Tạp chí Sông Hương - Số 252 (tháng 2)
Tại sao Đội Nết hóa cọp?
14:44 | 10/02/2010
PHÙNG PHƯƠNG QUÝKhi tôi nói ý định viết lại chuyện này, có ít nhất ba người bạn đã mắng: “Đồ điên! Viết lách mãi rồi bị tẩu hỏa nhập ma. Nói khoác thì cũng khoác vừa thôi cho thiên hạ tin với chứ?” Nhưng mà tôi không nói khoác. Nói cách khác là bà nội tôi không bao giờ nói khoác.
Tại sao Đội Nết hóa cọp?
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Chuyện này xảy ra ngay trong làng Nà Rậm, quê nội tôi, khi bà mới mười chín, đôi mươi. Tôi khuyên mọi người hãy tin người già. Người già thường là một pho sử sống, hay một Bảo tàng thư về văn hóa dân gian. Trước khi viết tôi có tìm đến chị Dậu, cháu họ xa của nhân vật định kể, hỏi lại chuyện người hóa cọp ngày xưa. Chị bảo có đấy. Chuyện khủng khiếp trong dòng họ, chị vẫn nghe các cụ nhắc lại mà.

1- Anh cu Nết đi lính cho Tây, bị điều đi đánh nhau mãi tận xứ mọi rợ da đen, răng trắng nhởn. Ba năm không bị sứt mẻ cái lông chân nào, về nước còn có Bắc đẩu Bội tinh đeo trước ngực.

Khi đi lính cho Tây, anh Nết là lực điền khỏe nhất làng. Mỗi bữa ăn hết đấu gạo cơm, đổi hai cặp trâu, cày bay năm sào ruộng buổi sáng. Da nâu, tóc rễ tre, bắp chân, bắp tay cuồn cuộn như thừng chão, hai mắt sâu con ngươi sáng nhọn, gặp đàn bà con gái nhìn muốn thủng yếm của người ta. Đồn rằng, anh cu Nết lắm trò ranh mãnh. Chợ phiên nào cũng thấy anh lẩn quẩn chỗ đông đàn bà con gái mà không mua bán gì, chỉ lúi húi dòm xuống chân mình. Một lần anh Nết bị tuần đinh tẩn cho một trận, vì cái tội buộc chiếc gương con dưới chân mang vào chợ. Phụ nữ hồi ấy làm gì có quần lót, đánh độc tấm váy đen. Thấy chị nào chổng mông xem hàng là anh Nết xán đến, đưa ngay bàn chân buộc gương xuống dưới váy, tha hồ ngắm …

Khi mãn hạn lính về quê, anh cu Nết biến thành ông Đội Nết, người ngợm cũng khác xưa. Cái lưng hơi còng, khoác bên ngoài chiếc áo ba - đờ -xuy dạ màu cứt ngựa. Quần ka ki vàng, chân dận giày săng - đá, ba toong chống khụng khiệng. Chỉ có đôi mắt sâu là vẫn sáng nhọn, nhìn hau háu vào ngực, mông đám đàn bà con gái. Chị Nết mấy năm ở nhà nuôi bố mẹ chồng và bầy con gà vịt năm đứa. Chồng về cho được bọc tiền, tự nhiên hết khổ, đi đâu cũng toe toét cười như hoa cứt lợn. Chỉ có chuyện ăn nằm với chồng là chị không quen được. Ở vậy mấy năm, nay chồng về hay giở lắm trò ma quỷ đâm ra sợ. Ngày xưa anh cu Nết mỗi khi thích ngủ với vợ, lần mò đôi vú nhão xong là tốc váy vợ lên, hùng hục như trâu cày một trận rồi lăn ra ngủ. Bây giờ Đội Nết mất nết, đòi lột truồng vợ nhồng nhỗng, rồi làm đủ kiểu nhăng nhít, quái quỷ. Vợ cự nự, Đội Nết chửi: “Mẹc sà lù! Gái Tây nó toàn chơi nhau thế đấy, chứ nằm như cây chuối hột thế này à”. “Nhưng mà tôi khiếp lắm. Không quen”. “Chúng ông còn chơi cả mấy con da đen như đít nồi mà không khiếp, thế này ăn thua gì”. Từ hôm ấy chị Nết sợ thật, kéo thằng cu út tám tuổi vào ngủ chung. Chồng đụng tới là giãy giụa, không cho.

2- Trước đây dân làng nể sợ ông Lý trưởng, giờ thêm một người để nể sợ nữa là Đội Nết. Một nước không thể có hai vua, miếu làng không thể có hai thành hoàng. Ông Đội Nết một đêm đi mò gái về khuya, bị hai kẻ lạ mặt phục ngoài đồi Nà Rậm xông ra đánh. Sẵn cây ba toong trong tay và bản lĩnh của người từng vào sống ra chết, Đội Nết nện cho hai tên kia chạy thục mạng. Tuần sau, một đêm ông Lý đi đánh bạc không thấy về, tới sáng người làng đi chợ thấy ông nằm chết cạnh con mương cạn, chân dưới nước, đầu trên bờ. Mấy tờ bạc “trâu xanh” trong người mất hết. Quan lính về điều tra, cho rằng Lý trưởng bị cướp đánh chết.

Tác phẩm Hổ bầy của họa sĩ Đặng Mậu Tựu


Từ dạo ấy, đêm nào Đội Nết cũng chống ba toong đi chơi. Chị Nết đồ rằng lão đi kiếm gái, nhưng mặc kệ. Đồ quỷ dâm dục đó đi cả đêm càng hay. Không ai để ý rằng mỗi đêm khuya về đến nhà, Đội Nết người ngợm phờ phạc, ho rũ rượi, có hôm còn nôn mửa mật xanh mật vàng. Chị Nết chỉ liếc con mắt qua. Cho chết! Đồ dê già. Đứa con gái thấy vậy ngạc nhiên hỏi: “Thầy ốm đau thế nào? Sao đận này chỉ còn da bọc xương thế?” Đội Nết giương đôi mắt lờ đờ, khẽ lắc đầu. Mấy ngày sau, ông đi tới mờ đất mới về, quần áo xơ xác, rách mướp. Chị Nết bắt đầu lo lắng, không biết chồng ăn phải bùa bả nơi nào mà mỗi ngày một bệ rạc, chẳng thèm đoái hoài tới vợ. Có lần chị lặng lẽ đi theo chồng, thấy ông lọc cọc chống ba - toong đến khu rừng nứa núi Nà Rậm thì mất hút. Ai ngờ lần ấy Đội Nết bỏ nhà đi hẳn. Mấy mẹ con chị Nết cả tháng thay phiên nhau đi tìm khắp bến sông, bãi chợ. Người sống không thấy về, người chết không thấy xác. Chờ một năm sau, chị Nết quyết định làm giỗ đầu cho chồng, đúng vào ngày ông bỏ đi.

Có người đánh tiếng nhờ mai mối xin cưới con gái lớn. Chị Nết gả ngay. Phận đàn bà góa, giữ con gái lớn trong nhà như giữ hũ mắm thối. Ngày 24 tháng mười âm lịch, cũng là chợ phiên. Nhà giai xin đúng chính giờ Thìn đến rước dâu. Chị Nết dậy từ canh tư, thắp đèn gọi con Gái dậy. Giục con cởi áo ra, chị ướm thử chiếc yếm màu đỏ lên bộ ngực thanh nữ mơn mởn của nó. Con bé rét quá, hai tay ôm ngực rên ư ử như chó con. “Cha tiên nhân cô chứ lại còn ư ử nữa. Lấy chồng thích quá còn làm bộ làm tịch. Sang nhà người ta, chịu khó thức khuya dậy sớm. Phải biết chiều chồng cho chóng có con. Cầu giời, thằng rể nhà này không giống ông bố vợ dê già ngày trước”.

Con Mực theo nằm dưới bụi chuối đầu cổng, sủa oăng oắc. Ngó ra sân, chị Nết thấy đằng đông đã hửng lên như tấm vải lụa hồng pha ráng mỡ gà. “Bà Đội ơi! Bà Đội!”. “Nhà Nết đã dậy chưa? Ối giời ơi! Trời sập đến nơi rồi mà mẹ con nó vẫn bình chân như vại”. Tiếng đàn ông, đàn bà lao nhao ngoài cổng. Tiếng đòn gánh gõ vào cánh cổng tre cành cạch. Chị Nết lật đật chạy ra, tháo then cổng. “Các bà, các ông đi chợ sớm mấy? Có chuyện gì thế ạ?” Lại nhao nhao tiếng nói. Tiếng thì thầm, tiếng sợ sệt làm chị không còn biết việc gì xảy ra ngoài cổng nhà mình. “Ông Đội bảo đun cho nồi ba mươi nước sôi”. “Chồng mày nó hóa cọp rồi…”. “Ông Đội bảo ra ngay, mang cái áo ba-đờ-xuy. Rét lắm…”. Chị Nết sây sẩm mặt mũi, không biết nghe ai. Hình như mấy người đi chợ sớm gặp hồn ma ông Đội, ông ấy đòi hỏi gì mà nước sôi với áo rét? Lạy vong linh ông, sáng nay tôi có làm lễ kính cáo ông việc cho con nó về nhà chồng rồi. Chị còn đang run rẩy bên cổng thì bà Nội dì ruột chị chen vào, đẩy chị sang một bên. “Lóng ngóng mãi. Đâu? Cái nồi đồng ba mươi nhà mày đâu? Tao đặt cho nồi nước. Nhanh lên không bố nó chết rét ngoài rừng nứa”. Mãi chị Nết mới hồi tâm, hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra. Người làng đi chợ, ngang qua khu rừng nứa thì có tiếng gọi tên bà Nội: “Dì Nội ơi! Đứng lại con nhờ tí việc”. Tiếng đàn ông ồm ồm như tiếng cọp, văng vẳng như tiếng ma. Trời mờ đất, sương còn dày mặt đất, ai nấy co rúm vì sợ. Tiếng gọi giống tiếng Đội Nết, mà tay này chết ba năm nay rồi. Mấy bà sợ quá, chạy quay về mà ríu chân chạy không nổi. Mấy người đàn ông bạo gan hơn, đốt đuốc cầm đòn gánh đi về mấy bụi nứa có tiếng gọi. “Ai đấy? Ra ngay không chúng ông đập chết bây giờ?” “Tôi đây! Đội Nết đây. Tôi đi mấy năm nay. Nghe tin con gái lấy chồng, xin mãi người ta mới cho về. Các ông các bà làm ơn quay lại bảo mẹ con nhà nó đun cho tôi nồi ba mươi nước sôi, lấy cả cái áo ba - đờ - xuy nữa. Rét quá… Bảo nó ra ngay hộ tôi. Làm ơn, làm phúc”.

Đoàn người rồng rắn như đi xem hội, kéo theo sau mẹ con nhà chị Nết. Nồi nước sôi được khiêng theo cùng chiếc chiếu mới. Ai cũng háo hức xem Đội Nết đi ba năm giờ trở về với thân hình thế nào. Nhưng Đội Nết chỉ cho vợ vào. Chị Nết quây tấm chiếu che quanh bụi nứa, hết sức nhấc nồi ba mươi nước vào. “Mẹ mày quay mặt đi cho tôi tắm một tí. Đừng nhìn”. Chị Nết quay mặt đi, nhưng vẫn liếc mắt vào góc bụi nứa. Chị suýt rú lên khi nhìn thấy một thân người trần truồng bò lồm cồm ra, trên mình loang lổ những đám lông vàng vện như lông cọp. Chồng mình đấy ư? Sao lại như ông ba mươi thế này? Chị ngồi thụp xuống, hai tay che mặt. Bên cạnh là tiếng nước dội khe khẽ, tiếng rên rỉ cố nén lại của chồng. Nước bỏng rãy mà lão ấy múc dội lên người như dội nước sôi làm lông lợn. “Mẹ mày đỡ tôi tí”. Chị ngoảnh lại, thấy một Đội Nết bằng da, bằng thịt, lóm thóm trong chiếc áo dạ màu cứt ngựa, run run một lúc mới đứng lên được. Dưới đất, những đám lông màu vàng dính nước bện lại từng đám, hôi xì.

Buổi đón dâu tiến hành đúng chính giờ Thìn. Đoàn nhà trai ngạc nhiên, há tròn cả hai chục cái mồm ra khi nhìn thấy bố cô dâu chững chạc với chiếc áo dạ xám, tay chống ba toong, đứng trước cửa đón quan viên nhà trai.

3- Đêm đầu tiên gặp ông cọp, chính là đêm Đội Nết sang làng Đa ngủ với cô Hán bán quán thịt chó. Gần sáng, lọ mọ chống ba toong về ngang khúc mương đầu làng, ông thấy một bóng đen nằm bên bờ mương. Trâu bò nhà ai lạc ra đây mà không đi tìm về. Tới gần, ánh trăng đầu tháng nhợt nhạt soi rõ con bò màu hung vàng. Dưới chân nó là một người nằm ngủ. Con bò thỉnh thoảng cúi xuống liếm vào mặt chủ. Đội Nết đứng lại, quát: “Ai dắt bò ra ngủ ở đây?” Không có tiếng trả lời. Bỗng con bò ngẩng đầu nhìn lên, Đội Nết rùng mình thấy hai mắt nó sáng rực như đèn xe hơi. Con bò gầm lên một tiếng “uồm”. Đội Nết thấy ống quần mình nóng ấm vì nước tiểu. Trước mặt ông là con cọp lớn. Ông đứng chết lặng như bức tượng. Con cọp bỏ cái xác người lại, lặng lẽ đi vào rừng. Hôm sau dân làng phát hiện xác lý trưởng nằm bên mương nước.

Đội Nết biết tại sao Lý trưởng chết, nhưng kinh nghiệm của người từng trải bảo lão ngậm miệng lại. Bây giờ lộ miệng ra, chẳng khốn nạn vì quan nha lão chớ làm người. Từ hôm đó, Đội Nết không dám qua lại khúc mương đầu làng. Nhưng rồi có kẻ đi chợ nhắn lời cô Hán thịt chó, trách móc kẻ phụ tình. Đội Nết nhớ tình nhân quá. Nhớ mùi thịt chó nướng thơm ngậy. Nhớ thân hình phốp pháp của cô chủ quán, nhớ cái cách động tình chân tay giãy đùng đùng, miệng rên la như bị chọc tiết của cô Hán. Đội Nết đánh liều chống ba toong sang làng Đa. Tới chỗ Lý trưởng chết hôm nọ, Đội Nết cố lấy dũng khí bước đi. Ma không sợ, người chết không sợ, chỉ sợ ánh mắt sáng rực của ông cọp. Đội Nết giật thót tim, đứng sững lại. Trước mặt lão là đôi mắt sáng lần trước. Nó chiếu vào người Đội Nết như thôi miên. Khi ông cọp quay lưng, vẫy đuôi một cái như ra lệnh, Đội Nết lập tức bước theo, dẫm tràn qua gai góc, cành cây đi vào rừng.

Những đêm đầu, ông cọp dẫn Đội Nết lang thang trong rừng, tập săn mồi. Tuy cọp không nói được nhưng cứ nhìn ánh mắt cọp là Đội Nết hiểu ông muốn bảo mình làm gì. Lần đầu tiên học theo cách vồ mồi của cọp, Đội Nết bắt được một con thằn lằn. “Ăn đi!”. Mắt cọp như ra lệnh. Đội Nết sợ quá nhưng cũng cố cắn một miếng, tanh quá liền nhả ra. Cọp lấy tay tát khẽ một cái vào đầu Nết, rướm máu. Đêm thứ hai bắt được con thỏ què. Cọp xé thịt ăn ngon lành và ra hiệu cho Đội Nết cùng ăn. Thịt thỏ nóng hổi, tanh mùi máu, làm con người nôn mửa. Đội Nết bụng bảo dạ hãy cố ăn một miếng, nếu không ăn, ông cọp giận ăn thịt mình thì hết đời.

Đêm nào cũng theo cọp tập săn mồi, người ngợm Đội Nết gầy rũ, bẩn thỉu. Rồi một lần ông cọp dắt Đội Nết đi xa, đi hai ngày hai đêm liền trong rừng. Mãi sau này Đội Nết mới biết mình sống ở vùng núi Tam Đảo. Lúc này quần áo rách nát hết, đêm lạnh Đội Nết rúc vào nách cọp mà ngủ. Việc săn bắt bây giờ khá hơn nhiều. Thầy trò nhà Nết có khi săn được hươu nai, lợn rừng. Nết bây giờ ăn thịt sống ngon lành, y như trước kia uống rượu thịt chó. Ký ức về gia đình, vợ con không còn gì. Hàng ngày lang thang trong rừng sâu, ngắm cảnh non xanh nước biếc, con “người thú” cảm thấy cuộc đời tự tại, ung dung thật đáng yêu.

Mấy ngày trước, tự dưng “sư phụ” cọp bảo “đệ tử” hãy về nhà ngay mà lo việc đại sự cho vợ con. Nhìn lại thân mình mọc đầy lông lá, lại quên không biết đường về, “người thú” lắc đầu không chịu. Cọp giơ bàn tay phải định vả cho “đệ tử” một cái, xong lại thôi. Ngoắc cái đuôi, ông cọp bảo Nết hãy đi theo mình. Hai đêm sau, cọp đưa Đội Nết về đến rừng nứa Nà Rậm.

Chuyện hóa thành cọp sau này Đội Nết chỉ dám kể với vợ. Ông dặn vợ đừng rỉ chuyện ra ngoài, nguy hiểm. Chị Nết cũng sợ, không dám hé miệng. Có điều từ ngày trở về, chồng chị hiền lành, chăm chỉ không rượu chè, dâm dục như trước. Ông Đội Nết suốt ngày quanh quẩn trong nhà ngoài vườn nhặt củi, nhổ cỏ. Vẫn chống ba toong khụng khiệng, vẫn áo ba - đờ - xuy màu cứt ngựa, nhưng có ai hỏi chuyện thời đi lính đánh nhau bên Tây, ông ngẩn người, lắc đầu. Có nhớ gì đâu các bác.

Nhân Tết Canh Dần - 2010
P.P.Q
(252/02-2010)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng