Tạp chí Sông Hương - Số 252 (tháng 2)
Sự khác nhau giữa truyện cười và truyện cổ tích sinh hoạt có gây cười
10:11 | 23/02/2010
TRIỀU NGUYÊN1. Một bộ phận truyện cổ tích sinh hoạt có yếu tố tạo ra tiếng cười đã bị nhầm lẫn là truyện cười. Sự nhầm lẫn này đã xảy ra ngay cả với những sách sưu tập được cho là nghiêm túc.
Sự khác nhau giữa truyện cười và truyện cổ tích sinh hoạt có gây cười
Ảnh: vinabook.com

Chẳng hạn:

- Mục “Truyện cười” của sách Tiếng cười dân gian Việt Nam [TC, 45-200], sách sưu tập truyện cười truyền thống, có 5 truyện cổ tích sinh hoạt được đưa lẫn vào, với tên truyện (kèm số trang) là: 1) “Bức thư lạ” (tr 63); 2) “Thành hoàng lấy mất chữ” (tr 86); 3) “Vừa buồn cười vừa sợ” (tr 89); 4) “Tưởng bở” (tr 85); 5) “Tài ăn cứt chó” (tr 90);

- Sách Truyện cười Việt Nam [NC], sách sưu tập truyện cười hiện đại, có 3 truyện cổ tích sinh hoạt được đưa lẫn vào, với tên truyện (kèm số trang) là: 1) “Hai anh cận thị” (tr 186); 2) “Trị độc” (tr 246); 3) “Tên trộm thông minh” (tr 309).

Tình hình này khiến việc phân định giữa truyện cười và truyện cổ tích sinh hoạt có gây cười cần phải đặt ra.

2. Dưới đây là hai truyện, thuộc số truyện cổ tích sinh hoạt vừa nêu, một từ [TC], một từ [NC]:

(1) THÀNH HOÀNG LẤY MẤT CHỮ

Lão trọc phú nọ có đứa con gái xinh, muốn kén rể thông chữ. Đợi mãi chẳng có tú, cử nào đến. Có thằng bịp biết chuyện, lập kế hoạch lấy cái gia tài này.

Hắn mua hai hòm sách, thuê người gánh, giả làm học trò. Qua cánh đồng, thấy thợ cấy đang nói chuyện thửa ruộng này “thành chủng”. Hắn định bụng học mót chữ ấy. Hắn dò hỏi thì biết “thành chủng” nghĩa là nên cấy. Lại đi một quãng gặp mấy đứa bé đi học, đứng cãi nhau về cây gì đó có chữ “thiên tử”. Hắn làm ra bộ thông, hỏi đố:

- Thế thì tao đố chúng mày thiên tử là gì nào?

Bọn trẻ đáp:

- Thiên tử là con trời chứ còn gì nữa.

Thế là hắn học lỏm được hai chữ. Hắn vào hàng uống nước thì lúc ấy lão trọc phú cũng đang ngồi đấy, thấy hắn ra dáng học trò liền bắt chuyện rồi mời về nhà. Đêm đến, hắn đốt đèn vờ xem sách, khuya mới đi nghỉ.

Lão trọc phú mừng thầm, định bụng sẽ gả con gái cho, nhưng muốn thử tài học của hắn ra sao. Có người đến mượn đôi nến và cái mâm gỗ trơn. Lão trọc phú nhờ hắn đánh dấu hộ cho khỏi lẫn. Hắn lấy vôi vẽ loằng ngoằng như cái xích chó, lão trọc phú chẳng hiểu chữ gì, hỏi hắn, hắn trả lời liến thoắng:

- Đấy là lối viết thảo đấy ạ!

- Thế thì anh viết chữ gì?

- Đây là chữ “thành chủng”, kia là chữ “thiên tử”.

Lão trọc phú ngơ ngác, nhìn hắn. Hắn nói:

- Con đánh dấu như thế để người ta không biết được. Họ có ý gian, muốn đánh tráo đồ vật của nhà ta, cũng chẳng được. “Thành chủng” là nên cấy, nên cấy chả là cây nến thì là gì? Còn “thiên tử” là con trời, con trời là cơi tròn. Họ đoán thế nào ra được, chỉ có nhà mình biết mà thôi!

Lão trọc phú nghe xong, nức nở khen hắn hay chữ thật, bàn với con gái nên lấy hắn, về sau mà nhờ. Thế là hắn được vợ.

Hôm ấy làng có đám. Nghe nói hắn hay chữ, làng cắt hắn đọc văn tế. Lão trọc phú lấy làm hãnh diện cho con rể mình, còn hắn thì cũng chẳng còn cách nào từ chối. Vào lễ, hắn quỳ xuống cầm chúc bản đọc. Đọc được chữ “duy”, hắn liền đỏ mặt tía tai, quăng chúc bản, đạp án thư, trèo lên sập, giả vờ làm Thành hoàng lên đồng, thét ầm ầm:

- Làng thiếu gì người đọc văn, sao lại cắt thằng ngụ cư đọc. Có phải nó khoe hay chữ, thì ta lấy hết chữ cho mà xem!

Nói xong, ngã lăn ra. Thế là đồng thăng.

Từ đấy ai chê hắn dốt, hắn đổ cho Thành hoàng lấy mất hết chữ của hắn rồi. [TC, 86-88]

(2) TÊN TRỘM THÔNG MINH

Ở một xã có tên trộm rất thông minh. Một lần tên trộm vào nhà kia ăn trộm. Nhà này cửa kín, tường cao. Hắn bèn nghĩ ra một cách là khoét hờ một lỗ ở chái nhà, rồi kêu “Kẻ trộm, kẻ trộm!”. Người nhà vội vã dậy mở cửa chạy xô ra ngoài. Thừa lúc mở cửa, trộm ta lẻn vào chui xuống gầm giường nằm. Lúc gia đình tìm trộm không thấy về nhà ngủ, thế là trộm chui ra nẫng được các thứ đồ đạc.

Một lần khác, trộm đang đào tường thì gia chủ phát hiện. Hắn vội chui vào bể nước, rồi bắt chước tiếng mèo kêu. Gia chủ tưởng mèo thật bỏ vào nhà ngủ nên mới thoát.

Trò đời, đi đêm lắm có ngày gặp ma, một lần trộm bị bắt và nhà chủ quyết định mang dìm sông. Hai người ở của nhà chủ nhốt anh ta vào cái lồng khiêng đi. Dọc đường trộm nảy ra ý nghĩ rồi bảo hai người:

- Thôi các anh cũng đã mệt rồi, ta vào quán làm chén rượu đã!

Lúc vào đến quán, trộm lại bảo:

- Tôi nói thật là tôi chỉ có một thân một mình, nghĩ rằng ăn trộm để làm giàu. Mấy lần trộm cũng được vài cây vàng giấu ở đầu giường bên trái. Giờ thì tôi bị bỏ trôi sông, đằng nào chẳng chết, xin biếu hai anh. Hai anh nên về lấy kẻo sau khi tôi chết, nhà bị niêm phong khó vào. Nhớ là phải chia đều cho nhau và thật bí mật!

Nghe vậy, cả hai thằng ở đều vội vàng chạy đi.

Lúc ấy có một anh thầy bói vừa đi tới. Thầy bói hỏi:

- Sao anh lại nằm ở đây, trong rọ này?

- À, tôi nằm chờ đến giờ thả xuống sông, ngâm ba lần để chữa bệnh.

- Bệnh gì? - Thầy bói hỏi.

- Bệnh mắt. Chữa bệnh mắt loà.

Thầy bói tưởng thật, xin anh cho thử. Anh bò ra ngoài, còn thầy bói lại chui vào trong rọ. Anh lỉnh mất.

Hai thằng ở tìm mãi không thấy vàng. Biết bị lừa, chúng xăm xăm trở lại, chẳng nói chẳng rằng, tung ngay cái rọ xuống sông. Hết đời thầy bói.

Thấy thằng trộm thông minh, một ông khá giả thách:

- Tao thách mày trộm được quần của hai vợ chồng tao đang mặc, tao sẽ cho tiền.

Trộm nhận lời. Đêm đến, trộm chui vào nhà. Hai vợ chồng ông nọ đang nằm với nhau. Trộm đái vào quần ông ta, xong chui xuống gầm giường. Ông ta thấy ướt, lại có mùi nước tiểu, tưởng rằng vợ đái dầm sang. Nhưng sờ vào quần vợ thấy khô thì lại cho mình đái dầm, vội vàng cởi ra thay quần khác. Vợ tưởng chồng cởi quần là có ý định, cũng vội cởi theo ra, ném xuống cuối giường. Thằng trộm thấy vậy vội vơ quần của hai vợ chồng rồi chuồn ra ngoài. Ông nọ chịu thua cuộc.

Thấy tên trộm thông minh, ông ta quyết định giúp hắn hoàn lương. Ông cho tên trộm ở nhà mình và giao cho hắn những công việc như những người làm thuê khác. [NC, 309-311]            

So sánh chúng với các truyện cười sau (hai mẩu đầu trích từ [TC], hai mẩu sau trích từ [NC]):

(3) KHUYẾN GIÁO

Một người chỉ đi khuyến giáo giả, nói những là tô tượng, đúc chuông, làm cầu, làm quán, nhưng kì thật được đồng nào lẻm vào mồm hết.

Lúc chết xuống âm ti, vua Minh Vương giận lắm, bắt đem đày vào ngục tối. Anh ta vừa bước vào cửa ngục, đã bảo những người bị giam rằng:

- Các bác ở đây, tối thế này mà cũng chịu được à? Để tôi đi khuyến giáo, mỗi bác cúng cho ít nhiều, tôi sẽ thuê người mở một cái cửa sổ thật to thông lên trời, cho nó sáng ra chứ! [TC, 135]

(4) MAY KHÔNG ĐI GIÀY

Có ông tính hà tiện, một hôm đi chân không ra chợ; giữa đường vấp phải hòn đá, ngón chân chảy máu ròng ròng. Thế mà ông ta không phàn nàn gì, lại còn nói:

- May cho mình thật!

Có người qua đường lấy làm lạ, hỏi:

- Ông vấp toạc chân, máu chảy ra như thế, mà còn bảo may là thế nào?

- Anh không rõ. May là vì tôi không đi giày! Chớ mà đi giày thì rách mất mũi giày rồi còn gì! [TC, 79]

(5) THÓI QUEN NGHỀ NGHIỆP

Một chị đi tiếp thị quảng cáo bán trứng gà và trứng vịt. Người mua hỏi chị:

- Tại sao cũng là trứng, trứng gà nhỏ lại đắt hơn trứng vịt to?

Chị tiếp thị hàng trả lời:

- Con vịt đẻ xong thì im lặng đi kiếm mồi, còn con gà đẻ xong nhảy ra khỏi ổ là cục ta cục tác ầm cả lên, làm cho ai ai cũng biết. Gà mất công quảng cáo, tuyên truyền như vậy, nên giá thành mới đội lên cao. [NC, 193]

(6) THA

Cô gái hỏi bạn:

- Cậu đã cho con bồ của chồng cậu một trận chưa?

- Dự định vậy, nhưng lúc gặp mặt nó tớ lại tha.

Cô gái lại hỏi:

- Chà, cậu nhân đạo quá nhỉ! Chắc giáp mặt lại thương hại nó chứ gì?

Cô bạn trả lời:

- Không phải thế! Lúc gặp hoá ra nó là vợ của bồ mình. Nó cũng đã tha cho mình một lần. [NC, 67]

Chúng ta không khó nhận ra rằng:

1) Dung lượng lời của hầu hết truyện cười ít hơn truyện cổ tích sinh hoạt. Các truyện cười (3), (4), (5), và (6) có dung lượng lời chỉ bằng 20-30% hai truyện cổ tích sinh hoạt (1) và (2).

2) Truyện cười thường kết thúc bằng một lời nói, cử chỉ bất ngờ có tác dụng gây cười, trong lúc truyện cổ tích sinh hoạt thường kết thúc bởi một sự việc liên quan đến cuộc đời, số phận của nhân vật, và không gây cười. Các kết thúc thuộc lời của nhân vật, để gây cười ở truyện cười: “Các bác ở đây, tối thế này mà cũng chịu được à? Để tôi đi khuyến giáo, mỗi bác cúng cho ít nhiều, tôi sẽ thuê người mở một cái cửa sổ thật to thông lên trời, cho nó sáng ra chứ!” (lời của nhân vật làm khuyến giáo giả, khi bị đày vào ngục tối, ở (3)); “Anh không rõ. May là vì tôi không đi giày! Chớ mà đi giày thì rách mất mũi giày rồi còn gì!” (lời của nhân vật hà tiện ở (4)). Các kết thúc thuộc lời người kể chuyện, không có tác dụng gây cười ở truyện cổ tích sinh hoạt: “Từ đấy ai chê hắn dốt, hắn đổ cho Thành hoàng lấy mất hết chữ của hắn rồi” (1); “Thấy tên trộm thông minh, ông ta quyết định giúp hắn hoàn lương. Ông cho tên trộm ở nhà mình và giao cho hắn những công việc như những người làm thuê khác” (2).

3) Kết cấu của truyện cười là kết cấu gây cười, tức toàn truyện là một tiếng cười, kết cấu của truyện cổ tích sinh hoạt không nhằm để gây cười, tiếng cười nếu có là do tình tiết truyện tạo nên.           

Truyện (3) có kết cấu: Kẻ khuyến giáo giả bị đày vào ngục tối. Y vẫn giở trò khuyến giáo giả đối với các phạm nhân (đúng bản chất của mình), bằng một lời nói gây cười. Sở dĩ gây cười, vì: a) Lời nói phù hợp với tính cách dối trá của nhân vật; b) Do quen lừa dối, nhân vật quên mất điều mà ai cũng biết, là y không thể thực hiện một cái cửa như thế ở địa ngục. Truyện (4) có kết cấu: Kẻ hà tiện không đi giày để bị vấp toạc chân. Y thốt lên lời than đúng với bản chất của mình, theo lối gây cười. Sở dĩ gây cười, vì: a) Lời nói phù hợp với tính cách quý của hơn thân của nhân vật; b) Lời nói trái với lẽ thường: với người bình thường (không hà tiện) thì của để bảo vệ thân thể (“Có rế thì đỡ nóng tay; Có dép có giày thì đỡ đau chân” - tục ngữ), còn với kẻ hà tiện thì ngược lại… Toàn bộ các kết cấu ấy là một tiếng cười.    

Tiếng cười ở truyện (1) phát ra ở chỗ tên bịp giả danh học trò đã đánh lừa gã trọc phú bằng việc nói dối viết theo lối thảo, và cách biện bác: “Thành chủng là nên cấy, nên cấy chả là cây nến thì là gì? Còn thiên tử là con trời, con trời là cơi tròn”! Tiếng cười ở truyện (2) phát ra ở chỗ thằng trộm lập mưu lấy được quần của hai vợ chồng đang nằm ngủ với nhau. Các tiếng cười ấy chỉ gắn với hai tình tiết vừa nêu, chứ không phải toàn bộ câu chuyện. Xét toàn cục, ta vẫn thấy hoàn cảnh và số phận của các nhân vật hiện lên, đặc biệt là ở phần kết thúc: thằng bịp sắm vai học trò để lừa tên trọc phú hòng lấy con gái ông ta, khi mục đích đạt rồi, thì dùng thủ đoạn “bị tước mất chữ” để trở lại bình thường, yên tâm sống trong cái giàu sang mà hắn đoạt được (1); tên trộm đã nhờ vào sự thông minh của mình mà có thể lấy cắp thứ rất khó lấy, và nhiều lần thoát khỏi bị bắt, đồng thời cũng nhờ đó mà nó được một người khá giả đứng ra bảo lĩnh để được hoàn lương (2). Những sự quan tâm đến số phận con người như vậy đều vượt ra khỏi mục đích của truyện cười.     

3. Những sự phân tích trên cho thấy, xuất phát từ những yếu tố thuộc hình thức văn bản, hoặc rất dễ nhận ra như dung lượng lời, hoặc cái khá mấu chốt như câu hay đoạn kết thúc truyện, hoặc kết cấu văn bản, sẽ cho phép nhận diện một số đặc điểm cơ bản của thể loại, để tách bạch chúng. Nếu hai yếu tố đầu vẫn chưa giải quyết được những vướng mắc về truyện cười và truyện cổ tích sinh hoạt, thì đến kết cấu, vấn đề có thể giải quyết triệt để.

Sự lẫn lộn giữa truyện cười với truyện cổ tích sinh hoạt có lẽ xuất phát từ quan niệm: hễ truyện có tiếng cười là truyện cười. Quan niệm này, thật ra, không chính xác. Tuy cùng tạo ra tiếng cười, nhưng tiếng cười từ truyện cười xuất phát từ toàn thể văn bản truyện, nói khác đi, là xuất phát từ một kết cấu gây cười, trong lúc tiếng cười nếu có từ truyện cổ tích sinh hoạt, thì xuất phát từ các tình tiết truyện.

Cách làm này không chỉ để phân định giữa truyện cười với truyện cổ tích sinh hoạt có gây cười, giữa truyện cười với truyện ngụ ngôn, giai thoại,... mà còn là công cụ để tách bạch giữa các thể loại văn học dân gian với nhau. 

T.N
(252/02-2010)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng