và thấy buồn cười cho cái trò "khai trử" đội viên trẻ con ngày xưa. Trúc Bút chì giờ đã thành ông nội rồi, "ông nội" ước: "Nếu bà Mai đưa nhà chống bão về làng mình, tôi sẽ xin một cái". Nói vậy thôi chứ nhà Trúc Bút chì cao đến 4 lầu ở giữa Hà Nội. Anh ta là phó tiến sĩ vật lý đấy.

Mấy ngày Tết ở quê nhà, đi mỏi chân, nói mỏi miệng, và uống ruợu uống bia bụng căng như cái trống. Mấy bà bạn ngày xưa chân lấm tay bùn giờ áo hoa váy đầm đến đâu là đường làng ngõ xóm cứ sáng choang rực rỡ. Những người từ thành phố về quê ăn tết không những ăn diện rất bảnh mà "túi" cũng căng lắm. Những đồng tiền mừng tuổi không còn nhàu nát và nhỏ bé như thời thơ ấu mà cứ mới toanh "cạo râu" được. Ba nhà thờ họ trong làng bị đạn bom tàn phá trong chiến tranh, giờ được xây dựng to đẹp hơn nhiều. Trống tế, trống chầu cứ lùng tùng khắp làng trên xóm dưới thay cho tiếng pháo.

Ấy vậy mà khi tạm biệt làng quê, đi qua cánh đồng có cây đa cổ thụ, ngôi miếu rêu phong ngào ngạt hương khói, tôi lại thấy buồn khi nghĩ tới Mai và những bạn bè xa vắng. Tất cả các thông tin về Mai đều như trong một giấc mơ. Mai đang ở đâu? Chẳng lẽ đóa Mai vàng của tuổi thơ đã vĩnh viễn lìa xa cõi đời này, lìa xa ngôi làng ấu thơ với những kỷ niệm vàng son của tuổi nhỏ? Tôi lại "nói dại" rồi. Bởi trong lòng tôi luôn tin rằng, Kim Mai vẫn còn đâu đó, trong trò chơi trốn tìm rúc rích phía làng quê.

N.T.T
(132/02-2000)



 

Các bài đã đăng
Rửa tội (05/03/2010)
Báu vật (05/03/2010)
Tượng đá (04/03/2010)
Củ và hạt (03/03/2010)
Lèn Voi (03/03/2010)