Tạp chí Sông Hương - Số 133 (tháng 3)
Festival Hue, điểm đến năm 2.000
10:24 | 15/03/2010
LTS: Từ ngày 8/4 đến 19/4/2000, một lễ hội văn hóa nghệ thuật lớn sẽ diễn ra tại Huế. Âm sắc cung đình, Nhã nhạc Huế, Vũ khúc Việt Nam, Múa rối nước, thời trang, thả diều, các vở nhạc kịch của Pháp... sẽ hâm nóng cái không khí của Huế sau cơn đại hồng thủy. Đêm bế mạc, dòng sông Hương thơ mộng sẽ bừng sáng nhờ những chiếc đèn thả trên sông.
Để có thêm những chi tiết cụ thể hơn, chúng tôi xin giới thiệu bài phỏng vấn của Đỗ Hằng với ông Lê Viết Xê, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2.000.


PV: Tổ chức Festival Huế 2000 với một khoản đầu tư chi phí không nhỏ giữa lúc nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung để khôi phục nền kinh tế sau trận lũ lịch sử vừa qua. Điều này, phải chăng là đi ngược lại với mong muốn của nhân dân Huế?

Ông Lê Viết Xê (LVX): Đúng là Huế đang vất vả khôi phục những hậu quả nặng nề của trận lũ lịch sử vừa qua. Việc tổ chức Festival này là một dự án đã được chuẩn bị từ cách đây nhiều năm. Tại thời điểm này đây, trong bộn bề công việc sau cơn lũ, tôi nghĩ rằng: sự ấm cúng, náo nhiệt của lễ hội sẽ thổi cho Huế ngọn lửa sinh khí mạnh mẽ, làm bùng lên sức sống cho người dân quê hương tôi. Và một điều quan trọng hơn là với Festival này, sẽ thu hút lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Huế. Một cách gián tiếp, sẽ tạo ra công ăn, việc làm và nguồn thu nhập từ du lịch và dịch vụ đem lại cho Huế. Hơn thế nữa Festival sẽ nâng cao vị thế và uy tín của Thừa Thiên Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung, biết vượt lên trên khó khăn, vượt lên trên chính bản thân mình làm cái gì đó có ý nghĩa cho sự hồi sinh của quê hương.

PV: Nói như ông, có nghĩa là Festival Huế 2000 này nhằm vào mục đích kinh tế?


LVX: Kinh tế chỉ là thành quả của hoạt động này. Điều đáng nói đây sẽ là một liên hoan mà qua đó, mọi người có thể hiểu biết lẫn nhau. Khách du lịch trong nước và khách du lịch quốc tế sẽ có cơ hội để khám phá nghệ thuật sống, văn hóa truyền thống của người Huế, các bản sắc văn hóa của quan họ Bắc Ninh, lễ hội của người dân Tây Nguyên, cũng như múa xòe của Việt Bắc, các tiết mục đặc sắc của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các đoàn Trung ương... Đồng thời sự giao thoa với văn hóa Pháp thông qua vở kịch "Triton" của đoàn nghệ thuật DCA. Sự kết hợp nhuần nhuyễn của các loại hình nghệ thuật: kịch, múa, nhạc và xiếc trong vở "Vì người mà tôi làm vậy" của đoàn xiếc Le Cirque Deacordé và vũ điệu "Giai điệu thời gian" của đoàn nghệ thuật Ballet Anlantiaue dưới sự chỉ đạo của biên đạo múa Régin Chopiot sẽ giúp cho người dân Việt Nam có thêm những hiểu biết về văn hóa Pháp.

PV: Điều đó có nghĩa là Festival Huế 2000 tập trung vào loại hình du lịch văn hóa?

LVX: Và du lịch sinh thái nữa. Bên cạnh những chương trình mang đậm bản sắc văn hóa như: Âm sắc cung đình Huế giúp cho người xem những cảm nhận về thế nào là nghệ thuật múa tế lễ, chúc tụng trong cung đình và tiếp đãi sứ thần; Nhã nhạc Huế; Múa rối nước; Thả diều; Tham quan lăng tẩm, thăm bãi biển Lăng Cô, Cảnh Dương, Bạch Mã thăm các vườn rau xanh, thăm nhà vườn, vườn chùa Huế... Một trong những lợi ích mà Festival mang lại cho Huế phải kể đến việc khôi phục các nhà di sản.

PV: Nhà di sản?


