Tạp chí Sông Hương - Số 252 (tháng 2)
Bữa rượu cao hổ cốt cuối năm
14:37 | 10/02/2010
ĐỖ XUÂN THU      Truyện vui thành ngữ Chiều cuối năm. “Rét như cắt da cắt thịt”. Quán thịt chó bà Ba béo đông hơn mọi ngày. Bước vào quán, Chõe bò em gặp ngay một toán nhậu đã nhừa nhựa, mặt người nào người nấy “đỏ đinh căng”, ai cũng “hùng hùng hổ hổ” như muốn “ăn sống nuốt tươi” người khác.
Bữa rượu cao hổ cốt cuối năm
Tác phẩm Nhìn lại của họa sĩ Nguyễn Công Trạng

Em thoáng rùng mình rồi tặc lưỡi: “Thây kệ họ. Cơm ai nấy ăn, bàn ai nấy ngồi. Mi không động đến ta thì ta cũng không đụng đến mi. Đừng có làm ảnh hưởng đến hoà bình thế giới là được”.

“Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, em chọn cái bàn góc quán có thế “rồng chầu, hổ phục’ để ngồi. Đối với bọn bợm rượu đang cơn “hổ ngôn loạn ngữ” này thì không nên “vuốt râu hùm, sờ dái ngựa” làm gì, chúng “dữ như beo” sẵn sàng khẩu chiến rồi ẩu đả với mình ngay. Bề ngoài, trông em có tướng “râu hùm, hàm én, mày ngài” ra dáng phết nhưng thực ra thì… em rất sợ chốn “hang hùm, miệng sói” nên toàn “dựa hơi hùm vểnh râu cáo” thôi.

“Ngồi chưa ấm chỗ” thì mấy em tiếp viên “đẹp như trong mộng” đến chìa bảng “me nìu” ỏn ẻn: “Mời anh chọn món”. Ra vẻ tay chơi sành điệu, em chỉ đại vào mấy món gia truyền của quán. Thì cũng tổng kết một năm viết lách của mình, tự thưởng tươi tươi một tí có sao. Cả năm “nhịn mồm nhịn miệng” “nam thực như hổ, nữ thực như miu” mà mình thì “miu” mới yếu lính chứ. “Loáng một cái” “cầy tơ bảy món” nghi ngút khói đã được bê ra. Em nuốt nước miếng ừng ực. Chưa kịp lên đũa thì một giọng lè nhè ngay sau lưng:     

- Chào bác Chõe! Sành điệu gớm nhỉ? Sao lại chỉ có một mình thế này? Cho thằng em ngồi ghé cho vui nhé!.

Chết tiệt cái thằng “Tư  híp” “cọp tha ma bắt”, “khách không mời mà đến” này. Lại “ấm ớ hội tề” gạ ăn đây. Hắn mặc bộ quần áo “loang lổ như da cọp” trông đã ghê ghê. Xóm Cổ Cò em xếp hắn vào dạng “lục lâm thảo khấu”, “ăn vi chủ, ngủ vi tiên”, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện đánh chén. Suốt ngày hắn lê la quán bà Ba béo này để chầu hẫu, gạ gẫm đám nọ, đám kia ăn uống “say bét nhè” rồi huyên thuyên “ba hoa chích choè” đủ thứ chuyện. Đúng là “tránh ông cả lại ngã phải ông ba mươi”. Định “toạ sơn quan hổ đấu” thế mà nó lại vác mặt sang với mình.

- Bác Chõe sướng thật. Tuổi thân, sinh giờ dần, tuy không quan chức nhưng giời cho bác cái đường viết lách, làm thơ. Tha hồ nhuận bút mà tiêu xài, bác nhẩy?

Hắn đưa chuyện và nhúp miếng dồi chó đút vô mồm. Vừa nhai hắn vừa nghêu ngao hát: “Tuổi thân thì mặc tuổi thân/ Sinh phải giờ Dần thì vưỡn làm thơ”. Em bực quá. Ăn nói bỗ bã lại còn ví với von, học đòi nhại theo các cụ. Tuy nhiên, theo phép lịch sự, em cũng bắt nhời:

- Trời sinh hùm chẳng có vây/ Hùm mà có cánh hùm bay lên giời.

- Hay! Hay quá! Đúng là nhà thơ có khác. Thưởng bác một chén.

Hắn cầm chén rượu dí vào mặt em. Rượu của em mà hắn lại thưởng cho em mới tức chứ. Tay hắn run run làm rượu sóng sánh cả ra ngoài. Đón chén rượu, em dốc tuột vào miệng định uống cho xong rồi tống khứ hắn, nào ngờ hắn lại nghêu ngao hát tiếp:

- Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu/ Đến khi hùm dậy đầu lâu chẳng còn.

Ái chà, đối đáp ra phết. Cứ đà này hắn chén “âm ti củ tịt” túi tiền của em mất. Cả  năm “com cóp cho cọp nó xơi”. Đúng là “không cái dại nào giống cái dại nào”. Em bèn cạnh khóe hắn:

- Hổ dữ còn ẩn bóng cây. Huống chi anh chẳng chờ ngày lập thân?

Rồi chẳng hiểu sao hắn tu tu khóc. Em hoảng quá. Có bao giờ hắn thế này đâu? Em chống đũa trân trân nhìn hắn:

- Bác văn thơ chữ nghĩa nhưng có hiểu gì em đâu. Lên bãi vàng tưởng “thả hổ về rừng” tha hồ vùng vẫy, “anh hùng nhất khoảnh” bốc giời ngay được thế mà bọn bưởng trưởng, lũ đầu gấu “miệng hùm, nọc rắn”, chúng “mài nanh, giũa vuốt” “ác như hổ như báo” đã làm cho bọn em “thân tàn ma dại” “tay trắng vẫn hoàn trắng tay”. Bác bảo “hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn” huống hồ bọn em “cáo giả oai hùm”. Làm được bao nhiêu chúng trấn lột hết. “Cọp về đồng bằng bị chó ăn hiếp” bác ạ.

Cứ thế hắn tồng tộc kể hết chuyện trên bãi đào vàng. Nào là: “Hùm thiêng mắc bẫy mọi”, trông em hầm hố thế thôi nhưng thực chất cũng chỉ hạng “miệng hùm gan sứa”, nói thì mạnh mồm nhưng nhát lắm”. Nào là: “Hổ dữ không ăn thịt con” thế mà bọn chúng đâm chém nhau như ngoé. Bác phải thâm nhập thực tế trên đó mà viết bài “kêu thay lạy đỡ” cho bọn em với”. Em lựa lời an ủi hắn:

- Thân tớ “hoạ hổ bất thành hổ”, dăm bài thơ vườn phỏng có ích gì? Biết chú “miệng hùm không sợ, vảy rồng chớ ghê” song ở vào hoàn cảnh “mãnh hổ bất như quần hổ”, con hổ mạnh không bằng một đàn chồn cáo thế thì phải chịu vậy. “Nợ mười hùm chưa đủ đâm một thỏ thấm chi”. Thôi, đừng thâm thù chúng nữa. Và cũng đừng “hùm mất hươu hơn mèo mất thịt nữa” về quê mà cày cấy giúp vợ giúp con. “Dĩ nông vi bản” không chết đói đâu mà sợ chú à. “Cọp chết để da, người chết để tiếng” đừng lao vào con đường ấy nữa mà khổ.

- Bác nói chí phải - Hắn quệt nước mắt nói - Nhưng mà “cọp chết để da ma chết mất miệng” nữa cơ bác ạ. Thôi, kệ cha nó. Em sẽ không bao giờ vào chốn “hang hùm miệng sói” ấy nữa. Không đâu bằng quê ta bác nhỉ? Người ta bảo “Mèo theo thịt mỡ ồn ào/ Cọp tha con lợn thì nào thấy chi”. Em tiếng thế thôi cũng chỉ phận mèo, phận chó chứ làm sao bì được với hổ với hùm.

Hắn vẫn tu tu khóc, khiến bọn say rượu mâm bên cũng phải giương cặp mắt “là đà lờ đờ” ngó sang. Phải dùng kế “điệu hổ ly sơn” với hắn, lôi hắn ra khỏi miền ký ức u buồn của hắn thôi. Em chủ động rót rượu và mời hắn:

- Ăn đi chú! Năm mới sắp tới rồi kìa, khóc lóc làm gì cho ngao ngán mất dông ra. Năm con hổ đấy. Anh em ta phải “cưỡi trên lưng hổ”, như “Võ Tòng đả hổ” để chiến đấu chứ.

- Bác Chõe nói phải đấy - Chủ quán lên tiếng - Em xin chiêu đãi tất cả các bác bình rượu cao hổ cốt này để các bác “mạnh gân, khoẻ cốt” bước vào năm mới cho khí thế. Riêng chú Tư, tôi chúc chú năm Dần sinh con hổ mới, “hổ phụ sinh hổ tử” làm ăn tấn tới, phát lộc phát tài. Mọi người đồng ý chứ?

Em tròn mắt ngạc nhiên trước câu nói hay như thơ và ý tưởng độc đáo của tay chủ quán. Tay em run run đón chén rượu đặc sản gia truyền của hắn và cũng cất cao giọng tây tây:

- Hoan hô ông chủ quán! Nào anh em! Ta nâng chén chúc tất cả năm mới “dũng mãnh như hổ” “kiến công lập nghiệp” “công thành danh toại” cùng “cưỡi trên lưng hổ” nào!

Tất cả cầm chén đứng dậy hô “dô dô” rất khí thế. “Tư híp” xăng xái hẳn lên. Em cũng lâng lâng thả hồn trên chín tầng mây. Rượu cao hổ cốt có khác. Hứng chí, em xua tay ra hiệu cho mọi người yên lặng rồi ông ổng ngâm bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ.

Trong mơ màng của cơn say, em và mọi người đều trông thấy nàng Xuân đang cưỡi hổ phi về trước ngõ. Phải rồi, mùa Xuân đã về!

Đ.X.T
(252/02-2010)





 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng