Tạp chí Sông Hương - Số 132 (tháng 2)
Rồng trong trang trí mỹ thuật cung đình Nguyễn
08:45 | 12/03/2010
PHAN THANH HẢILà một linh vật có mặt ở hầu khắp các nền nghệ thuật của nhân loại nhưng con rồng Việt Nam vẫn được xem là có những đặc điểm riêng độc đáo, khó lẫn lộn với rồng của các dân tộc khác.
Rồng trong trang trí mỹ thuật cung đình Nguyễn
Rồng đá thời Nguyễn - Ảnh: vietlyso.com
Xưa nay, người Việt luôn tôn vinh rồng, xem rồng là linh vật tổ, tự xưng mình là “con rồng cháu tiên”. Bởi vậy, con rồng có một vị trí thật quan trọng trong nền nghệ thuật truyền thống của người Việt. Hình ảnh rồng trở thành biểu tượng cao đẹp của lý tưởng, niềm tin và sức mạnh dân tộc.

Cũng như các thời kỳ khác, trong nghệ thuật thời Nguyễn, đặc biệt là trong nền nghệ thuật cung đình, ở khắp mọi di tích và di vật, hình ảnh phổ biến nhất, nổi bật nhất vẫn là con rồng.

Khi so sánh rồng thời Nguyễn với các con rồng trong những thời kỳ trước đó ở Việt Nam, PTS. Tống Trung Tín cũng bám sát các đặc trưng đã nêu trong mô hình chung về rồng Nguyễn để phân biệt như sau:

- Sừng: Rồng Lý không có sừng. Rồng cuối thời Trần thì sừng rất đa dạng, trong đó có kiểu sừng thon dài có một ngạnh cong nhẹ nhô ra. Suốt từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, kiểu sừng này vẫn tồn tại bên cạnh một vài kiểu sừng khác nữa và cuối cùng chỉ còn có nó được lưu giữ và ồn định dưới thời Nguyễn.

- Vây lưng: Vây lưng rông Lý thường có hình tia lửa nhỏ, đều và xếp dày, sít dọc theo sống lưng rồng. Chỉ đến thời Trần vây lưng bắt đầu đa dạng trong đó có kiểu vây có tia dài và cứ một tia lớn lại xen một tia nhỏ. Thế kỷ XV-XVIII, vây lưng rồng rất đa dạng, nhưng kiểu vây của thời Trần có phần phổ biến hơn, song thường bè rộng, mũi tia thuôn và mập. Chỉ đến thời Nguyễn, kiểu vây lưng này mới thống nhất là tỉa đều, dài, mảnh và lặp đi lặp lại đều đặn.

- Thân rồng, đuôi rồng và vận động: Rồng Lý Trần có đặc trưng “thân rắn” thon, dài, uốn khúc cong kiểu “thắt miệng túi”. Dần dà, các thời sau thường làm cho thân rồng bè ra về chiều rộng, thu ngắn về kích thước, khúc uốn doãng ra nhưng đặc tính “rắn” của thân rồng luôn giữ vững. Tiếp tục truyền thống đó, rồng Nguyễn cũng uốn lượn khá đa dạng nhưng dáng rồng thân rắn nói chung vẫn bảo đảm, thế vận động vẫn kha mềm mại, uyển chuyển.

Riêng kiểu đuôi xoắn của rồng Việt xuật hiện khá muộn vào khoảng cuối thế kỷ XVIII (Cuối thời Lê Trung hưng và thời Tây Sơn). Đuôi rồng Nguyễn đã kế thừa và phát triển kiểu đuôi này.