LVX: Đó là dự án kết hợp với vùng Llille của Pháp. Thông qua sự bảo trợ của UNESCO, phía Pháp sẽ chuyển giao cho ta quy trình phục chế các nhà cổ, đã xuống cấp nghiêm trọng thành các nhà di sản. Bước đầu sẽ có 5 ngôi nhà được phục chế để đưa vào hệ thống nhà di sản trong tour giới thiệu với khách. Tại thời điểm này đã phục chế xong một ngôi nhà ở phường Thuận Lộc. Về lâu dài, quy trình phục chế này sẽ được chuyển đến cho dân chúng để họ có những hiểu biết về sửa chữa chính ngôi nhà của mình cho phù hợp với cảnh quan của cố đô Huế, tránh đi những hiện tượng trùng tu, sửa chữa bừa bãi làm phá đi kết cấu cổ. Ngoài việc hỗ trợ về kỹ thuật, dự án này cũng trích kinh phí cho vay tín dụng dài hạn với lãi suất thấp để người dân có chi phí sửa chữa nhà. Điều đó sẽ góp phần nâng tầm của văn hóa Huế một cách toàn diện. Những hoạt động này sẽ góp phần một cách hữu hiệu và thực tế vào việc thu hút khách du lịch đến với Huế.

PV: Ẩm thực là một trong những nét đặc trưng của văn hóa Huế, nhưng dường như trong dự kiến chương trình là chưa có?


LVX: Vào bốn đêm 8, 11, 14 và 17/4 sẽ có tổ chức dạ tiệc tại sân điện Cần Chánh trong Đại Nội. Đó sẽ là những đêm dạ tiệc với trang phục đại lễ trong cung đình, những chiếc đèn lồng, bàn tiệc trên nền nhạc cung đình và những trò nhào lộn, tung hứng đầy ấn tượng của đạo diễn Philippe Decouplé. Sẽ chỉ có 4 đêm đại tiệc, còn để thưởng thức ẩm thực Huế, khách du lịch sẽ được giới thiệu đến các nhà hàng, các khu nhà vườn. Trong không khí ấm cúng của gia đình, sự thoáng đãng, trầm tĩnh của không gian vườn tược thì khách du lịch sẽ được cảm nhận một cách chân thực nhất "Ẩm thực Huế".

PV: Được biết, Festival Huế sẽ trở thành một hoạt động thường niên điều đó có đúng không thưa ông?

LVX: Mong muốn của tỉnh chúng tôi là xây dựng Huế thành một Thành phố Festival. Festival Huế 2000 sẽ là cuộc tập dượt đầu tiên mang tầm quy mô quốc gia và quốc tế. Trong dự kiến chúng tôi sẽ đưa nó thành họat động thường niên vào khoảng tháng 4. Đó là thời điểm mà khí hậu của Huế đẹp nhất, không quá nóng và không mưa. Sang năm 2001, có thể một quốc gia châu Á sẽ là đơn vị phối hợp tổ chức. Thời gian sẽ cố định vào tháng 4 còn chủ đề có thể thay đổi cho phù hợp.

PV: Với quy mô như vậy, liệu khách du lịch có phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để tham gia Festival?

LVX: Chủ trương của chúng tôi là tổ chức Festival cho tất cả mọi người đều có thể tham gia. Sẽ có những chương trình miễn phí phục vụ đại chúng vào buổi khai mạc, bế mạc, các hoạt động văn hóa như thả diều, đua thuyền trên sông Hương..., những tour đi thăm lăng tẩm, điện Hòn Chén, vườn rau, nhà vườn... sẽ chỉ thu khoản tiền hợp lý. Riêng chương trình "in" trong Hoàng thành Huế có cả dạ tiệc thì giá cả có cao hơn nhưng vừa túi tiền của khách trong nước và nước ngoài đến dự Festival.

Festival là một cuộc chơi đầy chất văn hóa, nghệ thuật, chúng tôi cố gắng tổ chức hoành tráng, chất lượng, ấn tượng nhưng phải hiệu quả và tiết kiệm.

Tôi hy vọng rằng Festival Huế, điểm đến năm 2000 của mọi người.

