Tạp chí Sông Hương - Số 252 (tháng 2)
Người xa xứ ngóng lòng về Huế
10:24 | 10/02/2010

TUỆ GIẢI NGUYỄN MẠNH QUÝ

Có lẽ bởi một nỗi nhớ về Huế, nhớ về cội nguồn - nơi mình đã được sinh ra và được nuôi dưỡng trong những tháng năm dài khốn khó của đất nước, lại được nuôi dưỡng trong điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Khi đã mưa thì mưa cho đến thúi trời thúi đất: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Trị Thiên…” (Tố Hữu). Và khi đã nắng thì nắng cho nẻ đầu, nẻ óc, nắng cho đến khi gió Lào nổi lên thổi cháy khô trời thì mới thôi.

Những kẻ đành dứt lòng với Huế dù bất kỳ hoàn cảnh và lý do nào khi mỗi lần nhắc đến quê “miềng” đều là thương, là nhớ là thế. Người từ các miền quê khác nhau của mảnh đất Thừa Thiên Huế khi đi đến một quê hương mới, tự nhiên họ đều có một tên gọi chung: Dân Huế, Người Huế. Và còn một nỗi niềm riêng chung là: Nhớ Huế! Có lẽ, bởi một nỗi niềm nhớ đau đáu về quê hương mà bà con “miềng” khi xa xứ cứ ao ước gặp nhau là thôi thì đủ thứ chuyện hàn huyên về quê miềng, như được gãi đúng chỗ ngứa của nhau, họ sung sướng nghe lại tiếng nhà “miềng” chay… không lai tạp. Lại nữa, được thưởng thức những món ăn rặt chất Huế, được ăn những tô bún bò giò heo cay đến điếc óc điếc tai... Có lẽ, bởi thế mà bà con xứ Huế cứ đau đáu, ước mong sao có một tổ chức, một hội quê hương để mà có chỗ trút bớt nỗi niềm thương nhớ ấy.

Thành lập từ năm 1990, Hội đồng hương Thừa Thiên Huế (HĐHTTH) của hai huyện Bảo Lộc, Bảo Lâm (Lâm Đồng) những ngày đầu mới chỉ vỏn vẹn 8 thành viên, sau gần hai mươi năm, đã có đến hơn 610 thành viên nữa tham gia hội nhập với 20 chi hội sinh hoạt. Từ một tổ chức tự nguyện, đáp ứng tâm tư nguyện vọng bức thiết cuả bà con xa xứ, Hội đã có những hình thức sinh hoạt mang đậm tính văn hoá truyền thống cao đẹp.

Lể hội đền Hùng ngày mồng mười tháng ba hàng năm là một hoạt động văn hoá cao, một nét đặc trưng cũng như niềm tự hào của bà con Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại Bảo Lộc. Trong không khí mang mang đất trời của cao nguyên đang vào Xuân, trong không khí linh thiêng trầm hùng của lễ dâng hương tại đền Hùng, nguyện cầu cho Quốc thái dân an, tâm nguyện cuả bà con HĐHTTH cũng là tâm nguyện chung của tất cả những người dân đang làm ăn sinh sống trên vùng đất cao nguyên này, họ đều cầu mong được sống trong cảnh thái bình, thịnh vượng, được thương yêu nhau trong tình chòm xóm, được hướng về với quê hương, gốc rễ tâm linh.

Tiếp xúc với ông Trần Duy Tráng - Hội trưởng đương nhiệm của HĐHTTH, ông tỏ ra rất vui mừng khi trong năm nay, số người tham gia vào hội đông hơn. Với những việc đã làm được trong gần hai mươi năm qua là những thành tích đáng khích lệ, đáng tự hào.

Khi tôi hỏi về những tiêu chí cuả hội, ông vội vào nhà trong đem ra một bức hình, theo ông thì đó là biểu tượng kỷ niệm 20 năm thành lập hội. Tôi nhìn kỹ thì ra đó là một bức hình chụp cầu Trường Tiền ở phía dưới, phía trên in chữ Đức và chữ Tâm bằng Hán tự, dọc hai bên khung hình là hai dòng chữ “Kỷ niệm hai mươi năm thành lập hội…”. ông lại cho tôi xem quyển sổ có ghi tên các hội viên tham gia và nhiều chi tiết thú vị khác nữa. Chia tay trong tình cảm nồng ấm, ông nói: Mặc dù không thể tránh khỏi những niềm vui nỗi buồn trong việc điều hành hoạt động hội, nhưng tôi vẫn tâm đắc nhất là hoạt động khuyến học, trong những năm qua đã cho một kết quả tốt, đó như là lời động viên tích cực cho con em mình cố gắng học hành, học vì tương lai và vì sự hãnh diện cho quê hương... Vâng, tôi nói thêm: Đó chính là sự đầu tư khôn ngoan nhất, và đó cũng là sự thể hiện tấm gương hiếu học của người Huế xưa nay.

Đến với HĐHTTH là đến với một tổ chức mang tính tinh thần, một hoạt động có tính văn hoá truyền thống dựa trên những ước vọng, những khao khát của bà con xa xứ. Đúng như tiêu chí được ghi trên tấm hình kỷ niệm có chữ Tâm đứng trên cùng, ước muốn của mọi người phải có Tâm trong việc này, cụ thể là những công việc tổ chức, đóng góp, xây dựng và phát triển cho hội, cho một tổ chức mang tính tinh thần như thế thì… quả là khó! Ông tâm sự: - “Việc này thì không cần giỏi, chỉ cần người có tâm là làm được”… Riêng tôi thì chỉ đồng ý với ông có một nửa. Bởi con số trên 2000 người dân Thừa Thiên Huế đang làm ăn sinh sống bằng mọi ngành nghề trong khu vực này mà con số tham gia chỉ chiếm khoảng 1/3 trong vòng gần hai mươi năm qua thì số 2/3 còn lại cũng còn nhiều lý do tế nhị cần quan tâm. Để có được một tổ chức mang tính chất như trên, và nhất là mang tính văn hoá truyền thống có bề dày lịch sử như thế thì chắc chắn cần hội tụ rất nhiều yếu tố. “Mang hồn quê hương đến một quê hương”, tuy không phải là cần kỳ vọng lắm, nhưng có mang được nhiều hay ít thì yếu tố đầu tiên phải là khả năng con người, những con người thấm đẫm văn hoá truyền thống, có mang một tập quán đến nơi mình sống, như hơi thở, và dĩ nhiên là yêu Huế, thật yêu… thì đó cũng là tấm lòng rồi còn gì nữa?!

Thiển nghĩ, có được như thế thì sự hấp dẫn mời gọi sẽ tăng lên trong tính thuần khiết, một tổ chức không mang đậm màu hình thức, thậm chí bị thương mại hoá. Đó cũng là một lý do trong muôn vàn lý do mà tôi được biết. Còn rất nhiều người “dân Huế”, Huế roòng hiểu và yêu Huế đến cháy lòng mà vẫn chưa tìm được đến với nhau, đến với hội, trong nỗi niềm thân thương của người xa xứ.

Chỉ vài nét trong khuôn khổ hoạt động của bà con xa Huế không thể nói hết những nỗi lòng và đóng góp của họ đến với Huế. Chắc chắn, ở mọi khía cạnh, mọi ngành nghề thì họ vẫn hướng về Huế, vẫn theo từng bước chân yêu kiều tôn nữ mà để thương, để lo, để mừng và để mà tự hào… miềng là dân Huế!

Lại một mùa xuân nữa sắp về trên cao nguyên bạt ngàn chè xanh của Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh… trong làn gió ngát hương của hoa cà phê nở sớm, tôi chợt nghe một giọng ai quen quen ngọt lịm “Nì, mi có đi họp hội đồng hương không rứa? Nhớ năm mô tau mần một tô bún bò giò Heo ngon dễ sợ!...”

Chỉ một tiếng Huế thôi, tiếng trọ trẹ thân thương nghe giữa lòng cao nguyên vừa quen, vừa lạ, mà chợt đâu đó những kỷ niệm của quê hương bất chợt ùa về, một giọng ngâm của Tô Kiều Ngân như níu chúng ta về lại gần Huế hơn.

 Khi mô anh về thăm Huế xưa
Nhớ gói giùm em một chút mưa
Gói thêm cái lạnh vào trong tóc…   


Vâng, tất cả rồi sẽ đổi thay. Chỉ có một tấm lòng, tấm lòng của những người con xứ Huế vẫn còn đó, để còn mãi ngóng về chốn cố đô xưa…

Cuối đông năm kỷ Sửu.

T.G.N.M.Q

(252/02-2010)





 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Năm rừng động (10/02/2010)
Thú trèo núi (09/02/2010)