Tạp chí Sông Hương - Số 132 (tháng 2)
Thơ âm thầm lấp lóe từng câu
10:12 | 02/03/2010
THANH THẢOThơ như những ngọn đèn thuyền câu mực trong biển đêm. Lấp lóe, âm thầm, kiên nhẫn, vô định.
Thơ âm thầm lấp lóe từng câu
Nhà thơ Thanh Thảo - Ảnh: laodong.com.vn

Lê Xuân Đố, xuất thân ở một vùng biển Quảng Bình, trước khi làm thơ đã từng là một “tiểu ngư dân”, nên anh hiểu cái khó của người câu mực cũng giống như cái khó của người làm thơ. Nào biết thời khắc mà ta câu được con mực hay viết được bài thơ. Có một phần ngẫu nhiên, may rủi trong công việc này, dù người “câu” có tài giỏi và nhiều kinh nghiệm tới đâu. CHẠM MẶT không phải tập thơ đầu tay của Lê Xuân Đố, nhưng ở người làm thơ này, dù viết tới bài thơ một nghìn vẫn có cảm giác run run của người viết bài thơ đầu. Dù cách nói đã tự tin, cách tung chữ nghĩa đã bặm trợn hơn, thì vẫn có chút gì rụt rè chút gì thành kính, kể cả chút gì hoang mang nữa, khi viết những dòng thơ. Bởi viết bài thơ không phải chế tác một vật phẩm, càng làm nhiều càng “cứng tay”, càng “dạn tay”, thậm chí “quen tay”. Thơ buộc ta mỗi khi chạm vào nó đều như những va chạm đầu tiên, buộc ta phải “quên mình” để khi viết bài thơ thứ một nghìn cũng giống như viết bài thơ đầu tiên.

            “Thơ âm thầm lấp lóe từng câu
            Như người bẻ ghi ga lẻ đêm thâu
            ngọn đèn thức dặm trường hiu hắt” (EM MƠ)

Tôi không thuộc loại tin  vào sức sống của thơ “quảng trường”, của thơ trình bày trước đám đông hàng vạn người và được vỗ tay hồi lâu như sấm dậy. Tôi chậm lụt, nhiều khi đọc một đoạn thơ, một câu thơ cũng phải để từ từ cho nó ngấm vào mình, xem mình có “bắt” được nó không, mình có cảm được nó không. Chứ nếu vừa nghe ai đó đọc xong bài thơ, tôi vội vỗ tay ngay, thì chắc chắn tôi cũng chẳng biết bài thơ ấy thế nào, có vỗ là vỗ “theo phong trào” vậy thôi. Nếu Văn Cao từng viết: “Đôi khi người ta bị giết-bằng những bó hoa”, thì những tràng pháo tay kia cũng nguy hiểm không kém gì những bó hoa, có thể đưa một nhà thơ đang được “bơm căng” bị “xì hơi” trong phút chốc.

            “Bí ẩn chi tìm kiếm cả đời
            Bao trang viết lẫn vào mây trắng” (TRÊN BIỂN QUÊ HƯƠNG)



            “Thu muộn gầy hai tay trắng” (LẠC MÙA)

Cảm giác của người đi câu khi thuyền đầy những con mực lại bị gió bão lật chìm sạch sành sanh, cảm giác của ông già trong “Ngư ông và biển cả” của Hemingway, khi con cá kiếm khổng lồ ông câu được cuối cùng chỉ còn bộ xương. Cảm giác của người làm thơ về thơ mình, đôi khi cũng vậy. Chẳng phải bi quan chi đâu, thực sự thì cái sức sống của một bài thơ khá mù mờ, nhiều khi may rủi, nhiều khi không thực chất. Vì vậy, Nguyễn Du cũng chỉ dám tính từng trống canh cho thơ mình. “Mua vui”, thì đã đành, bây giờ người ta gọi là “chức năng giải trí”. May mà thơ Nguyễn Du còn sống tới bây giờ, nó sẽ sống tới bao giờ nữa, thì cứ từ từ sẽ biết. Thế giới bây giờ ghê quá, Thơ như những người được hương hỏa một số đất đai, nhưng gặp thời đô thị hóa, cắm mốc mở đường xây nhà tùm lum, đất Thơ dần bị lấn chiếm khá thô bạo, có muốn kêu cũng chẳng biết kêu ai, nên nhà thơ bây giờ hơi bị khép nép, nhiều lúc hoảng hốt nhìn quanh thấy những khối bê tông cốt thép đang lao tới, lấn tới khu vườn cũ của mình mà không biết chạy đi đâu. Thôi thì trong khi chờ làn sóng đô thị hóa cuốn phăng mảnh vườn chữ nghĩa vần vèo nhạt nhẽo của mình, nhà thơ chỉ còn biết dựa vào nhưng giấc mơ, cậy trông vào những con chữ. Không có tham vọng thay đổi hay cải tạo thế giới, nhưng cũng ù lì bảo thủ co cưỡng không muốn thế giới cải tạo mình, nhà thơ hiện đại tìm đủ cách để “thâm canh” trên “mảnh ruộng phần trăm” của mình. Lắm cày rầy ma, cày qua cuốc lại trồng trồng cấy cấy, đến mùa lại thu hoạch, nhưng sản phẩm bị rớt giá còn thê thảm hơn cả trứng gà nội địa bị trứng Trung Quốc đàn áp, nhà thơ chỉ còn tin vào sự may rủi. “May ra thì...”, nhưng dù sao vẫn phải cày cuốc gieo cấy, và khi thu hoạch được bài thơ, cũng lại sung sướng hân hoan như thuở nào thơ còn bán được còn có giá. Ây, thế giới phát triển nhờ sự canh tân, nhưng đôi khi, thế giới sống được lại nhờ những sự bảo thủ kiểu như vậy, nhờ lối khăng khăng như vậy, nhờ một niềm tin gần như một hằng số như vậy.

            “Câu thơ anh, em trót cưu mang
            Người đời bỡn cợt
            Đừng em” (Em MƠ)

Bức họa chân dung nhà thơ Lê Xuân Đố - Ảnh: evan.vnexpress.net

Lê Xuân Đố không phải không biết sống ở thời hiện đại này, không phải mù mờ về chuyện tính toan, thậm chí anh còn biết làm thế nào để “nâng cao chất lượng cuộc sống” như bây giờ người ta vẫn hô hào. Nhưng mỗi khi quay về với thơ, mỗi khi “chạm mặt” Thơ, anh lại như quên hết “lời em dặn dò”, anh lại “vũ như cẩn”, trở về ngây ngô, u ơ, vớ vẩn, tự sướng với những bài thơ của mình, mặc xác tất cả. Và cũng chẳng cần biết thơ ấy có bán được không, có sống được không, có được dịch ra tiếng nước ngoài nào không, có được giải thưởng huy chương này nọ không... Bất kể, Lê Xuân Đố chỉ tự thấy mình sống mỗi khi làm thơ, mình được hít thở không khí trong lành nhất, như không khí nơi bãi biển quê nhà, mỗi khi mình viết được bài thơ. Nghĩa là thơ mang lại một thứ “chất lượng sống" tối thượng, thơ “cung ứng dưỡng khí” như tên một ban nhạc rock nổi tiếng của Tây từng sang ta biểu diễn. Thơ kỳ thế đấy. Và cũng đừng mong nó có thể mang lại dưỡng khí cho hàng triệu người. Nhiều khi, dưỡng khí ấy chỉ đến với một người, nhưng là người đang thiếu dưỡng khí, người đang ngợp thở.

Quảng Ngãi 27-7-1999
T.T
(132/02-2000)



 

 

Các bài mới
Con mọt sách (16/03/2010)
Trà thiếu phụ (15/03/2010)
Tục ném còn (12/03/2010)
Các bài đã đăng