Tạp chí Sông Hương - Số 252 (tháng 2)
Chị về bên ngoại
10:58 | 08/02/2010
NGUYỄN ĐẶNG MỪNGChị Hà cùng tuổi với tôi, tuổi Thìn. Chị bảo nam Thìn nữ Tỵ nên đời chị sẽ lận đận long đong, đời tôi sẽ hanh thông.  Mới mười hai tuổi mà chị như người lớn, lúc nào cũng gọi tôi bằng cậu, cậu em.
Chị về bên ngoại
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Bên ngoại chị không còn ai, chỉ bà con xa. Bác Ca, cậu ruột chị là người cuối cùng trong chi, bị Tây bắn lúc mới mười tám tuoi. Mỗi lần ai nhắc đến Bác Ca là O Hát mẹ chị Hà  khóc tấm tức, bảo sao trời không cho O chết thay cậu ấy.  Tuyệt tự!  Điều đó khiến O Hát càng quý bên ngoại hơn. Mỗi năm đến ngày chạp mả O Hát dắt cả ba đứa con về. Anh Thổ là lực điền đúng nghĩa, cao to như Tây, da ngăm, mặt chữ điền. O Hát bảo giống dượng như đúc. Dượng cũng bị Tây bắt đi rồi chết đâu mất xác năm sinh chị Hà. Anh Điền thư sinh hơn, da trắng như con gái. Chị Hà gầy nhom, vác cái cuốc chét chạy lăng quăng theo hai anh. O Hát chỉ cho các con đây là mộ ông ngoại bà ngoại, đây là ông bà cố…Biết bao nhiêu người đã khuất, từ ông nội O Hát trở xuống. Đến trước mộ Bác Ca O Hát khóc òa lên, quỳ xuống lạy. Cậu ơi răng chết đi. Răng không nối dõi tông đường. Tuyệt tự rồi cậu ơi. Chị Hà quỳ bên cũng khóc. Hai anh trai vẫn thản nhiên dùng cuốc xẻng vun lại nấm mộ. Một lát ngôi mộ như được mặc áo mới, trắng toát cát rờn rợn bên tiếng khóc O Hát. 

O Hát thương tôi như cháu ruột, quý ba tôi như em ruột. O bảo phụ nữ chỉ một đời, vài đời sau con cháu sẽ kể nghe nói đời thứ mấy, thứ mấy có mệ ni mệ tê lấy chồng đâu bên làng Đông làng Tây mô đó....

Nhà tôi ở làng Tây gần quận lỵ, cách làng Đông khoảng năm cây số. Thường hàng năm O Hát nói với ba tôi nghỉ hè cho cháu về ở với O, cho có bạn với chị  Hà.  Tôi cũng thích rong chơi ở vùng quê, nhất là được cỡi trâu ra đồng cùng chị Hà. Tôi ngồi sau lưng chị, ôm eo chị trên lưng con trâu to béo đi qua những cánh đồng sau mùa gặt thích lắm. Lúc trâu lội qua sông chị Hà cười sang sảng, bảo tụi mình đi xe lội nước. Chị còn giải thích: “Cậu biết Hà là chi không, là sông đó. Anh Thổ là đất, anh Điền là ruộng”. Tôi bảo: “Ruộng đất không có nước thì không có khoai lúa, chị Hà là quan trọng nhất”. Chị cười thích thú. Suốt mùa hè chúng tôi ở ngoài đồng, bên dòng sông nhỏ. Ăn cơm trưa trong cái mo cau với cá kho ngon tuyệt. Ăn rồi tắm, tắm rồi ăn.

Lũ trẻ nhà quê tinh nghịch cặp đôi tôi với chị, tôi bảo bà con, đừng nói bậy O Hát đánh chết. Tụi trẻ nhảy tưng tưng hát vè tục tằn, “bà con hai họ, lọ mọ cả đêm, chị trống em kèn, tùng xèng tùng xèng…”  Chị Hà cầm roi tre rượt đuổi đám trẻ. Áo chị bị gai tre móc rách tơi tả chị vẫn rượt. Ngã lăn xuống ruộng lại bò đứng lên rượt đuổi đến cùng. Tụi nhỏ sợ chị chạy tán loạn. Chị ngồi bệt bên giường ruộng khóc rống riết. Tôi run rẩy đến gần, cầm tay kéo chị đứng lên, chị dằn tay lại trừng mắt kêu: “Đồ hèn, con trai mà hèn”. Tôi ngồi trên giường ruộng nhìn mặt trời lặn. Gió giật từng cơn, rặng tre lào xào lao xao. Tôi cúi mặt trên hai đầu gối khóc thút thít. Ngửng lên thấy bóng chị xấp xãi trên đường bạn, tôi vội vã chạy lúc thúc theo về. O Hát hỏi chuyện chi rứa, chị bảo tụi nhỏ cặp đôi con với cậu Thìn. O Hát cười, “Cặp đôi có chết ai mô. Bên ngoại bốn đời là lấy chắc được. O sẽ gả con Hà về bên ngoại để lo hương khói mả mồ”. Chị Hà đấm thùm thụp vào lưng mẹ, kêu lên “con mà, bà con mà…, con không chịu mô”.

Suốt buổi sáng hôm sau chị Hà  không thèm nói chuyện với tôi. Buồn. Buổi chiều tôi theo anh Điền đi bừa ruộng. Anh Điền hiền như ruộng, cho tôi đứng lên chiếc bừa gỗ thích lắm. Dù vậy tôi cứ mong trời chiều để về gặp chị Hà. Chị đứng chờ tôi trước ngõ, bảo vô tắm rồi ăn cơm học bài. Chị cầm tay tôi dắt ra giếng, cởi áo cho tôi rồi bảo ngồi xuống. Chị dội nước lên đầu tôi kỳ cọ. Lúc chị toan đụng phía dưới tôi hất tay chị ra. Chị cười khúc khích bảo thôi tự tắm đi, không sạch là ăn roi nghe chưa.

Một tối Chị Hà kêu Thìn ơi ra đây chơi. Chị ngồi dưới bụi tre trước sân nhà, dưới am thờ, bên cạnh cái cối đá. Cái cối để dưới am thờ nhỏ, chị đã thắp lên đó ba cây nhang. Tôi toan ngồi lên cối thì chị kéo tay bảo không nên. Cái cối này là kỷ vật của ông ngoại, linh lắm. Cái cối đá sứt tai đen thủi nằm dưới am thờ thì linh nỗi gì, tôi thắc mắc trong lòng. Chị kéo tay tôi ngồi gần, thì thào: “Cậu có tin không, cối đá cũng có linh hồn. Cái chi cũng có linh hồn hết, mụ Thà nói rứa”. Mụ Thà là cô đồng bóng, mỗi lần vong nhập vào mụ nói giọng lơ lớ kiểu người âm phủ. Bọn trẻ chúng tôi thường tụm lại xem mỗi lần mụ lên đồng. Tôi hỏi mụ Thà nói chi. Chị Hà giọng nghiêm trọng kể: “Cái cối này là hồi môn của ngoại. Mạ kể Tây đốt nhà cả thảy mười ba lần, cái chi cũng cháy, chỉ còn cái cối này, nó bị bom phạt sứt tai”. Chị đưa tay xoa rờ lên chỗ sứt rồi tiếp: “Mạ kể Mệ ngoại mất lúc sinh cậu Ca. Ông ngoại mất mạ mười sáu tuổi, cậu Ca mười bốn. Ông ngoại trối lại rằng, con trâu và hai sào ruộng để lại cho cậu Ca sinh sống và lập gia đình nối dõi tông đường. Nhà cửa chẳng còn chi để hồi môn cho con gái. Chỉ còn chiếc cối đá cha tặng con làm kỷ niệm. Nó không đáng giá nhưng có linh hồn của cha mạ trong đó. Rồi ông nhắm mắt ra đi. Mạ còn kể cái cối là chứng tích ghi lại mối tình của ngoại. Hai người tỏ tình với nhau bên chiếc cối này sau khi giã gạo và hò đối đáp. Một lần đến làng mệ ngoại hò giã gạo, ông hò: Hơ hơ… Anh ngồi bên ni tai cối/Em ngồi bên tê tai cối/ Tôi thấy em mặc áo nối vải đà tóc búi vải bao. Tôi không phải là phường vô phương tắc đạo mà băng hói lội rào tới đây”. Mệ “bí” không “đối đặng” bèn hò: hơ hơ… Đến đây thì ở lại đây, khi mô tốt rễ xanh cây thì về”. Ông ở lại “mần rể” ba năm thì cưới. Mệ ngoại theo chồng mang theo chiếc cối đá này làm kỷ niệm, lại đặt tên con là Ca Hát”.

