Tạp chí Sông Hương - Số 132 (tháng 2)
Làm đàn bà để sống
10:32 | 17/03/2010
PHẠM NGỌC TÚYĐó là xóm của dân ngụ cư. Họ đến đây tránh bom đạn ở làng quê, chiếm đất làng (và đất của người khác) rồi ở luôn.
Làm đàn bà để sống
Minh họa: Trần Thanh Bình

Phía trước nhà cô Tần, cách một cửa ngõ là nhà thầy lang Gái. Gọi là thầy lang vì mụ Gái biết hái các loại lá thuốc chữa bệnh. Tiếp đó là mụ Du, ham hồ có hạng. Tiếp nữa, nhà thằng Cư thợ mộc. Rồi đối diện, nhà ông Di tổ trưởng. Nhà con Cầm bán quán. Có một con đường xóm dẫn ra xóm trên. Tất cả đi con đường ấy, trừ mụ Gái. Mụ đi tắt qua ngõ nhà cô Tân. Con đường cửa ngõ dài dằng dặc này dẫn ra xóm Tây. Trừ ông Hồi già ra, không mấy ai nhớ việc họ đã ở trên đất khai canh của cha cô Tần. Nhà thầy lang Gái là căn nhà ồn ào nhất xóm.

Từ ngày theo chồng về Phương Thảo viên, mụ Gái là bạn cô Tần. Sanh hai đứa con đầu chị cô đều nhờ đến mụ. Thầy lang Gái chỉ có hai đưá con gái, con Bông ở với mụ là đứa con cưng. Con Hoa không chịu nổi sự hất hủi của mẹ, đã bỏ vào . Hai mẹ con giống nhau như tạc. Một đằng vì vất vả lam lũ mà già trước tuổi. Một đằng béo trắng, cả hai mẹ con đều xấu. Khuôn mặt con Bông mỗi lần đi ra trông giống bôi vôi. Mụ Gái dựng tạm căn lều thấp lè tè trên miếng đất làng, nuôi chục con vịt, trồng rau, môn, ổi, quanh nhà. Mụ làm hầu ông Đê. Một tháng vài lần, mụ ra làng, kiếm vài chục lon gạo. Thỉnh thoảng có chỗ phên mục, mái tranh dột ông chồng lại vào trèo lên lợp. Nhà chồng cô Tần sống nhờ nghề làm vườn. Ngày nào mụ cũng vào Phương Thảo viên, khi vài tép sả, khi vài trái chanh, khi vài chục ngọn rau. Sau mùa lụt tháng chín, mụ sang làm thuê cuốc đất trồng cải, ngò, xà lách... Thầy lang Gái là người khá tốt bụng. Con nít nhà ai có đẹn hột tráng miệng, phong trong bụng lên xanh, gọi một tiếng là mụ sang ngay. Mụ biết chích lể khá mát tay. Đau đầu mất ngủ, mụ bảo hái rau má, mã đề nấu canh ăn. Thấp khớp thì sắc lá lốt, lá bạch hạc. Cảm cúm nấu lá chanh, lá sả, lá bưởi, lá bạc hà xông... Con nít biếng ăn, bắt cóc vàng giết thịt.

Con Bông lấy chồng. Chồng là thằng Thụ chạy xe thồ bên chợ Cống. Cái xóm lao động rộn lên được vài giờ ngắn ngủi. Ông Đê cho con gái tấm áo dài. Không có tiệc, không phụ dâu, không máy hát inh ỏi. Có đốt pháo. Đúng giờ, cô dâu chú rể đi ra ngõ xóm, với vài người bên họ trai, họ gái lác đác. Bà sui mặc áo dài lam, trông còn cũ kĩ, ốm yếu, khô như một nhánh củi, già sọm hơn mụ Gái nhiều. Mụ Gái khóc đỏ con mắt. Chỉ có đám con nít lem luốc chạy tuốt ra ngoài xóm Tây rồi thất vọng: đám cưới chỉ có độc một chiếc Lambretta.

