Tạp chí Sông Hương - Số 133 (tháng 3)
Về tập sách "Thừa Thiên Huế trong cơn Đại hồng thủy 1999"
09:59 | 15/03/2010
THỦY THANHCơn đại hồng thủy đầu tháng 11 năm 1999 được coi như "bản tổng kết thủy tặc" đầy bi tráng của thiên nhiên trong thế kỷ 20 đối với mảnh đất Thừa Thiên Huế. Nó đã gây ra nỗi kinh hoàng, đau thương, mất mát to lớn và cũng để lại không ít những hệ lụy nặng nề cho con người ở nơi đây. Và cũng chính nó - cơn lũ chưa từng có này - đã đi vào lịch sử.
Về tập sách

Thoạt đầu, những người làm báo, với thiên chức nghề nghiệp, họ đã xông xáo, đã "đồng hành" với cơn lũ để ghi lại những gì tai nghe mắt thấy. Dù kịp thời, dù sinh động nhưng những cảm xúc "tươi sống" về cơn lũ qua kênh báo chí cũng chỉ mang tính thời sự và nhất thời giống như con thuyền đi qua sông không để lại dấu vết. Bởi vậy, tiếp đó, lại đến lượt cần những người làm sách, làm sử ra tay "truy cập" phần cốt lõi của vấn đề vào bộ nhớ thời gian. Việc làm sách thời buổi nhiều "nhạy cảm" này cũng thật nhiêu khê, nhiễu sự. Người vô tư, kẻ cơ hội đều có thể nhảy ra "lái sách" theo theo mục đích, ý đồ của mình...

Song, dù sao thì cuối cùng, cái gì hợp lý sẽ tồn tại và cuốn sách "Thừa Thiên Huế - Cơn đại hồng thủy 1999" do tạp chí Sông Hương và Sở Văn hóa Thông tin phối hợp biên soạn đã ra đời. Đây là một công trình có chiều kích, có qui mô đáng kể về hình thức lẫn nội dung. Với sự tham gia của trên 100 tác giả gồm các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh từ Trung ương đến địa phương, tập sách đã phản ánh được một phần không khí và những diễn biến về cơn lũ. Gần 60 bài bút ký, ghi chép, trên 50 bức ảnh và mảng sáng tác gồm 12 bài thơ cùng với 4 ca khúc đã nâng độ dày tập sách lên trên 350 trang in khổ 16 x 24. Kết cấu tập sách cũng phân ra từng mảng như hiện trạng cơn lũ, tình người trong cơn lũ, khắc phục hậu quả sau lũ...

Điều đáng tiếc là tập sách đã không làm được những điêù như tiêu chí của nó được nêu ra từ đầu. Tiêu chí ấy là gì? Khi ý tưởng làm sách tư liệu về cơn lũ giữa tạp chí Sông Hương và Sở Văn hóa Thông tin vừa gặp nhau thì cũng là lúc tạp chí Huế Xưa và nay "dâng sớ" lên tỉnh xin xuất bản một ấn phẩm tương tự. Ở đây, điều này cũng đúng như người đời từng kháo là những tư tưởng vĩ đại gặp nhau! Song, không tiện và không nên cùng một lúc, lại là lúc khó khăn hoạn nạn, nhà nước và nhân dân lại phải bỏ tiền ra in 2 cuốn sách trùng lặp nhau về những thông tin nguội. Vậy nên tỉnh đã kịp thời chỉ đạo cuốn sách do tạp chí Sông Hương và Sở văn hóa Thông tin hợp tác phải là cuốn sách sáng tác mang đặc trưng ngôn ngữ văn học, ngôn ngư hình tượng. Cũng có nghĩa là những gì thuộc về sự kiện, ngôn ngữ sự kiện thì để cho tạp chí Huế xưa và nay làm. Về tiền bạc, tỉnh cũng đã đầu tư cho cuốn sách sáng tác gấp rưởi cuốn sách sưu tầm. Vậy là "lãnh địa" và tiêu chí của mỗi quyển sách đều rõ ràng. Nhưng do điều kiện thời gian eo hẹp, gấp gáp nên rốt cục, cuốn sách do Tạp chí Sông Hương và Sở văn hóa thông tin cùng đứng tên xuất bản đã không làm được như nói. Đứng về quan niệm làm sách mà xét thì cả tập sách chỉ được một số ít bài phù hợp, viết nghiêm túc, công phu, mang dáng dấp cấu trúc tác phẩm. Còn lại phần lớn là "mì ăn liền", viết rời rạc, dễ dãi. Trên 90% bài vở được dùng lại từ những bài báo đã in rải rác đây đó. Nếu nói về giá trị tư liệu thì cuốn sách này còn thiếu mà nói nói về giá trị nghệ thuật thì cuốn sách lại chưa đạt.

Tuy không được như mong muốn nhưng dù sao thì trong điều kiện cụ thể này, có vẫn hơn không và cuốn sách cũng đã được "trình làng". Tùy cơ duyên, tùy mức độ, nó vẫn có thể có ích cho một ai đó, một lúc nào đó.`

T.T
(133/03-2000)



 

 

 

Các bài mới
Gelka (24/03/2010)
Hoa xuyến chi (19/03/2010)
Đón Tết (18/03/2010)
Ba nhạn (18/03/2010)
Mẹ (18/03/2010)
Các bài đã đăng