Trăng hạ tuần. Dập dờn gió từng đợt. Tre pheo cúi xuống vờn lên, chiếu bóng những hình thù ma quái vật vã trên am thờ, lên cối đá. Nhang cháy nhòe lay động. Nhìn chiếc cối đá đen đủi chĩa ba cái tai nhọn hoắt như nhúc nhích, tôi lạnh toát người. O Hát ngủ sớm. Anh Điền đi đâu từ sẩm tối chưa về. Trong nhà còn ngọn đèn dầu lấp loáng trên bàn thờ chực tắt. Xóm làng im ắng, chỉ còn tiếng lào rào trên ngọn tre. Chị Hà cầm tay, níu đầu tôi nói nhỏ: “Anh Thổ gửi thư về nói mạ nên cho anh Điền ra tỉnh làm chi cũng được, đừng ở nhà, bất trắc lắm. Anh nói anh đi lính cộng hòa trong sình lầy cực khổ lắm. Sang năm anh mới có phép về thăm. Chị đọc thư cho mạ nghe, xong mạ bảo đốt đi. Hôm qua chị nghe anh Điền nói với mạ là đừng để cậu ở đây nữa, không hay”. Chị ghé sát tai tôi thì thào, “Anh Điền theo du kích, có súng. Cậu đừng nói với ai nghe chưa. Mai chắc chị em mình không còn gần nhau nữa, Thìn buồn không”. Chị quàng vai tôi thút thít, bập bệu, “Cậu về trên đó đừng nói chi với ai về chuyện anh Điền nghe. Khi nào chị đi chợ Huyện sẽ ghé thăm cậu”.

Tôi và chị vào nhà sửa soạn đồ đạc để mai cùng chị về nhà. Cả đêm đó tôi không ngủ được. Nằm trên tấm phản nghe gió xào xạc trên mái tranh. Anh Điền vẫn chưa về. Gà gáy canh ba chị Hà đã dậy nấu cơm. Ánh lửa rơm chập chờn bóng chị trên vách, lòng tôi đau thắt, nằm khóc thầm.

Chị Hà lại bới cơm vào mo cau như thường lệ, nói với O Hát: “Con đưa cậu Thìn về nghe mạ, chiều con mới về. Hôm qua con đã cắt cỏ đủ trâu ăn rồi”. Tôi chào O Hát. O xoa đầu tôi khuyên ngoan và học giỏi, xứng đáng với dòng họ nhà mình.

Chúng tôi men theo đường trâu đi hàng ngày. Những ô ruộng vừa vào nước phở sủi bọt. Mùi đất thơm vấn vương trong gió lào thổi nhẹ. Chị Hà bảo, “Ngày ni mình chơi đến xế chiều rồi chia tay”. Tôi không trả lời, tha thủi đi theo chị. Dừng ở bến sông vắng, nơi có bụi la ngà vươn ra giữa dòng, chị Hà soạn cơm ra cùng tôi ăn. Cơm còn nóng trong mo cau ăn với muối sả.