Ít lâu sau, con Bông sanh thằng Bobo. Không thể tả hết niềm vui của thầy lang. Thầy lang Gái nuôi cháu ngoại khá đơn giản. Mụ xin cô Tần củi tre mục, tự mụ sang đào lấy, gánh về nhà. Với một lon guigôz, bỏ vào đó dúm gạo cũ, dúm bếp, đổ nước vào đậy kín, thầy lang Gái cho vào soong chưng cách thủy. Thế là đủ ăn cả ngày. Cháo chưng ăn với muối đường, vậy là Bobo béo trắng. Tối về mới bú sữa mẹ. Thầy lang bồng cháu đi khoe cùng xóm. Những chuyện rắc rối ở đời thường do kinh tế, hoặc một ngàn lẻ lí do khác. Mụ Gái nói với cô Tần khi đứa con thứ ba của con Bông chết. Con Bông li dị chồng hắn rồi. Hắn chịu không nổi mụ gia. Con nhỏ không ai giữ, bị té xuống sông. Sau hai ba lần hòa giải không thành, tòa án cho phép li dị. Thằng Bobo ở với nội. Hạt Mít ở với mẹ. Một tuần liền Phương Thảo viên vắng mặt mụ Gái. Vắng hẳn dáng đi chập chững của Bobo, giọng nói nụ cười của người bạn láng giềng, cô Tần hơi buồn. Cô bước ra hàng rào. Mụ Gái yên lặng vào ra, cuốc trùn cho vịt ăn. Làm sao có thể vui được, đứa cháu ngoại vẫn ở với mụ, niềm hạnh phúc lớn lao ấy nay biến mất. Cho dù là biến mất một cách hợp tình hợp lí vẫn khó có thể chấp nhận được.

Con Bông chuyển nghề. Biết không thể giấu mãi hàng xóm được, mụ Gái qua tìm cô Tần: “ Đói thì làm đ... mà ăn”. Xóm làng ai cũng biết, trước khi về làm hầu ông Đê, mụ Gái từng đi ở mướn, làm điếm... Nếu không kể đứa chết đuối ở chợ Cống, đứa chết khi chưa đầy năm, con Bông đã ba lần sanh nở. Từ ngày sống hẳn về nghề ấy, và từ khi thằng bán vé chợ đen đến ở, căn nhà vốn luôn ồn ào nay lại ồn ào hơn. Hạt Mít đơn giản cục mịch như cái tên, và giống mẹ như đúc. Có lẽ vì vậy nó bị mẹ ghét, ngày nào nó cũng bị đòn. Có bữa ồn ào quá, cô Tần phải vạch rào qua can thiệp.

- Làm chi mà mấy mẹ cháu ồn ào thế?

- Cô tính, cứ xé vở hoài, mua quyển vở viết được vài trang là xé. Tiền mô tui mua mãi.

- Nó mới học lớp một, học chi cho nhiều?

- Nó học lớp một hai năm rồi!

Dùng tấm cửa làm bảng, thầy lang Gái viết lên đó chữ A, B, C... vừa vo gạo vừa dòm chừng thằng cu ngủ trong nôi.

- Chữ a mở to miệng, chữ b có bụng, chữ c nửa vầng trăng. Trăng túi rằm mệ cúng đó, một nửa thôi, nghe chưa?

Con Bông sanh đứa thứ sáu, thầy lang Gái chuyển nghề. Con Hạt Mít vừa học vừa trông em, trong khi mệ nó đi khắp các vườn trong xóm, lượm bao nylông, lon bò sữa, nhôm rách. Cô Tần có hôm hỏi:

- Một ngày được mấy? Rồi có kéo được lâu không?

- Sống qua ngày thôi.

- Sao o không đi làm thuốc cứu người ta?

- Mình cứu mình chưa xong, còn cứu ai?

 


Vài ngày, hai mẹ con lại cãi nhau chuyện lon gạo, hột muối. Vài bữa lại gây lộn với mụ Du hàng xóm cái hàng rào. Ngày nào con Bông đi về cũng đánh con Hạt Mít. Chỉ mình mệ nó hiểu: con bé nhìn thấy những gì mẹ nó làm, và nó không chịu học. Ngày nào mẹ nó làm được nhiều tiền, bữa ăn như một bữa kị. Có một dạo, mẹ nó xin được chân bán cơm trên ga. Cơm và thức ăn tha hồ. Được một thời gian lại nghỉ, đêm đêm tiếng chó sủa vang trước ngõ nhà cô Tần. Hàng xóm gọi nó là gà đẻ. Con gà này không đẻ trứng vàng mà đẻ ra những con người để hành hạ người sống. Ngoài cô Tần, còn có một người đặc biệt quan tâm đến gia đình này, là anh Đình. Mượn cớ đến nhà hỏi thăm mấy giống hoa đồng tiền, loại đỏ, loại trắng... hoa hồng Đà Lạt, anh kín đáo theo dõi những việc xảy ra bên kia hàng rào. Mấy mệ con, mấy mệ cháu mà họp thành một cái chợ. Nó và thằng bán vé chợ đen cãi nhau, đánh nhau rồi yêu nhau. Hơn một lần, anh Đình chận mụ Gái lại ngay trước cổng chợ: “ Con Bông mà còn đi nữa tôi đưa vào trại”. Cấm một người như con Bông đi khác nào cấm một điều không thể. Tuy rằng nó cũng biết như vậy. Không thể đi mãi và cũng không thể không đi. Ngày con Bột Mì ra đời, cô Tần bước qua hàng rào. Trẻ sơ sinh đứa nào cũng đáng yêu, ngây thơ vô tội cả. Cô Tần nhìn đứa bé trắng trẻo, nhỏ bé ngủ say trong nôi, rồi hỏi:

- Đẻ đứa ni thì nghỉ chứ? cháu bà nội tội bà ngoại.

- Dạ, người mẹ trẻ trả lời.

Con Bột Mì lớn lên, không giống con Bông, càng không giống thằng bán vé chợ đen. Nó lớn lên như một đóa hoa sen tinh khiết. Da nó trắng, tóc đen, đôi mắt nó trong. Nó không phải là con Tây, con ta. Nó là thiên thần.

Một buổi chiều, mụ Gái chạy qua tìm cô Tần:

- Con Bông có mang nữa. Tui biết làm răng đây? Đứa thứ bảy rồi. Tui chừ sức yếu, mô có làm thuê được nữa. Cả ngày lam lũ, mà mẹ con còn về gây.

- O nói con Bông triệt sản đi. Phải nghĩ đến hậu quả chứ! Cô không thể nói: Cô không ưa con Bông vì nó là một đứa con gái hư hỏng và bất hiếu. Trong những trận cãi nhau nó là đứa to tiếng nhất. Cô chỉ nói một điều mình vẫn ấp ủ:

- O đưa con Bột Mì tui nuôi dùm cho.

Một nụ cười rạng rỡ nở ra trên khuôn mặt nhăn nheo:

- Dạ, tui cũng cầu đó. Cô nuôi cho tui một đứa, vui cửa vui nhà.

Một bữa nọ Bột Mì hỏi mệ nó:

- Mệ ơi, bài toán ni giải cách răng mệ?

- Mi qua hỏi cô Tần.

Cô Tần kinh ngạc khi nhìn sách vở con Bột Mì sạch sẽ, không cong góc, chữ viết rất đẹp. Nó học thông, hiểu rất mau, hỏi đâu trả lời đó. Tại sao nó được sinh ra dưới mái nhà này, nó là đứa đẹp nhất trong bảy đứa con của con Bông. Ngày cô Tần đi Sài Gòn về, ông Tần báo tin cho vợ: “ con Bông đi học rồi” (tức đi trại cải huấn- dạy nghề). Cô Tần dãy lên:

- Ai nuôi mấy đứa nhỏ?

- Em lãnh nuôi con Bột Mì.

Cô Tần làm thinh. Người chồng thực dụng của cô chỉ muốn chọc tức cô. Từ ngày con Bông đi, cái nhà yên lặng hẳn. Mụ Gái không chạy qua Phương Thảo viên như mọi bận. Mụ im lặng quét rác, nấu ăn, giặt giũ. Con Hột Mít nghỉ học hẳn. Những đứa nhỏ đứa ngồi, đứa nằm trong nôi, đứa ê a học bài. Cô Tần đi ra, đi vô bức rứt. Tình cảm mẹ con nảy nở giữa cô Tần và con Bột Mì. Cô ôm con bé vào lòng, hôn mái tóc đen óng ả, cái má mịn màng, đôi môi hồng bé xíu như cánh hoa hồng. Con bé hàng ngày vẫn chạy qua khoe những điểm 9, điểm 10. Thỉnh thoảng nó hỏi mệ nó:

- Mẹ khi mô về?

- Mai mạ mi về, học đi.

- Con không tin. Ngày mô mệ cũng nói mai về. Mấy lần mẹ không về rồi.

Tết năm ấy, cô Tần qua thăm mụ Gái. Thầy lang Gái yếu và già hẳn.

- Tết mà, vui lên nghe o Gái?

- Vui chớ, con Bông Tết ni được về.

Con Bông ra Tết được về. Người ta tới thăm, nghe nó kể chuyện. Có người hỏi: “Mi có bị đánh đập không?” Con Bông cười toe tóet; “Không, cán bộ họ đàng hoàng lắm, ở trong nớ thưởng phạt rõ ràng”. Mụ Du: “ Bữa ni về, đừng đánh con nữa”. “ Nó ném vở đi chơi, tui phải đánh. Phải học, lớn lên mới có một nghề chứ? Nghe chưa Hột Mít”. Hột Mít dạ. Con Bột Mì tựa cửa ngó mẹ, nom mẹ nó khác hẳn, thầy lang Gái tươi hẳn ra. Cả xóm ồn ào, không khí được khuấy động lên.

Nhưng con Bông chỉ về trong giấc mơ của cô Tần. Con Bột Mì chạy qua mách:

- Cô ơi, mẹ trốn trại rồi.

- Quỷ quái. Cô Tần ném cây viết xuống bàn. Bột Mì tự nhiên như ở nhà, chạy vào đứng bên cô giáo. Cô ôm nó vào lòng. Con Bông trốn trại, chỉ vì thằng Út đau.

Mệ nó cũng ho khúc khắc sau mấy mùa mưa. Thảo nào hôm qua cô gặp anh Đình ở ngoài xóm. Khuya hôm đó con Bông đi. Mấy mệ cháu ở nhà xấc bấc xang bang, chạy lo từng lon gạo, hạt muối. Con Bột Mì và đứa em kế vô tư, không hề biết đến điều đó.

- Lớn lên. Bột Mì định làm chi?

- Làm cô giáo.

Cô ôm mái tóc bắt đầu hôi mùi khét của nó. Người nó phảng phất mùi hôi chua vì thiếu tắm rửa.

- Xuống nhà cô tắm gội cho.

Cô Tần có dịp làm mẹ, bù lại sự hiếm muộn của mình. Tối hôm ấy cô Tần nói với chồng:

- Hay mình nhận con Bột Mì về nuôi.

- Em điên hả? Con Bông là đứa trốn trại, công an đang hỏi thăm nó.

- Tội nghiệp con bé.

- Thì đã ai làm chi nó? Nhà nước lúc nào cũng lo cho dân. Tại con Bông lười biếng, phải học một nghề chứ?

- Mô phải người nào sinh ra cũng có một nghề? Chỉ lo con Bột Mì nó có học nổi lên Đại học không?

Sáng hôm sau trong bữa điểm tâm, chuyện con Bột Mì còn trở lại.

- Nó là một đứa học giỏi, ngoan, đôi khi giống nàng Esmeranda của Huygô.

- Thôi!

- Anh ráng giúp, dạy cho hai đứa học giỏi toán. Hột Mít cũng đáng thương.

- Trời ơi, giờ tôi phải dạy một đứa như con Bột Mì sao? Nó là con của một gái điếm!

- Nhưng nó vô tội.

- Vô tội mặc kệ nó. Tôi không muốn nghe em nói nữa.

Ông Tần vặc lên và cô Tần làm thinh. Đôi khi cô rất muốn cho người đàn ông này bạt tai. Nhiều đêm nghe chó sủa vang ngoài ngõ ông đã thầm mong con Bông đi học tập cho rồi. Bây giờ ông ta thỏa mãn vì trước ngõ nhà không còn xe cộ vào ra nữa, chỉ tội nghiệp mấy đứa nhỏ. Hàng xóm như mụ Du, ông Di còn đem gạo sang cho.

Nhưng rồi, con Bông về thật. Nó về sau khi trở về trại, người ta đã tha thứ cho nó và nó học được nghề thợ may. Sự trở về của nó làm cô Tần và lối xóm nhẹ hẳn người. Ít ra thì những đứa trẻ đã có mẹ, mụ Gái cũng sáng lên được nụ cười.

- A, mẹ về, mẹ về.

Con Hột Mít la từ đầu ngõ. Cả thằng cu út mới chập chững biết đi, cũng la bi bô trong miệng. Cả xóm dậy lên, rộn ràng hơn ngày cưới con Bông. Đám con nít lau chau nghe chộn rộn chạy vào, ông Di đang tưới cây bên hàng rào cũng lật đật chạy qua. Có thế chứ. Nó phải trở về làm một công dân lương thiện. Nó đã hành tội mẹ nó nhiều quá rồi. Chỉ tức một nỗi, ngày con Bông trở về là ngày thằng Thụy đặt cọc ba chỉ vàng mua đứt miếng đất của mụ Gái! Khóc cười lẫn lộn.

- Mạ, răng mạ bán đất?

- Về làng, về quê mở quán bán hàng, may đồ mà sống.

Người nói vô, kẻ nói ra. Từ ngày hắn đi, mạ nó không có sức làm như những năm khỏe mạnh. Gạo không đủ ăn. Thuốc cũng không có uống. Chứng bệnh ho trở lại. Và thế là bán nhà. Xe cải tiến đang ầm ầm kéo đồ đi. Căn nhà phên tre mục nát dở gần hết, chỉ một giờ nữa là xong. Mụ Gái ra ngồi dưới gốc nhãn, trước ngõ nhà cô Tần.

- Sao o không nói chi với tui hết?

- Tui đau, ho, thôi cũng đành.

Cô Tần thở dài, con Bột Mì liền chạy sang ôm chân cô. Dường như nó biết đây là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất của nó. Trọn đời mẹ nó, có biểu lộ lòng yêu thương với đứa con nào đâu. Chỉ đi và ngủ. Ngủ dậy ăn, gây lộn với mệ rồi đi. Đi về la, đánh con Hột Mít.

- Ráng học nghe em.

- Dạ.

Cô vuốt mái tóc nó. Thôi, cũng đành.

Huế tháng 10/ 99
P.N.T
(132/02-2000)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Con mọt sách (16/03/2010)
Trà thiếu phụ (15/03/2010)
Tục ném còn (12/03/2010)
Bà ơi... (12/03/2010)