Tạp chí Sông Hương - Số 252 (tháng 2)
Người đàn bà ngáy
10:33 | 09/02/2010
HỒNG NHUMai Chi nữ cử nhân, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện đang theo dõi bệnh tôm sú nuôi trên cát của một doanh nghiệp tư nhân ở An Bằng thì được lệnh bằng điện thoại di động của trưởng phòng về cơ quan gấp. Cô vội vàng phóng xe máy qua cầu Trường Hà ra đường quốc lộ 1.
Người đàn bà ngáy
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Bước vào phòng của sếp, cô thấy một người đàn bà mặc váy áo màu đen nhạt điểm hoa lá vàng trứng sên ngồi quay lưng ra cửa ngoài, đối diện với sếp.

- A Mai Chi về rồi, ngồi xuống đây làm việc luôn - sếp chỉ tay vào chiếc ghế cạnh bàn - Đây là chị Dương Thụy, nhà văn mới ở Sài Gòn ra. Chị ấy muốn đi thực tế tìm hiểu vùng đầm phá tỉnh ta dăm ba ngày. Cô sẽ là người hướng dẫn giúp chị ấy, được chứ ?

Mai Chi gật đầu nhẹ “Dạ được!”, đưa tay bắt bàn tay thon thả với những ngón dài móng chuốt của người khách vừa đưa ra làm quen.

- Chào em!

- Chào chị!

Ông trưởng phòng hồ hỡi nói với khách:

- Thế là ổn. Mời chị sáng mai bảy rưỡi lên thuyền. Cô Mai Chi là “thổ công” của chúng tôi đấy chị à. Trời nước, cá tôm, chài lưới, cả rong rêu cả người ngợm vùng đầm phá, cô ấy đều thông thạo. Có gì chị cứ hỏi cô ấy thoải mái, phụ nữ với nhau chẳng cần phải giữ gìn chi hết! Kể cả chuyện...

Cả ba người đều cười, đứng dậy. Mai Chi nghĩ bụng: “Cái bố sếp của mình râu ria xồm xoàm như búi cây, da dẻ lại chẳng khác gì than tổ ong, trước một người đàn bà trẻ đẹp, trắng trẻo thanh mảnh như thế kia, lại là nhà văn nữa; mới gặp nhau ông ấy đã ăn nói xô bồ rổ rá, chẳng sợ người ta cười cho ư”...

Ba ngày đi trên thuyền máy từ Mũi Né băng qua phá Cầu Hai, dọc dải đầm mấy xã cuối của Phú Lộc đầu Phú Vang, vượt cửa Thuận An qua Ca Cút Quảng Điền, thẳng đến Cửa Lác Phong Điền địa đầu của thượng nguồn ngọn phá; rồi trở lại Thủy Tú vòng qua Nghi Giang Tư Hiền lên Phụng Chánh Vinh Lộc, vòng về Đá Bạc, lượn một đường cánh cung ven chân đèo Phước Tượng như cánh tay mềm nối dài của núi Bạch Mã, trở lại nơi xuất phát.

Phòng nông nghiệp huyện đã chuẩn bị đầy đủ cho chuyện đi; nào xăng dầu, gạo nước, đèn đóm, thức ăn khô thức ăn tươi; nào vải bạt, ni lông che mưa, chăn màn phòng khi ngủ thuyền trên đầm phá. Tất cả các thứ đó đều do Tạo, một nhân viên đứng tuổi của phòng kiêm luôn người lái thuyền, phụ trách, lo toan. Mai Chi và Dương Thụy hoàn toàn không phải mó tay vào bất cứ chuyện gì. Họ đi làm việc mà như đi dạo chơi, ngao du, ngắm phong cảnh nước mây đầm phá. Thời tiết mấy ngày qua thảy đều đẹp, nắng đầu hè chưa đủ độ nóng, dịu dàng và thanh thoát, trời trong leo lẻo, gió vuốt thong dong.

Trong lòng thuyền, dưới mái vòm lợp bằng lá mây rừng chắc chắn, hai người phụ nữ ngồi im lặng, một người dở sổ tay ghi chép, một người đọc cuốn sách truyện mang theo. Họ không nói chuyện với nhau được vì tiếng máy nổ xành xành sùng sục mãi bên tai. Đến bến Vĩnh Tu, Tạo dừng thuyền, bảo hai người cứ ngồi đó nghỉ nói chuyện, để tôi nhảy lên chợ mua ít rau cỏ cá tôm cho bữa ăn chiều. Hai người không nghe, cũng đòi đi chợ với ông. Tạo nói tùy hai cô. Mà phải, đàn bà nghe nói chợ mà không muốn đi, họa có là người chập mạch!

- Mai Chi, em mấy tuổi rồi? Công tác đã lâu chưa?

- Dạ, em hai tư, tốt nghiệp đại học xong em xin về huyện nhà. Em công tác mới một năm rưỡi chị à.

- Vậy ư? Nhà em ở đâu? Trong gia đình có những ai?

- Nhà em ở Mỹ Lợi, cái làng ta mới đi qua hồi sáng, bên ngoài Phụng Chánh về phía biển đó chị! Ở nhà, cha em đã mất sớm, chỉ còn mẹ và chị gái; chị em không lấy chồng, ở vậy với mẹ em, nay đã gần năm mươi. Anh trai em là kỹ sư máy tính đang công tác ở Nha Trang. Mẹ em sinh nở nhiều lần nhưng chỉ nuôi được có ba, chị à...

- Hơi neo đó, em nhỉ?

- Dạ, ở nhà em chỉ còn hai mẹ con, nói đúng hơn là hai bà già, đôi khi vắng vẻ lắm chị ơi! Mẹ cứ hối thúc anh trai em lấy vợ mãi mà anh ấy vẫn chưa, dù đã bốn chục rồi chị à.

- Ra thế. Còn em, đã có nơi nào chưa?

- Dạ chưa. Em xấu người nên chẳng ai để ý.

- Bậy nào, em xấu đâu mà xấu! Phụ nữ chẳng ai xấu cả, chỉ có người chẳng biết làm đẹp! Em chưa nghe câu đó à?

- Dạ em nghe rồi. Chị...? Mai Chi ngước nhìn Dương Thụy, không nói hết câu theo ý nghĩ của mình.

Nhà văn nữ cảm nhận được cái nhìn của cô gái trẻ, mỉm cười âu yếm ôm vai cô:

- Mỗi người một hoàn cảnh một số phận. Chị đây này, “U 40” rồi vẫn phòng không đó em ơi... 

Thuyền đi trong nắng quái chiều hôm. Hoàng hôn đầm phá bỗng rực lên, những tia nắng xiên qua bãi dương liễu ven bờ bỗng nhòa nhạt, hòa vào sắc đỏ ối của ráng chiều vùng chân trời, tỏa xuống mặt nước mênh mông một màu say say như rượu tưới. Cây cầu Trường Hà vắt qua đầm như một dải lụa dài thắt cái nơ lớn hồng hồng tím tím. Người lái thuyền tấp vào bờ, tắt máy nổ, quẳng sợi dây dừa to bằng cổ tay trẻ nhỏ lên bờ. Ông nhảy lên theo, thoăn thoắt buộc mấy vòng múi dây vào một thân cây cừa có cái tán lá rộng uồm ra trên mặt nước như một chiếc mũ lưỡi trai lớn. Ông tuyên bố:

- Chúng ta nghỉ ở đây, nấu cơm ăn. Tối, mời hai cô lên bờ, vào nhà nghỉ Huyền Mi ở Vinh Thanh. Huyện đã liên hệ trước rồi!

 Dương Thụy kêu:

- Lên bờ làm chi! Ngủ dưới thuyền thích hơn. Đúng không, Mai Chi?

Mai Chi ngước nhìn mảnh trăng non bấy giờ đã như một lưỡi liềm cắt bằng giấy các-tông treo trên nền trời.

- Đúng đó chú Tạo! Trời này, nước này, trăng kia, gió nọ, không ngủ thuyền lại lên bờ chui vào cái nhà nghỉ như cái ống bê tông gạch đá thì có họa là người “chập mạch” như chú nói hồi sáng! - Cô cười nụ.

- Cũng tùy mấy người! Tôi chỉ sợ cô Dương Thụy không quen ngủ đò thôi..

Cơm nước xong, trong lúc người đàn ông qua bên kia khung máy nổ xòe diêm rít một điếu thuốc lào sòng sọc xong ngã lưng đánh xoạch, xoài cả bốn tay chân ngủ một cách chóng vánh, ngon lành như trẻ nít, thì hai cô gái rủ nhau ra ngồi ở đằng mui dưới ánh trăng non. Họ rủ rỉ về những gì đã thấy đã nghe trên lộ trình vừa qua. Những ngôi lều chồ bốn bề lộng gió mà chót vót trên sàn tre cao, những người đàn bà đan lưới vá mành, bâu bên cạnh là những đứa con, có đứa nhỏ còn bú, ngậm núm vú kéo quành quả mướp ra bên hông mẹ, mút chùn chụt chùn chụt. Những chiếc nón lô nhô bập bềnh trên mặt nước nhìn xa như những bãi nấm mối trắng, tưởng có thể hái về xào ăn được, của những người đang mò trai ốc dưới đầm. Những nò sáo nơi thì lác đác nơi thì nối nhau ngang dọc như những cánh rừng không lá mà trên đầu cọc sáo, thỉnh thoảng có vài chú chim bói cá sặc sỡ đứng co chân rình mồi một cách ung dung tự tại, giữa bốn bề trời nước bao la. Lại nữa, nhìn ra hai bên bờ phá chỉ thấy là hai vệt mờ sương khói như hai nét bút lông vạch nên hư ảo, tít tắp... chẳng thấy một bóng người, bỗng dưng cắp cặp cắp cặp... một đám vịt đầm hiện ra có đến hàng nghìn con rộn ràng bơi lặn mò ăn. Vịt trời hay vịt nhà vậy Mai Chi. Vịt nhà họ nuôi đó chị. Nhà nào. Nhà của dân trên bờ, họ là dân đầm phá đã định cư trên bờ chị à. Của một nhà hay nhiều nhà. Của một hai nhà hay của cả xóm cả làng. Họ thả vịt trên đầm vậy tối chúng biết đường nào mà về. Khỏi lo chị ơi, khi cần lùa về, người chăn vịt sẽ xuất hiện với một chiếc tròng nhỏ và một cây sào dài. Anh ta hoặc chị ta sẽ lùa chúng lên bờ không mất một con. Chao, lên bờ rồi sao nữa Mai Chi. Dạ, thì lên bờ rồi thì chúng về nhà, vịt nhà nào về nhà nấy. Bọn vịt đầm phá này nó giỏi lắm chị ơi, nó không bao giờ nhầm đường, nhầm chủ của mình. Ôi trời, vậy ư, giỏi thiệt! Như có Thần Đầm chỉ bảo, chị à. Người dân đầm phá Tam Giang Cầu Hai chúng em họ tôn thờ và tin Thần Đầm lắm. Em kể chuyện này chị nghe, chuyện em nhỡn tiền. Một chiều chủ nhật, thằng cu Đốm với hai thằng bạn cùng lớp rủ nhau bơi xuồng ra đầm Thủy Tú chơi. Chúng mà bơi xuồng chẳng khác chi chị em chúng mình chạy hoặc đi trên bộ. Chiều sẫm tối ba đứa về đến vạt nò sáo của ông Bền, cu Đốm phát hiện một chú cá dầy to bằng cổ tay bằng một cách nào đó bị mắc vào câu chùm treo toòng teng giữa sáo. Chú mình khoái quá, bảo hai bạn găm xuồng lại, nhảy xuống nước bơi luồn vào trong sáo lôi được con cá ra. Ba đứa nhóm lửa nướng ăn. Về đến nhà, hai thằng chẳng sao, riêng cu Đốm đau bụng quằn quại, thuốc men sao cũng không khỏi. Bà mẹ mới hỏi: “Mi ăn cái chi. Dạ, con ăn cá nướng. Cá chi. Cá dầy. Cá ở mô. Cá bắt được dưới đầm. Cá bắt được hay cá của ai. Đến lúc đó cu Đốm ta mới thú thật là cá trong sáo của ông Bền. Chết rồi, cá của ông Bền răng mi dám bắt trộm; mi có tội với Nữ Thần Đầm rồi! Cha mẹ cu Đốm sắm một mâm trầu rượu đội đến chỗ ông Bền. Ông Bền nghe chuyện, bèn bày luôn bàn thờ ngay đầu mũi thuyền với mâm trầu rượu đó, khấn xin Thần Đầm. Rằng rập đầu xin cho đứa trẻ nghịch ngợm, chứ không phải nó có lòng tham. Tôi là thí chủ nò sáo, tôi đảm bảo với Nữ Thần như vậy. Trầu rượu hương hoa được thả xuống đầm. Một luồng gió chướng đâu từ dưới nước thổi thốc lên. Như vậy là Nữ Thần đã chấp nhận Cha mẹ cu Đốm định bụng nếu Đốm không khỏi là chở nó đi bệnh viện. Về đến nhà thì thấy cu Đốm ta đang ngồi học bài, nhe răng ra cười nói hết đau bụng rồi. Hỏi hết khi mô? Hết khi nãy... Tổ cha mi, ông Bền vừa cúng xin Thần Đầm cho mi đó. Lần sau mà như rứa nữa, Thần Đầm sẽ vật mi chết tươi đó nghe con. Dạ dạ!

Chị thấy có lạ không? Lạ quá, lạ quá trời. Thôi khuya rồi, chị em mình đi ngủ đi chị, sáng mai đi tiếp...

Chẳng phải chị nhà văn Dương Thụy - theo như nỗi lo của ông Tạo lái thuyền - mà chính là cô gái trẻ Mai Chi mới là người mất ngủ đêm đó. Tiếng khờ rôộc....ôộc......ôộc đâu đó rất gần trong đêm khuya thanh vắng làm cô tỉnh giấc, bật ngồi dậy. Bấm chiếc đèn pin nhỏ bằng thỏi son môi cô đưa tay xem đồng hồ. Mười hai giờ bốn mươi lăm phút. Ôi chao cái ông Tạo, lục cục lục cà cái chi ở đằng lái thế không biết. Ánh sáng lia về phía Tạo. Ông ta vẫn ngủ say, hầu như không động cựa. Không phải tiếng động phát ra từ ông. Lại lia về phía chị nhà văn. Chị nằm ngửa, chân co chân duỗi, mồm hơi há, chiếc chăn mỏng phủ kín thân từ cổ xuống chân. Khờ.... rôộc....ôộc......ôộc. Tiếng thở từ mũi mồm chị như ộc ra, đều đều, liên tục. Ôi trời ơi, chị ấy ngáy. Khờ... rôộc ...ôộc ...ôộc... Đôi lúc chị ấy như nấc lên, tiếng thở lại tăng độ, nghe như tiếng kéo gỗ, lại rít như tiếng mũi khoan bê tông gạch đá. Mai Chi bịt hai tai lại rồi mở ra, không tin vào chính mình nữa, mình đang thức hay đang mơ đây. Ôi chao ôi! Chị ấy ngáy! Không thể tưởng tượng nổi! Đàn bà mà ngáy quá hơn đàn ông! Khờ.... rôộc....ôộc......ôộc! Làm sao bây giờ nhỉ? Hay là đánh thức chị ta dậy? Không được! Vậy làm thế nào cho chị ấy thôi ngáy? Mai Chi lắc đầu ngao ngán, lẩn thẩn nghĩ: “Ngáy như ống thụt vậy ai mà dám lấy cơ chứ; người đàn ông nào là chồng chị ấy sau này, anh ta có chịu đựng nổi tiếng ngáy đó?... Thật khốn khổ cho anh ta! Có ai ngờ một người đàn bà đẹp như chị, khi ngủ lại ngáy xấu như thế chứ... Mai Chi ra trước mũi thuyền ngồi, hai mắt ráo hoảnh nhìn quanh, chờ trời sáng.

Mấy năm sau. Theo lẽ tự nhiên, hai anh em Mai Huy và Mai Chi đều có gia đình riêng con cái đề huề. Hạnh phúc của mỗi người mỗi khác, song vẫn là hạnh phúc, chẳng có điều gì âu lo vướng bận đối với người mẹ già của họ. Trong một ngày Tết, họ hẹn nhau về vui xuân cùng gia đình ở làng quê. Người chị dâu bất ngờ mà Mai Chi mong gặp chẳng  phải là ai khác chính là Dương Thụy nữ nhà văn dạo nọ trên đầm phá. Chẳng biết ngọn gió lạ nào thổi tới mà anh Mai Huy gặp chị ấy rồi, họ lại yêu nhau, lấy nhau.

Trong một lần Dương Thụy cùng mẹ chồng đi chợ vắng nhà, cô em gái út đánh bạo hỏi người anh trai đầu với một nụ cười cảm mến và thán phục, sau khi đã thuật lại cho anh nghe cái đêm cô không ngủ được trên thuyền đầm phá: 

- Anh ơi, anh chịu đựng được tiếng ngáy của chị à, anh giỏi thế!

Mai Huy nâng cằm cô em gái, mỉm cười:

- Bé con ơi! Không những anh chịu được mà còn mê say nữa đấy! Đêm nào không có tiếng “kéo gỗ” của chị, anh cứ trằn trọc mãi không sao ngủ ngon được đấy, bé con à...

Mai Chi trố mắt. Chẳng hiểu ra làm sao nữa...

Cô bất giác cười theo anh trai.

Xuân 2010
H.N
(252/02-2010)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Trở về (08/02/2010)