Mặt trời đỏ lựng  cao dần phía lũy tre nhà O Hát. Ở đó tôi tin là O đang nhìn với theo, hướng về phía ngoại, nơi có mồ mả mười mấy đời, và gửi vào chúng tôi một niềm tin xót xa mơ hồ nào đó.

Chị Hà rủ tôi tắm. Chúng tôi ngập lặn thỏa thích. Thường ngày đi chăn trâu chị mặc áo nâu hoặc đen. Hôm nay chị lại mặc áo quần mỏng màu sáng. Áo quần dính sát vào da thịt. Lần đầu tôi thấy rõ hai núm cau trên ngực chị, lòng bứt rứt một cảm giác khó tả. Chị quay mặt đi, hai tay ôm ngực, giọng như lạc đi: “Cậu Thìn sinh tháng giêng, chị tháng tư. Hai chị em mình mười hai tuổi rồi đó. Mới đó...”. Bất chợt chị Hà ôm riết tôi, hai núm cau ép vào ngực trần tôi nóng hổi. Chị thì thào: “Khi mô hết chiến tranh cậu lại về đi chăn trâu với chị nghe”.

Chiều xế bên kia sông. Chúng tôi ngồi nhìn xuống những bóng tre in lên dòng nước trong xanh. Không ai nói chi. Chị Hà cúi đầu bứt những cọng cỏ đưa lên nhìn chăm chú, nhăn trán ưu tư, rồi nhìn về hướng mặt trời lặn chớp mắt buồn bạn (buồn bã), hai giọt nước mắt run rẩy lăn xuống hai gò má gầy sạm nắng . Chị không nhìn tôi, bảo: “Chiều rồi, cậu về đi”. “Chị về trước đi”. Chúng tôi cứ nài nhau. Cuối cùng chị Hà xử: “Oẳn tù tì, ai thua về trước”. Chị Hà thua. Chị nhìn sững tôi, cũng lại lần đầu tôi thấy má chị ửng hồng. Đi một đoạn chị lại ngoái nhìn lui. Bóng chị nhỏ dần, nhỏ dần thành một cánh cò lẻ loi giữa cánh đồng mông quạnh.

***

Mấy đứa bạn kháo nhau sắp có đụng trận ở làng Đông. Thằng Chinh Quắn rủ tôi đi coi đánh trận. Qua cánh đồng, làng Đông khói lửa ngút trời. Mỗi lần  đụn lửa cuộn lên, sau đó là tiếng nổ lớn, thằng Chinh nhảy cẩng lên, múa tay la: “chết bây  nì, chết bây nì…”, tim tôi lại thót đau, lòng ran như lửa cháy. Nhà chị Hà có cháy không. Hầm trú ẩn có chịu nổi những quả bom  không.

Cách năm cây số mà làng Đông với làng Tây là hai thế giới đối nghịch. Suốt mấy tháng tôi không nghe tin gì về gia đình O Hát.

Một năm rồi hai năm. Một sáng tháng giêng tôi gặp chị Hà. Chị quấn khăn tang đi theo chiếc xe kéo, trên đó là quan tài. Chị Hà gục vào vai tôi khóc òa lên. “Thìn ơi, O Hát của Thìn mất rồi, Anh Thổ cũng chết rồi đây nì. Thìn về làng với chị đi, để thắp nhang cho O, để an táng cho anh Thổ, Thìn nghe. Đừng sợ ai cả, không sợ ai nữa cả. Cái tuổi chi chị mà khổ ri hè, Thìn ơi là Thìn, hu hu…”. Sau một tiếng khóc là chị vỗ lên vai tôi, vừa đi vừa kể lể. Tôi bước theo chị trong mưa bấc.

Quan tài đưa thẳng lên huyệt. Anh Điền đứng lặng, mắt đỏ hoe nhưng không khóc. Những nhát cuốc cuối cùng vun cát thành một ụ trắng toát, trong tiếng kêu gào của mỗi mình chị Hà. Chị lại níu vai tôi ngất đi.

Chị Hà bưng di ảnh anh Thổ cùng tôi về nhà, chị đặt lên bàn thờ bên bài vị O Dượng, thắp nhang và cùng tôi lạy. Xong chị giục: “Về đi kẻo tối, cậu Thìn. Máu loãng hơn nước lạnh. Tôi nhớ ơn cậu suốt đời”. Tôi ôm chầm chị run rẩy: “Chị Hà ơi, răng đời chị khổ rứa…”. Tôi không biết nói gì thêm, buông chị quay đi như chạy. Tôi tha thủi theo đường bạn. Tôi chạy trong gió bấc. Tôi bơi qua sông. Lại chạy. Vấp té xuống ruộng. Lại chạy…

Càng ngày tôi càng đi xa quê mình. Mỗi lần ngang cánh đồng, có dòng sông tôi lại nhớ thương chị Hà da diết. Chị Hà có sống nổi không trong bom đạn quê tôi.

Mười mấy năm sau tôi mới có dịp về quê, ngang cánh đồng xưa tìm về nhà chị Hà. Đến bên bến sông, gặp người làng Đông tôi hỏi thăm về chị. Họ bảo chị Hà lấy chồng bên làng Tây, làng ngoại của chị ấy rồi. Tội nghiệp, cả hai vợ chồng đều tật nguyền.

 Tôi không kịp hỏi thêm, nhắm hướng làng Tây mà chạy. Chị Hà ngồi ru con bằng một tay, tay còn lại cụt tới nách. Chị nhìn sững tôi rồi khóc òa: “Cậu Thìn còn sống đó à. Tưởng cậu đi luôn không thèm về quê.  Cháu cậu đây nì, kêu bằng cậu hay ông trẻ cũng được”. Đôi mắt đẫm nước của chị ngời hạnh phúc khi nựng thằng con trai kháu khỉnh của mình. Tôi hỏi tới: “Răng kêu cậu và ông”.  Sau khi rót nước mời, chị bình thản: “Cậu không vui à. Ngồi xuống đây tôi sẽ kể cậu nghe: Chồng tôi là cháu gọi cậu bằng chú họ. Anh ấy đi lính liên tê cùng lứa cậu. Số phận khắc nghiệt thiệt. Đến ngày cuối cùng của cuộc chiến anh ấy lại bị thương, cụt cả hai chân. Mà cũng may, rứa mới gặp tôi. Còn tôi từ ngày nhà cửa cháy hết anh Điền đem tôi theo lên rừng. Năm sáu chín anh Điền cũng mất sau một trận sốt rét rừng. Tôi lại vào bộ đội rồi bị thương mùa hè năm 1972. Về làng tôi đi học sư phạm rồi đi dạy. Năm nào tôi cũng về ngoại chạp mả. Bà con bên ngoại cứ cặp đôi tôi với “anh thương binh ngụy”, anh Chinh, chồng tôi hiện chừ đó. Ban đầu tổ chức cũng can ngăn, sau vì chúng tôi quyết tâm nên họ cũng chịu. Vậy là chúng tôi làm đám cưới.

Thằng Chinh tóc quắn, tôi nhớ ra rồi, thằng Chinh tóc quắn, cháu họ tôi.

Chị cùng tôi ra sân, dưới am thờ, chiếc cối đá sứt tai được đặt  lên cái bệ ốp gạch trang trọng. Chị thắp nhang vái rồi quay sang tôi: “Trễ tràng hết rồi cậu ơi. Số phận ông bà sắp đặt rồi. Chiếc cối đá dù sứt tai lại được  trở về với họ ngoại đây nì. Từ nay tôi sẽ gọi cậu bằng chú, Chú Thìn”.

N.Đ.M

(252/02-2010)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng