Tạp chí Sông Hương - Số 252 (tháng 2)
Từ Đốc học Hà Nội đến Tế tửu Quốc Tử Giám Huế - Khiếu Năng Tĩnh (1833-1915), một nhà giáo dục lớn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
15:45 | 05/02/2010
ĐINH XUÂN LÂM      (Hướng về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội)Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh sinh ngày 19 tháng 07 năm Quý Tỵ, niên hiệu Minh Mạng 14 (1833) tại xã Chân Mỹ, tổng Từ Vinh, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn Trực Mỹ, xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).
Từ Đốc học Hà Nội đến Tế tửu Quốc Tử Giám Huế - Khiếu Năng Tĩnh (1833-1915), một nhà giáo dục lớn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
GS Đinh Xuân Lâm - Ảnh: thethaovanhoa.vn

Ngay từ hồi còn nhỏ đi học, ông đã tỏ ra thông minh sáng dạ, chăm chỉ học tập; khi lớn lên, học hành tấn tới và sớm bộc lộ năng khiếu, thích học cổ văn, đọc suốt các sách cổ kim, nhân sĩ Bắc Hà đều biết tiếng. Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, cùng quê huyện Ý Yên, từng giữ chức Đốc học tỉnh Nam Định, khi xem văn tập của Khiếu Năng Tĩnh, đã nói với Phó bảng Đỗ Huy Uyên, cùng quê, phủ Nghĩa Hưng, cùng tỉnh Nam Định rằng: “Văn này (tức văn của Khiếu Năng Tĩnh) phải quan trường học rộng như biển và nhẫn nại mới chấm đỗ”.

Đó là một đánh giá tinh tế, cho thấy văn chương Khiếu Năng Tĩnh sâu sắc và uyên bác, người đọc phải công phu mới đánh giá đúng chân giá trị. Cũng chính vì vậy mà Khiếu Năng Tĩnh sau này đã lận đận nơi trường ốc, bắt đầu lều chõng đi thi từ năm mới 20 tuổi mà tới 42 tuổi chỉ đỗ Tú tài, hết ông Kép, ông Mền, đến ông Đụp…, phải tới khoa thi năm Mậu Dần (1878) mới đỗ Cử nhân, để rồi hai năm sau, đến khoa thi năm Canh Thìn (1880), niên hiệu Tự Đức thứ 3, ông mới đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Thi đỗ thì ra làm quan, đó là con đường duy nhất mà bất cứ sĩ tử nào cũng phải đi theo, Khiếu Năng Tĩnh cũng không ra ngoài con đường đó. Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông được gọi vào triều giữ chức Hàn lâm viện Biên tu, hai năm sau lại được cử làm Đốc học tỉnh Nam Định quê nhà (1882), rồi thăng Hàn lâm viện thị giảng học sĩ (1885), tiếp đó sau hai lần nhậm chức Đốc học Hà Nội là nơi trung tâm văn hóa - giáo dục cả nước, để rồi đến năm 1892 lại được về Kinh đô Huế đảm nhiệm chức vụ Tư nghiệp, sau thăng Tế tửu Quốc tử giám, một chức vụ cao quý đứng đầu ngành giáo dục cả nước mà chỉ những người văn tài lỗi lạc, học vấn uyên bác, kết hợp với đạo cao đức trọng mới được đề cử phụ trách.

Đối chiếu với lịch sử nước ta, đây là một thời kỳ đầy biến động. Thực dân Pháp sau nhiều năm điều tra dòm ngó, đã phát động chiến tranh xâm lược Việt . Rồi lợi dụng thái độ cầu hòa không điều kiện của vua quan triều Nguyễn và sức mạnh của vũ khí, chúng đã lần lượt mở rộng đánh chiếm cả nước, đầu tiên là Nam Kỳ sáu tỉnh (1867), rồi trên đà thắng thế lại hai lần kéo quân ra đánh chiếm Bắc Kỳ, lần thứ nhất vào năm 1873, lần thứ hai vào năm 1882 - giữa hai lần cách nhau 10 năm. Triều đình Huế liên tiếp ký các hàng ước, hết hàng ước Giáp Tuất (15/03/1874) đến hàng ước Quý Mùi (25/08/1883), rồi hàng ước Giáp Thân (06/06/1884), đánh dấu sự đầu hàng của toàn bộ giai cấp phong kiến Việt Nam. Giai cấp phong kiến về danh nghĩa và trên thực tế đã mất vai trò trong cuộc bảo vệ độc lập dân tộc, nhà nước phong kiến Việt Nam đang còn tồn tại về hình thức, nhưng đã hoàn toàn sụp đổ, nước Việt Nam đã trọn vẹn trở thành thuộc địa của thực dân Pháp.

Nhưng nhân dân Việt vẫn anh dũng và kiên trì đấu tranh. Phong trào Cần Vương bùng nổ sau khi chiếu Cần Vương được ban bố từ sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị) (ngày 13/07/1885), kêu gọi văn thân sĩ phu và nhân dân cả nước đứng lên đánh giặc cứu nước, tạo nên một cao trào yêu nước chống Pháp lan tràn trong cả nước, cho tới khi nhà yêu nước lỗi lạc đất Hồng Lam là Phan Đình Phùng ngã xuống trong chiến đấu (1895) mới căn bản chấm dứt (1896). Trong khi đó thì phong trào đấu tranh tự phát của nông dân, với đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Yên Thế (Bắc Giang) vẫn tiếp tục hoạt động trong muôn vàn khó khăn trước sự đàn áp, khủng bố ác liệt của thực dân Pháp. Và từ năm 1897, lịch sử Việt Nam đã chuyển sang một thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, cuộc khai thác lần thứ nhất (1897 - 1914) và khai thác thuộc địa lần thứ hai (1919 - 1930), xen giữa là 4 năm chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), gây nên nhiều biến đổi về cơ cấu kinh tế và cơ cấu xã hội. Chính suốt trong những năm tháng sóng gió này, nhà văn thân yêu nước, nhà giáo tiêu biểu đứng đầu học giới Việt lúc đó là Khiếu Năng Tĩnh đã sống và hoạt động. Với tư cách là Tế tửu đứng đầu Quốc tử giám tại kinh đô Huế, tất nhiên ông vẫn phải tiến hành việc giáo dục đào tạo các văn thân sĩ phu theo quy định cũ, nhưng tình hình bên ngoài không thể không tác động đến đội ngũ các thầy giáo và đến cả các học viên nhà trường. Ảnh hưởng của Tân thư, Tân báo không thể không xâm nhập vào nhà trường, tác động đến tư tưởng và tình cảm của cả thầy và trò, đặc biệt là đối với vị hiệu trưởng nhà trường là Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh.

Chính trong thời gian này đã diễn ra một sự kiện đặc biệt quan trọng có ý nghĩa lịch sử to lớn cho thấy tư tưởng và tình cảm của Tế tửu Khiếu Năng Tĩnh đã đứng về phe cấp tiến, và có hành động tích cực ủng hộ những người yêu nước tiến bộ. Đó là sự kiện chí sĩ Phan Bội Châu (trong khoa thi Hương năm Đinh Dậu đời vua Thành Thái thứ 8 (năm 1897) tại trường thi Nghệ An bị can tội mang sách vào trường thi nên bị án suốt đời không được dự thi - sự việc này trong thực tế diễn ra mà Phan Bội Châu không hề hay biết) đã vào Kinh đô Huế ngồi dạy học, với ý định mở rộng giao du, tìm kiếm đồng chí. Tại Kinh đô Huế lúc đó đã diễn ra một cuộc gặp mặt giữa một số người có tài năng và tâm huyết đang tìm cách liên kết với nhau để bàn việc cứu nước. Chí sĩ Phan Bội Châu đã kể về sự việc này như sau: “Mỗi khi hết giờ dạy học, lại dùng văn tự để kết giao với các bậc văn thân; Ông Khiếu Năng Tĩnh hiện làm Tế tửu Quốc tử giám rất quý trọng tôi, lúc này tôi lại kết bạn đồng tâm với ông Đặng Nguyên Cẩn(1). Ông Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền(2) rất tán thưởng bài phú Bái thạch vi huynh của tôi”. Sau đó Phan Bội Châu còn cho biết thêm là trong dịp này ông được Nguyễn Thượng Hiền đưa cho xem bài Thiên hạ đại thế luận của ông Nguyễn Lộ Trạch(3), nhờ đó mà “tư tưởng thế giới của tôi mới bắt đầu nảy mầm. Ông lại cho tôi mượn các cuốn sách như Trung Đông chiến kỷ, Phổ - Pháp chiến kỷ Doanh hoàn chí lược(4). Tôi xem những sách ấy mới hiểu sơ qua về tình hình cạnh tranh trên thế giới và thảm trạng mất nước, nòi giống diệt vong, lòng tôi lại càng được kích thích thêm… Từ đó tư tưởng tháo cũi sổ lồng của tôi bắt đầu rung động”(5). Lại nói về bài phú “Bái thạch vi huynh” (Lạy đá làm anh) đặc sắc của Phan Bội Châu hồi đó. Hai câu:

