Tạp chí Sông Hương - Số 132 (tháng 2)
Kỷ niệm về một cuộc gặp gỡ cuối năm và về giáo sư Tạ Quang Bửu
10:02 | 02/03/2010
PHONG LÊTôi được một "cú phôn" mời dự cuộc gặp mặt của một nhóm anh em nhân ngày 20-11 và nhân 40 năm Ủy ban khoa học nhà nước.
Kỷ niệm về một cuộc gặp gỡ cuối năm và về giáo sư Tạ Quang Bửu
GS Tạ Quang Bửu - Ảnh: vietnamnet.vn

Tôi hơi ngần ngại vì tuy tôi về Viện Văn học tháng 9-1959, là năm Ủy ban khoa học nhà nước, cơ quan "mẹ" của Viện Văn học thành lập, nhưng địa chỉ 20 Lý Thái Tổ của tôi hơi... xa 39 Trần Hưng Đạo. Và dường như bốn anh em: Văn, Sử, Triết, Kinh tế trong tiểu gia đình khoa học xã hội có phần lẻ loi trong đại gia đình khoa học nhà nước.

Nhưng khi nghe nói sẽ có cuộc đến thắp hương nơi bàn thờ Giáo sư Tạ Quang Bửu thì tôi dứt khoát đi ngay, dẫu nhà đang nhiều khách, vì là ngày 20-11.

Tôi đi ngay bởi G.S Tạ Quang Bửu là người từ lâu tôi rất ngưỡng mộ.

Tôi đi ngay, vì lần đầu tiên có dịp đến thăm nhà riêng giáo sư, người - với tư cách là Phó chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký UBKHNN, cũng là Thủ trưởng... trên (hoặc xa) của tôi. Đến với thủ trưởng cũ và người thầy gián tiếp của mình, có dịp nào hơn ngày 20-11 này!

Tôi đã có dịp nghe và đọc nhiều bài viết về chân dung và sự nghiệp của GS. Tạ Quang Bửu viết với lòng tin rằng, vào những năm đầu 60, ở địa chỉ 39 Trần Hưng Đạo, nếu tôi có dịp tiếp xúc với vị thủ trưởng cực kỳ uyên bác và giản dị là ông, hẳn thế nào tôi cũng học được ở ông rất nhiều điều, biết đâu, cả những chỉ dẫn cụ thể cho nghề nghiệp của mình. Bởi ông là một nhà bách khoa, có vốn học vấn sâu về rất nhiều ngành khoa học tự nhiên và công nghệ. Và tôi tin, ông cũng có tư cách bách khoa trên cả các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Bởi hai lĩnh vực trên nói cho cùng đâu phải quá tách biệt hoặc đối lập nhau. Và bởi cái vốn đọc về văn hóa phương Tây suốt tuổi trẻ và thời thanh niên của ông đâu phải là nhỏ. Và còn bởi cái phong cách giản dị, cởi mở, hay đùa vui một cách trào phúng và sự ham say học tập nhằm cập nhật và mở rộng tri thức vốn có ở những người giàu kiến thức nói chung. Tôi, một hậu sinh ở tuổi 20 đã chọn các bậc thầy trực tiếp của mình là Đặng Thai Mai, Nguyễn Khánh Toàn, Hoài Thanh..., cũng sẽ càng thêm hạnh phúc nếu có thêm các bậc thầy gián tiếp như Tạ Quang Bửu.

            Tôi tiếc là đã bỏ lở cơ hội ấy!
            Tôi rất thấm thía cái cảm giác "bỏ lỡ" ấy khi nghe tất cả các đồng nghiệp trong buổi họp, những người cùng về 39 Trần Hưng Đạo vào năm 1959-1960 với tôi, kể lại những kỷ niệm sâu sắc với GS.Tạ Quang Bửu, được nghe ông nói chuyện, được trực tiếp nghe ông chỉ dẫn - những chỉ dẫn rất sáng suốt, rất đích đáng cho cuộc đời nghề nghiệp của mình.

Được gặp gỡ, được tiếp xúc, được học hỏi, được chỉ dẫn bởi một con người như thế thật biết bao hạnh phúc cho bất cứ ai "trên con đường học tập và nghiên cứu" - theo cách nói của Đặng Thai Mai.

Giờ đây, nói về ông, biết bao nhiêu cho đủ!

(Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu trong những năm kháng chiến chống Mỹ - Ảnh: nguoinoitieng.vn)

Một tuổi trẻ rất nổi tiếng học giỏi. Được học bổng của Nam triều sang Pháp học. Lại do học giỏi mà tiếp tục được học bổng để từ Pháp sang Anh. Học cùng lúc nhiều ngành khoa học; ngành nào học cũng xuất sắc, nhưng không nhằm mục tiêu lấy bằng. Bởi nếu lấy bằng xong là phải về nước ngay theo quy định của chính quyền bảo hộ. Bởi ý thức sâu sắc về mục tiêu phải tranh thủ chiếm lĩnh thật nhiều các tri thức để về gíup nước. Tri thức và tri thức. Tri thức - không phải của một chuyên ngành mà là tri thức rộng, gồm nhiều ngành. Tri thức thực chất - chứ không phải mảnh bằng. mảnh bằng trong xã hội thuộc địa lúc ấy - và cũng chẳng phải riêng cho xã hội thuộc địa - mới chính là chìa khóa để "vinh thân phì gia". Thế mà Tạ Quang Bửu đã về nước gần như không có... bằng, điều cực kỳ khó hiểu đối với xã hội, nhưng lại rất dễ hiểu, đối với ông. Một định hướng như thế phải nói là cực hiếm, là chưa có ai ngoài ông, và do thế mà tuyệt vời, xứng đáng là một nhân cách lớn, một Kẻ Sỹ của thế kỷ.

Tôi không có khả năng đi sâu vào tư cách bác học của Tạ Quang Bửu trên nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên - người mà nhiều nhà khoa học nổi tiếng hiện nay đều tôn vinh là bậc thầy.

Định hướng này trong tu dưỡng bản thân nơi Tạ Quang Bửu rồi sẽ trở nên tuyệt vời thích dụng với thời cuộc, khi ông là Bộ trưởng, rồi thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1). Và rồi sẽ quy định cách nhìn, cách chỉ đạo của ông, trong tư cách người lãnh đạo ở hàng đầu trên hai lĩnh vực khoa học và giáo dục. Chủ trương khuyến khích các tài năng, chủ trương tuyển chọn và đào tạo các thế hệ trẻ theo nguyên tắc giỏi để thành người thật sự có ích cho công cuộc xây dựng đất nước - đó là một chủ trương sáng suốt và có tầm nhìn xa. Tôi đã được nghe nhiều bậc bố mẹ "thường dân" cảm kích về chủ trương này, và cố nhiên, cũng có nghe những "khó khăn" mà ông đã gặp.

Là người lãnh đạo có vốn học vấn và chuyên môn sâu rộng, lại có chủ kiến lớn, có tầm chiến lược về khoa học, kể cả khoa học về con người, phù hợp với lợi ích của dân tộc và nguyện vọng của nhân dân, Tạ Quang Bửu đã để lại cho hâụ thế một gương mặt thật sáng giá cho giới trí thức Việt Nam thế kỷ XX. Cũng rất sáng giá vì ông không ngại các "va chạm", những "va chạm" càng khẳng định thêm tài năng, phẩm chất và tính cách của ông.

Tôi không có ý định mở rộng câu chuyện về tài năng, phẩm chất, và bao trùm là nhân cách của Tạ Quang Bửu vào dịp này. Đó là một câu chuyện dài, mà một người học trò gián tiếp của ông như tôi, cũng thấy có bao điều đáng nói, nhưng là để nói vào dịp khác, có thể vào dịp 23 tháng 7 năm 2000, kỷ niệm 90 năm sinh của ông.

Xúc động vì cuộc gặp gỡ thân tình giữa 15 anh em, số lớn thuộc khối khoa học - kỹ thuật, những người vào nghề ngay từ năm đầu tiên thành lập Ủy ban khoa học nhà nước (tiền thân của Bộ khoa học, công nghệ và môi trường, Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn sau này) cùng với bà Oanh, phu nhân của GS.Tạ Quang Bửu, sau khi thắp hương ở bàn thờ giáo sư, tôi khẩn trương trong bề bộn công việc cuối năm, để viết bài này. Lúc ra cổng ngôi nhà số 36 Liễu Giai 2N11 phố Đội Cấn, tôi chợt nhớ và hỏi bà Oanh về cái chuồng lợn ông bà từng nuôi - nơi ông Bộ trưởng, nhà khoa học tài danh thường cùng khách ra xem và bình luận thật vui vẻ về tướng mạo đàn lợn có công... nuôi người lúc ấy, bà cười trả lời:

-"Đó là hồi ở Hoàng Diệu!" (2)

P.L
(132/02-2000)


------------------------
(1) Có chuyện ngược như thế, xin dành nói trong một dịp sau.
(2) Tức là đường Hoàng Diệu





 

 

Các bài mới
Con mọt sách (16/03/2010)
Trà thiếu phụ (15/03/2010)
Tục ném còn (12/03/2010)