Tạp chí Sông Hương - Số 252 (tháng 2)
Năm rừng động
08:20 | 10/02/2010
NHẤT LÂM         Bút ký Năm 1948, từ đồng bằng huyện Triệu Phong, chúng tôi vượt quốc lộ 1A lên một xã miền núi, xã Phong An. Hồi ấy rừng bạt ngàn vô tận, xã Phong An chỉ cách thị xã Quảng Trị chừng mười cây số, do núi rừng ngút ngàn, mà trở nên xa vời như xứ sở lạ lùng ngàn dặm. Chúng tôi bảo nhau: đề phòng cọp từ bụi rậm vồ tươi như đùa. Nhìn núi cao và cây rừng trùng điệp, con người trở nên hồi hộp, lo sợ mơ hồ; lại đi ban đêm, đi lần đầu giữa rừng, sợ là tất nhiên.
Năm rừng động

Chúng tôi tìm nhà, ở đây bà con gọi là trại. Một số bà con ở miền xuôi, do nghèo không có đất làm ăn, lên đây làm rẫy. Danh từ trại là vậy. Có những vị quan huyện quan phủ địa phương lên kiếm đất lập trại hay đồn điền. Trại không nghĩa là ngôi nhà tạm bợ. Mà là sơn trại, nơi làm ăn ở vùng núi. Đời sống của bà con là trồng khoai sắn, đốn củi, cắt tranh đi mây, chặt giang... khai thác lâm thổ sản của rừng. Và đối mặt với thú dữ mà cọp là con vật đáng sợ nhất.

Mỗi nhà là cả một ngọn đồi, nhà chiếm vị trí thích hợp, còn đất đai thì tha hồ, sức chừng nào thì cày cuốc thả sức làm, chẳng có thẻ đỏ bìa hồng. Thuở ấy nước ta chừng hơn 20 triệu dân, đất đai tưởng như vô tận. Ở miền núi đất vô chủ, tha hồ khai phá.

Để chống lại cọp và các thú dữ khác, kể cả các loại thú hiền lành như mang, lợn rừng... phá hoại cây trồng, bà con ta chặt cây rào bao quanh cây trồng và ngôi nhà mình ở, có cửa ra vào như một căn cứ.

Tắt mặt trời là cả nhà cùng gia súc vô trong hàng rào đóng chặt cửa. Nếu lên rẫy giữ sắn khoai thì phải làm chòi cao quá 10 mét để nghỉ qua đêm. Một cách đề phòng cọp dữ. Nghe người dân miền núi bảo rằng, cọp có thể nhảy, con nhảy xa đến 7, 8 mét như chơi.

Khi đoàn chúng tôi xin dừng chân qua đêm tại một ngôi nhà bên núi, trong nhà chẳng có đèn dầu. May đêm ấy có trăng hạ tuần tháng Tám nên đỡ buồn. Lần đầu tiên tôi thấy vẻ đẹp kỳ ảo của trăng rừng, chợt nhớ hai câu thơ “Chàng từ nơi gió cát. Đêm trăng này nghỉ mát nơi đâu”. Chúng tôi đi lên chiến khu, đi mỏi nhừ đôi chân, làm gì có chuyện nghỉ mát. Đã bước qua năm thứ 2 toàn quốc chống Pháp. Pháp càn đồng bằng, chúng tôi chạy lên chiến khu, thấy trăng giữa rừng; trăng hình như rất thấp, núi cao thêm tí nữa là có thể đụng đến trăng. Cây xanh được trăng nhuộm vàng, màu xanh lạ lắm, màu xanh hoà màu vàng, thành màu vàng hơi nhạt, huyền hoặc đến độ không còn màu lá ban ngày. Màu ngọc của lá rừng về đêm trăng.

Nhà chỉ có một phụ nữ ngoài 30 với hai đứa con còn nhỏ. Cháu lớn lên 5 hay lên 6, cháu dưới 2 tuổi. Anh chồng về xuôi mua sắm dao rựa, muối mắm. Vài tháng chỉ đi một hai lần, nên mua cả cây kim cuộn chỉ. Chúng tôi mượn nong phơi lúa, cứ hai người nằm một nong chẳng khác nào con vật hai chân.

- Các eng có đói thì có sắn nấu khi chiều, lấy mà ăn.

 Đi cả ngày, thêm phần đêm, ai mà chẳng đói bụng, nên nghe sắn đã luộc rồi thì mừng lắm. Nhờ mấy que diêm, chúng tôi thấy rổ sắn treo kèo nhà, chuyền nhau mỗi người vài khúc.

- Ở đây có cọp không chị?

- Trời ơi sao các eng nhắc động tên Mệ.

Quép... quép...

Tiếng gào rung chuyển rừng núi, hoà vào sự phẫn nộ của chị chủ nhà. Chúng tôi im re, thì ra người dân sợ uy con cọp đến khiến mà gọi là Mệ.

Chị chủ nhà lấy hương thắp nơi bếp lửa hồng than van lạy.

- Thưa Mệ, trăm ngàn lạy Mệ, trăm ngàn lạy Mệ.

Chúng tôi nín thở, chỉ vì không biết người dân sơn cước sợ oai hùm vuốt cọp mà hỏi chuyện, đành xin lỗi chị chủ nhà. Nằm không ngủ, chờ trời sáng lên đường. Chúng tôi đi đường rừng hun hút cây, đường mòn bé nhỏ, càng đi lên Trắm, rừng càng âm u và thêm bí hiểm. Cảm giác đó nhạc sĩ Trần Hoàn đã viết:

“Đường dài chập chùng, băng qua ngàn sương”

Gần trưa dừng chân một địa điểm, sau này gọi là Ba Quán, vì mọc lên Trung độ đoạn đường từ Phong An lên Trắm, nơi có bến đò để lên Ba Lòng.

“Đò em lên xuống Ba Lòng
Đưa người cán bộ qua vòng chiến khu”.

Ba Lòng là chiến khu thần thánh của thuở kháng chiến chống Pháp của tỉnh Quảng Trị.

Đường đi toàn đá mà chân không dép, đau không thể tả được. Xin dừng chân trang trại ông Màu, trang trại này đã có vài chục năm. Khi hỏi mượn soong nồi nấu ăn, gia đình hỏi có ăn sắn không?

Sắn trắng, sắn vỏ đỏ... tha hồ chấm với muối ớt. Sắn luộc, rau khoai luộc, sắn thái lát nấu canh, cứ thế ăn cả ngày. Bếp lửa hồng ngày đêm, một đặc điểm người miền núi là chẳng bao giờ để lửa tàn giữa nhà, cần sắn nướng thì quá dễ.

Sắn và rau tàu bay là trời cho, chỉ cần chặt hom sắn chôn xuống đất, có mưa là sắn mọc. Có khi sắn trồng lại ít củ hơn sắn vất bừa ra mặt đất. Còn rau tàu bay bạt ngàn tươi tốt mà lạ thay chẳng có sâu bệnh. Chung quanh nhà ông Màu là cả hệ thống hàng rào kiên cố, mỗi góc có một chòi canh khá cao. Có thùng phi buộc cái đùi to nối với dây dài rất bền, loại dây mo tró rất chịu nắng mưa. Có tiếng động cầm dây kéo, cái đùi đập vào thùng, con vật giật mình chạy vào bìa rừng. Riêng con cọp, sau vài lần bị con người chơi xỏ, nó khôn lên và không sợ nữa. Chủ nhà biết vậy và đã phát kiến ra tên lửa. Bởi trâu bò ông Màu vẫn bị cọp vồ.

Ông Màu dùng loại tre lồ ô quấn dẻ tẩm loại dầu tự chế là dầu các hạt cây tất nhiên pha với dầu hoả cho nhạy. Ông dùng cái ná và khi thấy bóng cọp đâu đó là đốt lửa lên tên và bắn về phía cọp rình. Cọp thấy lửa là hốt hoảng mà chạy. Bản tính con hổ rất sợ lửa. Người ta cũng làm bẫy để sập hổ. Mồi là heo hay chó, nghe đâu có nơi nào đó bọn bất lương đã bắt một em bé làm mồi. Chúng nó làm bẫy hai ngăn, nhốt em bé vào một ngăn đặt nơi hổ thường đến. Hổ thèm ăn thế là bị sập bẫy. Đứa bé không chết, nhưng sợ đến… chết khiếp.

Quảng Trị ngày trước là tỉnh nhiều hổ dữ, nếu không đứng đầu Việt thì cũng nhất nhì 16 tỉnh miền Trung. Chẳng biết câu ca “Cọp Khánh Hoà, ma Bình Thuận” chẳng biết ở tỉnh Khánh Hoà có vùng nào bắt cọp sống như dân làng Thủy Ba huyện Vĩnh Linh Quảng Trị. Dân làng hiên ngang dùng lưới, chó săn huy động trai tráng vào rừng. Họ biết con cọp nào đang ẩn trong cánh rừng và vây lưới ép dần. Đến một lúc nào đó cọp hết đường chạy và sa lưới, quả là dũng cảm có thừa. Quảng Trị trước năm 1945, dân cư thưa thớt, miền núi lại càng ít dân. Quốc lộ 1A chạy dài dọc tỉnh gần như men theo bìa rừng. Ga Sa Lung ở Vĩnh Linh và ga Mỹ Chánh huyện Hải Lăng, khi tàu dừng có con cọp dữ thọt chân phục sẵn. Hành khách nào lớ ngớ xuống ga vệ sinh nó ẳm như chơi. Rừng Hải Lăng mà tiêu biểu là Hố Mua, Hải Đạo, Hòn Linh, Bợc Lỡ... ôi chao, hổ ngang nhiên xông vào sân vào nhà, bắt chó và bắt cả trẻ em.

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, tỉnh Quảng Trị tổ chức một cuộc biểu tình lớn ở thị xã. Sau khi tuần hành, huyện nào về huyện ấy rồi giải tán. Một người dân làng Như Lệ báo tin có con cọp từ rừng về làng. Làng gần núi nên thú hay về. Ông Trần Đình Phú là tiểu đoàn trưởng cảnh vệ nghe tin xách khẩu súng trường lên Như Lệ bằng con ngựa lông rất đẹp. Ông buộc ngựa gốc cây thị giữa chợ và hỏi thăm nơi con hổ đang nằm. Dân làng phần đông đi biểu tình chưa về, số còn lại vô nhà buộc chặt cửa. Ông Phú đã phát hiện con cọp từ bụi lau. Có lẽ nằm lâu nó cũng chán nên lững thững đi ra, đưa mặt đối diện với mũi súng ông Phú Đạn nổ, con cọp vùng vẫy gầm thét trong vũng máu. Ông Phú cao to và rất khoẻ. Người bắn chủ động, hổ lĩnh đạn. Mọi người chạy đến xem và thán phục ông tiểu đoàn trưởng như vị võ tướng.

Năm 1967, 1968, tôi được gặp ông Phú ở huyện miền núi chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn. Ông công tác vụ tổ chức Phủ Thủ tướng và được cử bảo vệ An toàn khu. Bác cháu gặp lại nhau vui như được trở lại Ba Lòng thuở ấy. Nhờ có bác Phú, tôi đã được cụ Dương Đình Phúc con rể Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực ký vào lý lịch, mọi trở ngại về lý lịch gia đình đã xong xuôi. Vô cùng biết ơn bác Phú, vậy mà khi bác qua đời ở Đông Hà, thọ 93 tuổi, tôi không có mặt tiễn đưa thật ân hận.

Năm 1950, lịch Việt là năm Canh Dần, năm con hổ. Mỗi người sinh ra mang lấy mệnh số là tí, sửu, dần... như tôi là cầm tinh con trâu, sinh vào năm 1937, năm Đinh Sửu. Trai đinh nhâm, nữ quý giáp là đẹp lắm, sang lắm. Riêng tôi chẳng thấy gì, nếu không suốt ngày trên trang giấy thì có đâu nhuận bút còm mà sang.

Năm 1980 (Canh Thân) tôi đang ở bến Trắm chờ đò lên Ba Lòng, mùa hè nóng nực. Khoảng 15 giờ, í ới cọp bắt người. Một lúc sau chiếc cáng hai người khiêng đi tới. Đi theo một bà mẹ nghèo đến tội nghiệp. Họ cho biết, anh ta đi đốt than, mọi việc đã đâu vào đó, đi cắt tranh làm mồi. Đang cúi cắt được vài nắm thì con cọp chồm lên người. Tay cầm liềm sắc nạn nhân cứa lên mình cọp chẳng biết trúng vào đâu mà cọp kêu la bỏ chạy. Chỉ tích tắc, mà anh ấy bị trọng thương ở đầu ở cổ, mắt... toàn chỗ hiểm. Anh đau đớn thật tội nghiệp. Một số bà con cho bà mẹ tiền và khuyên nên vọng về, vì bệnh viện quá xa, khó lòng qua khỏi. Anh ấy chừng 30, nuôi mẹ già trên 60. Một bà mẹ ở miền sơn cước Quảng Trị, một cuộc đời toàn sắn khoai quanh năm.

Bà mẹ khóc đau đớn cho con trai, tôi nhìn nét mặt hiền lành như đất của mẹ mà trách cao xanh.

Tuần sau về lại bến Trắm, tôi biết tin anh chết sau chiều ấy.

Còn trường hợp ông Năm rơi vào mấy tháng sau ngay tại bến Trắm. Ông rất khoẻ, với tuổi 40, ông Năm có thể ăn hết ký gạo với ký thịt heo luộc. Làm việc gì cũng giỏi, nhất là gánh hàng, ông vào rừng chặt gỗ. Con cọp đã phục sẵn đâu đó trong lùm cây bông bông, nó nhảy chồm đè ông xuống đất. Trong tay có cây rựa cán dài, ông cũng chém nó túi bụi. Nhờ có con trâu rống lên, cọp hoảng bỏ chạy. Ông đi theo con trâu ra khỏi bìa rừng, chính con trâu là người bạn dũng cảm và tin cậy mà ông Năm thoát khỏi con hổ hung dữ, nhưng không thoát được nhiều vết thương nó làm cho ông Năm không đủ sức mà sống. Người ta đã đốt xác cả nong tằm thành tro rắc lên vết thương... Đến nửa đêm thì ông chết.

Chỉ hai tháng tại bến Trắm tôi đã thấy hai con người thuần phác bị cọp bắt, tuy chưa bị hổ ăn thịt nhưng đều không sống được. Cả hai là trụ cột gia đình. Người trước nuôi mẹ già, người sau nuôi đàn con bốn đứa.

Năm 1950, năm Canh Dần ấy, vùng núi tỉnh Quảng Trị xẩy ra những thảm kịch giữa hổ và người, hổ với trâu bò. Người ta bảo NĂM RỪNG ĐỘNG.

Ở Quảng Trị tôi biết hai ông thợ săn bắn thú rừng rất giỏi. Ở Ba Lòng có ông Bát Bé, còn ở Trấm Trái có ông Đen, ông Đen đã bắn hạ con hổ ở cầu Ba Lẻ. Con hổ này phục kích bắt được con trâu. Con trâu đâu chịu khuất phục, thế là quần nhau ngày đêm trâu kiệt sức gục tại chỗ. Người ta mổ thịt trâu, ông Đen xin cái đầu nguyên là trận địa giả, ông nằm trên chòi phục sẵn. Con cọp mất mồi đi tìm, thấy đầu trâu xông vào. Đạn từ chòi bắn đúng mình cọp, cọp ta đau đớn gầm rú vang rừng. Ông Đen bắn bồi mấy phát nữa cọp mới đi đời.

Con cọp này có 3 màu lông, gọi là cọp ba vành, rất dữ và hung tợn. Tôi đã đến tận xóm Trái cầu Ba Lẻ để thấy con cọp gánh từ rừng ra. Đúng là con cọp vào loại trùm của chúa sơn lâm.

Sau này làm cái nghề địa chất đi tìm tài nguyên khoáng sản, tôi và đồng nghiệp đi qua nhiều cánh rừng ở Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, rồi Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hoá, Nghệ An... Ở đâu tôi cũng được người dân cho biết về con cọp, con hổ... bà con dân tộc Thái gọi là Tu Sựa. Nhưng chỉ nghe thôi chứ chưa thấy như ở quê nhà Quảng Trị. Năm 1962 từ Sơn La đi ra bến đò Tạ Bú để qua bên kia sông Đà. Ở bến đò này có mậu dịch thu mua lâm thổ sản cho bà con. Và chuyên gia Vàng là Pô Pốp có mua được da một con hổ với cái da 35 đồng (bằng nửa tháng lương kỹ sư bậc 1 của chúng tôi). Pô Pốp mừng lắm.

Bây giờ bến đò Tạ Bú ấy đã trở thành đập thuỷ điện Sông Đà lớn nhất công trình thuỷ điện Đông Nam Châu Á.

N.L

(252/02-2010)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thú trèo núi (09/02/2010)
Trở về (08/02/2010)