Tạp chí Sông Hương - Số 132 (tháng 2)
Năm rồng, ghi tại bến Nhà Rồng
16:05 | 10/03/2010
ĐOÀN MINH TUẤNĐã mấy mùa xuân, Tuấn Minh - biên dịch tiếng Pháp ở Công ty phục vụ người nước ngoài thành phố ta, nhà ở quận 3, có trao đổi với tôi một số tài liệu viết về con rồng trong cuốn “Các động vật của thế giới”. Nay chờ đến năm Thìn qua sổ tay ghi chép có dịp soạn lại cho bạn đọc làm quà xuân.

Không có nơi nào trên đất nước ta hình tượng Rồng được nhắc nhiều bằng các cung điện, lăng tẩm, đền đài thành quách kiến trúc ở Huế. Rồng là con vật trong thần thoại được sinh ra từ trí tưởng tượng của con người. Trong văn học cổ Trung Quốc sách của Vi King, rồng giữ một vai trò quan trọng, là hình ảnh rất thông dụng trong nghệ thuật của quốc gia này. Là biểu tượng của các bậc đế vương thời xưa, nó được mô tả là một loại mãng xà có chân như cá sấu, vuốt của loài sư tử và đuôi rắn. Con rắn bay (Séraphs) được ghi trong thánh kinh chỉ là loại rồng trong huyền thoại. Thần thoại Hy Lạp rồng cũng thường được đề cập đến nhưng không chỉ thuộc dạng nhất định mà được mô tả ở nhiều dạng khác nhau. Có con rồng một trăm đầu, nhưng đôi mắt lúc nào cũng trợn trừng trông coi vườn cây Hét-pê-rít (Hespérides) và Hê-rat-tơ (Héractes) đã giết nó. Cát-mốt (Cadmos) và I-a-son (Iason) đem răng của loài rồng này trồng xuống đất; những chiếc răng ấy mọc thành con người.

Với tư cách là người bảo vệ giữ các kho báu, rồng là một nỗi đau và gánh nặng cho vương quốc đó, vì hàng năm nơi ấy phải cống nạp cho nó những cô gái trẻ để rồng ăn thịt. Vì thế cho nên nhiều vị thánh đã đánh lại rồng để chiếm kho báu và để giải phóng cho bao trinh nữ khỏi chết oan uổng. Trong truyền thuyết Đức Ni-be-lun-gen (Nibelungen) Siegfried đã giết Lin-Vuốt (Lidwurm) - tên gọi một loài rồng- vì ghen tị vì kho vàng mà nó giữ ở sông Rhin.

Trong các truyền thuyết khác ở Châu Âu, những nhà hiệp sĩ đã giết rồng để giải phóng cho các thành phố, làng mạc khỏi nanh vuốt của loài quái vật này. Truyền thuyết tôn giáo cũng đề cập đến rồng. Thánh Goerge đã chặt đầu rồng, cứu con gái của vua Lybie khỏi móng vuốt của con vật này, vì theo số mệnh nàng phải cống nạp cho nó. Cũng như ở cổ tích ta, Thạch Sanh đánh ó cứu công chúa vậy!

Thánh Marthe cột rồng vào một cái cây ở giữa vùng và Avignon . Marthe đã vảy nước thánh và con vật đã trở thành cừu non hiền lành. Dragon (con rồng) còn là tên của đội quân Pháp được thành lập từ giữa thế kỷ XVI dưới sự chỉ huy của thống chế Brissac, gồm kỵ binh và bộ binh (Corps millitaire des Dragons) đã lập nên nhiều chiến công vô cùng hiển hách. Đội quân này tồn tại đến thế chiến lần thứ hai. Từ đó trở đi biến đổi thành quân thiết giáp. Ở Châu Âu rồng là biểu tượng của những quái vật ghê gớm. Theo Pascal rồng là cái gì rất ghê sợ. Molière - nhà văn Pháp- cho rồng là tượng trưng cho con người ghê gớm, kỳ quặc.

Trước kia có người cho rồng là một loài rắn biển. Có nhiều sách vở lịch sử tự nhiên cổ đại đã ghi và mô tả loại quái vật này. Tổng giám mục Olais Magnus ở Upsal (Thụy Điển) vào năm 1555 đã viết trong cuốn “Lịch sử loài rắn”: Thì rắn biển có hình dạng của một con rắn khổng lồ, mình có khoang và có vảy đang lao tới một chiếc thuyền ba buồm. Và Conrad Gesner (1560) cũng đã đề cập tương tự loài rắn khổng lồ như trên trong một cuốn sách viết về động vật của mình. Pontoppidan trong cuốn Histoire Naturelle de la Norvège (Lịch sử tự nhiên của Na Uy) xuất bản 1754 đã viết: Serpent de mer (rắn biển) nó giống Kình ngư (cetovée) hay hải cẩu (phoque). Năm 1892 giáo sư Oudemans giám đốc vườn bách thú La Haye trong cuốn “The Great Sea Serpent” (Rắn biển khổng lồ), ông đã kết luận: “rắn biển thực sự có tồn tại nhưng hoàn toàn không giống những loài rắn khác trong vườn bách thú, và ông đặt tên là Megophias có nghĩa là con rắn khổng lồ. Theo tiếng Hy Lạp méga có nghĩa là rất lớn (très grant) ophis = loài rắn (serpent). Cũng tương tự như người ta thường gọi là con thuồng luồng. Ông đã mô tả loài khủng long này dài đến trên 20 mét. Đầu và cổ chiếm gần 4 mét, đuôi khoảng 10 mét. Đầu nhỏ hơi giống đầu hải cẩu, miệng ngang và rộng. Mắt lớn đen sáng rực, mũi ở ngay đầu mõm thường phun lên hai cột hơi nước, khi ra ngoài sẽ ngưng tụ ngay làm cho ta có cảm tưởng như rồng phun nước. Có con có râu mép mọc ra hai bên. Thân hình rộng và hơi phẳng ở phần bụng, có bốn chân để bơi lội. Đuôi dài và nhọn, da có lông ngắn bao phủ trừ ở cổ và sống lưng có mỗi bên một lớp vảy cứng nhọn như bờm ngựa. Toàn thân màu đen, lỗ chỗ những đốm vàng ở bụng và lưng. Loài khủng long này di chuyển bằng cách uốn mình như làn sóng, hai cặp chân giúp nó bơi lội một cách nhẹ nhàng, vỗ vào hai bên sườn khi bơi nhanh. Như mọi động vật sống ở biển, loài rắn này rất sợ người và vô hại. Góp phần chứng minh cho công trình nghiên cứu của Oudemans, nhiều tài liệu khác đã ghi nhận: Tờ tin tức Hải Phòng (Le courrier d'Haiphong, 1898) có viết: Đại úy hải quân Pháp Lagrésille chỉ huy pháo thuyền Avatanche đã ba lần thấy một đôi rắn biển ở vịnh Hạ Long và Bái Tử Long cạnh bờ vịnh Bắc Bộ. Ông ta đã tổ chức một cuộc săn đuổi có nhiều người tham dự nhưng không thành công và ông mô tả con vật đó giống như con rắn mà Oudemans đã kết luận. Theo nhà khoa học Pháp Racontra đã nhận xét là người thuyền trưởng đại úy hải quân Lagrésille này không hề biết tí gì về cuốn sách của Oudemans.

Rồng ở ta xưa kia cũng chỉ là con vật tưởng tượng và là biểu tượng của vua. Thế đất của thủ đô vua nhà Lý ở Thăng Long là thế long bàn hổ cứ là rồng phục hổ ngồi. Cũng có lúc gọi là Long Biên - biên giới đất rồng và Long Đỗ là rốn của rồng.

Cái gì của vua đều có từ rồng kèm theo: như Long thuyền là thuyền của vua đi, long bào hay long cổn là áo thêu rồng của vua mặc. Long chủng là nòi giống nhà rồng, con rồng cháu tiên là long phụ tiên mẫu. Tục truyền xưa kia Lạc Long Quân nước ta là con rồng, lấy bà Âu Cơ là con tiên đẻ ra trăm trứng nở ra trăm người con. Đó là giòng giống tiên rồng, tổ tiên ta thừa trước. Chỗ vua ở là long cung, xe vua đi là long giá (hay long xa), sân vua họp triều thần là long đình. Long hành hổ bộ rồng đi cọp bước là tướng của vua đi. Dung mạo của vua là long nhan - mặt rồng; vua lên ngôi ví như rồng bay lên trời gọi là long phi. Long tiềm là rồng dấu mình, vừa chưa lên ngôi. Long ngự thượng tân - cỡi rồng về chầu trời, tức là vua chết. Giường chỗ vua nằm là long sàng. Long môn là cửa rồng, tục truyền xưa con cá chép nào vượt qua được chỗ nước chảy mạnh thì hóa được rồng. Long trảo đâu mâu, cái mũ bằng móng rồng, xưa Triệu Việt Vương vua nước ta được cái móng rồng chế làm chiếc mũ đội khi ra trận, bách chiến bách thắng...

Riêng trong truyện Kiều, Nguyễn Du đã dành hình ảnh rồng và những lời đẹp đẽ để ca ngợi Từ Hải:

Khi Kiều gặp Từ Hải:

“Thưa rằng lượng cả bao dung,
Tấn Dương được gặp mây
rồng có phen

hoặc:

Trai anh hùng gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi
rồng”.

Bến Nhà Rồng là một bến cảng nằm trên ngã ba sông Sài Gòn, đến đường Nguyễn Tất Thành. Nhà Rồng là nhà có hai con rồng chầu trên nóc. Một tòa nhà lộng lẫy, một công trình cất theo kiến trúc Âu châu, mái nhà kiểu Việt Nam duyên dáng. Nơi đây ngày 5-6-1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước.

Ngôi nhà nầy lúc đầu là viên Tổng đại diện Messageries Maritimes - hãng vận tải đường biển của Pháp, xây cất lên tới hai triệu Franc vàng. Ngày 3-9-1979 sau 10 năm Bác Hồ mất Thành phố Hồ Chí Minh lấy làm khu lưu niệm Bác, tọa lạc đầu Quận Tư nơi bến cảng tuyệt đẹp giữa lòng thành phố!

Bến nhà Rồng Xuân 2000
Đ.M.T
(132/02-2000)



 

 

Các bài mới
Con mọt sách (16/03/2010)
Trà thiếu phụ (15/03/2010)
Tục ném còn (12/03/2010)
Các bài đã đăng
Mảnh hồn Chàm (09/03/2010)
Người vợ quê (08/03/2010)
Lời xông đất (05/03/2010)