- Má rồng: Kiểu má rồng thon, dài là đặc trưng nghệ thuật của rồng Lý- Trần. Đó là kiểu má được hình thành dưới ảnh hưởng của con Makara trong nghệ thuật Champa- Ân độ. Sau thời Trần, trên cơ sở kiểu má này, má rồng Việt Nam biến đổi phong phú hơn, song về nguyên tắc, má Makara luôn luôn được bảo đảm. Thậm chí ở nhiều di tích, nó luôn trung thành với kiểu má rồng Lý- Trần (rồng diềm bia Vĩnh Lăng thế kỷ XV, rồng trên bệ đá chùa Mễ Sở, nóc chùa Mui thế kỷ XVI, rồng ở bệ chùa Ngọc Khám thế kỷ XVII..). Bởi vậy, khi sang thời Nguyễn, má rồng lúc này dù đã thu ngắn lại và hơi mập hơn một chút, nhưng dáng dấp má Makara vẫn rất rõ nét. Hầu như các tiêu bản rồng của Cadière đều chứng minh được điều này.

Kèm theo sự biến đổi của má là mang: từ mang một xoáy thời Lý đến mang nhiều xoáy thời Trần, từ mang nhiều xoáy cong đến kiểu mang có các tia duỗi thẳng ra ngoài để cuối cùng biến thành kiểu mang rồng Nguyễn giống như các tia lửa nhọn, sắc và dài (3)

Theo tôi, trên đây là những nhận xét khá tổng hợp và tinh tế về con rồng thời Nguyễn. Tuy nhiên các nhận xét ấy vẫn còn thiếu bởi các lý do sau đây:

1. Không phải bao giờ con rồng Nguyễn cũng được thể hiện đầy đủ với tất cả các đặc điểm riêng (ở đầu, thân, vây lưng, vảy, đuôi...) như trên đã mô tả, mà tùy vào vị trí, vào ý nghĩa cần được biểu hiện một cách thích hợp, rồng Nguyễn xuất hiện với các tư thế rất khác nhau và với những đặc điểm riêng hết sức phong phú, có rất nhiều khi rồng Nguyễn chỉ xuất hiện một bộ phận nào đó của cơ thể như phần đầu, phần mặt, phần thân...

2. Mô hình chung về rồng Nguyễn với các đặc trưng trên chỉ đúng với con rồng theo nghĩa hẹp. Trên thực tế, dưới thời Nguyễn rồng còn xuất hiện rất phổ biến với các biến thể khác nhau, cũng tùy theo vị trí, cấp độ cần được thể hiện, chẳng hạn như: giao long, long mãng, con cù... Những điều này được thể hiện rất rõ trong nghệ thuật trang trí cung đình thời Nguyễn.

Trong mỹ thuật cung đình Nguyễn, rồng được thể hiện hết sức đa dạng, phong phú. Sự phong phú này thể hiện trên nhiều mặt: chất liệu, đề tài, vị trí xuất hiện, cách thức tạo hình...

* Về mặt chất liệu: hầu như tất cả các chất liệu sử dụng trong nghệ thuật cung đình đều được sử dụng để tạo nên hình ảnh của rồng. Đó là các chất liệu kim loại (vàng, bạc, đồng), gỗ, ngà, đá, gạch, vôi vữa, ghép sành sứ, sơn mài, sơn thếp vàng bạc, đồ pháp lam, trang trí trên đồ gốm sứ, đồ dệt vải...

* Về đề tài: rồng Nguyễn được thể hiện trong các đề tài rất đa dạng như “lưỡng long triều nguyệt”, “lưỡng long triều nhật”, lưỡng long tranh châu”, hồi long, cửu long tranh châu, cửu long ẩn vân, long vân thủy ba, viên long...ngoài ra còn có rồng chầu thành bậc, rồng đội bia, rồng đội mặt trời, rồng đội thiên hồ... có khi rồng được thể hiện cùng các con vật khác trong tứ linh như rồng- phụng, rồng- lân, hoặc có khi lại được trình bày chung cả nhóm tứ linh long lân quy phụng.

Rồng còn được thể hiện trong các biến thể về hình thức của cỏ cây hoa lá hay các con vật hóa rồng như: mai hóa rồng, trúc hóa rồng, liễu hóa rồng, cúc hóa rồng, cá chép hóa rồng...

* Về vị trí xuật hiện và cách thức tạo hình: Để dễ dàng hơn trong việc phân tích vai trò của con rồng trong trang trí mỹ thuật cung đình Nguyễn, chúng tôi tạm chia thành 2 phần lớn: rồng trong trang trí kiến trúc và rồng trong trang trí các vật biểu tượng và đồ ngự dụng.

I. Con rồng trong trang trí kiến trúc cung đình Nguyễn
a. Ở các loại hình kiến trúc nhà ở, thờ tự hay giải trí (bao gồm điện, đình, lầu, các, tạ, miếu, tự...). Đối với các loại hình kiến trúc này, ở cả 3 phần chính của công trình là: phần mái, phần thân và phần nền móng đều có hình ảnh của rồng.

- Phần mái: Đây là phần rồng xuất hiện nhiều nhất và dễ nhận thấy nhất, tuy nhiên do khoảng cách quan sát khá xa nên người thợ thường chú ý dáng vẻ chung của rồng chứ ít trau chuốt về chi tiết. Các chất liệu phổ biến được sử dụng để tạo nên rồng là vôi vữa, vôi vữa gắn mảnh sành sứ và đồ pháp lam.

Ở phần chính giữa dải bờ nóc, rồng thường xuất hiện thành từng cặp chầu vào hình một mặt trời, mặt trăng, viên ngọc hoặc thiên hồ (bầu rượu) theo mô-típ lưỡng long triều nhật, lưỡng long triều nguyệt, lưỡng long tranh châu hay lưỡng long triều thiên hồ. Nếu rồng xuất hiện ở vị trí chính giữa bờ nóc thì thường chỉ có phần đầu và hai chân trước, đầu đội mặt trăng, mặt trời hoặc thiên hồ.

Ở cuối các dải bờ nóc, bờ quyết rồng luôn vươn đầu lên cao, mặt hướng vào trong theo mô-típ hồi long. Biến thể ở cấp độ thấp hơn của rồng là con giao long cũng được tạo hình tương tự. Tuy nhiên ở 2 nhà Bát giác hai bên lầu Kiến Trung trong Tử Cấm Thành thì có trường hợp ngoại lệ: tất cả các con rồng nằm trên bờ mái, bờ quyết của công trình đều hướng mặt ra phía ngoài, trông đặc biệt thú vị.

Ở hai đầu hồi, nếu được bít đốc thì phần đầu đốc của công trình cũng hay được trang trí một mặt rồng nhìn trực diện (thuật ngữ chuyên môn gọi là rồng ngang hay hổ phù), miệng ngậm một chữ “thọ” hoặc một vòng tròn. Chất liệu tạo nên mặt rồng này chủ yếu là vôi vữa gắn mảnh sành sứ, đôi khi đúc bằng gốm (như ở điện Ngưng Hy- lăng Đồng Khánh)

- Phần thân: đối với các công trình kiến trúc gỗ, rồng chủ yếu được trang trí ở hệ thống cột trụ bằng cách sơn thếp, trong môtíp đề tài thống nhất là long vân thủy ba (rồng mây và sóng nước)

Một số hàng cột hiên đắp bằng vôi vữa đôi khi cũng được trang trí với đề tài tương tự (trường hợp hàng cột hiên điện Thái Hòa). Có một trường hợp rất đặc biệt là toàn bộ các bộ vì tiền điện của điện Long An đều là những khối gỗ liền được chạm lộng với các đề tài về rồng. Đây là những bức chạm đạt đến trình độ tuyệt mỹ về kỹ thuật và mỹ thuật của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Đối với các công trình kiến trúc xây bằng vật liệu hiện đại như lầu Kiến Trung, cung An Định, cung Thiên Định (lăng Khải Định), rồng còn được tạo nên bằng cách đắp nổi trên hệ thống cột trụ và phía trên các vòm cửa. Hình thức trang trí này được thể hiện sinh động và thực sự tạo nên vẻ đẹp phong phú của công trình.

- Phần nền móng: con rồng hầu như chỉ xuất hiện 2 bên thành bậc cấp của phần nền công trình. Rồng được tạo hình duỗi dài theo bậc cấp, đầu hướng xuống phía dưới. Kiểu rồng này hoàn toàn tương tự các con rồng thành bậc ở các tầng sân tại những khu lăng mộ vua Nguyễn. Độ dài của rồng phụ thuộc vào chiều cao của hệ thống bậc cấp hay tầng sân.

b. Ở các loại hình kiến trúc khác:

- Cổng: có 3 kiểu cổng chính mà rồng thường xuất hiện.Kiểu cổng gỗ có mái lợp (Ngọ Môn, cửa Hòa Bình, Khiêm Cung Môn-lăng Tự Đức, Hiển Đức Môn-lăng Thiệu Trị..v..v..), rồng được trang trí ở phần mái tương tự như ở các loại hình đầu. Với kiểu cổng được xây đắp bằng gạch và vôi vữa (cửa Hiển Nhơn, Chương Đức, cửa ở các khu lăng tẩm, miếu thờ), ngoài việc trang trí ở phần mái rồng còn xuất hiện ở phần thân cổng trong các ô hộc với các chất liệu vôi vữa có gắn mảnh sành sứ hoặc không, hoặc đúc sẵn bằng đất nung rồi gắn vào. Ở loại cổng thứ 3, tuy hình thức khá đơn giản nhưng lại mang tính nghi vệ cao (các nghi môn bằng đồng ở hai đầu cầu Trung Đạo trước điện Thái Hòa, hai đầu cầu Thông Minh Chính Trực- lăng Minh Mạng, hai đầu cầu Chánh Trung- lăng Thiệu Trị, các cổng đắp bằng vôi vữa như cổng Nhật Tinh, cổng Nguyệt Anh ở phía sau điện Thái Hòa...), rồng được đúc nổi hay đắp nổi theo môtíp long vân. Những con rồng này thường rất dài, dáng vẻ dữ tợn, khá giống rồng thời Thanh.

-Bình phong: Rồng được trang trí các bình phong hầu như đều đắp bằng vôi vữa có gắn mảnh sành sứ (trừ trường hợp bình phong lăng Thiên Thọ Hữu rồng được điêu khắc trực tiếp trên nền đá Thanh). Đề tài về rồng trên bình phong khá phong phú, cách thức tạo hình cũng đa dạng có khi rồng xuất hiện một mình trong các cụm mây và xoáy nước (đề tài long vân thủy ba), có khi xuất hiện thành từng cặp chầu về một mặt trăng, mặt trời...(đề tài lưỡng long triều nhật, lưỡng long triều nguyệt...), cũng có khi rồng nằm cuộn mình trong các ô hộc với các tư thế khá sinh động.

Ngoài ra trên bình phong còn thường sử dụng đề tài long mã chạy trên sóng nước, lưng chở Bát quái. Có thể xem long mã là một dạng biến thái đặc biệt của rồng. Ở kiến trúc cung đình Huế, long mã bao giờ cũng được tạo hình rất trung thành theo môtíp đầu rồng, thân ngựa chứ không bao giờ lẫn lộn với kỳ lân như ở nhiều nền mỹ thuật khác.

II.Con rồng trên các vật biểu tượng cho vương quyền và các đồ ngự dụng

a. Trên các vật biểu tượng cho vương quyền:


- Ngai vàng: Trên mỗi chiếc ngai vàng đều có 5 con rồng ở các vị trí tương tự là hai tay ngai, hai chân trước và phần diềm giữa hai chân trước. Cả 5 con rồng đều chú trọng tạo hình ở phần đầu, mặt đều hướng ra phía trước, dáng vẻ rất oai nghiêm, hùng dũng.

-Bửu tán: là cái tán lớn che phía trên ngai vàng. Bửu tán bằng gỗ thếp vàng tại điện Thái Hòa và bửu tán bằng bêtông cốt sắt ở điện Khải Thành- lăng Khải Định đều có 9 con rồng, được tạo hình rất đặc sắc. 9 con rồng này cùng với 5 con rồng ở ngai vàng có mối liên hệ rất chặt chẽ. Chúng là biểu tượng của hào Cửu-ngũ, của ngôi vị đế vương, thừa mệnh trời để trị vì thiên hạ.

-Vương Ân: các ấn triệu của vua, dù làm bằng ngọc hay bằng vàng, bạc thì quai ấn bao giờ cũng chạm hoặc đúc nổi thành hình rồng. Rồng trên quai ấn thường trong tư thế cuộn tròn, đầu vươn cao, 4 chân chống xuống thân ấn, dáng vẻ hiên ngang và trông rất sinh động.

-Vương kiếm: kiếm của vua, cùng với ấn, là những vật tương trưng cho quyền lực tối thượng của người đứng đầu thiên hạ. Đuôi kiếm của các vị vua triều Nguyễn làm bằng vàng nạm ngọc hình một đầu rồng được chạm trổ vô cùng tinh xảo. Do gắn liền với hình ảnh rồng nên vương ấn cũng như vương kiếm còn được gọi là Long ấn Long kiếm.

-Cửu đỉnh:
Cửu đỉnh là những vật biểu trưng cho sự thống nhất của đất nước, sức mạnh, sự thành công và sự trường tồn của triều đại. Hình ảnh con rồng được đúc nổi ở hàng cao nhất trên Cao đỉnh, chiếc đỉnh biểu tượng cho vị vua sáng tạo ra triều Nguyễn- vua Gia Long được thể hiện trong tư thế phi long tại thiên” (rồng bay giữa trời) ứng với hào Cửu - ngũ của Kinh Dịch. Tư thế rồng hiên ngang giữa các cụm mây vờn xoắn.

b.Trên những đồ ngự dụng:

-Long bào: Long bào để vua mặc khi tế tự hay ngự triều thì rồng được thể hiện trong tư thế uy nghiêm, dũng mạnh, thân vươn dài hoặc uốn mình thành những khúc lớn. Long bào trong bộ thường phục thì thường được thêu theo đề tài viên long (rồng cuộn tròn) tất cả những con rồng biểu tượng cho vua là mỗi chân của chúng đều có 5 móng; long mãng được thêu trên áo các vị đại thần (chỉ có 4 chân).

-Trên các đồ sứ ngự dụng: Đồ sứ ngự dụng của triều Nguyễn đều là đồ sứ ký kiểu sản xuất tại Trung Hoa với gam màu lam cho các hình vẽ trang trí rất đặc trưng. Hình ảnh rồng trên loại đồ đặc biệt này được thể hiện khá đa dạng. Các đề tài thường gặp là long-vân, long hí thủy, long-lân,long-phụng, viên long, lưỡng long triều nhật, lưỡng long tranh châu... Rồng thường được vẽ trên phần thân của đồ sứ (chén, tô, dĩa...). Riêng thời Thiệu Trị, hình viên long được vẽ hẳn vào đáy của đồ sứ xem như một loại phù hiệu đặc trưng.

Chỉ với chừng ấy thôi chúng ta cũng đã đủ cơ sở để khẳng định rằng, rồng Nguyễn chính là sự kế thừa và phát triển ở mức độ cao con rồng truyền thống của người Việt

P.T.H
(132/02-2000)


--------------------------------------------
 (1), (2), (3) PTS. Tống Trung Tín - Con rồng Nguyễn trong không gian và thời gian, in trong NHỮNG VẤN ĐỀ VĂN HÓA XÃ HỘI THỜI NGUYỄN, Kỷ yếu Hội thảo, trang 185-190.




Các bài mới
Con mọt sách (16/03/2010)
Trà thiếu phụ (15/03/2010)
Tục ném còn (12/03/2010)
Các bài đã đăng
Bà ơi... (12/03/2010)