“Tam sinh điều hải chi tư, vị vong tướng bá,
Nhất phiếu bổ thiên chi lực, hữu thị phùng xuân”.

Tạm dịch:

“Ba sinh lấp biển có lòng, chưa quên nhờ bác
Một miếng vá trời ra sức, lại được gặp anh”.

Rõ ràng đó là những lời tâm huyết từ đáy lòng của một con người ưu thời mẫn thế, giàu lòng yêu nước, đang dò tìm bạn đồng tâm đồng chí để cùng lo việc lớn. Cũng cần nói thêm rằng trong một xã hội phong kiến ưa chuộng khoa danh như nước ta trước kia, một người không đỗ đạt bằng cấp gì lại còn quàng thêm trên vai án suốt đời không được đi thi như Phan Bội Châu hồi đó thì có thể nói là con đường tiến thủ đã hoàn toàn chấm dứt. Thế nhưng với tài lỗi lạc, chủ yếu bằng cái “Tâm” trong sáng, cái “Tâm” trong sáng ở đây là một lòng yêu nước sâu xa, ông đã có sức cảm hóa, chinh phục mạnh đối với những người tâm huyết, kể cả một số người trong quan trường tại Kinh đô Huế thời đó. Chính Tế tửu Quốc tử giám khi được đọc bài phú Bái thạch vi huynh cũng đã nhận ra được tài năng và chí khí của Phan Bội Châu. Không dừng lại ở đó, ông còn can đảm đứng ra cùng các quan đồng tâm đồng chí trong triều tiến hành một cuộc vận động để bản án bị oan của Phan Bội Châu được xóa bỏ. Trong lịch sử thi cử phong kiến, thiết tưởng đó cũng là một việc hy hữu, việc này một mặt nói lên truyền thống yêu nước sâu xa của dân tộc, nhưng đồng thời cũng khẳng định một thực tế lịch sử lúc đó là ảnh hưởng của các sách báo mới trong xã hội Việt Nam đã khá rộng và mạnh.

Đến năm Canh Tý (1900), khi thi Hương tại trường Nghệ An, Phan Bội Châu đã bị sốt trong lúc thi và tưởng phải bỏ dở kỳ thi. Nhưng chính Tế tửu Quốc tử giám là Khiếu Năng Tĩnh năm đó làm Chánh chủ khảo trường thi Nghệ An đã tỏ rõ sự quan tâm ưu ái, cho người săn sóc thuốc men cho Phan Bội Châu để kịp thời lấy lại sức, làm xong quyển thi trong thời gian quy định, và năm đó ông đã đỗ đầu, đoạt danh hiệu Giải nguyên. Nhờ vậy, Phan Bội Châu có thêm uy tín, danh tiếng rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyên truyền vận động cứu nước.

Căn cứ vào các việc làm của Tế tửu Khiếu Năng Tĩnh, có thể khẳng định ông là một nhà giáo dục lớn, có sự quan tâm đặc biệt đến công tác lựa chọn người tài, biết đánh giá con người theo đúng tài năng, biết tạo cơ hội cho người có tài năng, học vấn thành đạt để có điều kiện phục vụ. Bằng việc làm của mình, Khiếu Năng Tĩnh đã tỏ ra là người tinh tế, biết đánh giá con người đúng với chân giá trị, ngay khi họ còn trong cơn hoạn nạn, và trong trường hợp Phan Bội Châu thì ông đã tạo ra thời cơ đặc biệt thuận lợi cho bước phát triển mới của phong trào yêu nước cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ trước. Việc ông được các sĩ phu đương thời ca ngợi là người có tấm lòng bao dung nhân ái, biết trọng dụng và kén chọn người tài là vô cùng xác đáng, thật phù hợp với nhiệm vụ đứng đầu cơ quan giáo dục đào tạo cao nhất của nhà nước phong kiến bấy giờ.

Sự nghiệp giáo dục đào tạo là một cống hiến lớn gần như bao trùm suốt cuộc đời Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh. Khi về trí sĩ nơi quê nhà năm Giáp Thìn, niên hiệu Thành Thái thứ 6 (1904), ông vẫn dốc lòng mở trường dạy học, đặc biệt cho các cháu nhỏ con nhà nghèo. Ông tự bỏ tiền dựng nhà mở lớp tại tư dinh, tới hơn 200 học sinh, nhiều người trong số đó đã thành đạt. Phương châm ông thường dạy cho học trò rèn luyện noi theo là “Kẻ sĩ đi học mong noi theo khuôn phép của Thánh hiền, làm gương mẫu cho người đời bắt chước, chớ không cần thi đỗ vẻ vang và hãnh diện. Khi làm quan lúc nào cũng phải nghĩ đến dân đến nước, chớ không cần bổng lộc để vinh thân phì gia”.

Trong những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, ông vừa giữ chức Tế tửu Quốc tử giám, vừa tham gia biên soạn nhiều bộ sách quý, năm 1900 bộ sách Minh Mạng chính yếu, năm 1901 dịch Luận ngữ diễn âm, năm 1902 cuốn Nhân thế tu tri. Qua các tác phẩm Hán Nôm, ông đề cao khí tiết người trượng phu, trong Cố hương thi tập ông đã nói lên tâm sự của mình, đồng thời cũng là chung cho giới sĩ phu yêu nước có khí phách, trung thực thời bấy giờ:

“Đông lai hà vật bất điêu linh,
Điền xá cô trùng độc tú thanh,
Vũ đả phong chàng tâm tự tại,
Trượng phu bất quý thế gian bình”.

Tạm dịch:

“Mùa đông mọi vật đều xơ xác,
Xóm ruộng thông già cứ tốt xanh,
Mưa dội gió lay lòng vẫn thế,
Trượng phu không thẹn với câu bình”.

Ông còn dày công nghiên cứu địa lý, lịch sử nước nhà và biên soạn nhiều tác phẩm, cũng như công trình địa chí như Hà Nội tỉnh chí, Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược, Đại An bản mạt khảo, Đại An huyện chí… rất quý và rất cần cho công tác nghiên cứu địa chí, lịch sử, giáo dục truyền thống, tiếc rằng trong số đó có tác phẩm đến nay chưa sưu tầm được, như Hà Nội tỉnh chí.

Khiếu Năng Tĩnh mất tại quê nhà ngày 06 tháng 04 năm Ất Mão (1915), thọ 83 tuổi, trong sự tiếc thương và lòng cảm mộ của nhân dân địa phương, của văn thân sĩ phu cả nước. Ông vô cùng xứng đáng được vinh danh là một nhà văn hóa - giáo dục lớn, một vị “Sư biểu” của nước ta.

Đ.X.L
(252/02-2010)



--------------
(1) Đặng Nguyên Cẩn: người làng Lương Điền, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Đỗ Phó bảng rồi được bổ dụng vào ngành giáo chức. Tham gia phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX nên bị đày ra Côn Đảo. Sau khi ra tù, ông mất ở quê nhà.
(2) Nguyễn Thượng Hiền: hiệu là Mai Sơn, người làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Sau khi đỗ Hoàng giáp, có thời gian ra làm quan. Đến năm 1908, xuất dương hoạt động yêu nước cách mạng. Mất tại Hàng Châu (Trung Quốc).
(3) Nguyễn Lộ Trạch: hiệu là Kỳ Am, người làng Kế Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Tác giả các bản điều trần Thời vụ sách, Quỳ ưu lục đề nghị với triều đình chấn chỉnh võ bị, duy tân đất nước, nhưng đều không được chấp nhận.
(4) Tên các cuốn Tân thư của Trung Quốc được đưa sang Việt hồi đầu thế kỷ XX, được các nhà nho cấp tiến hồi đó hào hứng tìm đọc.
(5) Phan Bội Châu niên biểu (bản dịch) - Nxb Thuận Hóa, Huế, 2004.




 

Các bài mới
Các bài đã đăng