ĐỖ HẰNG thực hiện



Một số hoạt động văn hóa du lịch

Festival Huế 2000


Festival Huế 2000 là một lễ hội văn hóa nghệ thuật lớn có quy mô quốc gia và tính quốc tế, nhằm phát huy những giá trị văn hóa Huế và văn hóa Việt Nam, thu hút sự tham gia của các vùng văn hóa tiêu biểu ở Việt Nam (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Tây Nguyên, Việt Bắc...) và đông đảo công chúng trong nước, gắn với mở rộng giao lưu quốc tế, phát triển du lịch, góp phần thực hiện chương trình quốc gia về du lịch Việt Nam năm 2000, từng bước tiếp thu công nghệ tổ chức Festival quốc tế, tiến tới xây dựng Huế trở thành một "thành phố Festival" có tính đặc trưng của Việt Nam.

Festival Huế 2000 khai mạc vào tối ngày 8/4/2000 và bế mạc vào ngày 19/4/2000. Trong 12 ngày Festival, chương trình sẽ phân thành 4 tour, mỗi tour 3 ngày với các hoạt động nghệ thuật và du lịch sôi động.

Các chương trình văn hóa nghệ thuật được tổ chức thành hai loại: chương trình có chất lượng cao của nghệ sĩ Pháp, nghệ sĩ Huế, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Bắc Ninh diễn ra hằng đêm tại Đại Nội (chương trình "IN") và chương trình văn nghệ đa dạng của công chúng diễn ra ở nhiều địa điểm văn hóa (chương trình "OFF")

I. LỄ KHAI MẠC ĐÊM HỘI CỐ ĐÔ

Khai mạc Festival Huế 2000 là "Đêm hội Cố đô" diễn ra tại quảng trường Ngọ Môn trước Hoàng cung Huế rực sáng về đêm, với sự chứng kiến của hơn hai vạn công chúng. Khoảng 500 nghệ sĩ và sinh viên, học sinh Huế sẽ đồng diễn nghệ thuật, dựng lại vẻ đẹp truyền thống của văn hóa Huế và sự hội nhập của Huế với bạn bè Việt Nam và quốc tế, chào đón thiên niên kỷ mới.

II. CHƯƠNG TRÌNH "IN" TẠI HOÀNG THÀNH.

* Các chương trình Việt Nam.

1. Âm sắc Cung đình Huế.

Nhưng vũ khúc Cung đình Huế là di sản nghệ thuật độc đáo của Cung đình Việt Nam còn được lưu giữ có hệ thống tại Cố đô Huế, thể hiện sự phát triển nâng cao nghệ thuật múa hát cổ truyền của người Việt, Âm sắc Cung đình Huế sẽ gợi nhớ về những vẻ đẹp truyền thống của múa tế lễ, chúc tụng, tiếp đãi sứ thần ở kinh đô xưa.

2. Nhã nhạc Huế.

Lễ nhạc Cung đình Huế với hệ thống "Đại nhạc" và "Tiểu nhạc" (Nhã nhạc) là loại hình âm nhạc đặc sắc nằm trong hệ thống Nhã nhạc phổ biến ở các triều đình Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc ngày trước. Nhã nhạc Cung đình Huế còn có sắc thái riêng, rộn ràng, uyển chuyển mà rất uy nghiêm, trầm hùng sẽ được trình tấu trong không gian hoành tráng của Hoàng cung.

3. Vũ khúc Việt Nam.

Văn hóa Việt Nam thống nhất trong sự đa dạng, phong phú của nhiều vùng văn hóa. Vũ khúc Việt Nam sẽ giới thiệu những vũ khúc đặc trưng của các miền Bắc, Trung, Nam với những hình thái múa dân gian của người Việt và các dân tộc thiểu số anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

4. Múa rối nước Hà Nội:

Nước không thể thiếu vắng trong không gian phong cảnh sơn thủy hữu tình ở Việt Nam. Nước vừa là yếu tố bất trị vừa là nhu cầu thiết yếu cho nghề trồng lúa.Với quan niệm như có đặc tính thanh tẩy, nước được sử dụng trong các nghi thức, nghi lễ, nghệ thuật múa rối nước đã từ đó hình thành và có mặt ở khắp các vùng châu thổ miền Bắc Việt Nam. Những con rối được chế tạo thủ công bằng gỗ sung, được điểu khiển với một hệ thống phối hợp sào, que và dây nhợ. Người nghệ sĩ ngâm mình trong nước để điều khiển một cách tài tình.

5. Thời trang áo dài của nhà tạo mẫu Minh Hạnh, thành phố Hồ Chí Minh:

Chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam là một trong những biểu tượng của bản sắc văn hóa dân tộc. Nhà tạo mẫu Minh Hạnh đã làm chiếc áo dài sinh động và đẹp hơn trong đời sống hiện đại bằng những loại hàng vải mới đương thời.

6. Dàn nhạc truyền thống Phong Lan - Hà Nội.

Những nhạc sĩ của dàn nhạc Phong Lan đã khai thác sống lại sự phong phú của làn điệu: Làn điệu vui tươi rộn ràng của phương Bắc, làn điệu sâu lắng trầm buồn của phương Nam. Bên cạnh nhạc cụ truyền thống quen thuộc của người Kinh, còn có thêm những nhạc khí bằng tre độc đáo của các dân tộc vùng Tây Nguyên miền Trung Việt Nam.

7. Quan họ Bắc Ninh

Hằng năm, lễ hội quan họ được tổ chức tại làng Lim, tỉnh Bắc Ninh vào ngày 13 tháng giêng. Những người hát quan họ trong trang phục lễ hội vừa hát vừa trò chuyện theo lối hát đối, với một vốn liếng những bài hát được truyền khẩu. Khách và chủ ứng đối qua lời ca tiếng hát ngay cả trong lúc tiếp đãi qua lại.

* Các chương trình phía Pháp

1. Vở "TRITON" là vở kịch thứ ba của vở cùng tên được soạn lại vào năm 1990. Xiếc đã hấp dẫn đạo diễn Philippe DÉCOUFLÉ một cách tự nhiên và hấp lực này đã có từ thời ông tham gia trường phái Fratellini. Sân khấu chỉ là một sàn diễn của những hoạt cảnh liên tục với những nhân vật vui nhộn, không hẳn chỉ là chú hề, người đi dây hay nhào lộn. Nhưng tiết mục có hương vị khác thường mà sự gợi nhớ lại đắm mình vào một loại hài nhuốm màu hoài cảm.

2. "Giai điệu thời gian" (La dance du temps) với đoàn nghệ thuật Ballet Atlantique của Régine Chopinot.

Nhận thức về thời gian là suy nghĩ thiết thân nhất của biên đạo múa ba lê Régine CHOPINOT. Thế kỉ XX kết thúc để nhường lối cho thiên niên kỷ thứ 3 đã là một nguồn cảm hứng cho bà để viết tác phẩm "giai điệu thời gian" với ba thành phố cơ bản: nhạc của nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết, tác phẩm điêu khắc của Andy GOLDSWORTHY và quan niệm về nghệ thuật múa của riêng bả. Để cấu thành nhịp điệu và các bước chuyển mạch, Régine CHOPINOT đã tận dụng nhiều loại hình: đi,chạy, nhảy, ngã, xuất thần và cả sự bất động.

3. "Vì người mà tôi làm vậy" (C'est pour toi que je fais
Ça) do Đoàn xiếc Le Cirque Déacordé.

Theo Guy ALLOUCHERIE, biểu diên vở "Vì người mà tôi làm vậy" là thách đố với trọng lực, đối đầu với sự ngưng đọng trĩu nặng ở vạn vật, tạo ra cảm giác nơm nớp sợ hãi, chóng mặt. Vì vậy, một chiếc đu quay vừa cho phép nhào lộn lại vừa là một màn thách đố hồi hộp, kết hợp qua nhiều loại hình nghệ thuật: Kịch, vũ, nhạc và xiếc mà hình thái mãnh liệt không nhằm phô trương một kỳ công mà lại gợi lên tính bi tráng.

4. Dạ nhạc tiệc:

Những chiếc lồng đèn sặc sỡ, những trang phục đại lễ, những bàn tiệc đẹp mắt trong âm hưởng của nhạc cổ truyền Việt Nam sẽ gợi nhớ về không khí thanh nhã và hài hòa của những dạ tiệc trong Cung đình Huế, kết hợp với lối dàn dựng đầy ấn tượng của Phillippe Découflé sẽ tạo ra một dạ nhạc tiệc thú vị, độc đáo, hấp dẫn.

III. CÁC CHƯƠNG TRÌNH THAM QUAN DU LỊCH:

1. Tham quan lăng tẩm Huế

Những vị hoàng đế nổi tiếng nhất của triều đại nhà Nguyễn đã đặc biệt quan tâm đến nơi an nghỉ cuối cùng của mình và ngày nay lăng tẩm của các vị nằm trong số những danh lam thắng cảnh bậc nhất của Kinh thành Huế. Vòng tham quan sẽ đi qua các lăng Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định... Giới thiệu về lăng cũng sẽ là dịp thuật lại sự nghiệp của các vị hoàng đế với nhân cách rất khác nhau trong bối cảnh của tư tưởng và thuật phong thủy phương Đông.

2. Lễ hội Điện Hòn Chén bên dòng Hương Giang.

Điện Hòn Chén là ngôi đền thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na theo truyền thống thờ Thánh mẫu của người Việt Nam và Chămpa xưa. Hằng năm, vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch là lễ hội lớn với đám rước bằng thuyền trên sông có hàng ngàn người hành hương trong điệu múa lễ và tiếng hát hòa quyện. Chuyến tham quan ngược dòng Hương Giang sẽ là dịp viếng thăm ngôi cổ tự với những nghi thức tín ngưỡng dân gian độc đáo.

3. Dạo thăm các vườn rau xanh của Huế

Những vườn rau xanh của Huế có nét hấp dẫn và thi vị. Để tô điểm thêm cho các vườn rau mà không làm biến dạng, các nghệ sĩ của đoàn Le Phun đã hình dung ra một tuyến đi dạo vui nhộn mà không tốn thời gian, cho phép du khách có những khám phá bất ngờ và hướng đến một loại hình du lịch sinh thái độc đáo. Du khách theo từng nhóm nhỏ sẽ lên đường vào lúc rạng đông hay lúc hoàng hôn để thưởng ngoạn vể đẹp hài hòa của các vườn rau xanh.

4. Tham quan nhà vườn và thưởng thức các món đặc sản Huế.

Những căn nhà xưa cổ của kinh thành nằm khuất trong những khu vườn lộng lẫy đầy cây ăn trái, được tô điểm với những bonsai, giò lan và nhiều chủng loại hoa đến từ khắp các miền đất nước. Theo chuyến tham quan du khách được dẫn dắt vào một loại không gian xanh được trau chuốt, được thưởng thức các món ăn nấu theo lối Huế và khám phá nghệ thuật sống của người dân Cố đô.

5. Đua thuyền.

Những chiếc thuyền đua với khoảng 12 chèo lại lướt đi trên dòng Hương Giang. Những cuộc đua thuyền lại là dịp thi thố gay go trên từng chặng đua giữa các tay chèo, nam có nữ có. Thuyền vượt qua mỗi chặng đua lại là một dịp cho các cổ động viên reo hò cổ vũ náo nhiệt.

6. Nghệ thuật chơi diều

Diều đã rợp cánh trên bầu trời Việt Nam từ thời vua chúa. Nhiều cuộc biểu diễn thả diều rầm rộ đã được tổ chức và dịp Tết hay Trung thu. Truyền thống chơi điều đã được lưu truyền tại Huế nhờ vào tài năng của một số nghệ nhân diều nổi tiéng, vốn thừa kế truyền thống này từ cha ông. Người nghệ nhân ngày nay vẫn sử dụng những vật liệu bình thường như giấy, tre nứa và chỉ lụa dể chế tác những con diều sáo. Và rồi hàng đàn diều khoe sắc tung bay bên nhau, bướm cỏ, phụng có, rồng có và bao con chim kỳ hiếm khác.

IV. LỄ BẾ MẠC: ĐÊM HOA ĐĂNG

Thả đèn trên dòng Hương Giang là một nét truyền thống từ bao đời của Cố đô Huế. Lễ bế mạc Festival Huế 2000 lấy nguồn cảm hứng từ truyền thống vốn có của Kinh thành để tạo hình cho đêm kết thúc lễ hội. Sông Hương được thắp sáng với hàng trăm chiếc đó mang theo những "chậu nến" sẽ xuôi dòng trong tiếng nhạc hòa quyện với hàng vạn ngọn đèn "hoa đăng" Huế lung linh trong đêm.

V. Bên cạnh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và du lịch khám phá nghệ thuật sống, Festival Huế 2000 còn có nhiều sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đa dạng của công chúng Huế, với sự góp mặt của các nghệ sĩ từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn, với nhiều điểm biểu diễn nghệ thuật, triển lãm tranh, ảnh trưng bày và bán hàng thủ công mỹ nghệ, văn hóa phẩm... đặc trưng của Huế và Việt Nam.

(133/03-2000)


Các bài mới
Gelka (24/03/2010)
Hoa xuyến chi (19/03/2010)
Đón Tết (18/03/2010)
Ba nhạn (18/03/2010)
Mẹ (18/03/2010)
Các bài đã đăng