Tạp chí Sông Hương - Số 252 (tháng 2)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với hoàng tộc nhà Nguyễn
15:22 | 05/02/2010
HƯƠNG GIANG(Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với hoàng tộc nhà Nguyễn
Bác Hồ trồng cây

1. Trong suy nghĩ của Bác Hồ thì “hễ là người Việt , ai cũng có lòng yêu nước”. “Hồi ký” của Đại sứ Ba Lan, phái đoàn quốc tế giám sát việc thi hành Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương có đoạn: “Trước khi vào Sài Gòn, tôi đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người dặn tôi: vào trong đó, gặp một vị trong Phủ Tổng thống chuyển tới ông ấy lời hỏi thăm của Người”. Thấy tôi ngạc nhiên, Chủ tịch nói: “Ông ấy là người Việt . Ông ấy yêu nước theo cái cách của ông ấy”.

Người dân Việt bị nô lệ, bị áp bức, ai cũng yêu nước, thấy nỗi nhục bị mất nước. Các vị vua cuối triều Nguyễn cũng là dân Việt, cũng bị nô lệ. Hơn thế nữa, là vua mà lại không có quyền của vua, thực chất là một vua bù nhìn, nô lệ, là nô lệ lần nữa. Cũng như nhiều văn thân, trí thức, nỗi nhục mất nước của vua là nỗi nhục gấp đôi người dân thường.

Thực tiễn lịch sử các triều vua cuối cùng nhà Nguyễn đã cho thấy: một vài vị vua do nhiều lý do, cũng như một số người khác trong hoàng tộc đã đứng về phía người Pháp hoặc vì sợ hãi, bị bắt buộc, nhưng dù sao cũng không thể thanh minh được sự yếu hèn vì đã không đứng được về phía đông đảo nhân dân. Số còn lại, có lúc ít, lúc nhiều với mức độ cao thấp khác nhau trong từng thời gian đã tỏ thái độ cam chịu, chờ đợi, hoặc bất hợp tác, tiến lên phản đối bằng hành động lớn nhỏ, về xã hội, chính trị và cuối cùng là tham gia chống lại chính quyền thực dân bằng lực lượng vũ trang.

2. Để cứu nước thoát khỏi cảnh nô lệ, lầm than, từ trước đến sau, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đều chủ trương “Đại đoàn kết dân tộc” mọi giai tầng xã hội, mọi tôn giáo, dân tộc, không phải chỉ Đại đoàn kết trong một giai đoạn cách mạng nào, mà Đại đoàn kết chiến lược, Đại đoàn kết mãi mãi, “Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết” thì “Thành công, Thành công, Đại Thành công”. Thân sĩ, trí thức, cả những người hoàng tộc, một khi đã hiểu được vận mệnh Tổ quốc, thấy được âm mưu của kẻ thù, trách nhiệm của người dân, lại được biết Chính phủ Cụ Hồ - đã ra lời kêu gọi, là họ đi theo Cụ Hồ, đi kháng chiến… Niềm tin mãnh liệt của họ là tấm gương của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Hình ảnh đã soi sáng trí tuệ, lương tâm của họ, khiến cho họ thấy mình có thể đi với Cụ Hồ, làm dân Cụ Hồ, vinh dự được theo Cụ. Chính Cụ Hồ đã nói là “đoàn kết toàn dân” là “tập trung nhân tài, bất phân đảng phái” nên họ gia nhập vào hàng ngũ của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Cụ Hồ.

3. Phải nói rằng có sự xuất phát từ quyền lợi riêng, nhưng không thể không thấy rõ một số vị vua cuối triều Nguyễn là những vị vua yêu nước, một số nhân sĩ, trí thức trong Hoàng tộc đã chống lại chính quyền Pháp ở Đông Dương, ở Trung kỳ cũng khởi nguồn từ lòng yêu nước ấy. Trong những ngày gian khổ ở miền Tây Quảng Trị, Vua Hàm Nghi đã nói: “Đi đâu cũng được, sống thế nào cũng được, miễn là đuổi cho được giặc Pháp ra khỏi đất nước”. Khi bị bắt, Hàm Nghi đã thất vọng thốt lên rằng: “Tôi, thân đã tù - nước đã mất, còn dám nghĩ gì đến cha mẹ, anh chị em nữa…”. Thành Thái từ lúc còn nhỏ tuổi, đã chung sống với dân nghèo, chia sẻ gian khổ với người nghèo, đã từng đi cắt tóc, lái xe… Vua Duy Tân, khi tay bẩn đã gợi ý với những người xung quanh: “ Tay bẩn lấy nước mà rửa, nước bẩn lấy chi mà rửa. Phải có chí, vượt gian khổ, khó khăn thì đời sống mới có ý nghĩa”. Khi mẹ giục lấy vợ, Duy Tân thưa là xin phép được lấy con gái thầy dạy chữ, vì “Thầy Đôn dạy con biết thương Dân, thương Nước, trọng dụng trung thần, xa lánh nịnh thần”.

Chắt trai của hoàng tử, con trai vua Minh Mạng Tĩnh Gia là Nguyễn Phúc Bửu Đình (1898-1931) thông phán ngành bưu điện của Pháp tại Sài Gòn. Ông đã hô hào nhân dân chống Pháp, xóa bỏ chế độ Nam Triều. Đã bị đày đi Lao Bảo 9 năm, rồi lại bị đày ra Côn Đảo…

Nguyễn Phúc Hồng Dân, tức Cường Để, cháu năm đời của Gia Long, Hội trưởng Hội Quang Phục, bôn ba Nhật, Xiêm, Trung Quốc cùng Phan Bội Châu và các “đồng chí” của mình “mưu toan việc nước” dù đoạn cuối đường không suôn sẻ lắm. Trong số những “con vua, cháu chúa” đi theo Cụ Hồ, ta có thể kể đến nhiều liệt sĩ như Tôn Thất Điệp, Tôn Thất Hoàn, cả hai đều hy sinh vào năm 1947; Tôn Thất Long, hy sinh năm 1963; Tôn Thất Hiếu, hy sinh năm 1968; Tôn Thất Khoa hy sinh năm 1946, Bảo Sằng (Quang Long) liệt sỹ hy sinh vào năm 1954… Rất nhiều người trong hoàng tộc đã tham gia kháng chiến chống Pháp trên nhiều lĩnh vực quân sự, chính trị, văn hóa, xã hội như giáo sư Tôn Thất Dương Ky, nhà ngoại giao Tôn Thất Vỹ, giáo sư y khoa Nguyễn Phước Ngọc Toản, các cán bộ quân sự, Tôn Thất Hoàng, Vĩnh Mẫn và nhiều người khác như Tôn Thất Thi, Tôn Thất Thiện, Tôn Thất Thức, Tôn Thất Xuân, Tôn Thất Châu…

Trong ngày Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Huế tháng 8 - 1945 người cầm súng đứng bảo vệ phái đoàn chính phủ và dự lễ thoái vị của vua Bảo Đại là một người trong Hoàng tộc: anh Tôn Thất Hoàng.

Thái độ cư xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh với vua Bảo Đại, và sau đó là cố vấn Vĩnh Thụy, là đại biểu Quốc hội khóa I của Thanh Hóa, tại chính quê hương nhà Nguyễn, tấm lòng của Hồ Chủ tịch với Nam Phương vợ Bảo Đại, với bà Từ Cung mẹ Bảo Đại, với bà Thành Thái, bà Duy Tân đã gây một ấn tượng mạnh mẽ về Chính phủ Cụ Hồ, không phải chỉ riêng trong Hoàng tộc mà cả trong nhân dân Huế và cả nước.

Không ít quốc gia mà cuộc cách mạng lật đổ chế độ phong kiến đã giết vua, cầm tù, đày đọa các quý tộc dòng họ nhà vua. Thật hiếm và cũng thật đáng suy nghĩ cái bao dung, thu phục nhà vua và gia đình họ cùng đi với mình, tham gia công cuộc giải phóng dân tộc, hoàn thành thống nhất Tổ quốc và đang cùng toàn dân góp sức xây dựng đất nước. Quả thật đúng như A.Ruscio nhà nghiên cứu lịch sử nước Pháp đã viết về Hồ Chí Minh, một “người Bônsêvích vàng” để nói về những ứng xử nhân đạo của Hồ Chí Minh, lãnh tụ của cách mạng Việt Nam.

4. Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các thành viên trong Hoàng tộc ở Huế đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý mà vận dụng vào công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa nước ta, tiếp theo con đường Bác Hồ đã chọn, làm sao cho Dân cơm no, áo ấm, dân chủ bình đẳng, văn minh… như Người đã dạy và hằng mong ước.                                          

H.G
(
Trích từ cuốn “Những người trong hoàng tộc nhà Nguyễn đi theo Cụ Hồ” - sắp xuất bản)
(252/02-2010)



 

 

Các bài mới